Ngôn ngữ và nhà văn

736

Nói đến ngôn ngữ, lại nhớ Tô Hoài. Ông là nhà văn Việt Nam đứng vào hàng giàu ngôn ngữ văn học nhất. Vì sao Tô Hoài lại có được vốn ngôn ngữ cỡ “Thạch Sùng” như vậy? Có lẽ vì cả cuộc đời Tô Hoài gắn bó với người dân, từ người dân ven đô, người dân nội đô, tới người dân quê khắp các vùng miền Bắc, từ miền xuôi tới miền ngược.


Nhà thơ Thanh Thảo.

Tô Hoài không thích đi thực tế, trừ “đi thực tế nước ngoài” như có những người đã giễu cợt. Nhưng ông thực sự sống với người dân, am hiểu ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của họ, tâm tư và tình cảm của họ. Ông lặng lẽ cất giấu những của báu ngôn ngữ ấy vào “kho chứa tâm hồn” mình, và từ tốn gọi nó ra vào những lúc cần thiết. Nhân vật của Tô Hoài không chỉ nói đúng giọng của mình, còn nói đúng ngôn ngữ vùng miền của mình, đây chỉ đóng khung trong ngôn ngữ miền Bắc. Chỉ có một nhân vật đặc biệt, đó là Huỳnh Cự trong tiểu thuyết Ba người khác là nói giọng Quảng hơi pha pha. Nhưng chính Tô Hoài đã sống “ba cùng” rất lâu với nhân vật về sau chiêu hồi này, và ông ghi nhớ ngôn ngữ của người xứ Quảng phát ra từ anh ta. Ngôn ngữ thì không thể “sáng tác” được. Phải sống với ngôn ngữ ấy, nếu muốn miêu tả nó một cách thuyết phục từ những nhân vật nào đó. Còn ngôn ngữ báo chí thời trước, thì phải tôn vinh Vũ Bằng là bậc thầy. Mãi gần đây, đọc bài báo của Xuân Ba viết về gia đình Vũ Bằng ở Sài Gòn, mới biết Vũ Bằng có một người vợ quê Nam bộ, khi ông di cư vào Nam. Người ta nói Vũ Bằng là tình báo của Việt Cộng, tôi cũng nghe vậy, nhưng tôi tin, nghề chính của Vũ Bằng vẫn là nghề chữ nghĩa. Ông là người tung hứng chữ nghĩa rất tuyệt vời, vừa là nhà báo vừa là chủ báo, lại là nhà văn lớn, mà ở vai trò nào, ông cũng thật xuất sắc.

Dường như, không ai trong số những nhà văn lớn ở Việt Nam thời ấy có được cuộc sống bình yên hay sung túc. Kể cả Vũ Bằng. Đọc Thương nhớ mười hai của ông, một người bạn tôi, cũng là nhà văn, cho rằng Vũ Bằng kể về đời sống của mình ở Hà Nội ngày trước có vẻ trưởng giả quá. Tôi nghĩ, cái vẻ gọi là “trưởng giả” ấy, thực ra, chỉ là cái vỏ, để Vũ Bằng có cớ phô diễn những cảm nhận tinh tế của mình về thiên nhiên, thời tiết Hà Nội, về những phong tục dễ thương của người Hà Nội cũ, cùng những món ăn, những thú vui thưởng thức ẩm thực tinh tế của chính Vũ Bằng. Nếu tính chi ly ra, thì những món ăn hay những thú chơi của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai chỉ ở tầm trung bình, tính theo giá trị tiền bạc, so với bây giờ. Nét đặc biệt nhất trong truyện và ký của Vũ Bằng vẫn nằm ở ngôn ngữ. Đó là thứ ngôn ngữ vừa bụi bặm dân giã, vừa tinh tế sang cả, lại nhuốm chút “xã hội giang hồ”, nên đọc rất thú vị. Tất cả những gì thương nhớ nhất trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng gửi về người vợ Hà Nội của ông mà ông đành để lại trong chuyến di tản vào Nam. Nếu Vũ Bằng là một cộng tác viên của quân báo Việt Cộng chẳng hạn, thì ông đã hy sinh rất nhiều hạnh phúc gia đình mình khi di cư vào Nam năm 1954. Và sau này khi sống với người vợ Sài Gòn, Vũ Bằng lại cảm nhận được những sắc thái Nam bộ từ phong cách ẩm thực của vợ mình. Khi đất nước chưa thống nhất, cách viết ẩm thực của Vũ Bằng đã nêu rõ sự khác biệt và kêu gọi sự thống nhất trong ẩm thực giữa miền Bắc và miền Nam, dù vẫn giữ nguyên bản sắc độc đáo của mình. Mấy chục năm sau hòa bình, lời kêu gọi “thống nhất ẩm thực” của Vũ Bằng đã được thực hiện ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Bây giờ, ra Hà Nội, có thể ăn những món đặc vị Sài Gòn, và ngược lại, vào Sài Gòn lại có thể thưởng thức những “món ngon Hà Nội” mà Vũ Bằng đã mô tả rất tuyệt vời trong tác phẩm của ông.

Ngôn ngữ làm nên sự khác biệt, lại làm nên sự thống nhất. Và nhà văn nhà thơ Việt đích thực phải biết sử dụng cái khác biệt và sự thống nhất ấy trong các tác phẩm của mình.

Theo Thanh Thảo/Vanvn