“Ngồi lại với trăm năm” nghe từng lát cắt ngang đời

707

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Ngồi lại với trăm năm” không chỉ ngồi mà nhìn lại ngôi nhà tổ, nhìn những người đã đi xuyên qua lòng đất bên khu vườn, những người nằm giữa cánh đồng hoang, hay nhắc nhớ lại một dòng họ Nguyễn lững lẫy ngày xưa khi Chúa Nguyễn dong buồm về phương Nam khai hoang lập ấp, không chỉ nhìn lại những định kiến khắc khe hay những nỗi oan, nỗi đau đeo đẳng đời người… mà “Ngồi lại với trăm năm” để hiểu nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với những buồn vui, thăng trầm đã lùi xa trong dĩ vãng.

“Ngồi lại với trăm năm” của nhà văn Nguyễn Lệ Ba

Mỗi khi cầm trên tay những tờ báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Văn nghệ trẻ, Tuổi trẻ cuối tuần, Văn nghệ Đồng Tháp… đăng tải những tác phẩm của anh thì hầu như những ai yêu thích văn học cũng đều trải qua cảm giác này, đó là hai từ “ám ảnh”. Bạn đọc không chỉ bị ám ảnh bởi nhân vật mà còn ám ảnh bởi ngôn ngữ vì nó không hoa mỹ nhưng lại lấp lánh khi được tác giả tỉ mẫn lựa chọn một cách chỉn chu khi đưa vào từng câu thoại, từng ý diễn đạt, từng chi tiết của tính cách nhân vật và cả sự miêu tả những trường đoạn của không gian, thời gian hay bố cục câu chuyện mà anh ghi chép một cách chậm rãi, từ tốn, đúng như con người thật ngoài đời của anh. Truyện không có cốt truyện, nhưng lại ray rức lòng. Và khi sự ám ảnh đó được tập hợp lại thành một quyển sách thì cảm giác ấy được đẩy lên cấp số nhân đến nỗi bạn đọc phải lặng người đi mà khóc cười với đủ loại cảm xúc của giác quan mà người đời tóm gọn lại trong bốn từ “hỉ, nộ, ái, ố”. Tuyển tập 21 truyện ngắn đậm đặc chất thơ ấy có tên gọi “Ngồi lại với trăm năm”, sản phẩm đầu tay của tác giả Nguyễn Lệ Ba – Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp – Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6 năm 2019.

Nguyễn Lệ Ba tên thật là Nguyễn Quang Ba, anh hiện đang sinh sống tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. So với anh chị em hội viên Phân hội văn học thì Nguyễn Lệ Ba đến với văn chương muộn hơn nhiều tác giả khác. Thế nhưng tác phẩm đầu tiên của anh có mặt trên văn đàn không ở báo văn nghệ địa phương, khu vực hay thành phố Hồ Chí Minh mà ở số Xuân của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 với truyện ngắn “Thành phố và những buồn vui ở lại”. Đó là câu chuyện những thân phận con người vì nhiều lý do khác nhau mà họ phải ở lại bệnh viện, không thể về quê trong những ngày năm hết Tết đến. Sự cô đơn, lẻ loi trong nỗi đau thể xác khi phải mất hay khiếm khuyết đi một phần cơ thể mỗi người lại bỗng trở thành cơ duyên đưa họ lại gần nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những rung cảm của tình yêu dẫu chỉ mới bắt đầu nhen nhúm… để rồi họ lại xa nhau giữa quên – nhớ trong lòng.

Sau lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn với “Thành phố và những buồn vui ở lại”, Nguyễn Lệ Ba có thêm động lực để dấn thân trên con đường văn chương của mình. Ngoài truyện ngắn anh còn viết nhiều thể loại văn xuôi khác như tản văn, tùy bút, tạp bút hay những bài viết thể loại báo chí và trở thành cộng tác viên cho các tờ báo tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương. Bạn bè còn biết đến anh như một người họa sĩ với những bức tranh sơn dầu mộc mạc, chơn chất, mang đậm nét quê. Những bức vẽ chân dung hay tĩnh vật đều sống động đến từng chi tiết cứ ngỡ như ảnh chụp ở các studio. Điều này được anh miêu tả trong truyện “Dấu xưa” tỉ mỉ. “Tôi căng vải lên khung, cắt một nhát bai bằng màu vàng sang trọng phía góc trên tranh. Tôi tải vội vã màu đen tuyền thấp thoáng những vệt xanh thẫm để diễn tả những chiếc lá xanh non. Tôi cẩn trọng viền những nét cọ tinh tế quanh chiếc giày mà toàn thân như chìm lẫn trong bóng tối. Phần trên chiếc giày, tôi lướt nhẹ những nét cọ uyển chuyển để làm bật lên ánh sáng vàng rực rỡ. Cảm giác hạnh phúc và thăng hoa trong sáng tạo ùa về quấn lấy tôi, chảy tràn theo đầu cọ bằng những mảng màu lướt nhanh trên mặt vải. Cứ thế, những chiếc lá của sợi dây leo hiện dần lên, từng chiếc, vươn ra, bò ngang qua chiếc giày đen… Rồi bất ngờ, cái hoa tím đơn độc bật nở lên trong tranh như có bàn tay đầy pháp thuật của ai đó vừa âu yếm ném vào!”.

Chất nghệ sĩ của anh còn được bộc lộ bên cây đàn ghita với những giai điệu trỗi lên réo rắc từ 10 ngón tay gầy guộc, phong trần, những ngón tay của nét vẽ mềm mại trong hội họa cũng đủ khơi nguồn trên năm dòng kẽ mà ngân lên những cung bậc bổng trầm như khơi đúng mạch cảm xúc để hóa thân vào nhân vật người thầy trong truyện “Hạt nắng vô tư”. “Em sẽ không thưởng thức trọn vẹn cái đẹp của một ca khúc nếu em không hiểu được những yếu tố cấu thành ca khúc ấy như khúc thức, giai điệu, ca từ… Nếu chỉ nghe lời bài hát để thưởng thức vẻ đẹp văn học, thì chúng ta chỉ mới thấy được một phần cái đẹp của bài hát ấy”. Như con ong cần mẫn, anh lặng lẽ góp nhặt quanh mình những hình ảnh, những chi tiết tưởng chừng như vụn vặt trước tất cả mọi lĩnh vực, nghề nghiệp, giai cấp… để viết thành những câu chuyện thấm đẫm nhân văn, mang những giá trị sống, giá trị của tình thương, sự bao dung và cả nghị lực phi thường để gởi đến bạn đọc trên khắp mọi nẻo đường.

Năm 2015, anh đạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long do Hội Văn học nghệ thuật An Giang đăng cai với truyện ngắn “Về với đất”. Đó là câu chuyện của một giáo chức về hưu phải vào khu dưỡng lão để có những người bạn già cùng trang lứa trò chuyện, tâm sự và chia sẻ với nhau những chuyện mà đôi khi chưa bao giờ được kể, được nhắc với người thân ở nhà, bởi con cháu trong gia đình dù cuộc sống khá giả, ổn định nhưng họ vẫn cứ cô đơn. Họ là những mảnh vỡ của cuộc sống thời hiện đại mà vì nhiều lý do khác nhau có mặt ở khu trung tâm bảo trợ xã hội này. Để đến lúc cuối đời họ nương tựa vào nhau trước khi về với đất.

9 năm cuốc bẫm cày sâu trên cánh đồng chữ nghĩa, khi bạn đọc cầm trên tay tập truyện ngắn “Ngồi lại với trăm năm” thì Nguyễn Lệ Ba đã cho ra đời trên 60 truyện ngắn. Những tác phẩm tiêu biểu của anh mà người đọc cứ phải ray rức về phận đời, phận người nổi trôi trong kiếp sống mưu sinh có thể nhắc đến như: Vạt bần bên sông xa tắp, Bến đợi chờ, Người đàn bà trong mưa, Xóm đáy, Kiếm ăn thôi mà, Người viết đơn thuê, Sau bão, Khoảng sân hoa nắng, Người khách lạ lùng, Những linh hồn chưa ăn cháo lú, Hạt nắng vô tư… Mỗi truyện ngắn có một số phận riêng, cứ tưởng như đó là những lát cắt khác nhau nhưng khi tập hợp lại và đứng chung trong một tuyển tập này thì bạn đọc nhận ra một thông điệp rất nhân văn mà tác giả đã âm thầm gởi đến cuộc sống này một giá trị sống tích cực, lạc quan thông qua cách nhìn xuyên thấu những cung bậc cảm xúc của tất cả các giác quan, và hơn hết là một đức tính của lòng nhân ái, bao dung mà con người cần được được thắp lên, sưởi ấm cho nhau sau những va đập, trầy xước của hàng trăm con sóng của cuộc đời. Đó là con sóng của sự xa lánh khinh khi của người đời ở “Vạt bần bên sông xa tắp”; đó là con sóng bất hiếu của con cái khi cư xử với cha mẹ trong “Người viết đơn thuê”; đó là con sóng bản năng trước cửa thiền trong “Khoảng sân hoa nắng”; đó là con sóng tình trỗi lên “Sau bão” của một cuộc hành trình trên biển trong mưa… Tất cả những con sóng đó dường như đã là một phần được anh đúc kết từ những con sóng đời theo năm tháng đi qua…

Đọc đến trang 261 của quyển truyện ngắn này, độc giả thấy hình ảnh chiếc xe lăn, chiếc nạn gỗ và một phần khiếm khuyết trên cơ thể của các nhân vật cứ đan xen nhau. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên “Bến đợi chờ” đã là một vết thẹo xấu xí trên gương mặt người đàn ông, anh ta mặc cảm với vết thương làm khuôn mặt mình biến dạng mà đã làm vuột khỏi tầm tay hạnh phúc của một gia đình. Truyện không nói rõ nguyên nhân khiến gương mặt anh bị cháy, nhưng bom đạn chiến tranh là một minh chứng làm cho tình yêu chia cắt giữa người với người, sự phân biệt giàu nghèo cũng đã đẩy những con người xa nhau trong vằn vặt nỗi niềm thương nhớ không nguôi.

Nhắc đến chiến tranh, người đọc nghẹn đi khi đọc đoạn kết của truyện “Những linh hồn chưa ăn cháo lú”. Truyện kể về sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ cách mạng, mà nhân vật chú Tư hớt tóc là một điển hình. Chú hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để làm tròn nhiệm vụ nắm bắt tin tức của địch. Từ công việc của mình, chú Tư cũng đã âm thầm tạo dựng lòng tin của bà con đất Vĩnh Thạnh để đi theo cách mạng. Hình ảnh thầy giáo Năm là một người như thế. Sau khi đất nước hòa bình, họ gặp nhau trên chiếc cầu đúc dẫn vào chợ Vĩnh Thạnh, nghe họ hỏi thăm nhau mà người đọc như thấy họ hiện diện trước mắt mình nghèn nghẹn, rưng rưng. “Em hy sinh gần trường học rạch Đình khi đang về thu thuế. Chắc có ai đó mạch nên vừa bước chân vô nhà đã bị hai họng súng chỉa vào lưng. Em tông cửa chạy thì sau vườn còn cả chục tay súng khác đang chờ… Sống sao nổi, hả anh?”. Cả hai cùng quay mặt đi chỗ khác vì sợ người khác thấy những giọt nước mắt trên má họ, nhưng làm sao người ta nhìn thấy được khi đó là hai linh hồn chưa qua cầu Nại Hà, chưa ăn cháo lú, gặp nhau.

Chiến tranh đi qua, bao người nằm xuống, sự hy sinh cho đất nước được bình yên, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Mọi người bắt tay vào xây dựng lại làng xóm, quê hương. Song, đâu đó những lề thói, tập tục, định kiến vẫn còn quẩn quanh, mà “Vạt bần bên sông xa tắp” là một câu chuyện đau đời như thế.

Thời buổi y học tiến bộ mà lại để ra nông nỗi nầy đây”. Câu nói của vị bác sĩ cũng là câu trả lời cho tất cả những gì mà độc giả đang tìm khi đọc phần đầu của truyện. “Con Lựu bị cùi”, câu cửa miệng của người đời dù có vô tình hay ác ý thì cũng như vết dao cứa vào tuổi 20 của Lựu, và nó ám ảm theo chị suốt cả cuộc đời. “Ra đường, chỗ chị vừa đứng lên, không ai dám ngồi. Đi chung chuyến xe lôi, chị được dành riêng cho một băng ghế”. Sao mà ác nhơn đến vậy? Trách vì thương, chứ ngẫm lại giữa cái quê nghèo xơ xác ấy người dân có kiến thức bệnh phong được bao nhiêu đâu mà không e dè, sợ sệt. Người lớn thì rủ lòng thương mà cảm thán một câu “Tội nghiệp cho con Lựu, chắc không ai lấy làm vợ. Cùi có dòng mà!”. Còn đau điếng nào hơn khi nghe những lời mai mỉa đó. Thế nhưng cái bụng Lựu cũng lùm lùm lên để cho con Lan chào đời mà không biết mặt cha nó. Cái mùi kinh khủng của người đàn ông say rượu đã ám chị đến độ thành “nỗi nhớ rạo rực đến khó ngủ”. Oái oăm thay cho người con gái bị cưỡng bức lại phải nhớ đến cồn cào cái mùi da thịt đàn ông. Nỗi nhớ đó phải chăng đã chạm đúng nỗi khát khao được làm vợ, làm mẹ của mình. Nên dẫu có rùng mình mà nhớ thì vẫn phải cứ nhớ, nhớ cả đời.

Cũng là cái rùng mình mà nhớ, nhưng khác với mẹ con Lựu, Lan, nhân vật Vân trong “Sau bão” lại phải đấu tranh giữ lý trí và bản năng của người đàn bà đi du lịch mà chồng không đi cùng, người đàn bà cô đơn trước biển, trước sự tấn công liên tục của đồng nghiệp bằng câu than thở quen thuộc của anh ta “Tôi sống không hạnh phúc”. Hải – người đàn ông “từng cưa đổ vài đồng nghiệp nữ khác trong trường” – không mấy khó khăn khi nhận ra Vân không hạnh phúc cùng chồng mà tính toán, sắp đặt từng chi tiết “tấn công” suốt một chuyến du lịch hè. Một bó hoa hồng rực đỏ và một hộp sô cô la đã được người phục vụ mang vào phòng của Vân. Nó khiến Vân lúng túng, bởi cô hiểu được rằng lúc này chẳng còn là những lời ỡm ờ bóng gió mà Hải đã gợi tình trong hai ngày qua, mà nó đã là một thông điệp, một mũi tên tàn nhẫn nhắm thẳng vào trái tim cô, trái tim đang thổn thức, đang khát khao một tình yêu giữa căn phòng cô đơn, trống vắng này. Tiếng gõ cửa lúc 2 giờ khuya đã như một ma lực đảo ngược những suy nghĩ mà Vân cố gắng lèo lái lý trí của mình thoát ra mũi tên của Hải đang bắn về phía cô từ đầu hôm cho đến nửa đêm. “Vân rùng mình đứng xoay lưng vào cửa. Cô nghe hơi lạnh chạy dọc suốt thân thể và cảm giác sợ hãi trùm lên cả người. Thật kinh khủng! Vân nghe cả người nóng bừng. Chị bỗng thấy sợ Hải và hình như sợ cả chính mình. Vân biết chắc, chỉ cần một cái xoay nắm cửa, một cơn bão khác còn dữ dội hơn cơn bão ngoài trời sẽ đổ ập vào phòng, đổ ập lên thân thể mình”. Và tất cả sẽ thiêu cháy hết mọi thứ xung quanh, đốt tan hoang những tường thành lâu đài tình yêu và lòng tự trọng của cô trong suốt một thời gian dài sống trong sự hững hờ của người chồng lạnh nhạt là Tuấn. Và sẽ có thêm một người đàn bà khác sẽ chết lịm tâm hồn trong sự bội phản của đàn ông. Đỉnh điểm của tác phẩm treo lơ lửng giữa những cái đầu đang rực nóng của cả nhân vật trong truyện và bạn đọc. Tác giả neo lại nỗi sợ hãi của người đàn bà đang cô đơn kia bằng câu nói bật ra trong đầu mà không thể thốt lên “Thật đáng sợ cho những người đàn ông!”.

Chợt nhớ một lần về Tân Phú Trung quê anh, nghe tác giả Nguyễn Lệ Ba chia sẻ rằng: “Đàn ông, trong hầu hết trường hợp, là người gây ra bão. Trớ trêu, họ lại hoàn toàn không có khả năng chống đỡ nếu rơi vào cơn bão”. Người đàn bà có thật ngoài đời cũng đã không vượt qua cơn bão của đêm ấy. Và điều đó bạn đọc lại một lần nữa thấy cơn bão khác cũng từ phía đàn ông trong truyện ngắn “Người viết đơn thuê” khi vị khách sáng nay của người viết đơn thuê là hai người phụ nữ cũng là hai mẹ con. Chị ta bắt đầu câu chuyện bằng một thái độ bức xúc tột cùng khi kể tội em trai út của mình trước một người dưng: “Thằng em út của tui quá quắt lắm. Được ở nhà thờ, ăn đất hương hỏa, vậy mà nó coi bà như đầy tớ. Tui có chồng ở xa, nhà nghèo nên không làm gì được. Phải chi tui có cái ăn cái mặc thì tui đã đón má về nuôi nấng tử tế rồi, ai để thứ con trời đánh đó hành hạ bà già”. Chuyện này với anh, người viết đơn thuê năm này qua tháng nọ, thì hẳn đây không phải là lần đầu tiên anh nghe thấy, chứng kiến sự ngược đãi của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong thời buổi mà “giá đất lên, tình người xuống” như hiện nay. Một lời khuyên để tìm cách giảm nhiệt và gỡ rối của anh xem ra vẫn không suy siểng được trước nỗi tức giận của người phụ nữ đang uất nghẹn: “Nó nhậu say về, nửa đêm dựng bà già đang ngủ dậy, rủa sả: “Tui thấy người ta cỡ tuổi bà “đi” gần hết rồi. Sao bà sống dai dữ vậy?”. Bạn đọc đau trước câu thoại: “Dựng bà già đang ngủ dậy, rủa sả”. Hai động từ “dựng” và “rủa” cùng xuất hiện trong câu làm cho người đọc hình dung ra thái độ hết sức tàn nhẫn của đứa con khi hành hạ tinh thần mẹ mình lúc nửa đêm. Người đọc còn đau thì huống hồ chi là nhân vật trong tác phẩm. Thế nên Nguyễn Lệ Ba đã thấy thay cho nhân vật người đàn ông của mình: “Anh thấy vài giọt nước mắt sệt quánh ứa ra trong khóe mắt bà mẹ. Đôi vai gầy guộc của bà run khẽ dưới làn áo vải nâu, chiếc cằm nhỏ hằn sâu nhiều vết xước thời gian trễ dài nỗi đau cam chịu. Mái tóc bạc trắng của bà bỗng hóa thành đám mây trôi vật vờ trước mắt anh”. Bạn đọc cảm thương khi đọc đoạn văn miêu tả đó. Hình ảnh “Chiếc cằm nhỏ hằn sâu nhiều vết xước thời gian trễ dài nỗi đau cam chịu” được tác giả khắc họa ở đây bằng những con chữ mà tôi cho rằng không thể thay thế một từ nào được. Hay đến thế, gọt giũa đến tận cùng! Để rồi không chỉ người mẹ, người con, người viết đơn thuê mà cả những ai đọc truyện ngắn này cũng phải có “Những lời rên xiết thống thiết thân phận” để chia sẻ những đớn đau của người mẹ bất hạnh này.

Cái hay của Nguyễn Lệ Ba là anh đã không đưa ra một nhận định chủ quan nào cho nhân vật trong tác phẩm của mình, cũng như anh không bình luận gì về thái độ, hành vi cư xử của người con trai đối với người mẹ đang ngồi trước mặt người đàn ông viết đơn thuê. Anh cũng không nói đến trái tim của người mẹ dành cho con thuở con thơ rét run, buốt lạnh ở nhà, và cũng không có một lời nhận xét nào trước cái chết của người mẹ bởi tia sét đánh giữa cánh đồng trống mênh mông… Nhưng bạn đọc thấy rất rõ thông điệp mà tác giả nhắn gởi: Trái tim người Mẹ sáng ngời, luôn sống vì con, hy sinh cả bản thân mình để mong bảo vệ sự an lành cho con bằng mọi cách. Hơi thở cuối đời mình cũng vì sự sống của con. Một lần nữa, chân lý mãi là chân lý.

Nước mắt chảy xuôi. Tình yêu luôn hiện hữu. Con người dù có trải qua bao biến cố, khó khăn, hay những rào cản khắc khe của những nếp nghĩ, cách luận bàn, thì vượt qua khỏi những trở ngại kia sự bình yên sẽ đến, đến như nhân vật ông giáo trong truyện “Bông cúc trắng” vậy. Vợ qua đời khi con còn đỏ hỏn trên tay, ông giáo bấm bụng, cắn răng gởi bé Lan cho dì Huệ nuôi. Dì thương cháu như con, bụng dạ cũng thương anh rể, nhưng ngặt nỗi… ngại ngùng như ông giáo nên chẳng thể nói ra. Tình chị duyên em rồi cũng mặn mà khi cả hai mái tóc đã pha sương muối. Những chậu bông cúc trắng đã dần xa, bởi “Lâu lắm rồi không qua nơi ấy. Nghe đâu tết năm sau và những năm sau nữa, nhà ông giáo chưng toàn… bông cúc vàng!”. Câu nói xót xa của ông giáo ngày nào giờ cũng chỉ là ký ức. “Người gì mà khuyên bảo bao lần không nghe. Đợi già cả, đau yếu bò xuống sông uống nước à!”. Trái ngược với nhân vật con trai bất hiếu, vô nghì trong “Người viết đơn thuê”, thì Lan ở “Bông cúc trắng” đã thấu hiểu nỗi cô đơn của cha, của Dì khi con cái mỗi ngày một lớn. Nên “Trong ánh sáng chập chờn hắt lên từ bếp lửa, Lan vòng tay ôm lấy bụng dì Huệ từ phía sau, nghiêng đầu áp má vào tấm lưng gầy của dì, giọng nũng nịu: Dì thu xếp nhà cửa qua ở luôn với cha con trong Tết này, nghen dì!”. Nghe những lời yêu thương đó, đến tiếng lửa cũng phải reo vui trong chái bếp kia mà!

Thế nhưng hạnh phúc ở đời này không ai tròn viên mãn như các nhân vật của “Bông cúc trắng”. Đọc “Đôi gà sao” với giọng văn trầm buồn, da diết mà khắc khoải đau, đôi lúc phải nghẹn đi khi hai nhân vật “chị” và “anh” trong truyện ngắn này cứ phải liên tục đấu tranh để hy vọng có phép màu kéo dài sự sống. Chị là một giáo viên, thương anh từ những ngày chung trường chung lớp. Người bạn học nghèo không có chiếc xe lăn phải lê lết, bò trên đất, đá xanh đến trường hàng ngày khi đôi chân đã bại liệt sau trận sốt kinh hoàng. Tình yêu lớn dần để họ cùng nhau xây tổ ấm. Thế nhưng căn bệnh ung thư vú của chị đã bào mòn sức chịu đựng của cả hai. Hình ảnh đôi gà sao quấn quýt bên nhau không được bao lâu thì con gà mái chết, con gà trống loay hoay đi tìm người bạn đời của mình đến độ không phân biệt được đâu là hình, đâu là bóng. Nó cứ đứng trước gương, trước màn hình tivi, trước bất kể những gì thấy nó trong đó mà ngỡ là con gà mái còn sống cạnh mình. Con gà còn như thế thì huống gì con người. Anh sẽ ra sao nếu chị không qua khỏi căn bệnh quái ác này? Câu hỏi không đặt ra trong truyện, nhưng người đọc cứ phải trăn trở cùng anh, cùng chị, để rồi điếng đau khi chị quyết định kêu con gái mình làm thịt con gà trống. Thế nhưng… “Khi miếng thịt chạm tới môi, cái mùi lạ lùng từ miếng thịt bỗng xộc lên mũi khiến chị rùng mình. Chị nín thở, mím chặt môi để ngăn cái gì đó trong bụng cứ cuộn lên, cuộn lên, chực trào ra cổ. Chị đứng bật dậy chạy ra khỏi bàn, gục đầu trên cánh tay đứa con gái. Chồng chị buông đũa. Miếng thịt gà nghẹn cứng trong cổ, đắng ngắt…”. Ba dấu chấm lửng kết thúc truyện đã đặt ra nhiều điều cho bạn đọc suy ngẫm. Những miếng thịt của con gà sao trống sẽ thế nào khi cả nhà không ai gắp nỗi mà ăn? Làm sao có thể giết đi niềm tin và hy vọng cuối cùng trước một phép màu khi nó chưa xuất hiện? Những quyết định trong những hoàn cảnh gần như bế tắt của con người liệu đúng hay sai? Cuộc sống vốn vô thường, nhưng có mấy ai chấp nhận lòng mình thản nhiên trước cái chết?

Câu hỏi chưa có đáp án nào đưa ra thì “Hạt nắng vô tư” lại mở ra hàng loạt câu hỏi khác xoay quanh nhân vật Phước Long, Tú và ông thầy dạy vẽ. Hai trong số họ không thể đứng trên chính đôi chân mình, nhưng nghị lực sống, ý chí vươn lên thì đầy lạc quan để khẳng định sự tồn tại của mình là hữu ích. “Em và thầy chưa phải là những kẻ khốn cùng, chưa phải là người bất hạnh nhất. Biết thế để vững lòng tin, để biến những mất mát, những thiệt thòi của bản thân thành một ưu thế, biến cái mà mọi người bình thường có nhưng không biết tận dụng, đó chính là thời gian, là sự ngắm nhìn, chiêm nghiệm. Chúng ta có cái may mắn của một người được ngồi lại bên lề cuộc đời, không bon chen, không vội vã…”. Thế nhưng liệu có mấy ai đồng cảm và hiểu được rằng “Tình yêu tồn tại trong người khuyết tật với đầy đủ góc cạnh và sắc màu của một tình yêu, nhưng mãnh liệt, dữ dội như cơn lũ bị chặn dòng, nước cứ trào lên, trào lên mãi, để rồi tới lúc nào đó vỡ bùng ra, hung hãn, cuồng nộ, quét phăng đi tất cả…” để mà chấp nhận trao một nụ hôn đầu đời cho một tình yêu? Lẽ đó, đoạn kết của truyện không làm cho người đọc bất ngờ mà chỉ nghe canh cánh bên lòng một chút hụt hẫng bởi sự ra đi đột ngột của Tú mà thôi. “Từ ngày mai, Tú sẽ gieo những hạt nắng vô tư ở những đâu? Có hạt nắng nào rơi về tận quê nhà, nơi có Phước Long?” Bạn đọc có niềm tin vào sự quay về của Tú hay không, có viết tiếp một cái kết có hậu hơn thay cho tác giả? Điều này sẽ trở thành một câu chuyện cổ tích giữa đời thường chăng? Sẽ không khó có câu trả lời, nếu như ai cũng như Sơn trong truyện “Khát” đã cưới Thủy về làm vợ. Trải qua những lần “Anh không hiểu em” thì Sơn đã hiểu, đã thương Thủy nhiều hơn khi chính anh đã một lần rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã của một cơn khát giữa đồi vắng trong đêm. Người vợ cả đời trên chiếc xe lăn ấy đã cho Sơn thấm thía nỗi đau của người khuyết tật, bởi Sơn đã thức cả đêm nên hiểu được đêm dài, đã khát khô bởi cơn sốt hoành hành nên thấu đến tận cùng cơn khát của Thủy ở nhà khi không vói tay lấy được ly nước trong đêm.

Những nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Lệ Ba dù lớn hay nhỏ, dù xuất hiện liên tục hay chỉ thoáng qua cũng đều để lại trong trí nhớ bạn đọc một chi tiết nhất định, vừa đủ khẳng định hay bổ sung để làm sáng tỏ hơn một ý nghĩa hàm ẩn nào đó mà tác giả muốn nói. Diệu Hạnh trong truyện “Khoảng sân hoa nắng” là một lát cắt nhỏ của tuổi mới lớn mà ai cũng trải qua. Lớn lên giữa tiếng kệ lời kinh và được học hành đến nơi đến chốn, nhưng khoảng cách giữa đạo và đời, giữa sự thanh bạch của tâm hồn và bản năng giới tính, giữa tiếng chuông, tiếng mõ với tiếng động của cuộc yêu đương đã làm cho khoảng sân hoa nắng giữa ngôi chùa và nhà của Tuấn đã không còn lấp lánh nữa. Tiếng chó sủa gâu gâu khi Hạnh thấy “cô gái đứng dạng hai chân, đè cả người Tuấn vào vách”, nhất là khi trước đó “Hạnh tò mò vào google, gõ thử từ yêu rồi click vội vào mục video adults để rồi choáng váng khi nhìn thấy những gì đang hiện ra trên màn hình… Hạnh căm giận anh Tuấn bởi đã xui dại mình. Yêu là làm như thế sao?”. Câu hỏi ám ảnh đó không sao gột rửa được trong đầu Hạnh cho dù cô đã “Xối nước ào ào lên chiếc áo lam đang mặc”. Khoảng sân hoa nắng không còn, chẳng lẽ đạo và đời mãi mãi là hai đường thẳng song song?

Những cách suy nghĩ khác nhau sẽ có những hành động khác nhau. Người tu hay không tu cũng vậy. Khi chưa hiểu được nhau thì sẽ có cách nhìn sự việc khác nhau ngay chính trên con đường đời, huống hồ chi nói đến ranh giới giữa đời và đạo. Anh thợ sửa điện tử cảm thấy khó chịu khi nghe tiếng rao “Chó đổi mùng, mền, chiếu… hôn?” và căm phẩn khi thấy người ta xích mõm từng con chó nuôi trong nhà để đổi lấy những vật dụng đó. Những con chó tội nghiệp đang nghếch mõm dưới ghe nhìn anh như kêu cứu, khi trên bờ người đàn ông làm cái nghề đổi chó kia đang năn nỉ anh sửa dùm cái máy rao đổi chó đã bị hư. Anh khước từ vì không muốn nghe tiếng rao ấy vang lên, không muốn có con chó nào đem ra đổi chát. Thế nhưng khi quay vào nhà với hủ gạo sắp cạn, nồi cá kho còn mấy bộ xương, tiền đã hết… Anh hiểu ra, cũng như anh, người đàn ông kia cũng chỉ “Kiếm ăn thôi mà!, vậy là anh đã chạy theo gọi chiếc ghe dừng lại để sửa máy rao hàng cho người đàn ông kia. Thế nhưng khi “Người đàn bà tật nguyền khó nhọc chui ra từ mui ghe. Anh thợ điện tử bỗng điếng người. Cái chân bên phải của chị cũng ốm tong teo như chân trái của anh”. Vậy là cái ý nghĩ ban đầu chạy theo họ sửa máy để kiếm tiền mua gạo, mua cá của anh đã tan biến đi. “Chút đỉnh mà. Biếu anh em làm quen”. “Anh làm vậy, tụi em mang tội chết!”. Dấu chấm than trong lời thoại đã minh chứng cho việc làm của vợ chồng người đổi chó kia một điều rằng họ cũng ý thức được việc làm của mình là không hay ho gì, những con chó vốn là những người bạn nhỏ trong mỗi gia đình rồi sẽ bị giết đi bởi “Thịt chó không ăn thì sống trên đời này chưa thể gọi là sống!”. Oái oăm thay khi có thêm một lời khẳng định cho việc làm của đôi vợ chồng tật nguyền kia ít nhiều cũng mang lại cho nhiều người khoái khẩu cái thực đơn 7 món trên đời. Hóa ra, ngay chính trong một sự việc thôi đã có hai đường thẳng song song không trùng nhau thì nói chi đến khoảng cách giữa đời và đạo. Ở đây, bạn đọc thấy giữa ba nhân vật có một điểm giao nhau, đó là “Kiếm ăn thôi mà!

Ăn để sống hay sống để ăn? Có lẽ không ai chọn vế thứ hai làm câu trả lời cho mình. Vậy trong cuộc đời mỗi người chọn cách sống ra sao để không hỗ thẹn với chính mình khi phải vất vả miệt mài trong hành trình “kiếm ăn” để sống. Đọc “Người đàn bà trong mưa” ta thấy chị dang dở tình yêu đầu đời của mình bởi hai tiếng hèn – sang, cam chịu lấy một người chồng lạ xa chưa từng quen biết, để rồi sau những khó khăn chật vật rời quê rồi lại quay về, làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất đến độ phải cầm cố đất đai, tiền vay bạc hỏi, nhưng người đàn bà ấy đã mạnh mẽ vượt qua, vượt qua cả lời ngon tiếng ngọt (khi người tình xưa muốn dang tay giúp đỡ) mà giữ trọn thủy chung với người chồng của mình. “Chiều tối nay em đến trại ruộng của anh để nhận tiền. Anh chờ em ở đó!”. Dù trong tận cùng nghịch cảnh, nhưng lý trí của người đàn bà trong mưa ấy đã chiến thắng, dù thắng trong vật vã, kiệt cùng. “Trong ánh sáng lờ mờ, chị thấy bên trong là giường chiếu và gương mặt T với nụ cười hả hê đắc thắng. Chị đứng chết sững như trời tròng. Toàn thân chị tê dại trong cảm giác tội lỗi. Một tia chớp lóe lên giữa trời. Chị khụy xuống trước cửa rồi đột nhiên vùng đứng dậy như có sức mạnh vô hình túm lấy áo, xô đi. Chị chạy mê sảng trong mưa, chạy như bóng ma trong ánh sáng chiều nhập nhoạng. Chị băng qua bao cánh đồng, bao ô ruộng, bao khu vườn. Chị điên loạn trườn qua những con mương cạn, tuyệt vọng trèo qua những cây cầu khỉ gập ghềnh… Lạ lùng sao, đôi chân đã vượt qua bao mưa gió mà chưa hề lấm bùn!”. Một đóa sen đã tỏa hương trên vùng đất mà điệp khúc trúng thất vụ mùa cứ liên tiếp diễn ra. Tác giả gởi vào ước mơ của chị với một “Cánh đồng cỏ voi và đàn bò nhẩn nha gặm cỏ” khi khép lại truyện ngắn này để kể cho bạn đọc nghe về chuyện một người đàn ông trong “Xóm đáy”.

Vợ mất 15 năm, người chồng vẫn thủy chung ở vậy một mình dẫu cô gái chưa chồng ở xóm đáy vẫn thường xuyên lui tới giúp đỡ cho anh mọi thứ có thể. Cô yêu anh đến độ uất nghẹn và không kiểm soát được mình trước sự thờ ơ của anh. “Anh nhìn tui đi, nhìn thiệt kỹ đi! Tui là đàn bà mà! Nè, anh nhìn đi. Cô gái giật đứt phăng hàng khuy, ném luôn cái áo ngực về phía anh. Anh cúi gầm mặt xuống, nín lặng. Môi anh mím chặt, nỗi đau làm anh tê dại. Tiếng khóc của cô gái như những hạt mưa chướng cuối mùa, quất không chút xót thương vào trái tim khốn khổ của anh. Tiếng khóc có lúc nhẹ như tiếng sóng xô nhau giữa trường giang, có khi nghe như tiếng thét đau đớn của những vạt đất cuối cùng vang lên trước khi đổ ùm xuống dòng nước đục ngầu sủi bọt. Anh im lặng. Cô gái đứng bật dậy, lao vào anh. Tình yêu tuyệt vọng cùng với nỗi uất hận cũng hùa nhau đứng dậy, lao vào anh”. Trái tim có ngôn từ và lý lẽ riêng của nó. Không ai bắt ép được nó phải làm theo mệnh lệnh của ai. Lẽ đó mà “Càng đi về phía cuối đời, càng chứng kiến những cuộc biển dâu mới biết ngày xưa mình ngây ngô và nông nổi. Tôi không thể hiểu anh cũng như đã từng không hiểu về những gì đủ sức níu chân một con người: đó có thể là một người đàn bà hay chỉ là một bờ sông, một vạt đất…”.

Một vạt đất, một bờ sông, một cánh đồng, con con đê, một bờ lau, ngọn cỏ vốn đã thân quen, cũng như những người con của miệt đồng bằng châu thổ Cửu Long này hẳn ai cũng một lần được nghe đến hai từ “gác chéo”, bởi không ít lần những bộ phim tài liệu, những phóng sự, ký sự của các đài truyền hình đã phản ánh, văn học cũng có những tác phẩm viết về đề tài này. Tuy nhiên câu chuyện “gác chéo” ấy qua ngòi bút của Nguyễn Lệ Ba đã có một sức hút mạnh mẽ đối với độc giả ngay từ đầu truyện “Người khách lạ lùng” bởi những tình tiết hoài nghi được thắt nút rất chặt chẽ. Người chạy xe ôm luôn bất an khi chở người khách lạ, bởi ông không có điểm đến cụ thể nào “Cứ chạy vòng vòng thị trấn rồi… tính giờ, trả tiền”. Bạn đọc cũng thấy lo cho người chạy xe ôm khi mà nạn cướp của giết người cứ xảy ra cho các “bác tài” làm nghề này. Người đàn ông tên Thành ấy còn móc ra cả con dao Thái Lan để trên bàn khi mời người chạy xe ôm vào quán nhậu. Bạn đọc thở phào khi biết người đàn ông ấy đang tìm lại những người đã từng gắn bó với anh trên cánh đồng Tháp Mười với một thời làm nghề bà cậu, bủa lưới, giăng câu. Thế nhưng mạch truyện cứ đẩy người đọc đi hết nỗi lo này đến nỗi sợ hãi khác nhất là được một phen chứng kiến cảnh giật lộn với tử thần, chiến đấu với nghịch cảnh của thiên tai bất ngờ ập xuống giữa đêm khuya tạo nên một sợi dây mỏng manh treo lên đầu Thành với hai từ sống – chết. Nhiều tính từ, trạng từ, động từ xuất hiện hàng loạt trong những trường đoạn của bóng đêm, giông gió tơi bời như bóp nghẹt mạch máu của bạn đọc, mà mắt không thể chớp mi.

Bóng đêm đặc quánh, mặt nước sôi sục… bầu trời thu nhỏ lại thành chiếc chuông úp chụp lên mọi thứ… Mưa gào thét cuồng nộ như bầy quỷ dữ từ âm ti đội nước chồm lên nuốt chửng mọi thứ… Một cú va đập rất mạnh khiến Thành suýt ngã nhào. Nước tràn ồ ạt vào xuồng. Anh quờ quạng trong bóng tối và chạm tay vào mấy chiếc cọc gỗ nằm chắn ngang thân xuồng. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một tia chớp dài ngoằng lóe lên giữa trời làm nổi rõ bóng đen căn nhà sàn nhỏ đang oằn mình chống đỡ với những cơn gió cuồng nộ… Thành định thần lại. Nhà có người ở. Anh mò mẫm tìm cầu thang đi lên. Hình như có mùi gì đó hắt vào mũi? Cái mùi rất lạ, thoáng qua rồi bị thổi tạt đi trong gió. Mùi cá ủ? Mùi khô hay mùi mắm?.. Cái mùi khăm khẳm lại xông lên nồng nặc. Một tia chớp xé toạt bầu trời kéo theo những vệt sáng loằng ngoằng từ không trung nối dài xuống rặng cây gần đó. Ánh sáng đỏ rực như ban ngày. Ngay sát mặt Thành, cách chưa đầy hai gang tay, hiện ra trước mặt chiếc… quan tài đỏ lòm lấp lánh màu kim nhũ. Anh chết đứng trong tư thế đó. Toàn thân tê dại trong sợ hãi tột cùng. Anh đứng như trời tròng. Cả người anh biến thành khối băng lạnh toát. Ngay cả việc đơn giản là kéo mặt mình ra khỏi chiếc quan tài nặng mùi tử khí để nhảy ùm xuống nước anh cũng không làm được”.

Thế nhưng mấy ngày sau khi trời quang mây tạnh, khi cơn sốt kinh hoàng đã qua đi, Thành quay lại căn chòi hoang giữa đồng ấy và thắp cho người quá cố một nén nhang, bởi không chỉ nghĩa tử là nghĩa tận mà đó còn là ông Cả Sửu, cũng như nhiều người giàu có nắm trong tay ruộng trăm, ruộng ngàn nhưng khi chết giữa mùa nước lụt thì cũng như người không có cục đất chọi chim đều phải đưa ra đồng “gác chéo” chờ nước rút mới hạ huyệt về với đất. Cuộc sống vốn vô thường.

Ngồi lại với trăm năm” không chỉ ngồi mà nhìn lại ngôi nhà tổ, nhìn những người đã đi xuyên qua lòng đất bên khu vườn, những người nằm giữa cánh đồng hoang, hay nhắc nhớ lại một dòng họ Nguyễn lững lẫy ngày xưa khi Chúa Nguyễn dong buồm về phương Nam khai hoang lập ấp, không chỉ nhìn lại những định kiến khắc khe hay những nỗi oan, nỗi đau đeo đẳng đời người… mà “Ngồi lại với trăm năm” để hiểu nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với những buồn vui, thăng trầm đã lùi xa trong dĩ vãng, bởi bước qua bao gió giông, sóng dập đã đời thì sướng vui hay đau buồn cũng dẫn đến cuối con đường mà tan vào cát bụi. “Mùa xuân vĩnh cửu của đời người có lẽ nằm ở đây, sâu thẳm trong lòng đất”.

Tôi chọn câu chuyện thứ ba xuất hiện trong tập truyện ngắn này để khép lại bài viết của mình sau khi mở và đóng 261 trang sách đượm ngôn ngữ thi ca. Tác phẩm duy nhất đánh số thứ tự từng phân khúc trong truyện mà lẽ ra không phải ghi những con số tự nhiên từ 1 đến 7. Bởi “Cái số… không mất nồi” là những lát cắt liên tiếp có liên quan đến sự xuất hiện của từng nhân vật khi cơn mưa lớn làm cuốn trôi cái nồi của bà cụ 90 tuổi sống dưới mé sông. Cái nồi là thứ tài sản duy nhất của của bà dùng để nấu cơm nên bà quý nó như vàng. Cái nồi bị nước cuốn trôi thì coi như mất hết tài sản. Lẽ đó bà hớt hải chạy đi tìm người giúp đỡ. Từ anh thợ sửa điện tử, đến vợ anh, ông thợ xây dựng, thầy giáo, thằng bé… cứ liên tiếp được biết, được thấy, được vớt cái nồi… để cuối cùng cái nồi lọt vào chiếc xe ba gác của anh bạn trẻ thu mua phế liệu, bởi thằng bé “Sau khi vớt được cái nồi đã leo lên bờ, lấm lét nhìn quanh quất rồi cắm đầu chạy mất tăm giữa cơn mưa mù trời”. Thằng bé bán cái nồi lấy tiền chơi game online, mặc cho mọi thứ diễn ra quanh nó như thế nào cũng không màn đến. Những trò chơi ảo trên mạng có sức hút mạnh mẽ hơn những gì có thật giữa đời.

Khi phát hiện cái nồi trên xe ba gác, từ ngoài lộ cô giáo nhón chân qua hàng rào dâm bụt nói vọng vào nhà với anh thợ sửa điện tử vừa mới nhận được ba chục ngàn tiền công sửa Ampli với mixer cho khách: “Anh ơi! Lấy cho em mượn ba chục ngàn”. Chưa đợi chồng lăn xe ra, cô cầm cái nồi chạy xuống mé sông trong ánh mắt vui mừng, run run, sung sướng của bà cụ. Anh bạn trẻ thu mua phế liệu hiểu ra sự việc thì chẳng nói chẳng rằng, chẳng cần lấy ba chục ngàn mà nhảy phóc lên yên xe, đạp mạnh. Có lẽ bạn đọc cũng sẽ giống như tác giả, sẽ rất vui khi thấy quanh mình có nhiều câu chuyện hết sức giản đơn nhưng đầy ắp tình người như thế. Tất cả những nhân vật không ai mất gì cả. Ngay cả anh bạn trẻ thu mua phế liệu kia, những tưởng sẽ mất ba chục ngàn, nhưng cái mà anh có được còn hơn cả một cái nồi của bà cụ ở mé sông, đó là tình người!

Chỉ 21 truyện ngắn của Nguyễn Lệ Ba tập hợp để “Ngồi lại với trăm năm” nhưng từng lát cắt của từng số phận con người đã hiện ra với nhiều vết hằn sâu của vui buồn, sướng khổ khác nhau. Lẽ đó, bạn đọc sẽ chờ ở anh có thêm những truyện ngắn mới, dẫu anh viết rằng: “Tôi thích kể những chuyện tào lao. Bạn bè tôi vẫn gọi đó là những chuyện không đầu, không đuôi; không theo chuẩn 3S: sốc, sến, sex; không ý nghĩa nhân văn mà cũng chẳng có giá trị nghệ thuật. Cũng đành. Nếu không vậy, làm sao tôi kể được những câu chuyện xảy ra quanh tôi; làm sao tôi nói đến những con người biết quan tâm chia sẻ với người khác, dù chỉ bằng những việc làm nhỏ nhoi hàng ngày; làm sao tôi nói được cái mà nhiều người vẫn hay nhắc đến mỗi khi gặp một việc gì đó không thể chứng minh hay giải thích”.

Cuộc sống dẫu thế nào thì hoa vẫn nở và mặt trời vẫn lên!

Đồng Tháp

L.N.M.H