Ngủ giữa trùng sơn

178

Thuở còn bé, tôi đã được dạy về các ông vua triều Nguyễn là những kẻ bán nước hại dân, tham sống sợ chết. Và hễ nhắc đến triều Nguyễn, vua Nguyễn là cả những trang tội trạng dài dài, không đầu không cuối.

Đến tuổi 22, tôi nghe bạn bè kháo nhau về lăng Gia Long, một thắng cảnh vào loại bậc nhất đất kinh kì, không một lần chiêm ngưỡng xem như vẫn thiếu đi một phần con người xứ Huế. Theo hiểu biết của tôi, Gia Long là một ông vua có số phận thăng trầm, 16 tuổi đã tham gia việc binh nhung, nắm đại quyền, mưu việc đại sự, nếm đủ thắng bại, vui buồn, vinh nhục, yêu ghét, vượt qua muôn ngàn gian khổ mới thành đại nghiệp.

Phần lớn cuộc đời gắn liền với khói lửa binh đao, nhưng thật ngạc nhiên, về cuối đời Gia Long lại thiết kế cho mình một khu lăng tẩm với vẻ đẹp trác tuyệt thuần chất phương Đông bằng con mắt thẩm mĩ của một thi nhân chứ không phải kẻ võ biền. Việc xây lăng là ý nguyện chung tình của Gia Long với người vợ nguyên phối yêu quý nhất: Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Năm 1814 hoàng hậu qua đời cũng là năm lăng bắt đầu được xây. Sau này, Gia Long băng hà cũng được hợp táng cùng bà trong lăng Thiên Thọ.

Tôi đã bị mê hoặc ngay phút đầu khi thấy lăng Gia Long. Những câu chuyện bí ẩn liên quan đến nơi an táng thật sự của nhà vua, những bí mật trong chốn cung đình đã hấp dẫn, thôi thúc tôi ngồi vào bàn và viết trong gần một tháng trời. Khi ngừng bút, tôi chợt có ước ao được một đêm ngắm trăng thưởng rượu cùng bạn hiền trên Thiên Thọ, bên cung khuyết, bên lăng tẩm im lìm giữa trập trùng núi non, mênh mang sông nước.

Nhà văn LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

*********************

Tháng 5 năm Canh Thìn (1820)

Hầm mộ Thiên Thọ lăng

Võ Phục ngồi bó gối, mặt nhìn xuống nền đất không rõ hình thù. Bên tai chàng, những bóng đen đủ tư thế đang rên rỉ, khóc lóc, dằn vặt, lo sợ… Khi cận kề cái chết, con người trở nên bủn rủn trong cái tâm thức lay động hoạt bát dòng hoài niệm. Viên tướng công thần của Nguyễn triều thao thao xướng loạn:

– Bậc trượng phu ở đời, thời nhiễu loạn mới theo nghiệp binh nhung, chỉ có thể lấy máu mà tế xã tắc, theo minh quân mà thống nhất thiên hạ, hưởng lấy thái bình, công lao ấy sánh ngang trời bể!

Hôm nay, máu thấm Bảo Thành.

Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802)

Chiến trường Trấn Ninh

Chiến tuyến phía trước kia, cờ trận Tây Sơn te tua như bợn khói. Võ Phục theo phò vua Nguyễn, nhận làm quân tiên phong xung trận đầu. Bấy giờ khi mũi giáo đâm vào những tàn quân Tây Sơn, chàng mới thấy xót cái nồi da đang xáo thịt, để trả thù triều đại Tây Sơn. Chàng muốn vứt ngọn giáo xuống, nhưng phía sau lớp lớp quân tràn lên tiếp chiến, đẩy chàng vào dòng xoáy giết chóc. Chân chàng không thể chạy tiếp được khi phải giẫm lên những vũng bầy nhầy máu thịt, mùi tanh tưởi bốc lên làm chàng chững lại, buồn nôn.

Quân Quang Toản thua chạy qua sông, lập chiến tuyến bên sông Linh Giang (sông Gianh), thế đã suy nhưng khí không nhược. Quân Nguyễn đứng lại lập trại, lấy lũy Trấn Ninh, Đâu Mâu làm nơi phòng thủ, đợi thời cơ thuận lợi phát lệnh tiến công.

Võ Phục bị thương nhẹ nên được bố trí ở hậu quân. Chàng xin đi cắt cỏ ngựa để có việc mà làm, cốt tránh đao gươm, đợi ngày phục viên.

Canh hai hôm nọ, Võ Phục đang ngủ say bỗng nghe có tiếng người gọi mình.

Họ Trần kia mau giúp ta qua sông! Mau giúp ta!

Chàng choàng dậy, chạy ra khỏi lều quân quên cả mang giày cỏ. Chàng đi đến bờ sông, chẳng thấy gì ngoài những hàng rào phòng ngự, các điếm canh lẻ tẻ bên sông. Lửa thì lập lòe đây đó nhưng không hiểu sao đoạn sông chàng đang đứng thì âm u, sương mù phủ dày đặc, chẳng thấy mặt nước đâu. Phục nghe tiếng bõm bõm như ai ném vật gì xuống nước. Rồi lại có tiếng kêu, giọng sang sảng y như hồi nãy:

Mau giúp ta, ta ướt hết mất!

Ở giữa sông xuất hiện một ánh vàng đang dập dờ trên mặt nước. Tia sáng lóe lên rồi vụt tắt, cứ như thể nó bị ai đó cố dìm xuống dòng nước. Võ Phục lẹ làng cởi áo quần rồi trầm mình xuống sông, bơi ra phía đốm sáng. Nước lạnh làm tê cóng người nhưng chàng vẫn cố gồng mình, vận hết sức của một lực điền để kéo đốm sáng vào bờ. Phục cảm giác nó nặng kinh khủng, như một con voi chiến bị chết trôi, dù nó chỉ nhỏ tầm con mèo. Vào bờ, chàng nằm chết giấc.

– Chàng trai dậy đi! Cảm ơn ngươi đã cứu ta thoát khỏi họa diệt thân!

– Ông là ai, từ đâu đến, sao mặc áo quần như thiên quan vậy kia?

– Ta là thành hoàng đất Phú Xuân, cai quản đất đai, phù trợ kẻ giữ đất ấy. Vốn trước đây ta được thờ phụng trong thành, được chăm lo dưỡng phụng. Quân Tây Sơn khi thua chạy mang cả ta đi để cầu cứu độ, nhưng sau này suy yếu nên đành bỏ lại ta nơi đáy sông lạnh lẽo này. Ngươi có tấm lòng nhân đức, vía hợp nên mới nghe được lời ta. Ta khuyên ngươi hãy làm tròn bổn phận, mười tám năm nữa ta sẽ lại gặp ngươi để báo ân cứu nạn.

Võ Phục choàng tỉnh, gói vị thành hoàng vào một tấm vải, đoạn gồng mình vác về trại quân.

Vận nước đến ngày chung mối, thế cờ lộ rõ, quân Tây Sơn bị đuổi đánh, phải xé nhỏ. Hai tướng tài Trần – Vũ bị vây khốn ở Quy Nhơn. Quân Nguyễn tấn công dồn dập, Tây Sơn bại trận, phòng tuyến Nhật Lệ bị chọc thủng, Quang Toản cùng tàn quân tìm đường chạy ra Bắc Hà. Quân Nguyễn truy đuổi rất gấp. Cuối cùng, Quang Toản cùng anh em, vợ con, các tướng trung kiên như vợ chồng Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu đều bị bắt, bị giải về thành Phú Xuân chịu hình.

Võ Phục theo đoàn quân khải hoàn trở lại Phú Xuân. Chàng đem linh vị liệt thần dâng cho bộ Lễ để trả lại miếu thành hoàng, lập tức được thưởng công. Tin ấy đến tai Gia Long hoàng đế, lại biết rằng Võ Phục là cháu của Võ Tánh – một trong Gia Đinh Tam Gia, danh tướng đã tử tiết ở thành Quy Nhơn, nhà vua liền ban cho áo gấm, hai nén vàng, mười phương gạo, tuyển thẳng vào đội Cẩm Y quân. Từ đó, Võ Phục được thăng chức cai đội, quản cấm binh ở kinh thành.

Võ Phục đứng trên vọng gác cửa Quảng Đức. Gió đêm thổi từ dòng Hương lạnh tê tái. Mới đó mà đã hơn mười lăm năm giã biệt gia đình theo gót chân chinh chiến của Thế Tổ, đánh Nam dẹp Bắc, non sông thu về một mối. Làng An Nông chỉ cách kinh thành độ nửa ngày đường về hướng Nam, thế mà Võ Phục mỗi năm về thăm nhà không quá một lần. Thế Tổ xây thành quách cung điện suốt mấy năm trời mới có diện mạo của một kinh thành hợp phong thủy, có thế phòng thủ vững chắc, mang dáng vẻ nguy nga tráng lệ. Chàng mấy lần xin hồi hương nhưng vì quân tình biến động nên cứ dùng dằng mãi đến độ tóc điểm hoa râm. Nay nghe tin, nhà địa lí Lê Duy Thanh đã nhắm đất cho vua xây lăng ở núi Thiên Thọ, ba quân ở kinh thành phải ở lại phục dịch. Năm Giáp Tuất (1814), bộ Công bắt đầu làm lễ đặt đá xây lăng vua. Từ đó Võ Phục biền biệt tháng năm không về nhà.

Ngày 19 tháng Chạp năm Kỉ Mão (3/2/1820)

Kinh thành Phú Xuân

Vua Gia Long băng hà. Triều đình phát tang. Tin loan ra. Cả nước phải để tang nội trong mười ngày, cấm việc hoan hỉ, cấm mặc áo quần sặc sỡ. Kinh thành chỉ toàn màu trắng.

Võ Phục được lệnh vào gặp Thượng thư Phạm Đăng Hưng.

Họ Phạm chỉ nói:

– Tướng quân là người trung lương. Chuyện hồi trước tướng quân lập công chuộc lại bài vị của thành hoàng Phú Xuân không phải ai cũng có duyên làm được. Hoàng tử Đảm đã chọn tướng quân làm người chỉ huy công việc xây riêng hầm mộ thánh thượng. Bởi chỉ có tướng quân mới hội đủ thiên mệnh để làm việc cơ mật đó. Ta chỉ báo trước để tướng quân biết, nên nhớ là họa để trên đầu.

– Chuyện lớn thế tại hạ sợ không đảm đương nổi. Xin đại nhân hãy nói lại với hoàng tử.

– Dụ lệnh đây, tướng quân đọc đi.

“Tối mai, yết kiến Đông Cung tại thủy đình điện Quang Minh!”

Võ Phục đứng một mình bên thủy đình đợi lệnh. Ở đây, quân lính cứ ba trượng lại có một người. Bốn mặt đều có các đội binh tuần tiễu. Võ Phục ngồi một chỗ, đến nỗi không dám ngó nghiêng. Gà gáy lần đầu, chiếu lệnh được ban xuống, viên thái giám nói như dọa dẫm bằng cái giọng eo éo:

– Đông Cung muốn ngươi kín tiếng, không thì… – Viên thái giám đưa tay gạch một đường trên cổ.

Võ Phục xin lui, trong đầu rối ren tơ vò.

Ngày 24 tháng 5 năm Canh thìn

Hương giang

Lễ di quan ra khỏi hoàng thành bắt đầu trong một buổi sáng mờ sương. Kinh thành rung lên những hồi chuông tiễn biệt. Vàng mã bay khắp đường. Võ Phục chỉ huy một đội ngự lâm quân hai chục người bảo vệ linh cữu. Chàng quấn khăn tang trên quan mão, võ phục, đến bảo kiếm cũng rịt một miếng vải trắng.

Đám tang cha mẹ vì việc quân chàng không về được, chẳng quấn cho cha mẹ một tấm khăn tang, huống gì ở bên mộ cha mẹ ba năm như các bậc thánh hiền từng làm. Võ Phục cảm thấy xấu hổ. Lòng chàng xốn xang một nỗi buồn khó tả.

Đoàn rước đi rất chậm. Đội cờ quạt, nghi trượng đi đầu. Màu cờ tang nổi lên giữa hai hàng đuốc thắp sáng bên đường, duy có ngọn đế kì vẫn phần phật bay, hình mặt trời ở giữa cháy sáng lên, lan tỏa trên nền vàng hưng nghiệp. Tiếng ò e não ruột của đội lễ nhạc hoàng gia theo sau, vang vọng cả kinh thành. Mỗi lần tiếng nhạc ai oán dồn dập cất lên là quyến thuộc nhà vua khóc lóc thảm thiết, nghe đủ giọng già trẻ, gái trai. Thê lương nhất là đám cung phi theo hầu hơn trăm người, nước mắt đám giai nhân này có lẽ thấm từ lầu Ngũ Phụng ra đến tận bờ sông.

Hoàng tử Đảm (bấy giờ đã lên ngôi lấy niên hiệu Minh Mạng) đi trước linh cữu, đầu đội mũ rơm, thân mặc áo tang rộng, tay cầm gậy tre khô. Mặt nhà vua trẻ nghiêm trang, buồn nhưng không u uất. Tả hữu yên lặng, trật tự thi lễ của kẻ bề tôi. Tuyệt nhiên không có một tiếng xì xào, ho hay ngáp, mặc dù cả kinh thành đêm qua thao thức. Chỉ cần một cử chỉ vụng về thôi thì có là quan chánh nhất phẩm cũng sẽ bị phạt tội như một anh lính hầu vì dám kinh động đến giấc ngủ sớm mai của Thế Tổ. Thi thoảng tân vương dõi mắt nhìn về bến thuyền xem phía trước đã sẵn sàng tế lễ chưa, rồi lại ngó lui xem gia tộc, tả hữu thế nào. Ngài cũng để mắt tới đám lính khiêng quan tài và đội tùy tùng bảo vệ. Quan tài có vẻ nặng nên một số lính hơi nghiêng vai. Quan hướng kiệu của bộ Lễ có vẻ không để ý. Võ Phục thấy rõ sự tình liền ra hiệu bổ sung lính chêm vào các vị trí yếu. Đức vua có ý hài lòng, đoạn ngài lại cúi mặt xuống tiếp tục lê bước.

Mặt trời lên bằng ngọn sào thì linh cữu mới xuống tới bến thuyền, bắt đầu một chuyến hành trình di quan ba ngày đêm trên sông Hương để đến lăng vua dưới chân núi Thiên Thọ. Tại bờ sông, Võ Phục choáng ngợp trước vô vàn thuyền bè đậu dọc một đoạn sông dài, lớn nhỏ đủ loại. Tất cả đều treo cờ tang. Hai bên bờ sông, dân và lính đứng dày đặc, hương án bày biện khắp nơi. Bờ sông trước kỳ đài dựng một đàn tế khổng lồ. Lễ vật đủ loại. Phải mấy chục trâu, bò, lợn. Tất cả đều được làm sạch sẽ, nguyên con. Đám lính đứng canh áo quần tươm tất nhưng bụng thì đói meo liếc nhìn núi lễ vật, đờ đẫn. Võ Phục nghĩ đến đám lính mà thương. Cũng tại đám quân lương không chu đáo.

Trong lúc đó, các nhà sư tụng kinh rầm rì, các pháp sư ra phép xua đuổi tà ma. Quyến thuộc, quan quân thay nhau bái lạy trước khi linh cữu được an vị trên một con thuyền lớn trang hoàng cực kì lộng lẫy, trang nghiêm. Đèn hương, nhang khói nghi ngút đến nỗi không nhận ra đâu là chút sương còn sót lại của dòng sông, đâu là khói mù do đốt trầm, đốt giấy.

Hết lễ tế, tùy tùng, gia tộc nhà vua lần lượt bước lên những chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn. Lúc này, tiếng khóc vẫn không ngớt. Âm thanh não ruột cùng tiếng kèn, tiếng mái chèo khuấy động cả khúc sông Hương buổi sớm vốn quanh năm chỉ biết lững lờ.

Một loạt đại bác nổ trên kỳ đài tiễn đưa đấng quân vương quá cố rời thành đô về an giấc nghìn thu nơi nước non hùng vĩ. Đoàn thuyền tang được lệnh di chuyển, ngược dòng về hướng Tây Nam, chậm như những chiếc lá trôi trên dòng Hương mùa hạ.

Võ Phục chỉ huy chiếc thuyền chở linh cữu. Đây là con thuyền đi ở vị trí thứ năm trong đoàn rước. Vị vua con cũng lên thuyền này cùng với những bà phi được sủng ái. Ngài và bà mẹ của ngài cùng quỳ gối bên linh cữu, một chút cũng không rời xa. Mấy bà phi gào khóc một hồi. Hết nước mắt thì họ thi nhau sụt sịt. Riêng tân vương không khóc, không nói. Ngài đăm đăm nhìn vô định, chỉ đưa hiệu bằng ánh mắt. Quân lính trên thuyền được ban lệnh chỉ ở một tư thế đứng nghiêm, mọi tư thế sai khác đều bị xử trảm. Ngoại trừ những lính lo việc rải vàng mã và hoa xuống sông, lo đốt trầm, đốt chổi thì tư thế tự do nhưng phải hạn chế đi lại. Võ Phục đứng né bên mũi thuyền, tay nắm thanh bảo kiếm, vô hồn như một pho tượng.

Bốn chiếc thuyền đi trước đi chậm hết sức. Đi đầu là thuyền mở đường của các nhà sư. Họ liên tục tụng kinh gõ mõ vang trời để xin đường thủy thần, ma quái. Thuyền thứ hai chở duy nhất một tấm gấm vẽ những hình thù mang vong vía nhà vua. Con thuyền chở linh hồn của Thế Tổ trôi nhẹ nhàng như lướt khói. Tiếp đến là con thuyền chở đầy hoa quả, bánh trái…, hương thơm ngào ngạt. Lâu lâu, những vật phẩm này lại được ném xuống sông để tế thủy thần. Con thuyền thứ tư là nơi các pháp sư nhảy múa để xua đuổi tà ma, bảo vệ linh hồn nhà vua khỏi bị xâm hại. Sau năm chiếc thuyền này là một đoàn thuyền dài dằng dặc nối đuôi nhau. Vô khối vàng mã được đốt, được thả xuống sông. Nàng Hương được khoác một tấm áo tang tóc sực mùi li biệt. Nắng tháng năm dường như chẳng muốn phả cơn nóng khi rọi xuống mặt sông thăm thẳm xanh.

Đoàn thuyền đi từ từ về Thiên Thọ lăng trong ba ngày. Ban ngày thuyền đi, ban đêm tế lễ. Nhiều trâu bò, gà vịt lại được hiến tế. Mỗi lần tế lễ còn có cả phần cúng cơm cho nhà vua. Đó là những đồ ăn, thức uống, thức hút mà ngài hay dùng. Đội ngự thiện phải làm việc vất vả để dâng đúng bữa cho ngài.

Đồ tế quá nhiều, binh lính được tha hồ ăn những vật phẩm đã cúng tế, trừ đồ cúng cho nhà vua. Đám lính háo hức thi nhau đánh chén trong yên lặng, bụng thì no nhưng dạ không dám say. Có mấy kẻ mê rượu lỡ nhắp vài ngụm, lập tức bị ngài Tả quân Lê Văn Duyệt cho đem ra trước quân, truyền đánh vào mặt đến khi rụng hết răng mới thôi.

Võ Phục mỗi ngày chỉ ngủ độ chừng nửa canh, mặt mày líu rịu nhưng vẫn tỉnh táo để quản thúc binh lính. Trong những ngày lênh đênh trên dòng Hương ấy, Võ Phục chỉ nghe nhà vua trẻ nói với mình độc một câu khi đám quần thần không ai còn bên cạnh.

“Khanh kiếm cho ta một cái ghế nhỏ.”

Võ Phục vâng mệnh, đem đến cho nhà vua một cái ghế đủ để ngài gục đầu xuống trong khi vẫn quỳ bên linh cữu vua cha.

Ngày 26 tháng 5 năm Canh Thìn

Thiên Thọ Sơn

Sáng sớm, trời mù sương, đoàn thuyền đưa linh cữu vua Gia Long cập bến Lăng. Từ thuyền, Võ Phục nhìn thấy từ xa dưới những bóng thông, ngọn đế kì và vô số cờ tang cắm chót vót trên mái điện thờ. Bên bờ sông, dân làng Định Môn đã lập hương án, quỳ lạy một hàng dài trước bến. Đội tế lễ cũng đã chuẩn bị các nghi thức để di quan vào trong khu vực lăng. Thánh thượng đã dậy từ hồi sớm, mắt ngài sáng rạng. Ngài bước lên mũi thuyền, thả một nắm vàng mã từ chiếc giỏ viên thái giám đưa.

Linh cữu được đưa lên bờ, quàn tại điện Minh Thành nơi thờ Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Nhà vua trẻ cùng hoàng tộc và triều thần ngày ngày lễ lạy, cúng bái trước linh cữu nhà vua. Các nhà sư vẫn cầu kinh cứu độ vong hồn, các thầy pháp vẫn nhảy múa xua đuổi tà ma không làm hại người đã khuất, báo oán người đang sống. Trong khi đó, Cẩm Y Hiệu úy Võ Phục đang dõi tâm hồn mình về nơi xa, xa lắm trong suy nghĩ của chàng bây giờ, mái nhà và tinh thần của một võ tướng. Lòng chàng quặn thắt khi chạm nhẹ vào chuôi kiếm.

Ngày 28 tháng 5 năm Canh Thìn

Thiên Thọ sơn

Buổi chiều, có tối lệnh, toàn bộ vật dụng nhà vua trước đây dùng như giường, tủ, đèn, nhạc cụ, điếu tẩu… và cả hai chiếc thuyền, một tiên vương hay đi, một để rước linh cữu của ngài, đều được đem ra đốt. Lửa cháy từ trưa cho đến chạng vạng. Các phi tần lúc ấy chợt khóc to hơn bao giờ hết. Từ bây giờ các bà phải vĩnh viễn ở lại Thiên Thọ để chăm sóc tiên vương, vĩnh biệt cung son lầu tía, võng kiệu ngựa xe, chôn tuổi xuân bên lăng phủ rêu xanh.

Đội hình đưa đám được lệnh lập tức xuống thuyền trở lại kinh thành, chỉ để lại một cơ lính, các nhà sư, thầy pháp và một số người cần thiết để làm lễ mai táng.

Võ Phục đi lại Bảo Thành bên trong đã có phần mộ của bà Thừa Thiên và sinh phần của nhà vua. Tả quân Lê Văn Duyệt đi sau, đoạn chỉ vào hầm ngầm đằng sau Bảo Thành và nói:

– Tiên vương sẽ được an táng ở trong đó, ngươi nhớ làm cho sạch và kĩ!

Võ Phục y lệnh cúi đầu.

Trời bắt đầu tối. Mười lính được chọn để đưa quan tài vào Bảo Thành. Phía ngoài, từ điện Minh Thành sang Bảo Thành, màn trướng được giăng kín không lộ một kẽ hở. Mọi thứ ánh sáng đều bị dập tắt. Các nhà sư tụng kinh ở ngoài, chỉ có năm thầy pháp được đi vào bên trong làm những phép xua tà đuổi quỷ. Những tiếng hú man dại, những điệu nhảy ma quái.

Cái không khí âm âm, tà tà lan lan trên gáy đội lính khiêng quan tài. Họ vén lối vào hầm ngầm sau Bảo Thành. Bốn người được chọn để khiêng quan tài vào trong hầm cùng với Võ Phục, bảy thái giám và chín cung nữ.

Võ Phục đi sau cùng. Chàng đứng lại canh cửa hầm. Mấy anh lính còn lại vừa đứng canh vừa run. Ngoài Bảo Thành dường như chẳng còn ai. Chỉ còn vang vọng đâu đây tiếng khóc hờ.

Võ Phục đắn đo giây lát rồi phất tay ra hiệu. Năm tên lính rút kiếm xông vào hạ những nhát chí mạng vào năm thầy pháp đang nhảy múa. Không còn tiếng hú hú man dại, tiếng lục lạc leng keng, tiếng người nhảy thình thịch. Thay vào đó là một không khí yên lặng đáng sợ.

Họ Võ tiếp tục ra hiệu cho đám lính đứng canh cửa hầm. Đám người này lập tức thu kiếm bước lại vị trí. Lập tức một đường kiếm lạnh nhanh như ánh chớp xoẹt ngang. Năm cái xác đổ xuống.

Võ Phục bước vào trong đóng cửa hầm. Trước khi chàng đóng kín lại, ngoài kia có tiếng người thét lên kinh hoàng, nhiều âm thanh chết chóc xộc lại rợn tai. Tên từ đâu bắn tới xối xả. Chàng đóng mạnh cửa, tức thì đất đá từ đâu đổ ập xuống. Mọi thứ tối bưng.

Chàng ra hiệu cho bốn anh lính còn lại khiêng quan tài về đúng vị trí ở sâu trong hầm ngầm nhiều ngõ ngách. Đám người ngồi lại một chỗ, thắp nến lên. Cỗ quan tài nhà vua nằm chễm chệ trên một bệ đá, xung quanh vô số vàng bạc châu báu và mọi thứ vật dụng cần thiết cho một đấng quân vương tạ thế. Nhưng, tuyệt nhiên không có thức ăn, không nước uống.

Võ Phục bó gối ngồi một chỗ, chàng muốn ngủ. Không ai nói chuyện, không ai cử động. Chỉ có đám cung nữ là thút thít khóc. Thời gian trong hầm mộ nặng như kéo chì. Không khí đậm đặc mùi xạ hương trộn lẫn mùi tử thi. Những ánh nến cuối cùng vụt tắt. Tiếng khóc từ từ lắng xuống theo thời gian cho đến khi chỉ còn những hơi thở hấp hối. Một anh lính chịu không nổi sự ngột ngạt đã tuốt gươm tự vẫn. Chàng cảm thấy môi mình khô lại, mắt mũi nhòe đi. Mẹ già và cả gia đình từ đâu quây lại chung quanh, người cho chàng nước uống, người quạt mát cho chàng. Võ Phục chới với ôm lấy từng người. Nhưng một tiếng cười sắc lém cất lên xóa sạch mọi dấu vết của cuộc đoàn viên:

– Dậy, dậy đi, chàng trai. Ta đến cứu ngươi đây!

Võ Phục ngó lên, một khuôn mặt hiền từ của ông già râu tóc bạc phơ. Chàng à lên một tiếng.

– Ta đến để thực hiện lời hứa với ngươi năm xưa. Nào, theo ta!

Một thứ ánh sáng lạ kì chớp lên giữa hầm mộ u tối. Đám người kia giật thót, bàng hoàng.

Thời gian vô định

Bạch Mã sơn

Một ngôi mộ được lập nên giữa trùng trùng núi non. Bia chí ghi:

Cẩm Y Hiệu úy Võ Phục Chi mộ

Công thần khai quốc Nguyễn triều

Phụng lập: Minh Mạng Nguyên niên

Ngôi mộ ấy duy chỉ có gia tộc họ Võ biết rằng nó cũng rỗng ruột y như ngôi mộ của tiên vương họ Nguyễn trong Bảo Thành trên ngọn Đại Thiên Thọ

Lê Vũ Trường Giang/ VNQĐ