Ngôn ngữ làng quê trong thơ dị nhân Văn Thùy .

1446

Việt Thắng 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thời buổi kinh tế thị trường. Đời sống người dân đã khấm khá, phong trào thơ ca cũng bùng nổ theo. Người in thơ thì nhiều mà người đọc thơ thì ít. Thơ bán chả ai mua vì chất lượng thơ. Riêng dị nhân Văn thùy cả thơ phô tô bằng chữ viết tay cũng bán được. Tác giả còn nhớ có lần Văn Thùy vào Sài gòn, tới giao lưu với CLB thơ lục bát Sài gòn. Ai ai cũng muốn chụp với Văn thùy phô ảnh làm kỷ niệm. Trong khi Văn Thùy chả có một cái thẻ hội viên của hội nào cả.

Nhà thơ – Dị nhân Văn Thùy

Có những ngôi sao trước khi lịm tắt chợt lóe sáng trên bầu trời. Trong làng văn chương Việt Nam đầu thế kỷ 21, Văn Thùy là một điển hình. Bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy” vụt lóe lên bằng một thể thơ lục bát. Dáng người gầy guộc, tóc dài búi tó, râu để dài như các cụ ngày xưa, răng khấp khểnh cái còn cái mất; thoạt nhìn cứ tưởng Bùi Giáng tái thế. Có lẽ hình hài và những ngôn từ làng quê qua tay nhào nặn của Văn Thùy, phần nhiều là những từ ngữ bình dị, giản đơn nhưng khá “lắt léo” và thêm chút khẩu ngữ kỳ dị, tếu táo nên người đời đặt cho ông bút danh dị nhân Văn Thùy chăng?

Viết về tình yêu, ngay cả chốn cửa thiền ông cũng tán tỉnh: Em ăn mày Phật cửa chùa /Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay …/ Yêu đương chọn gió cuối mùa/Ngày dưng cũng chọn góc chùa thỉnh kinh … / Em nguyền khổ hạnh ăn chay / Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần …/ Phải tay này gặp Thị Mầu /Chẳng sưng đầu mõ cũng nhàu vú chuông …/ Cổng chùa xin tiểu lỏng then… / Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa… Sự tương phản về hoàn cảnh, chữ nghĩa phù phép đã đẩy câu thơ bay lên về khát vọng tình yêu trong hoàn cảnh trớ trêu.

Trong bối cảnh nào Văn Thùy cũng đắm đuối và bông đùa được. Có lẽ trời phú cho Văn Thùy giỏi khoa tán gái bằng thơ; trái ngược với thân xác ông lếch thếch … : Sao đành làm gái một con / Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi… / Cho tôi sờ áo một lần / Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên… /Áo gì cứ mỏng mòng mong / Thế này thì đến phải lòng mất thôi/ Rủi mai hóa cát bụi rồi / Hú hồn đốt mã cho tôi áo này….

Cả những khi ông tếu táo, độc giả phải phì cười về thơ kiểu khẩu ngữ của Văn Thùy mà chẳng dám chê trách ông: Em đi mấy bước nữa rồi/ Dẫm chồng lên vết hôn hồi mới yêu … / Vừa ban thông điệp yêu đương / Bỗng dưng cả bộ dát giường động kinh… / Có gì mạnh đến lạ thường / Yêu suông đến bốn chân giường còn hai…

Vì miếng cơm manh áo, cả cuộc đời bon chen chốn thị thành. Cuối đời Văn Thùy về căn nhà dưới chân dốc cầu Đìa thị trấn Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Căn nhà bé tẹo, mái nhà mấp mé mặt đường; trước nhà có giàn hoa giấy, đường vào nhà là một con dốc thẳng đứng như sườn đê sông Hồng . Từ căn nhà này anh đã chiêm nghiệm những việc đời từng trải. Mượn những lời dân dã làng quê thành thơ theo phong cách Văn thùy; nói lên cảm nhận của mình về mình : Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu … / Từ ngày đốc chứng làm thơ /khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ càng dầy …/ Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa / Cũng bay về phía thật thà ngày xưa… Nhưng khi viết về người Mẹ Văn Thùy đã làm ta phải rưng rưng: Sợi đen năm cũ đâu rồi / Còn phơ phơ lại tơi bời gió sương… / Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh …/ Nén nhang tro trắng đội đầu / Gọi hồn tóc rối rủ nhau hẹn về …/ Người mua tứ xứ nay đâu / Răng đen nhuộm tích trầu cau vắng rồi…

Ở cái tuổi bẩy mươi ngọt bùi, đắng cay Văn Thùy đã từng trải trên cõi trần gian này. Viết về mảng xã hội Ông có những câu thơ mang tính triết lý rất cao: Bóng ta đổ dưới chân ta/ Nào ai đã bước nổi qua bóng mình …/ Hào quang đánh bẫy nhân sinh / Khói nhang an ủi tâm linh mịt mù… / Nói nhiều là đấng nhân gian / Ăn nhiều là bậc tham quan gia truyền… / Ngợi ca Thần Thánh đẩu đâu / Thế nào rồi cũng nát nhàu câu thơ…

Trong thời buổi kinh tế thị trường. Đời sống người dân đã khấm khá, phong trào thơ ca cũng bùng nổ theo. Người in thơ thì nhiều mà người đọc thơ thì ít. Thơ bán chả ai mua vì chất lượng thơ. Riêng dị nhân Văn thùy cả thơ phô tô bằng chữ viết tay cũng bán được. Tác giả còn nhớ có lần Văn Thùy vào Sài gòn, tới giao lưu với CLB thơ lục bát Sài gòn. Ai ai cũng muốn chụp với Văn thùy phô ảnh làm kỷ niệm. Trong khi Văn Thùy chả có một cái thẻ hội viên của hội nào cả.

Nhìn chung trong thơ Văn Thùy chỉ tập trung viết về mảng tình yêu, gia đình và những ký ức về cái tôi… Biên độ xã hội còn bị bó hẹp. Dù sao bằng sự vận dụng những ngôn ngữ dân gian qua bàn tay của Văn Thùy; Ông đã tạo cho mình một lối đi riêng trên cánh đồng thơ thời hậu hiện đại. Vì vậy ông đã :
Quay về quê mót thóc rơi
Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm .
Khi độc giả đã đọc thơ dị nhân Văn Thùy, không dễ gì quên được “những lời rạ rơm” của Ông.

Sài Gòn hè 2014.
Việt Thắng