Ngoại của con – Bút ký của Nguyễn Đại Duẫn

337

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một ngày đầu xuân, gia đình tôi cùng về thăm ngoại của con. Tiếng chim ríu ran trong bụi tre trước vườn nhà ngoại như báo hiệu một ngày đẹp trời. Nhà ngoại của con nằm bên dòng sông Long Đạị. Sau mỗi mùa oằn mình với con lũ thường niên, dòng sông giờ đây trở nên trong xanh, hiền hòa. Bóng cây phượng vĩ đầu ngõ đang rủ mái đầu xanh xuống dòng sông, như đang khoe dáng, khoe sắc với thiên nhiên. Một bức tranh thủy mặc nơi thôn quê lung linh trong gió.

Quê ngoại của con là làng Long Đại, xã Hiền Ninh. Phía Nam làng là dòng sông Long Đại uốn lượn chạy dài từ đầu Tây làng đến cuối Đông làng. Phía Tây làng là con đường 15A cũ (nay được nối với đường Hồ Chí Minh), phía Bắc làng là cánh đồng bát ngát lúa, ngô và những giàn mướp đắng ngút ngắt. Sông Long Đại bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy theo hướng Đông Bắc tạo ra một đồng bằng màu mỡ hẹp bởi các bờ của nó. Sau đó, nó gặp sông Kiến Giang và cùng nhau hợp thành sông Nhật Lệ đỗ ra Biển Đông tại Đồng Hới. Bắc qua sông Long Đại là chiếc cầu Long Đại Đông Trường Sơn chạy song hành cùng cầu đường sắt Thống Nhất với chiều dài 178m (dài nhất Đông Nam Á những năm 70 của thế kỷ XX) như chiếc cần cẩu khổng lồ nối đôi bờ Nam Bắc. Bến phà Long Đại xưa là một trong 7 di tích lịch sử cấp Quốc gia của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại cũng là một điểm đến trên hành trình thăm lại chiến trường xưa của các Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong. Ngày nay là một điểm tham quan du lịch khá nổi tiếng và mang nhiều ý nghĩa của tỉnh Quảng Bình. Làng Long Đại trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã ghi dấu những chiến công hào hùng, hiển hách của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đầy cam go và ác liệt.

Ông, bà, cháu, chắt gặp nhau tíu tít hàn huyên hỏi thăm sức khỏe, làm ăn sau những biến cố về dịch bệnh, thiên tai. Bà cố dắt mấy đứa chắt ra vườn ngắm những luống rau đẫm sương đang non xanh, mơn mởn. Tuy đã nhiều tuổi nhưng bà vẫn còn cắm cúi vườn tược, vui thú tuổi già. Vườn nhà trồng đủ thứ cây. Nào là chuối, đu đủ, rau cải, đậu cô ve, rau mùi… mỗi thứ một ít cũng đủ dùng. Thích nhất là luống cà chua đang xòe những nụ hoa vàng năm cánh, những quả tí xíu như viên bi chai đeo lủng lẳng trên cành trong thật vui mắt.

Ảnh Cụ ông

Ông nhạc phụ lấy tấm chiếu nhựa trải  giữa nhà rồi bày mâm rượu. Hai bố con nhâm nhi với những câu chuyện đầu năm mới. Rồi như có ít hơi men, những kỉ niệm về cuộc đời của ông bà, kỷ niệm miền quê một thời lửa đạn ùa về.

Nhạc phụ tôi là ông Phan Công Nông  năm nay đã 93 tuổi và nhạc mẫu là bà Trần Thị Nguýt  ở tuổi 94. Tuy  tuổi cao nhưng ông bà còn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhạc phụ cho biết, có được sức khỏe như bây giờ là do lao động, rèn luyện hợp lí, ăn uống điều độ, tinh thần sảng khoái vui vẻ và không hút thuốc lá.

          Thời trẻ, cha mẹ mất sớm nên ông bà phải vất vả kiếm sống. Bao nhiêu công việc nặng nhọc đều đổ lên vai của người anh cả, chị dâu trưởng. Hai người đã bươn chải với cuộc sống lên rừng xuống biển, trốn tránh bom đạn của giặc Pháp, nuôi 5 người em ăn học rồi dựng vợ, gả chồng cho họ trong hoàn cảnh thiếu đói quanh năm. Chưa hết, ông bà lại gồng mình nuôi bảy người con trong chiến tranh ác liệt của giặc Mỹ.

          Hai bố con đang chuyện trò say sưa, nhạc mẫu bưng lên những dĩa thức ăn đang bốc hơi, thơm lừng. Nhìn mâm đồ nhậu, cầm li rượu trên tay, nhạc phụ nói: “Hôm nay có được cuộc sống yên bình, có những bữa ăn ngon mà lòng ngậm ngùi không quên những năm tháng cơ hàn đã qua. Các con cần phải biết để ghi lòng tạc dạ với những gian nan, vất vả, tình thương yêu  của ba mẹ, để biết vươn lên trong cuộc sống, sánh vai cùng anh em bạn bè, để ba mẹ vui lòng”. Rồi giọng ông lắng xuống: “Lúc ba còn nhỏ được cha mạ nuôi ăn học, rước thầy về trong nhà dạy học cho đến khi đi thi yếu lược (tương đương lớp 1-3 bây giờ). Và sau đó học đến bậc “École primaire” (tương đương bậc tiểu học bây giờ), taị Trường Xuân Dục (xã Xuân Ninh). Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay Nhân dân, niềm vui sướng trào dâng trong lòng mỗi người dân. Tháng 7 năm 1946, ba đi thi Primaire tại Đồng Hới để học lên. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì tháng 3/1947 giặc Pháp trở lại đánh chiếm Đồng Hới các trường, lớp đều giải tán nên ba trở lại nhà. Tại quê nhà, giặc Pháp về đóng đồn ở thôn Trần Xá xã Hàm Ninh và lô cốt ở Đuồi Diện thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh. Ngày đêm chúng đi càn quyét bắn giết người khả nghi Việt Minh, vơ vét của cải. Làng xóm tiêu điều, xơ xác.  Lúc này bà con làng xóm có người phải vào rừng sâu, có nhà phải sơ tán hai bên bờ sông dựa vào sườn núi. Có gia đình bồng bế con cháu, gồng gánh lên Trường Sơn để lánh nạn. Ông nội các con sắp xếp đưa cả nhà lên Khe Lùi, Bãi Cơm, còn ông ở nhà một mình bám vườn, coi sóc nhà cửa. Ngày 29 tháng 3 năm 1947(mồng 7 tháng 2 âm lịch), địch đi càn sang làng ta. Tiếng súng, lựu đạn nổ ì oàng cả xóm. Trên trời máy bay oanh tạc thả bom. Chúng nghi ngờ Việt Minh trên chiến khu về làng. Ông nội lúc đó không tránh kịp bị thương, chạy theo giao thông hào xuống xóm Ngư Thủy (xóm Sáo), rồi nằm cạnh hầm trú ẩn và qua đời (hưởng dương 53 tuổi- 1894 -1947).

          Năm 1949, sau khi mãn tang ông nội, bà nội quyết tâm cho ba đi học lên bậc trung học để mong làm nên sự nghiệp.  Lúc bấy giờ ở huyện Tuyên Hóa có Trường Phan Bội Châu mới mở. Anh rể là Ngô Cáo, (chồng chị thứ hai) góp ý nên ra học ở đó. Ba cùng với một số người trong huyện đi học nên thuê voi người Vân Kiều chở hàng hóa, tư trang còn người lẽo đẽo đi bộ hết 9 ngày. Đường rừng núi âm u, đèo dốc. Vượt qua Cửa Tràng (xã Trường Sơn), ra Cà Ròong (Bố Trach), về Đồng Lê đến Minh Cầm (Tuyên Hóa) để học. Lúc đó còn nhỏ, nhớ nhà cuộc sống vất vả, ăn nhờ ở đậu nhưng ba vẫn cố gắng vượt qua, chăm chỉ học hành. Nhưng rồi được tin ở Hoa Thủy, Mỹ Đức huyện Lệ Thủy mở trường, thấy thuận tiện nên ba xin về đó để học cho gần nhà. Khi về đến xã Trường Sơn hôm trước, hôm sau các anh liên lạc ở Bến Lùi lên báo tin bà nội ốm nặng đã đưa lên bệnh viện dã chiến khu ở chiến khu của huyện đóng tạ Bến Tiêm (xã Trường Sơn). Ngày sau lại được tin bà đã mất đưa về Kim Sen (xã Trường Xuân) chôn cất. Đó là năm 1949. Khi ba và o thứ hai (là Phan Thị Trong) về dến Kim Sen thì không thấy ai cả, chỉ thấy nấm mồ lù lù đất mới. Trời đất như sụp đổ. Hai chị em ôm nhau khóc ròng rã. Cha đã mất khi em út còn trong bụng mạ, chừ em mới được 2 tuổi mạ cũng vội vã ra đi không lời dặn dò, không lời từ biệt. Trời ơi! Một đàn em thơ nhỏ dại biết sống sao đây? Ba đành bỏ học, chịu khó, chịu khổ dắt díu một đàn em 5 người nhỏ dại cùng nhau tập tành làm ăn”. Kể đến đây ông cầm ly rượu nhấp ngụm nhỏ như giấu đi giọt nước mắt đang chực rơi xuống.

Mẹ vợ ngồi bên lắng nghe, giọng xúc động, thêm vào: “Khổ lắm con à. Năm 1949, Việt Minh phát động phong trào về đồng bằng để hoạt động nắm thời cơ diệt địch, tề điệp. Bọn giặc Pháp cùng ngụy quân, tề điệp theo dõi tìm cách quấy phá. Chúng đưa ca nô cho quân đổ bộ lên làng ta bắn giết trâu bò, cướp của. Cùng năm đó chúng cho lính đốt hết nhà cửa nhằm làm mất chỗ dựa của Việt Minh. Làng bị cháy rụi không sót nhà nào. Người dân phải gồng gánh, dắt díu nhau đi trốn, đi sơ tán lên Bến Huyện dọc sông Long Đại, làm lán trại sau đuồi khe. Cái đói cái rét, bệnh tật luôn đeo bám vào cuộc sống của người dân lúc bấy giờ. Mẹ lúc đó cũng tham gia dân quân,du kích, nấu cơm cho bộ đội, làm tiếp tế, cứu thương…”

          Khi bình tĩnh trở lại, bố vợ kể tiếp: “Khi ba đến tuổi trưởng thành, ba tham gia lực lượng dân quân du kích. Luyện tập, canh gác, học mật mã để liên lạc với bộ đội. Rồi tham gia Thanh niên cứu quốc, tham gia tổ thông tin, địch vận, dạy bình dân học vụ. Ngày sản xuất, tối dùng loa bằng mo cau quấn lại hay loa bằng tôn, kêu gọi lính ngụy ở đồn Trần Xá, ở lô cốt Đuồi Diện quay súng đánh Pháp về với Nhân dân.

          Thấy hoàn cảnh khó khăn, các em còn nhỏ dại mà ba phải đi công tác thường xuyên nên mọi người động viên ba lấy vợ để lo toan cuộc sống cho gia đình. Năm 1952, ba cưới vợ. Thế nhưng chưa được mấy tháng, vợ đau ốm qua đời, nỗi mất mát này chồng lên nỗi đau khác. Rồi o Nại (em kế ba) đi lấy chồng, gia đình lại càng neo người làm. Cuộc sống túng quẩn làm cho ba không biết nghĩ cách nào hơn. Mọi người động viên lấy vợ khác để gánh vác việc gia đình, cho ba rảnh rang lo việc đoàn thể. Thế là “rổ rá cạp lại”, ba kết hôn với mẹ con đây mặc dù bà lớn tuổi hơn. Đó là vào một ngày đẹp trời tháng 11 năm 1954, khi giặc Pháp đã rút quân khỏi Quảng Bình. Lúc đó ba với mẹ cùng có hoàn cảnh giống nhau. Mẹ con cũng là người thiếu thốn tình cảm, gia đình cũng khổ cực. Ba mẹ đã thông cảm hoàn cảnh của nhau về chung một nhà, kề vai sát cánh vượt qua bao khó khăn, tủi hờn, lo toan gánh vác nuôi em, nuôi con trưởng thành đến bây giờ.

          Sau hòa bình lập lại, ba mẹ vào hợp tác xã (HTX), làm ăn tập thể. Năm 1961, nhờ có học hành, có biết ít vốn tiếng Pháp ba được chính quyền địa phương cho đi học bổ túc văn hóa tại Lệ Thủy. Năm 1962, ba đi học lớp y tá và tốt nghiệp y tá sơ cấp tại Đồng Hới.  Sau đó ba về tham gia vào làm việc Y tế thôn bản. Vừa tham gia lao động, vừa chạy chữa chăm lo sức khỏe cho bà con thôn xóm. Rồi năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng “leo thang”, đưa máy bay bắn phá miền Bắc. Chiến tranh chống Mỹ tại quê nhà lúc bấy giờ rất ác liệt. Tại bến phà Long Đại bom đạn máy bay giặc Mỹ bắn phá liên miên suốt ngày đêm không ngớt. Kể từ năm 1965, đến 1972 bến phà Long Đại là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của máy bay giặc Mỹ. Nơi đây có các đơn vị pháo phòng không thường xuyên bắn trả những đợt máy bay Mỹ oanh tạc; nơi đây có nhiều kho lương thực, đạn dược, có bến phà thông bến sông Long Đại, chuyển người, vật tư chi viện cho miền Nam ruột thịt nên bọn “giặc trời” đã dùng mọi cách hòng ngăn chặn mọi hoạt động của quân và dân ta. Tuy chiến tranh ác liệt, cuộc sống vất vả nhưng ba mẹ cũng như bao người dân của thôn quê phải lên rừng khai hoang trồng khoai sắn, rau màu, chăn nuôi, chặt củi. Với tấm lòng thương yêu con, chăm lo cuộc sống gia đình, ba mẹ phải chịu  cảnh “thắt lưng buộc bụng” đã nuôi các con (7 người con) ăn học thành đạt. Lại nhớ, những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ các con một mình gồng gánh đưa mấy đứa còn nhỏ đi sơ tán làng bên Cổ Hiền, rồi sang Nguyệt Áng, lên xã Trường sơn, còn hai chị em lớn hơn đi sơ tán (K8) ở Thanh Hóa. Ở lại quê chỉ có o út với ba. Ba làm y tá thôn, vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu. Những lần máy bay địch thả bom vào trận địa pháo cao xạ của bộ đội, vào hầm trú ẩn của dân, ba đều có mặt, băng bó cấp cứu nhiều người bị thương rồi đưa đi bệnh viện kịp thời. Ngày cũng như đêm không rời túi cứu thương. Người ta nghe kẻng báo động thì vào hầm trú ẩn, ba nghe kẻng báo động phải chạy bộ đến nơi có bom vừa nổ để phục vụ. Ba đã băng bó, hô hấp nhân tạo, cấp cứu cho hàng chục trường hợp các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong và người dân bị thương. Trong khi làm nhiệm vụ, có khi quên cả cơm, gói vài củ khoai nhét bên túi cứu thương, khi nào xong việc mới ăn cho qua bữa. Có lúc hầm của bộ đội bị máy bay dội bom sập, không có dụng cụ phải lấy mũ “cối” hoặc tay để moi đất. Bàn tay rĩ máu, khi băng bó cho thương binh cứ tưởng máu của họ chưa cầm. Tiếng bom địch dội xuống, tiếng pháo cao xạ của ta bắn trả ùng oàng, inh tai nhức óc”. Một chi tiết chắc chưa được ghi chép vào sử sách, được bố vợ kể lại: “Để tránh tổn thất về người, xe chở bộ đội đến đầu làng Long Đại thì dừng lại. Bộ đội đi bộ đến bến đò giả chiến gần nhà mình do ông Phan Bọc đưa đón.  Đêm đêm, ông Phan Bọc cùng  dân quân địa phương chèo đò đưa bộ đội vượt sông. Rồi bộ đội hành quân qua thôn Đồng Tư đến thôn Xuân Dục đón xe, khi xe đã qua phà. Có một vài chiến sĩ bị sốt rét ba phải chăm sóc, tiêm thuốc. Cắt sốt lại vội vả lên đường”. Nhạc phụ vừa kể, vừa trầm ngâm nhìn nhạc mẫu như đồng tình với những cái gật đầu của bà. Tôi như đang tưởng tượng trước mắt mình là những thước phim về một cuộc đời khốn khó mà bố vợ đang chắp nối lại. Lòng tôi cũng nghẹn lại trong nỗi xúc động. Dừng lại giây lát, bố vợ nhìn tôi như muốn kể tiếp. Tôi nhìn ông khẽ gật đầu. Rồi ông kể: “Trong kháng chiến chống Mỹ, bến phà Long Đại là một trọng điểm máy bay địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Bến phà Long Đại là “túi đựng bom” của không quân Mỹ, rồi pháo hạm đội 7 ngày đêm dội vào nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thật như: “Nơi mảnh bom thù dày hơn sỏi đá…/ Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn” (trích trong bài thơ: Đêm hành quân qua phà Long Đại của Vũ Đình Văn). Hàng ngàn dân thường, cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến của tuyến đường “Đông Trường Sơn” đã tham gia chiến đấu để đảm bảo cho mạch máu giao thông được thông suốt. Bến phà là nơi vận chuyển lương thực, súng đạn… góp phần quyết định cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Làng Long Đại ngày đêm bị bom địch cày nát. Làng xóm mù mịt khói bom. Hai bờ Long Đại có hệ thống trận địa phòng không tầm cao, tầm trung, tầm thấp như lưới lửa bủa vây bọn “thần sấm con ma”. Bộ đội chủ lực và dân quân du kích trực chiến ngày đêm đánh trả máy bay địch, bảo vệ bến phà. Gian khổ là vậy nhưng người dân ai cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào cuộc chống Mỹ cứu nước toàn thắng sẽ đến. Và rồi hạnh phúc cũng được vỡ òa. Ngày thống nhất Bắc Nam đã trở thành hiện thực, ngày 30 tháng 4 đi vào lịch sử, đã trở thành một mốc son chói lọi”.

Ảnh Cụ bà

Tuy khổ cực nhưng ông bà đã cố gắng vượt qua để nuôi các con ăn học. Theo cụ ông, chỉ có cố gắng học hành mới có cơ hội thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, vươn lên làm giàu. Một chi tiết mà bố vợ cho biết là: Các gia đình, người ta đựng thóc lúa,  khoai sắn vào chum để tránh bị cháy khi máy bay thả bom . Còn ông cất sách vở các con vào chum để sách vở khỏi bị cháy, các con còn có để học hành. Hạnh phúc lớn nhất bây giờ của ông bà là 5 người con gái và 2 con trai đều học hành, đỗ đạt có người là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Giáo viên…. Và đã xây dựng gia đình, đều làm việc Nhà nước. Các cháu của ông bà giờ cũng đã trưởng thành. Tính đến thời điểm hiện tại (2023) có 14 cháu, 15 chắt nội, ngoại đuề huề vui thú tuổi già.  Hơn 60 năm chung sống, ông bà chưa bao giờ nặng lời với nhau trước mặt con cháu. Đối với lối xóm, ông bà luôn ân cần, tận tâm trong mọi việc nên bà con rất quý mến. Các con cháu thường xuyên quan tâm chăm sóc ba mẹ và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau nên đại gia đình luôn hòa thuận, êm ấm.

Khi về già, cụ ông thôi không làm y tá thôn nữa. Hai cụ về chăm lo vườn tược, vui cùng con cháu. Hơn 30 năm tận tụy với nghề “thầy thuốc”, cụ ông không quản ngại khó khăn vất vả, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của Nhân dân giao cho. Nghỉ việc vì tuổi cao, không có chế độ đãi ngộ, nhưng cụ không một lời ca thán. Cụ bảo: “Mình thiệt thòi một thì những người cầm súng đánh Mỹ thiệt thòi mười, những thương binh, liệt sĩ còn thiệt thòi gấp trăm lần”. Với những thành tích đạt được, cụ ông được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và nhiều bằng, giấy khen khác. Cụ bà được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất,  Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Được thế cũng toại nguyện lắm rồi.

Tuy tuổi cao, nhưng cụ ông vẫn tích cực làm vườn, cụ bà đi chợ, không dựa dẫm nhiều vào con cháu. Vườn hai cụ chủ yếu là vườn chuối, đu đủ và rau xanh mùa nào thức ấy. Thời gian rảnh rỗi, cụ ông làm thơ, hò vè, đọc sách báo cho cụ bà nghe, hoặc cùng bàn luận chuyện chính trị, xã hội…

 Năm 2013, cơn bão lũ làm xói lở đường liên thôn, cụ ông lúc đó 83 tuổi vẫn hăng hái cùng bà con cuốc đất, đổ đá tu sửa lại đường đi. Năm 2016, gia đình hai cụ và các con đã ủng hộ hơn 10 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn. Những năm qua, năm nào gia đình cũng được chính quyền công nhận là “Gia đình văn hóa, hiếu học”, xứng đáng là tấm gương sáng ở địa phương.

Đất nước thống nhất, lịch sử đã sang trang. Thôn Long Đại đã thay da đổi thịt. Cùng với cả nước, người làng quê chăm chỉ làm ăn, cuộc sống ngày càng khấm khá. Nhà cao, ngói mới. Điện, đường, trường, trạm khang trang hiện đại. Tuy giờ đây hai cụ không còn sức cống hiến nhưng tấm lòng hai cụ luôn hướng về nghiệp làm ăn của thôn xóm, của con cháu mà lòng cũng vui theo.

Chiều hè, các cụ trong xóm rủ nhau ra bờ sông ngắm nhìn những chiếc tàu, sà lan chở cát sạn, hàng hóa ngược xuôi. Ngắm nhìn những chiếc thuyền câu, thuyền chài lưới yên ả trên sông, ngắm trời mây thanh bình. Bên ấm trà tỏa hương, các cụ ôn lại quá khứ một thời Long Đại anh hùng mà lòng lâng lâng tự hào.

Trời xế chiều, tôi cùng vợ, con, cháu chia tay hai cụ. Hai cụ lặng nhìn đoàn cháu, chắt trong tình yêu thương trìu mến, đôi mắt ươn ướt. Tạm biệt bố mẹ vợ – ngoại của con – mà  lòng tôi thấy ấm áp lạ thường. Thật vinh dự khi mình là con rể của làng quê Long Đại anh hùng, con rể của hai cụ – những người đã một thời chắt chiu mồ hôi, trí lực cho con cháu rạng danh hôm nay và mai sau.

N.Đ.D