Ngoại tình – Truyện ngắn của Phạm Thị Thanh Hoa

6527

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thương bước ra khỏi cổng Tòa án, cúi mặt bước như sợ ai đó nhận ra mình. Nắng chảy tràn trên người cô như cố hong, cố xua tan cái cảm giác lạnh lẽo vừa xâm chiếm cô lúc nãy.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Nắng đâu có cay nghiệt, có rát bỏng gì đâu. Ấm nóng quá! Thương bỏ ý định khoác áo chống nắng. Người chợt thấy nhẹ nhàng như vừa tự do. Mà tự do thật. Cô thấy mình hết sợ nắng. Hết sợ Bình. Nhưng Bình và nắng thì không giống nhau được! Bình đem lại cho cô cảm giác lạnh quá. Trong đầu cô, đám mây đen cũng bắt đầu có dấu hiệu tan dần, lòng chợt nhẹ bẫng, thoáng đãng. Cái cảm giác như con diều bay cao rướn mãi căng hết cả dây, quằn quại chao lượn vì bị níu kéo nay bỗng nhiên đứt dây, chênh chao thênh thang theo gió… Hết rồi, cái cảm giác nặng nề hôm qua nay đỡ tám, chín phần, trí nghĩ rỗng rãng.

Lúc ra đi, bé Na níu tay mẹ, ngước mắt nhìn mẹ đầy lo lắng, sợ mẹ lại bị đánh như hôm mẹ về nhà bà nội để bàn chuyện công việc. Nó mếu máo:

– Mẹ ơi, hay mẹ cho Na đi với mẹ? Na đi với mẹ thì bố thấy Na sẽ không đánh mẹ đâu!

Thương cười, nhìn bàn tay bé bỏng đang níu chặt lấy ống tay áo mình nghe lòng quặn đau, cô nắm tay an ủi con:

– Không sao đâu con! Hôm nay bố mẹ đi công việc ở một nơi mà bố sẽ không dám đánh mẹ đâu! Na yên tâm ở nhà nhé! Nhớ nghe lời bà, ngoan, đợi mẹ nhé!

Bé Na ngoan, hiểu điều mẹ nói, im lặng gật đầu. Mẹ đẻ Thương ôm lấy cháu, nhìn hai mẹ con bịn rịn mà trong ánh mắt đan dày những sợi đau và xót.  Bà lặng im không nói, chỉ khi Thương quay gót bước ra khỏi ngôi nhà trọ mới dám thả một tiếng thở dài như nấc.

Đoạn đường từ tòa án về đến ngôi nhà trọ của Thương chỉ hơn một cây số. Cô cuốc bộ theo dọc vỉa hè bởi chiếc xe đi làm trước đây là Bình mua cho cô. Ly thân rồi cô không muốn ở lại ngôi nhà đó nữa, cũng chẳng muốn mang thứ gì theo ngoài bé Na. Lúc đầu, mẹ chồng cô, bà Hà và Bình nhất định không cho, nhưng rồi Bình bận đi làm, bà Hà khó đi lại không thể chăm sóc nên phải đồng ý để bé Na theo mẹ. Hôm ra đi, bé Na ôm lấy bà nội mếu máo không muốn rời. Bà Hà giấu những giọt nước mắt sau cánh cửa phòng, trong đôi tay run run ôm chặt đứa cháu nội và đôi mắt vời vợi nhìn con dâu. Đó cũng là một buổi chiều. Nhưng chiều hôm ấy cô còn sợ nắng. Cô sợ Bình, sợ cả ánh mắt hàng xóm nhìn thấy mẹ con cô leo lên chiếc xe ôm đợi sẵn ngoài cửa. Từ khi ra trọ, hàng ngày Thương nhận được hàng tá các cuộc gọi và tin nhắn từ những gã đàn ông từ quen đến lạ, gạ gẫm, tán tỉnh từ ý tứ đến trắng trợn. Những giọng điệu nham nhở, dâm dê khiến cô tởm lợm. Thương chặn hết. Chỉ duy nhất một người đàn ông gọi cho cô nói chuyện tử tế, đó là ông Thắng. Ông gọi cho cô bởi biết cô cần phương tiện đi lại mà ông thì thừa xe.

Nhà ông Thắng ở cuối hẻm gần nhà bà Hà, vợ ông mất đã hai năm mà con ông lại vừa đi xuất khẩu lao động bên Nhật hồi tháng ba. Xe cũ, xe mới, xe đạp, xe máy nhà ông tổng đến bốn cái. Tháng tư vừa rồi, cô út lấy chồng, cũng chỉ mang theo một chiếc mình ông đi sao hết. Ông Thắng là giáo viên về hưu, cũng hay nói điều hơn lẽ thiệt nên trong hẻm ai cũng vị nể.

Ông Thắng biết rõ chuyện nhà Thương, cũng bao lần khuyên giải cả hai bên nhưng, như Thương nói, hết duyên rồi thì đành chịu thôi. Mấy lần ông Thắng không ngủ trưa đã được chứng kiến cảnh rượt đuổi như phim của hai vợ chồng nhà Thương. Cô vợ chạy trước, anh chồng khi thì cầm gậy, khi thì vác dao chạy đằng sau, vừa chạy vừa chửi vừa hét:

– Mày không đứng lại tao giết!

Nhưng may thay, cô vợ chạy nhanh hơn. Nhiều bữa, cũng chính ông, đã kịp thời mở cổng cho Thương chạy vào nấp trong nhà.  Cũng vì thế mà ông nắm rõ cơ sự nhà hàng xóm. Chồng Thương thì ông biết rõ từ khi anh ta còn nhỏ. Bình bản tính khá hiền. Từ nhỏ tới lớn đến khi lập gia đình hình như anh ta chưa gây sự với ai bào giờ, hàng xóm cũng chẳng để mất lòng. Nhà ai có chuyện gì anh ta cũng nhanh nhạy, nhiệt tình giúp đỡ, không nề hà việc nặng, nhẹ. Lớn lên, Bình học nghề và có một quán nhỏ sửa xe máy ngoài thị trấn nên cả ngày anh ta ở ngoài, ít khi về nhà. Khi yêu Thương, ai cũng mừng. Thương vốn cũng là cô gái hiền lành, xinh xắn lại biết ứng xử rất tế nhị nên được lòng người. Ai cũng bảo đôi lứa xứng đôi. Bà Hà mừng lắm. Bà chỉ có mỗi Bình là con trai nên càng hi vọng hơn. Đám cưới diễn ra sau đó như là điều hiển nhiên. Thương về nhà bà Hà không có việc gì làm ngoài nội trợ. Gì chứ người làm việc nhà thì nhà bà Hà không thiếu. Nhà còn cô con gái cộng với bà nữa là hai, Thương nữa thì nhiều quá, đi ra đi vô chạm mặt hay sinh mâu thuẫn. Biết vậy nên Thương xin nhà chồng cho đi bán hàng cho người ta trên thị trấn. Vừa có thêm thu nhập vừa đỡ va chạm ngứa mắt nên Bình và mẹ đồng ý ngay. Năm đầu tiên, cả nhà vui. Năm thứ hai, vui hơn nữa khi Thương mang bầu. Năm thứ ba, cả nhà tíu tít bận với bé Na. Thương nghỉ làm được mấy tháng rồi đi làm trở lại, giao Na cho bà nội. Ngôi nhà Bình – Thương đầy ắp tiếng cười mỗi khi đêm về. Thời gian thoắt trôi trong yên bình và hạnh phúc. Rồi bé Na đi học, em chồng Thương ra trường, rồi đi làm. Cái nhịp quay của cuộc sống cứ đều đều như quả lắc trong cái đồng hồ gỗ treo trên tường, bình lặng và giản dị. Đôi lúc, Thương nghĩ mình may mắn! Những tưởng cuộc đời sẽ ưu ái cô, cho cô thỏa nguyện về một cuộc sống an hòa như chính tính cách của Thương.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi Hiền, cô em chồng đưa bạn trai về giới thiệu với gia đình. Lần đầu gặp mặt, Thương choáng váng, ngỡ ngàng. Đó là Tuấn, người cũ của cô trước khi lấy Bình. Thương như người mắc ngẹn, nuốt khan mấy bận khi thấy Tuấn nhìn mình với ánh mắt đầy phấn khích. Không ai hiểu được ánh mắt của Tuấn nhìn chị dâu tương lai, trừ Thương.

Thương nhìn thấy cử chỉ đó, có một dự cảm không lành. Máu trong người cô chợt xô đẩy nhau, dồn vào tim, lỗi nhịp. Thương cố làm ra vẻ tự nhiên nhất để chào hỏi nhưng chân tay vẫn luống cuống đến khó chịu. Đã bốn năm rồi không gặp, Tuấn có phần đẹp hơn. Cái vẻ phong tình lãng tử thêm chút già dặn làm cho anh ta có nét cuốn hút rất đặc biệt. Thương quá biết điều đó. Trước đây, cũng chính cô với trái tim trong sáng, ngây thơ đã bị cuốn vào vẻ hấp dẫn chết người ấy mà ôm lòng đau. Dứt ra được khỏi Tuấn là một việc trước đây làm cho Thương đau đớn vô cùng. Khi tin Thương lấy Bình được loan ra, Tuấn từng đến gặp Thương đòi hàn gắn. Nhưng cô cự tuyệt. Cái cảm giác bị phản bội do thói trăng hoa của Tuấn, cô còn lưu giữ trong tâm khảm. Tình yêu đầu tiên mà, ấn tượng sao thể quên! Thương đến với Bình bằng tình yêu giản dị. Tình cũ chỉ còn là kỉ niệm của thời thanh xuân. Vậy mà hôm nay lại gặp lại trong tình huống trêu ngươi. Tuấn nói với người yêu khi mắt chăm chăm nhìn Thương:

– Chị dâu em xinh, dễ thương quá!

Hiền không hiểu ẩn ý đằng sau, cười to báo với Thương. Thương nghe, gai cả ốc, tay chân luống cuống, tai cô nóng bừng lên. Nhưng không phải là cảm giác vui sướng. Sự phẫn nộ cuộn ngầm trong lòng cô, bốc lên trong ánh mắt. Trơ tráo đến thế là cùng! Nhưng rồi phút chốc ban đầu qua nhanh, cô trấn tĩnh lại. Vốn là người tế nhị, cô biết giữ gìn khoảng cách và lời nói để không ai biết. Thương cư xử như một chị dâu đón tin vui từ em chồng, cười nói ý nhị. Mọi người chỉ biết rằng, đó là hai người bạn từng quen biết. Lúc Tuấn ra về, anh ta vòng ra giếng chào Thương không quên thả lại một nụ cười ma mãnh và ghé tai nói nhỏ bên tai Thương:

– Vậy là anh sẽ được gặp em thường xuyên rồi!

Thương khựng người. Tuấn vẫn chưa từ bỏ thói cũ sao? Cô thấy khó chịu trong lòng, muốn nói ra tất cả với Hiền. Nhưng liệu có tác dụng không hay là chỉ làm cho mọi chuyện thêm rắc rối? Trong bữa ăn, thấy thái độ và ánh mắt của cô em chồng, Thương nhìn thấy hình bóng mình ngày xưa, yêu anh ta bằng tất cả những gì mình có, nồng nàn và điên cuồng. Thế giới trong mắt Hiền chỉ còn có anh ta. Thương quyết định im lặng. Bản tính và sự lựa chọn của những người thích an hòa. Cô yêu sự bình yên hơn bất cứ điều gì trên đời.

Sau ngày cưới em chồng, bà Hà than mệt và khó đi lại. Đi khám, bác sĩ bảo bà bị viêm khớp và tiểu đường. Bình bảo Thương:

– Em chịu khó bớt việc, về nhà nội trợ thay mẹ nhé!

Thương đồng ý. Cô là người phụ nữ biết điều, cô hiểu cái điều mà nhiều khi khá nghịch lí ở cuộc sống người Việt: mẹ mình có thể mình không chăm sóc nhưng mẹ chồng thì làm dâu không thể không chăm sóc được. Cái sự phủ định của phủ định ấy là một quy tắc bất biến. Việc bà Hà đau yếu cũng là cớ để Tuấn qua nhà mẹ vợ nhiều hơn và gặp Thương nhiều hơn. Một vài lần không nói làm gì, nhưng hàng năm trời như thế thì cái gì đến nó sẽ đến.

Tuấn tìm mọi cách tiếp cận chị dâu. Ban đầu là những câu nói đùa, rồi những lần phụ bếp, Tuấn xăng xái bên Thương như đứa em rể biết điều. Cả nhà không ai mảy may nghi ngờ. Bà Hà lại cảm thấy vui hơn vì thằng con rể siêng năng, đỡ đần cho con gái phần nào việc nhà. Thêm vài lần bà Hà nhờ đón bé Na khi anh chị bận, Tuấn được mẹ vợ, anh vợ quý mến. Vợ anh ta được dịp tự hào và yên tâm hoàn toàn khi chồng có việc về mẹ. Có ai không tự hào cho được khi chồng siêng việc nhà vợ như thế? Chỉ có Thương càng ngày càng khốn đốn với sự gần gũi ấy. Cô đơn độc trong một cuộc chiến ngầm nhưng không hề lạnh. Cô không thể nói với chồng, càng không thể nói với Hiền bởi thật ra, cô không có bằng chứng. Mà nếu có bằng chứng thật về việc Tuấn cố tình tiếp cận cô thì liệu có ai tin? Tuấn hiểu rõ điều đó hơn cô nên ngày càng tranh thủ. Lần đầu tiên là một nụ hôn nhẹ lướt qua má cô lúc Thương đang rửa chén, anh ta ra rửa tay. Thương bị bất ngờ, kinh hoảng, không kịp tránh. Tuấn nháy mắt với cô rồi đi thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Chẳng có một lời nói nào được nói ra. Cái cảm giác ấm ức, bị coi thường, bị làm nhục trào lên nghẹn ở cổ họng. Thương tức đến đỏ cả mặt nhưng bị trói chặt trong mối mâu thuẫn mình ém nhẹm từ đầu. Lần thứ hai là câu nói thầm thì lúc cô và anh ta đang đứng cạnh nhau nấu ăn trong bếp:

– Em xinh quá! Tôi nhớ em lắm đấy!

Thương giương tròn mắt nhìn Tuấn, trong đáy mắt là cả một sự phẫn nộ không thể thoát ra. Cô bỏ ngang việc bếp vào phòng để nén lại cảm xúc, kiềm chế sự tức giận. Tuấn cố hiểu đấy là một phản ứng tốt của đối phương trong trò chơi của anh ta.

Lần thứ ba là cái ôm bất chợt khi cô vào phòng lấy quần áo cho bé Na, Tuấn giả vờ theo vào mượn xạc điện thoại. Dù đã đề phòng nhưng Thương không nghĩ Tuấn liều lĩnh như thế. Thương giãy dụa và nhanh chóng thoát ra ngoài. Cả nhà không ai biết điều gì xảy ra. Nhưng Thương hiểu điều gì đang xảy ra trong lòng mình. Sự va chạm cơ thể, vòng tay siết chặt, mãnh liệt của Tuấn gây ra dao động lớn trong cô. Kí ức tươi đẹp, cảm xúc nồng nàn của mối tình đầu lướt nhẹ qua tim cô, khứa lên vài vệt đau nhói. Tim hẫng nhịp, bước chân Thương bất chợt như rơi xuống khoảng không mênh mông. Cô thấy ngốt. Con quái vật bản năng kia đang cười nhạo cô. Nó nằm im chờ đợi, vênh váo cho rằng, sớm muộn cô cũng thả nó ra mà thôi. Thương trấn an mình bằng tất cả liệu pháp tinh thần có thể. Đôi tay cố nhuyễn theo nhịp làm việc, đôi mắt cố trong như cũ mà không được. Sau những lần ấy, cô đều cố tránh mặt em rể và trấn tĩnh bản thân mình. Thương hiểu những hậu quả của việc này. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi. Một lần bà Hà từ trong nhà vệ sinh bước ra, bất chợt thấy tay Tuấn đang nắm lấy tay Thương dưới vòi nước rửa chén. Tuấn nhanh trí kêu lên:

– Tay chị bị làm sao vậy? Em coi nào!

Bà Hà nghe vậy, ghé mắt coi bàn tay trắng nõn, đầy bọt của Thương với ánh mắt soi mói, nghi hoặc rồi im lặng vào nhà.

Lần thứ hai cũng là lần bắt đầu cho chuỗi bi kịch của Thương. Trưa hôm ấy Tuấn về đưa thuốc khớp cho mẹ vợ. Nắng gay gắt thế nhưng anh ta chẳng nề hà. Thật ra đó cũng chỉ là cái cớ. Hình ảnh người chị dâu cứ lởn vởn trong đầu Tuấn, cảm xúc cũng vì thế càng mãnh liệt hơn. Cái cảm giác vụng trộm, muốn chiếm hữu cái không phải của mình làm cho anh ta nóng lòng nóng ruột. Trưa yên ả, bà Hà sang nhà hàng xóm có chút việc, bé Na đi học, mình Thương nghỉ trong nhà. Tuấn như bắt được vàng. Chưa có lần nào cơ hội tốt như lần này. Hắn ta xông vào cưỡng ép Thương ngay tại phòng ngủ của cô. Thương vùng vẫy, muốn la hét mà Tuấn bịt miệng, dùng hết sức lực ép cô xuống giường. Phụ nữ mảnh mai như Thương sao chống đỡ nổi sức trai tráng của Tuấn. Nhưng bi kịch cô đâu chỉ có thế? Bà Hà về nhà đúng lúc Tuấn xé được cái áo của Thương xuống khỏi bờ vai, cả người hắn ta đang đè lên cô. Bà há hốc mồm, tròn mắt thất kinh, ú ớ trong miệng, chân đứng không vững phải vịn vào khung cửa. Nghe tiếng, cả Tuấn và Thương quay ra. Thấy mẹ vợ đứng đó, Tuấn bật dậy khỏi giường, lắp bắp chào rồi lao ra khỏi phòng, lên xe về để mặc Thương nằm ê hề trước mặt mẹ chồng. Bà Hà chỉ chỉ tay vào Thương, họng uất nghẹn không nói được. Thương ngồi dậy chỉnh sửa áo, quần, nước mắt lưng tròng, mếu máo muốn phân bua nhưng bà Hà đã xua xua tay, ra hiệu không muốn nghe rồi quay gót. Cái nỗi nhục xen lẫn tủi hổ ập đến, Thương đổ gục xuống giường khóc rấm rứt. Tình ngay lí gian, cái hình ảnh ấy có gì để nói nữa? Cô như bị liệng xuống hố sâu thăm thẳm đầy đá nhọn, những gờ đá sắc cạnh đâm vào cô hàng chục vết buốt nhói. Cô muốn hét lên và co mình lại. Rùng mình, hoảng sợ, cô chợt nhớ ra, phải leo lên khỏi hố đó, phải sống đã rồi mới minh oan được. Thương vùng dậy, vội vàng thay lại đồ rồi sang phòng mẹ chồng. Bà Hà đang nằm. Thương lại gần, ấm ứ muốn nói. Bà xua tay, ra hiệu không muốn nghe. Thương vẫn đứng đó, cô không thể đi được. Đi là chấp nhận, là bỏ cuộc trong việc cố níu giữ bình yên, và cả danh dự bản thân mình. Cái cảm giác ấm ức, oan trái hòa trong cái không khí oi bức, vắng lặng, ngột ngạt của ban trưa làm cho tâm trạng của Thương như bị ức chế hơn.

– Mẹ, con xin lỗi, nhưng sự việc không như mẹ nhìn thấy đâu ạ!

Câu nói của Thương như rơi vào khoảng không vô định, không ai nghe. Một phút trôi qua.

– Mẹ, Tuấn cưỡng ép con!

Tiếng chiếc quạt bàn ù ù khỏa lấp sự im lặng. Bà Hà vẫn không nói.

– Mẹ, con không hề có ý gì, là chú Tuấn quá đáng, con đã chống cự! con… con…

Bà Hà từ từ ngồi dậy, đôi mắt sắc lẻm nhìn Thương như muốn xuyên thấu, lột trần hết trang phục trên người cô:

– Tôi không muốn nghe. Cái mắt tôi thấy rõ, trai trên gái dưới, cô còn muốn minh oan sao? Thằng đàn ông nào thấy gái mà chẳng thèm. Nếu cô không bật tín hiệu xanh cho nó thì nó dám à?

Thương sững sờ. Cô chỉ muốn minh oan để chuyện không đến tai Bình, nhưng không ngờ đến việc bà Hà đang đứng về phía Tuấn. Với bà, từ lâu nay Tuấn là một chàng rể tốt tính. Đành rằng, cơ sự vừa rồi đáng trách nhưng nếu Thương không đồng tình thì làm sao có chuyện được? Thương như là một tội đồ trong mắt bà. Cái cảm giác gai mắt, khó chịu của bà với con dâu từ hôm bà vô tình thấy cái nắm tay bên chậu rửa bát nay còn lớn hơn. Bà Hà cười khẩy nhìn Thương rũ người đứng lặng giữa nhà. Bà nằm xuống giường. Trong sự lạnh lùng đáng sợ của bà là cảm giác xót xa của người mẹ thấy cuộc sống con mình bị tổn thương. Và cả bà nữa. Sâu thẳm trong trái tim bà, người con dâu ấy nào khác con gái bà đâu?

May cho Thương, Bình vẫn không biết. Đúng hơn là bà Hà không nói. Bà thấy lo sợ khi nghĩ đến cảnh con cái đổ vỡ, chia lìa. Trong thâm tâm, Thương thầm cảm ơn mẹ chồng. Những tưởng mọi chuyện sẽ yên bình, nhưng rồi “họa vô đơn chí”. Tuấn tránh mặt trực tiếp nhưng lại liên tục nhắn tin qua hộp thư điện tử của Thương. Những câu, từ nhớ thương tràn ngập trong tin nhắn. Bằng sự nhạy cảm của một người vợ, Hiền để ý thấy Tuấn liên tục nhắn tin với một ai đó, điện thoại thay mật khẩu mới. Trước đây, mật khẩu cũ cô còn xem được, mượn được điện thoại chồng. Có lúc nửa đêm, thấy chồng sáng màn hình bên cạnh. Với cô, Tuấn đôi lúc sao nhãng. Hiền đem tâm sự nói với mẹ. Bà Hà lắng nghe xong, đáy mắt lắng lại một nỗi niềm xon xót. Cái băn khoăn rất đàn bà của Hiền bà quá hiểu. Nhưng bà không thể nói. Để làm gì? Con gái có hạnh phúc hơn không khi hả hờn hả dạ? Sống lâu trong cuộc đời này bà hiểu rằng, không phải cứ thành thật với người khác là tốt. Bà Hà nhìn Hiền, thở dài rồi bảo con gái:

– Đàn ông mà! Đứa nào rồi cũng có tính đó thôi. Con chịu khó chăm chút tí, chín bỏ làm mười, lạt mềm buộc chặt, níu kéo từ từ cho êm cửa ấm nhà!

Hiền nhíu mày. Mẹ nói như Tuấn ngoại tình rồi. Chỉ là cô nghi ngờ thôi. Nhưng Hiền hỏi thêm gì bà Hà cũng lắc đầu.

Chuyện lắng dần.

Thương có thai. Cả nhà ai cũng mừng, trừ Tuấn. Hắn ta ấm ức nhưng lại phải giữ kín trong lòng. Cái công thả lưới bữa giờ của hắn sắp thành công toi. Những tin nhắn mùi mẫn ấy, hắn biết, dù Thương không trả lời, nhưng không hẳn là ghét. Tuấn biết tính Thương lúc còn yêu nhau. Cô hiền lành, chất phác, có phần ủy mị. Cũng đã bao lần hắn lừa cô đi chơi với cô gái khác, Thương biết rồi cũng khóc và mủi lòng cho qua khi hắn lạy lục, van xin tha thứ. Hắn bảo: đó chỉ là phút nông nổi của thằng con trai chưa có kinh nghiệm, ưa vui. Thương tin. Tin bằng niềm tin của một mối tình đầu mãnh liệt và trong sáng cho đến khi Thương bắt gặp hắn ôm hôn một cô gái trong đêm ở một ngõ vắng khi Thương cùng mẹ đi giỗ ngoại về vô tình bắt gặp. Tuấn đứng che cho cô gái khi ánh đèn xe của Thương lướt qua. Tuấn thấy Thương. Sau đó lại là màn kịch cũ diễn lại nhưng Thương lặng im, bình thản đến bất ngờ. Hắn biết giới hạn của tình yêu đã đứt. Trong đôi mắt cô gái ấy ráo hoảnh nhưng ngưng đọng một niềm đau không thể tả. Tuấn tin trong cái nỗi đau ấy vẫn còn ngọn lửa yêu le lói, chỉ cần biết thổi sẽ bùng lên thôi. Dân gian chẳng từng nói, người cũ không rủ cũng tới, đó sao? Thật tình, Thương là người con gái mà Tuấn yêu nhất từ trước tới nay. Hiền chỉ là vợ. Người đàn bà nông nổi như Hiền làm sao giữ được Tuấn? Thương có thai, cái cảm giác bị phản bội bùng lên nung đốt gã phong tình, con mồi lại vuột khỏi tay lần nữa làm cho hắn hung hăng hơn. Không chỉ nhắn tin, mỗi khi gặp mặt tại nhà mẹ vợ, hắn không giấu ánh mắt, cử chỉ dành cho chị dâu. Bà Hà ghìm hắn ta bằng ánh mắt và sự theo dõi. Thương không chỉ né mà còn tỏ ra sợ hãi. Cô nhắn tin cho hắn, xin hắn để cô yên. Tuấn yêu cầu Thương gặp riêng rồi sẽ buông. Thương cả tin lời hắn, coi đó như là một giải pháp mà không biết rằng bi kịch bắt đầu từ đó. Hôm bà Hà đi chơi người chị ở thành phố, bé Na đi học, Thương nghỉ một buổi làm, hẹn Tuấn tại nhà. Cô không muốn xảy ra bất kì điều tiếng gì để cuộc sống gia đình bất an và con cô chuẩn bị chào đời. Tuấn mừng lắm. Hắn ép Thương bằng tất cả những gì có thể. Thương chống cự. Nhưng rồi tình cũ, nỗi đau phản bội, dục tình của người đàn bà ở cái tuổi mặn mà nhất làm Thương buông lơi. Và, chính cái giây phút cao trào ấy, Bình bất chợt về. Trời sét giữa trưa nắng bỏng. Bình lao vào đấm đá như điên dại đôi gian phu dâm phụ. Tuấn chịu vài đòn rồi nhanh chân chạy ra phi xe về mất. Còn mỗi Thương, khi Bình dừng lại cô cũng đã gần ngất đi trên nền nhà, người nằm co như con tôm ôm lấy bụng. Bình sững người. Vợ anh đang mang thai, cái thai mới hai tháng tuổi. Giây phút định thần trôi qua, Bình giơ tay định đỡ Thương nhưng rồi rụt lại, mặc kệ vợ nằm trên nền nhà, anh ta lao ra ngoài. Khi bà Hà về đến nhà, Thương đã lên viện, cái thai đã mất. Đêm đó, rồi hôm sau, hôm sau nữa Bình không về nhà. Anh ta ở lì trên ốt. Thương phải nhập viện để nạo rau còn sót. Nỗi đau, tủi, nhục quấn chặt lấy tâm can. Thương phải nhờ mẹ đẻ lên phụ trong mấy ngày nằm viện, lấy cớ Bình đông khách. Bà Hà dẫn bé Na lên với mẹ hai lần, cả hai lần Thương nắm tay bà khóc không thành tiếng. Người mẹ chồng ấy trở thành chỗ bấu víu chắc chắn của cô. Hiền thỉnh thoảng đáo qua tí, tỏ lòng thương cảm cho chị dâu. Cả hai mẹ con không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ngày xuất viện, Bình về nhà, lạnh lùng chìa lá đơn li hôn. Thương như chết đi sống lại giữa những nỗi đau thể xác và tinh thần. Cô quỳ xuống xin chồng nghĩ lại, nước mắt chan hòa. Bình cười khẩy:

– Cô giết con đấy! Còn cả gan xin sao?

Thương đau đớn đến tận cùng. Bà Hà ngỡ ngàng tra hỏi. Bình không nói. Thương càng không. Nhưng rồi, sự vắng mặt của Tuấn trong những dịp trọng đại, và cả ngày thường, làm cho bà lờ mờ hiểu cơ sự. Từ đó chuỗi ngày hành hạ của Bình dành cho vợ bắt đầu. Anh ta không tiếc lời mạt sát, không ngại ngần thượng tay, hạ chân với Thương. Nhiều đêm, hai vợ chồng cãi vã, bà Hà không thể làm gì khác, đành đưa bé Na sang ngủ với bà, bịt tai bé để giảm đi những âm thanh chát chúa của những lời chửi rủa và những thụi, bịch mà bố dành cho mẹ. Thương chịu đòn, câm nín tự coi như là hình phạt cho tội lỗi của mình. Có lúc cô bất giác nghĩ đến phúc phận, phải chăng kiếp trước cô đã gây ra nhiều nghiệp chướng để kiếp này trả bấy nhiêu cũng chưa vừa ? Nhưng rồi sức người có giới hạn. Bình không chỉ đánh mà còn hành cô trong cả chuyện vợ chồng. Hậu quả, Thương mang thai lần nữa và sẩy thêm lần nữa. Nỗi đau tận cùng, cô chấp nhận li hôn, kết thúc cho chuỗi ngày sám hối đến thân tàn ma dại. Cô xin được nuôi bé Na. Gia đình Bình vì không có người chăm nên cuối cùng cũng đồng ý như là sự tha thứ. Thương chuyển ra nhà trọ từ khi tòa thụ đơn li hôn của hai vợ chồng.

Bốn giờ chiều, Thương về đến nhà khi nắng còn vớt vát nốt chút cay nghiệt cuối cùng trong ngày, cố dồn sức nóng xói lên những ngọn cỏ vàng úa, héo hon bên vệ đường. Bé Na cùng bà ngoại ra đón mẹ. Hai gương mặt già, trẻ cùng âu lo nhìn cô với một tình thương vô bờ bến. Bé Na ngập ngừng:

– Mẹ có mệt không? Gặp bố, bố có đánh mẹ không?

Thương cười như sắp mếu, vuốt mái tóc mềm của con gái, an ủi:

– Không đâu, bố không giận mẹ nữa nên không có đánh mẹ nữa đâu! Con an tâm nhé!

– Vậy thì sao chúng ta không về nhà ạ ? Về nhà ta mát hơn, đông người hơn, vui hơn đó mẹ. Mẹ không về thì ai làm thuốc lá bó chân cho bà nội?

Thương nghe con hỏi mà lòng như vỡ ra, đau và hẫng khôn cùng. Mẹ cô dứt bé Na ra khỏi mẹ, dỗ dành:

– Cháu để mẹ nghỉ tí nhé! Mẹ mệt đấy! Từ nay, bố và mẹ không sống chung được nữa. Lớn lên con sẽ hiểu. Thương mẹ thì Na đừng hỏi mẹ kẻo mẹ mệt, mẹ đau đấy!

Bé Na nghe bà nói, mếu máo khóc. Nước mắt vắt dòng từ gương mặt bụ sữa của bé sang đôi mắt u uẩn của Thương rồi tụ lại đầy ứ trên đuôi mắt của bà ngoại, vón thành từng cục lớn, chảy xuống trong suốt trên làn da sạm của bà. Nước mắt mặn, đắng, xót rát nơi gương mặt mẹ già. Thương khuỵu gục xuống vai mẹ. Cô khóc như chưa bao giờ được khóc. Giá như tiếng khóc có thể rửa trôi được nỗi buồn thì cô nguyện khóc cho tan biến hết cả thân xác này thành hư không để cho buồn không đậu lên mắt mẹ.

Thương không chịu theo mẹ về nhà ngoại. Cô cứng đầu, bảo mẹ, con đã lớn. Gái đã gả chồng, vinh hoa thì về báo hiếu còn tủi nhục tự chịu, không để cha mẹ chịu điều tiếng với dòng họ, bà con lối xóm. Bà đành chịu, khuyên Thương để bé Na cho bà nuôi. Thương cười. Bé Na là tất cả tình yêu, niềm hi vọng, là động lực sống còn của cô, sao cô nỡ xa rời. Thương nói với mẹ:

– Con sẽ cố gắng đứng dậy nơi con đã ngã !

Việc đầu tiên cô làm là đến nhà ông Thắng hỏi mua lại chiếc xe ông báo bán hôm trước. Đến lần thứ nhất, Thương được ông cho mượn về đi thử. Bữa thứ hai lại hỏi giá, ông Thắng bảo cứ cầm về đi khi nào thấy ổn thì báo. Nhưng Thương không dám, sợ điều tiếng không hay. Vốn dĩ cô đã mang sẵn tiếng lẳng lơ rồi, nhà ông Thắng lại gần nhà chồng. Thà cứ mua đứt rồi hay nhưng cũng cần biết để thiếu thừa thế nào mà xoay tiền. Từ khi ra trọ, cô phải mua nhiều thứ, tiền tích trữ cũng không có nhiều. Nếu lần này ông Thắng đồng ý, cô sẽ xin trả góp lần lần.

Buổi sáng hôm ấy, tranh thủ lúc con ngủ, cô vòng qua nhà ông Thắng. Mới chín giờ sáng mà nắng đã bắt đầu gay gắt, cái nắng cuối hạ xói vào người khó chịu như kim chích. Trời lặng gió. Thương đến nhà ông mang theo một túi trái cây. Cô đi bộ tầm hơn bốn trăm mét mà mồ hôi nhễ nhại. Cô gọi cửa. Ông Thắng bước ra mở cổng. Chiếc cổng sắt nặng nề rên lên kèn kẹt. Trong sân và nhà không khí đang mát rượi, Thương cởi bỏ áo khoác và nón thì một luồng gió thổi nhẹ lướt luồn qua cánh tay áo cô, mát rượi cả người, cô nổi gai. Tự nhiên thấy sờ sợ. Ông Thắng khép cổng, xởi lởi mời cô vào nhà. Ngôi nhà rộng thênh thang nhưng chỉ có một mình ông sống, nên cảm giác lành lạnh, thiếu sinh khí. Lối từ phòng khách chạy vào bếp và ra sân sau tôi tối, thỉnh thoảng có vài sợi gió mồ côi bay lạc qua làm cho Thương rờn rợn. Ông Thắng mặc cái quần đùi may ô, cái áo phông trắng tinh, gương mặt phương phi, hồng hào, xắng xởi rót nước mời khách. Đôi mắt sâu và hơi tối của ông ta thỉnh thoảng nhìn lén Thương với ánh mắt khá sắc ẩn dưới đôi lông mày rậm rạp. Thương không để ý. Ông bảo:

– Tôi già rồi, không chịu được cái nắng nóng nữa nên suốt ngày rúc trong nhà có dám ra đường đâu!

Thương cười đưa đà. Cô im lặng nghe ông Thắng phàn nàn về vài chứng bệnh người già. Tính Thương vốn không hay nói. Ông Thắng biết điều đó nên khơi đủ chuyện để phá đi cái không gian vốn đã lặng im khi Thương đến. Đợi cho khoảng trống giữa các phàn nàn của ông ta, Thương ngập ngừng:

– Bác… cháu muốn hỏi bác về giá cả chiếc xe. Và… và… muốn hỏi thêm liệu bác có thể cho cháu khất nợ một ít không? Tuy rằng cháu rất cần xe nhưng vốn còn ít quá.

Ông Thắng nghe xong, gật gật đầu, nhìn Thương cười. Ông bảo Thương theo vào sau nhà. Sân sau nối liền với sân trước bằng một hành lang hẹp. Nơi đó dựng mấy chiếc xe, ông Thắng chỉ chiếc way màu xanh lá:

– Cô cứ yên tâm mà lấy đi, tôi cho cô nợ. Gì chứ tiền tôi không đến nỗi thiếu!

Rồi bất chợt ông Thắng cười, chỉ con SH bên cạnh:

– Hay cô lấy cái kia mà đi? Tôi cho mượn?

Thương rụt cổ. Người như cô sao dám mượn những chiếc xe đắt tiền như thế. Để mua được chiếc way kia chắc cô cũng phải vay. Nhưng thôi, kệ, cứ còn sức thì còn của. Không lẽ đi bộ, sao đi làm được? Đang miên man suy nghĩ, Thương giật nảy mình khi nghe tiếng nói nhỏ kề ngay tai với luồng hơi thở phả vào tóc cô:

– Hay em về đây với tôi, xe, nhà đều của em hết!

Thương đứng hình, né nhanh theo phản xạ. Cô bối rối, sợ hãi co rúm người khi thấy ông Thắng đứng kề ngay sau lưng, đôi mắt sâu và tối như vòng xoáy nước lũ muốn hút ngay cô vào đó. Thương né người, cúi đầu đi nhanh ra phòng khách nhưng mới bước được dăm bước, đúng ngay cửa phòng ngủ, gã đàn ông ra vẻ đạo mạo kia đã theo kịp, nhanh tay túm lấy vai cô ấn nhanh vào cửa phòng đang mở. Phòng tối om, chỉ có ánh đèn ngủ lờ mờ xanh như ma trơi. Thương giãy dụa. Nhưng gã kia khỏe quá, hai tay ôm chặt hai vai Thương, nhanh chân đá cái cửa phòng đóng chặt. Thương ú ớ định hét thì một bàn tay đã kịp bóp chặt miệng cô. Thương hụt hơi, cô rướn mũi thở, hít từng hơi thở ngắn như đuối nước. Tiếng Thắng hổn hển:

– Tôi thích em từ lâu lắm rồi, em biết không? Hãy cho tôi cơ hội. Tôi hứa sẽ không để em thiệt thòi đâu. Tất cả gia cơ này thuộc về em hết. Tôi chỉ cần người thôi. Em hiểu không? Em cho tôi nhé!

Thương bị kìm hết tay, chân và miệng dưới cái thân hình to lớn của người đàn ông mà cô kính trọng bấy lâu, cô lúc lắc đầu liên tục. Thắng tiếp tục:

– Nếu không chịu về với tôi thì em làm người tình của tôi cũng được, được không? Tôi hứa sẽ không để em thiệt.

Thương lắc đầu liên tục, miệng cô phát ra âm thanh i i bị nén hơi. Sự giãy dụa làm cho cô gần như kiệt sức. Lòng kinh tởm gã đàn ông đang ôm siết lấy cô. Thấy người đàn bà lắc đầu nguầy nguậy, Thắng không cố nói nữa, gã thả tay bịt miệng cô thò vào ngực Thương nắn bóp tàn bạo. Thương quẫy đạp liên tục, cô cố ngồi tụt xuống khỏi vòng tay gã đàn ông dâm dê. May quá, sau ba lần cô thành công. Thương lách qua hai chân gã, chui ra đằng sau, giật cửa chạy ra ngoài. Kéo được cánh cổng cũng vừa Thắng chạy gần kịp, Thương hoảng hồn lao ra đường.

Nắng chói lóa mắt.

Cái ngõ cao.

Chân Thương bấn loạn, quýnh quáng.

Cô chưa kịp ngã, chiếc xe ô tô lao từ trong hẻm ra hất cô lên nắp capo rồi đập mạnh xuống đường, sấp mặt xuống những viên sỏi bất động. Tiếng phanh xe và tiếng hét của Thắng làm vang cả lối nhỏ. Mấy nhà xung quanh dỏng tai nghe và tò mò chạy ra. Họ hoảng hốt lật Thương lên. Gương mặt cô đầm đìa máu, vai mềm nhũn. Mọi người không dám di chuyển cô. Họ rối rít gọi xe cứu thương. Người tài xế đứng thộn ra, mặt xanh hơn lá, tay chân run lẩy bẩy. Dân làng không dám để anh ta chở Thương đến bệnh viện. Phải đến gần hai mươi phút, xe cứu thương mới xuất hiện, khiêng Thương lên xe. Nhân viên y tế hỏi ai đi cùng, mọi người nhìn nhau, Thắng ngoảnh mặt len lén lùi chân ra sau. Họ điện cho nhà bà Hà. Bình đến và lên xe cùng Thương. Xe chuyển bánh, tiếng còi réo lên gấp gáp, thê thiết.

Thương bị dập não, không qua khỏi. Dân làng xôn xao lí do cô bị tai nạn. Ông Thắng tìm cách giải thích rằng cô đến nhà hỏi mua xe, nhưng rồi vội về với con gái vì ở nhà một mình nên không để ý qua đường. Có vẻ như hơi khó thuyết phục nhưng cũng không ai muốn tìm hiểu sâu hơn. Công an đến khảo sát hiện trường cũng không thu thập được gì. Thắng đã kịp đốt bỏ chiếc áo khoác và cái nón của Thương để quên, phủ tro xuống vườn rau như ngày thường chăm bón. Anh tài xế kia đền tiền và được tha không phải chịu án hình sự vì bố mẹ Thương có đơn xin miễn giảm. Người cũng mất rồi. Ông bà không muốn đưa con ra tòa lần nữa, dẫu chỉ là nhắc tên! Thương ôm cái oan khuất của một đời người đàn bà đa đoan xuống địa phủ.

Bà Hà bàn với gia đình mẹ đẻ Thương và Bình, xin làm đám ma cho cô. Dù sao cô cũng từng là người nhà bà, là mẹ bé Na. Nghĩa tử là nghĩa tận. Bình có cưới vợ nữa thì ai lại đi ghen với người đã khuất? Thương cũng mới đi khỏi nhà bà chưa đầy tháng. Từ trong sâu thẳm thâm tâm, bà Hà vẫn thương người con dâu ấy – người phụ nữ chu tất, vẹn toàn trong việc nhà, và hết lòng thương mẹ chồng. Bình đồng ý. Trong đám tang, anh vẫn đeo khăn ngắn ngồi ôm con gái thất thần bên quan tài mẹ nó. Bé Na nấc nghẹn cả ngày vì nhớ mẹ. Bố mẹ Thương đau hai lần. Nỗi đau mất con chồng lên nỗi đau con lúc ra đi không được danh chính ngôn thuận. Dù sao hai ông bà cũng cảm ơn bà Hà thương tình, trong nỗi đau, tình người vẫn còn ấm. Tuấn nghe tin Thương bị nạn, hắn sợ hãi. Tự nhiên Tuấn nghĩ đến cái cảnh oan hồn đòi mạng mà bủn rủn tay chân. Ngày chịu tang chị dâu, Tuấn chở vợ về lo công chuyện cùng với anh rể. Trên đường đi, hắn như kẻ mất hồn, ngơ ngẩn đến mức tiếng xe Jiulong chở cát bóp còi mấy lượt mà hắn cũng không để ý, lao thẳng xe vào đầu xe tải. May cho Tuấn, hôm đó hắn đội mũ bảo hiểm và tài xế chiếc xe kia cũng có phần khống chế tay lái nên không chết người. Tuấn bị gãy xương bả vai và trầy chân, còn Hiền bật ra khỏi xe, té cách đó hai mét, chỉ bị phần mềm. Khi người ta đưa hai vợ chồng đi viện, người ta lạ lùng khi thấy hắn ta tuy mắt dại đi vì khiếp đảm nhưng miệng cứ lầm rầm điều gì đó.

Ngày Thương ra đồng, trời đổ mưa giông tầm tã. Bé Na tay với với theo xe đòn gào khóc đòi mẹ như xé ruột gan người đưa.  Mấy vòng hoa ướt lướt thướt rũ xuống buồn hơn cả đám. Người ta nhận ra, trong đám tang ấy, Bình vẫn khóc! Nhưng chẳng mấy ai bận tâm. Họ thầm thì những câu chuyện về tiếng khóc xã giao!

P.T.T.H