Người anh hùng mang trái tim thi sĩ

539

30.10.2017-23:30

NVTPHCM- Lẫy lừng trong sự nghiệp chỉ huy quân sự lẫn văn chương, cuộc đời của Huỳnh Văn Nghệ như một huyền thoại, nổi bật với phẩm chất của một anh hùng và một nhà thơ lớn.

 

Những bài thơ bất hủ và sự nghiệp cách mạng mà ông để lại cho dân tộc, cho cuộc đời mãi mãi là những di sản vô giá cho nhiều thế hệ. Đó là nội dung được nêu bật tại Hội thảo văn học “Huỳnh Văn Nghệ – Nhà thơ, chiến sĩ” do Hội VHNT tỉnh Đồng Nai, Hội VHNT tỉnh Bình Dương phối hợp Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tại Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 27-10.

 

Thi tướng tài hoa

 

Trong ký ức, tình cảm của quân và dân Đông Nam bộ, Huỳnh Văn Nghệ luôn xuất hiện với phong thái của một võ tướng uy nghi trên lưng ngựa, bên cạnh những tên tuổi lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Bình.

 

Nổi tiếng về tài thao lược, Huỳnh Văn Nghệ là người có công phát hiện vị trí, địa thế lợi hại của vùng rừng núi Tân Uyên, nơi lực lượng kháng chiến tiến có thể đánh, lùi có thể giữ, từ đó hình thành ý tưởng xây dựng căn cứ lẫy lừng mang tên Chiến khu Đ.

 

Nhắc đến Huỳnh Văn Nghệ, không ai không nhớ những tứ thơ bất hủ: Có ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

 

Không chỉ nổi tiếng ở tài thao lược và tài thơ mà Huỳnh Văn Nghệ còn nổi tiếng bởi nhân cách độc đáo, khí phách tâm hồn đậm chất Nam bộ.

 

Có thể nói, ông là điển hình của con người phương Nam, vừa phóng khoáng vừa lãng mạn, hào hiệp, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Không chỉ vậy, những lần Huỳnh Văn Nghệ tay không tiếp cận với tướng Bình Xuyên Bảy Viễn cho thấy ông có tài cảm hóa con người và có cốt cách của một đấng trượng phu.

 

Thơ của ông khiến người ta có thể cảm nhận được khí thế hừng hực của những con người đấu tranh vì chính nghĩa, và người lính có thể đánh giặc bằng những gì có trong tay, bằng vũ khí thô sơ nhất: Súng, gươm chen với giáo mác, dao phay/ Cán cuốc cùn cũng bửa tan đầu giặc…

 

PGS-TS Đoàn Trọng Huy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định, thơ của Huỳnh Văn Nghệ mang ngôn ngữ hào sảng hồn nhiên, vừa mới lạ, vừa cổ kính nhưng thích hợp với khẩu khí, khí thế con người thời đại mới – thời đại cách mạng và kháng chiến mang dấu ấn lịch sử một đi không trở lại.

 

Xúc động nhất có lẽ là hình tượng Tổ quốc trong thơ Huỳnh Văn Nghệ từ những năm 1947: Mẫu thân tôi bốn mươi thế kỷ/ Guốc Cà Mau và chiếc nón Nam Quan/ Cửu Long giang buông dài làn sóng tóc/ Lưng thắt eo áo Huế đỏ sao vàng.

 

Hình tượng Mẹ – Tổ quốc như luôn hun đúc tâm hồn nhà thơ – chiến sĩ một ý thức mãnh liệt đấu tranh giải phóng đất nước. “Thơ Đồng Nai, tập thơ kháng chiến đầu tay ra đời năm 1949 của Huỳnh Văn Nghệ đẹp và quý như một con sông đầu nguồn ào ạt chảy. Đó là sông nước ngàn xưa tiếp mạch từ suối bạc ngàn reo, chan hòa với ánh sáng tưng bừng trên lá non. Con sông thơ ấy đã mang linh hồn lịch sử”, PGS-TS Đoàn Trọng Huy nói. 

 

Tuyên truyền cách mạng bằng thơ

 

Đánh giá những giá trị di sản trong sự nghiệp cách mạng và thi ca Huỳnh Văn Nghệ, PGS-TS Huỳnh Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, chia sẻ: “Chất lửa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ hòa quyện với lửa của chính con người ông. Cái đẹp riêng trong thơ của ông luôn trong tư thế bay lên như hình mũi tên. Đó là hình ảnh của ngọn lửa, ngọn lửa của khát vọng hòa bình, ngọn lửa của tình yêu quê hương đất nước. Cái độc đáo ở thơ Huỳnh Văn Nghệ là trong thép có tình, trong tình có thép”.

 

Ông cho rằng, sự nghiệp cách mạng và thi ca Huỳnh Văn Nghệ cần được tổ chức thành nội dung sinh hoạt chuyên đề, để tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ, nhất là sinh viên học sinh. 

 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đồng Nai, Huỳnh Văn Nghệ để lại gia tài văn chương khá đồ sộ với những dấu ấn riêng, mang tầm vóc một văn tài. Ông là một cây bút lạ cả trong báo chí và văn chương.

 

Nếu như xứ Bắc có nhà thơ cách mạng Tố Hữu thì Nam bộ có Huỳnh Văn Nghệ. Thi tướng rừng xanh là cái tên người ta hay gọi khi nhắc về ông. Một điều thú vị khác nữa, Huỳnh Văn Nghệ mang cấp hàm đại tá, nhưng dân gian luôn gọi ông là “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ”, bởi với những đóng góp trong cuộc đời cách mạng của mình, ông đã là một vị tướng trong lòng của nhân dân…

 

Ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Nai, nói: “Những di sản mà Huỳnh Văn Nghệ để lại đã kết tinh và tỏa sáng. Việc còn lại là các thế hệ hôm nay phải làm gì vun đắp để những di sản ấy được phát triển vững bền”. 

 

Ông Bùi Quang Huy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, đánh giá: “Tại hội thảo này, chúng ta đã nghiên cứu một góc sâu xa khác ngoài con người của võ tướng Huỳnh Văn Nghệ. Đó là sự nghiệp văn chương đầy lửa khát vọng, đầy nhiệt huyết cách mạng của ông. Thơ của Huỳnh Văn Nghệ đọng lại ở biết bao con người, qua bao thế hệ chính là ở cái gốc nguồn, cái hồn của tình cảm, cái hồn của tình yêu quê hương đất nước. Hội thảo cũng hé mở thêm những thông tin thú vị giúp chúng ta biết thêm ngoài thơ ca, Huỳnh Văn Nghệ còn đã từng làm báo như thế nào. So với nhiều nhà thơ, văn và thơ Huỳnh Văn Nghệ mang một nội dung khác, một cấu trúc và phong thái khác. Chính những nét độc đáo ấy đã góp phần xây dựng nên hình tượng của ông. Với vai trò của một danh tướng, Huỳnh Văn Nghệ đã biết hát khúc khải hoàn trong mỗi chiến công của người nghệ sĩ. Và với tư cách của người nghệ sĩ, ông đã biết ca bài ca bi tráng của bao thế hệ với khát vọng độc lập dân tộc. Hội thảo giúp chúng ta hiểu thêm về một tượng đài văn chương Huỳnh Văn Nghệ. Những giá trị di sản quý báu ấy sẽ mãi trường tồn với thời gian”.

 

Nhà nghiên cứu Trần Quang Toại,  Tổng thư ký Hội Sử học – Liên hiệp Các hội KHKT Đồng Nai nhận định: “Nhìn lại quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Biên Hòa cũng như miền Đông Nam bộ một cách khách quan, quả thật khó tìm được một nhân vật lịch sử tài năng cả về chiến lược lẫn chiến thuật như Huỳnh Văn Nghệ – một nhà thơ, một vị chỉ huy xuất chúng của lực lượng vũ trang nhân dân Biên Hòa và miền Đông Nam bộ những năm 1945-1954. Huỳnh Văn Nghệ thực sự là một hiện tượng lịch sử ở miền Đông Nam bộ”

 

MINH AN/SGGP

 

 

 

>> Đọc lại Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…