Trang Thùy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Dường như đất trời có phần ưu ái để bù đắp cho những thiệt thòi khắc nghiệt của thiên nhiên mà người dân miền Trung luôn gánh chịu, nên xứ Huế có những loài cây ăn trái nổi tiếng với những đặc điểm “ăn là nhớ mãi”. Trong đó trái nhãn lồng Huế là một sản vật đọng lại cho người từng thưởng thức một hương vị khó quên.
Năm Minh Mạng thứ 11 người dân Hưng Yên đã chọn trái nhãn lồng của họ đem vào Kinh đô để tiến vua nên nhãn lồng, còn có tên gọi là nhãn tiến vua. Dần theo năm tháng, giống nhãn lồng nhân rộng ở Huế. Có lẽ phụ thuộc vào thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất mùa đông mưa lụt triền miên đem theo những mỡ màng phù sa, còn mùa nắng thì khắc nghiệt với những cơn gió Lào cháy da cháy thịt, nên trái nhãn như được gói ghém cô đọng lại từ những tinh hoa của đất trời. Thỉnh thoảng, một vài trộ mưa giông tưới tắm dung hoà và từ những đôi tay cần mẫn, khéo léo của người thợ lồng nhãn mà nhãn lồng Huế có cơm dòn, ráo và có vị ngọt rất thanh và thơm.
Nhãn Huế có mặt rất nhiều nơi; trong những khu vườn, khắp các con đường nhưng ngon nhất phải nói đến nhãn vùng Kim Long, thứ nữa là nhãn trong Đại Nội, với rất nhiều những gốc nhãn trái sai trĩu cành, là đà níu chân du khách khi ghé thăm vào mùa nhãn Huế. Nhãn Huế vốn đã ngon, nhãn lồng Huế lại càng ngon ngọt thanh tao hơn khi được những đôi bàn tay khéo léo và cần mẫn của người thợ lồng nhãn bằng những bẹ mo cau hoặc bao chẹ.
Vào mùa nhãn, cũng là thời điểm khô hạn nhất khiến ruộng đồng nứt nẻ, nước máy chưa có nên cả làng dùng chung một cái giếng để sinh hoạt. Vào tháng 5, 6 giếng thường cạn nước, những đứa trẻ xóm giếng Chùa chúng tôi ngày ấy lại được ba mẹ giao cho trọng trách là “chực” nước giếng. Cạnh giếng là chùa Thiên Hoà với ba cây nhãn lâu năm luôn là nơi tụ tập hấp dẫn nhất của lũ trẻ. Dưới những tàng lá rộng che mát, những gốc nhãn to bốn đứa trẻ giang tay ôm không xuể, những trò chơi dân gian như đuổi bắt, ô làng, trốn tìm… là những kí ức đến giờ mãi còn đọng lại trong tôi và những cây nhãn chùa Thiên Hoà không thể không nhắc đến mỗi khi chúng tôi có dịp gặp nhau ôn lại những ngày tháng cũ. Lũ trẻ con ngày ấy với những thiếu thốn vật chất nhưng lại giàu trí sáng tạo, thích nhất là những chú bọ xít có trên cây nhãn. Thật ra thì nếu không cẩn thận để các chú ấy tè vào mắt thì cay xè đau đớn vô cùng nhưng chúng lại quyến rũ lũ trẻ con chúng tôi với trò chơi chế tạo xe bọ xít. Với tuýp kem đánh răng, vài hột nút và một ít hắc ín (dầu hắc) chúng tôi làm thành một chiếc xe rồi bắt những chú bọ xít tội nghiệp dính vào dầu hắc trên chiếc xe. Bọ xít bị dính vào chiếc xe đập cánh quay vù vù trong những ánh mắt hân hoan thích chí của lũ trẻ, sau đó thường là tay đứa nào đứa nấy đều dính nước đái của bọ xít vàng khè. Và thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe một vài tiếng khóc của đồng bọn quanh xóm chính là hậu quả của vài tiếng roi hoặc nhẹ hơn thì ăn mắng vì trò chơi cố ý sát sanh.
Khi những trái nhãn bắt đầu hình thành cơm và có vị ngọt rồi, chú Tuấn là người đàn ông được coi là trèo cây và lồng nhãn chuyên nghiệp nhất xóm lại chuẩn bị những chiếc bao chẹ, những bẹ mo cau cho công việc lồng nhãn. Chú gom nhãn lại từng khóm và lấy những sợi lạt buộc túm lại trên miệng bao. Đôi khi công việc ấy phải kéo dài đến ba ngày mới xong xuôi cho những lồng nhãn chùa Thiên Hòa. Ông mặt trời đã bao lần mọc rồi lặn, đã qua một mùa trăng và đêm đêm những đàn dơi từ đâu kéo về xạc xào trên những tàng nhãn, sáng mai dậy thấy chúng xả vỏ và hột rơi đầy dưới những gốc cây. Đó cũng chính là dấu hiệu đã đến lúc thu hoạch nhãn lồng và đó là những ngày rộn ràng nhất của những đứa trẻ.
Chú Tuấn thường ngày rất nghiêm và lũ trẻ chúng tôi thường không dám lại chơi gần chú nhưng hôm nay thì khác hẳn. Chú leo tít lên những ngọn cây cao còn dưới đất lũ trẻ con lại háo hức rướn cổ, những đôi mắt thao láo đợi chờ và tranh giành những trái nhãn rơi vô tình rụng xuống. Thỉnh thoảng lại có những nhánh nhỏ tách lồng được thả xuống để những đứa trẻ lại reo hò tựa như sắp trúng số độc đắc. Trên cao chú Tuấn tay bẻ lồng thoăn thoắt, thỉnh thoảng chú mỉm cười trông xuống và giả vờ vô tình đánh rơi một vài chùm nhỏ, để lũ trẻ lại inh ỏi reo hò.
Nhãn Huế lạ lắm, không biết những nơi khác thế nào riêng nhãn Huế nếu cây năm này cho trái trĩu cành thì phải một hai năm sau cây mới cho trái lại. Vậy nên người Huế hay hẹn nhau mùa nhãn lần sau chứ ít ai nói hẹn nhau mùa nhãn năm sau lắm và thông thường cây chỉ đậu trái khi tuổi cây đã khá lớn. Một điều đặc biệt nữa là nhãn lồng Huế thường chung mùa cùng hạt sen Huế nên như một chữ duyên được tạo ra cho cây trái Huế được giao hòa cùng nhau vậy nên mùa nhãn lồng Huế lại đi kèm với món chè long nhãn hạt sen.
Với đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế và cầu kì của những người phụ nữ Huế giỏi nữ công gia chánh thì món chè long nhãn hạt sen luôn là món ăn bổ dưỡng và giải nhiệt tuyệt vời cho mùa hè. Với những trái nhãn lồng nàng tôn nữ nhẹ nhàng dùng mũi dao nhọn tách phần hột ra và hạt sen sau khi hấp với đường phèn chừng 10 phút sẽ bỏ vào trong trái nhãn. Nước đường phèn sau khi nấu để nguội xong đổ vào những chén nhỏ có để sẵn vài trái nhãn bọc hạt sen. Nâng chén chè lên thưởng thức, tưởng đâu đây bóng dáng nàng con gái Huế dịu dàng e ấp, nghe trong từng vị ngọt những khúc nhạc trời đang trỗi lên những thanh âm trang đài của món chè thanh tao vương giả, nhãn lồng và hạt sen Huế đã quấn quýt ôm ấp nhau trong hương sắc trong ngần.
Ngày nay tuy giống nhãn lồng đã có mặt ở rất nhiều nơi nhưng nhãn lồng Huế vẫn là một sản vật danh tiếng của Huế. Năm nay cây nhãn nhà tôi cho trái rất nhiều. Đứa em trai tôi lại rộn ràng qua chợ Đông Ba mua rất nhiều bao chẹ để lồng nhãn. Sau gần một tháng trái nhãn đã có vị ngọt đậm đà, cả nhà tôi ba thế hệ quây quần bên gốc nhãn. Người trẻ có sức leo cây bẻ chùm, mạ và chị em tôi ở dưới cùng nhau lặt nhãn còn mấy đứa cháu lăng xăng rộn rã cả một góc vườn rộng, tiếng cười đùa làm cả xóm ai cũng kéo tới cùng vui chung nhãn nhà tôi năm nay được mùa.
Lựa những chùm trái to ngon cơm dày giòn thơm nhất mạ tôi dâng lên bàn thờ gia tiên tấm lòng thảo thơm của người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mạ đem biếu trong xóm mỗi nhà một ít. Số còn lại tôi đem ra chợ bán, không là bao nhưng tôi muốn mọi người ai cũng được nếm hương vị ngọt ngon của trái nhãn lồng nhà tôi. Đó không chỉ là một sản vật danh giá của Huế, không chỉ là những mật ngọt của đất trời ban tặng cho xứ Thần kinh mà còn là những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của chúng tôi gắn liền với những gốc nhãn lồng vườn Huế.
Huế 1/8/2021
T.T