‘Người bán rong thích đọc sách’ – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga

444

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hắn có vầng trán cao và mái tóc lúc nào cũng bồng bềnh. Ngày nào cũng thế, chẳng quản trời mưa hay trời nắng, mùa đông hay mùa hè, hắn đều đặn kéo sạp hoa quả đi bán rong dọc con đường dẫn vào khu công nghiệp. Vào giờ tan tầm, các công nhân từ các công ty tràn ra đi về khắp khác ngả đường. Hắn lại cất quyển sách vào chiếc túi nylon rồi vội vã bán mua. Mùa nào thức nấy, sạp hàng hoa quả của hắn lúc nào cũng đầy ắp hương thơm trái ngọt. Mùa hè, những chùm chôm chôm đỏ mọng xếp bên cạnh những trái mận màu tím rịm. Mùa đông, những trái táo nho nhỏ, những trái xoài vàng, trái bưởi xanh nằm gọn gàng trên chiếc sạp có hai bánh được gá thêm đầu xe gắn máy để tiện di chuyển.

Thế nhưng không phải lúc nào hắn cũng bán được hàng. Gần đây công an giao thông thường dẹp những hàng bán rong không cố định ở các lề đường. Có hôm đang cân hàng cho các cô công nhân, công an đến, hắn không kịp chạy, cả gánh hàng bị chất lên xe giao thông, mặc cho hắn van xin các cán bộ thao thiết. Hắn mếu máo thương vốn liếng bao ngày đi tong. Hắn ngước nhìn lên ô cửa công ty có cửa kính kiên cố ở khu công nghiệp. Vài cô gái, chàng trai trong văn phòng đang ngồi uống cà phê cạnh cửa sổ. Họ ăn mặc sang trọng, lịch lãm và nói cười, khuôn mặt họ toát lên vẻ hạnh phúc và tri thức. Cây hoa điệp vàng cạnh ô cửa kính cứ thả rơi những nhánh vàng long lanh đến tuyệt đẹp. Mọi thứ đều trái ngược hẳn với cái bộ dạng nhem nhếch của hắn đang đứng ở dưới lòng đường. Chỉ có những quyển sách vẫn nằm gọn trong chiếc túi nylon màu hồng nhạt, quyển sách lặng im không nói nhưng có gì đó thật kiêu hãnh và an ủi hắn lúc này.

Hắn không biết nơi mình sinh ra ở đâu. Khi hắn lớn lên bố mẹ nuôi chỉ kể cho hắn nghe về câu chuyện nhặt được hắn bên lề đường. Năm ấy, khoảng năm 1975 khi chiến tranh chống Mỹ mới vừa kết thúc. Người dân chưa ổn định cuộc sống, nhiều nơi làng quê còn nghèo, dường như chiến tranh đã tàn phá quá nhiều về người và của. Trong một lần bố mẹ nuôi của hắn di cư từ miền Trung lên vùng kinh tế mới ở Tây Bắc. Họ thấy hắn nằm gọn trong chiếc giỏ nhựa bạc màu bên đường, hắn còn đỏ hỏn trong chiếc tã rách màu xanh lơ. Bên trong chiếc giỏ còn có vài quyển sách về Khổng Tử, Nho giáo…Tất cả chỉ có thế, ngoài ra chẳng có thông tin gì của bố mẹ đẻ hắn. Hắn sống với bố mẹ nuôi đã già yếu. Hai ông bà không có con, nhặt được hắn ông bà cũng rất mừng. Họ nuôi hắn đến năm học lớp Chín thì mất sau cơn bạo bệnh. Để lại hắn mồ côi lần thứ hai trong cuộc đời này.

Hắn rất thích đọc sách, hắn không lí giải nổi rằng bản thân có gen di truyền từ cha mẹ hắn không mà cứ nhìn thấy sách là hắn đọc ngấu, đọc nghiến như say, như mê. Nhưng nhà hắn nghèo, sau khi bố mẹ nuôi hắn mất thì hắn cũng bỏ học từ khi đó, chỉ có niềm đam mê đọc sách thì vẫn giữ nguyên. Cuộc sống một mình không cố định, hắn phiêu bạt buôn bán khắp nơi, hắn từ Tây Bắc dạt về Bắc Ninh để đi buôn hoa quả. Cái mặt dầm mưa giãi nắng nhiều của hắn hằn in trên làn da bánh mật ngăm đen. Thực ra nếu hắn được sống cuộc sống nhàn hạ, hắn cũng sẽ trắng trẻo, thư sinh như các thầy giáo tri thức đang dạy các em sinh viên trên giảng đường. Nhưng sự sắp đặt lệch lạc của cuộc sống khiến hắn trở nên đen đúa như vậy. Nhiều ngày bán hoa quả ế, cả ngày nhìn những dòng người hối hả đi qua, chẳng ai chịu ghé vào sạp của hắn mà mua cho hắn cân ổi, cân lê. Những lúc như thế mặt hắn lại méo xệch, hắn lại nhớ đến cụ Vi-ta-li trong cuốn truyện Không Gia Đình mà hắn đọc được từ hiệu sách cũ bày bán lề đường. Cụ Vi-ta-li tuyệt vọng đi giữa đêm đầy sao, khi tiền bạc, danh vọng và sức khỏe đều mất hết. Cụ lê lết từng bước mệt mỏi trên đường, đôi mắt mờ đục không biết phía trước là ánh sáng của ngôi sao hay của chiếc đèn điện nhà ai đang thắp nữa. Người ta còn có lúc đau đớn như thế kia mà! Hắn chỉ bán ế sạp hoa quả hôm nay thôi, so với cụ Vi-ta-li hắn còn có sức khỏe. Những trái ổi, trái mận bị thối rữa phải đem đổ đi, thì hắn lại buôn chuyến khác về để bán, buôn bán phải chấp nhận những lúc được lúc ế. Cũng may hắn có những cuốn sách để hắn vịn vào, để đồng cảm cùng hắn những lúc tủi thân thế này.

Một lần hắn gặp thị, vợ hắn. Thị cũng bán hoa quả ở khu lề đường bên cạnh. Khi thì hắn mượn thị con dao để bổ hoa quả cho khách, khi thì thị bán chạy nên hắn gán chỗ hoa quả ế cho thị bán hộ hắn. Lửa gần rơm lấu ngày cũng bén, thị cũng cùng hoàn cảnh côi cút giống hắn. Lớn lên nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, thị vất vưởng lang thang bữa được bữa không rồi dòng đời cũng xô dạt đưa thị về đây gặp hắn. Thị chỉ học hết lớp năm, bố mẹ mất rồi bỏ học đi chạy chợ. Ngày cưới của hai người, hắn làm mấy mâm cơm mời bạn bè là những bà buôn bán ở chợ, người thân thì chẳng có ai. Có vài người khách quen hay mua hàng của hắn cũng được hắn trịnh trọng mời đến. Hai vợ chồng thuê một căn nhà trọ nho nhỏ rồi về sống cùng nhau. Buổi sáng tinh mơ nào cũng thế, hai vợ chồng đèo nhau ra chợ đầu mối lấy hàng. Phải tranh cướp những sọt hoa quả tươi ngon và rẻ thì cũng hết hơi với những bà buôn nhiều mồm nhanh nhẹn. Vợ hắn sẵn máu đanh đá thì chẳng nói làm gì. Hắn hiền khô nhiều khi cứ bị các bà buôn khác bắt nạt. Chị vợ tức mắt rồi quát cho hắn một trận “Anh có thấy người buôn nào mà đọc sách không hả, cứ đọc cho lắm vào rồi lú người ra?”. Câu nói của thị khiến hắn buồn tê tái. Dù sao thì thị cũng nói đúng, sách vở chỉ dành cho những người tri thức như các cô cậu thanh niên trong trang phục lịch lãm đứng bên cạnh ô cửa kính ở công ty trong khu công nghiệp kia. Chẳng có ai như hắn một người bán rong yêu sách cả.

Nhưng hắn đọc sách cũng đâu có để ảnh hưởng đến công việc bán hàng. Những lúc nào ế khách, khi các công nhân vào nhà máy làm việc. Hắn ngồi một mình bên sạp hoa quả cạnh lề đường, mùa đông hắn ngồi co ro, mùa hè hắn ngồi dưới tán cây bằng lăng nở hoa màu tím biếc. Hắn sẽ lôi quyển sách từ trong chiếc túi nylon màu hồng treo lủng lẳng trên chiếc móc nhỏ bằng sắt ở xe. Hắn đọc ngấu nghiến từng dòng từng trang. Đôi khi hắn chẳng còn thấy mình đang là gã bán rong ở lề đường nữa. Hắn thấy mình như lạc vào chốn Paris hoa lệ cùng những con người sang trọng đang chiết xuất ra thứ mùi nước hoa từ cây oải hương tím ngắt cả cánh đồng nước Pháp. Hay có những khi hắn thấy mọi lo toan trở hàng ngày của hắn trở nên tầm thường khi cuốn sách “Bí ẩn vũ trụ” đưa hắn đến những vì sao xa xôi. Những vì sao phản chiếu ánh sáng lung linh trên bầu trời, nhưng khoảng cách của nó xa đến nỗi khi hắn nhìn thấy ánh sáng của vì sao thì bản thân ngôi sao đã chẳng còn tồn tại nữa rồi. Vậy ra trước này hắn nhìn lên bầu trời, chỉ là nhìn thấy quá khứ của một vì sao. Đấy, đến một vì sao lớn lao như vậy còn chẳng thể làm gì nổi cho sự tồn tại vĩnh hằng của mình nữa là một con người, nhất là thân phận nhỏ bé như hắn. Rồi thời gian sẽ trôi đi, chẳng ai còn nhớ hắn từng bán hàng hoa quả bên lề đường và lúc đó dù hắn có ở đâu, làm gì cũng có điều gì là quan trọng nữa?

Hôm nay đẹp trời, hắn bán hàng hết sớm. Vòng chiếc xe nhẹ tênh trở về căn nhà trọ, nhẹ như lòng hắn buổi chiều vẩn vơ hôm nay vậy. Hắn dùng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi lật giở chiếc hòm cũ ra, hắn lấy ra chiếc tã màu xanh lơ, chiếc tã đã gói hắn tròn xoe khi bố mẹ nuôi nhặt được hắn ở lề đường. Cả những quyển sách đã cũ mèm, đây là những thứ duy nhất kết nối hắn với người đã sinh ra hắn, người mà hắn chẳng bao giờ biết họ là ai, mặc dù hắn luôn đau đáu muốn biết. Chắc họ là những người tốt, vì một lý do nào đó hắn phải bỏ lại bên lề đường, chắc họ cũng đau khổ lắm! Nếu họ không là người tốt sao họ lại đọc sách, mà lại toàn sách hay. Lật giở quyển sách cũ đọc lại, có đoạn Khổng Tử luận người tốt, Khổng Tử hỏi học trò của mình thế nào là người tốt? Học trò nghĩ rằng người tốt là người ai nấy đều ưa. Nhưng Khổng Tử lại nói “Người mà người tốt trong làng đều ưa, người xấu trong làng đều ghét, thì ấy mới là người hay”. Hắn như vỡ ra điều gì từ câu nói rất hay của Khổng Tử, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại xung quanh chẳng có ai ngoài vợ hắn đang đút cho con ăn những thìa cháo mua từ cửa hàng cháo dinh dưỡng ngoài chợ. Thị tét vào mông đứa bé nếu nó chẳng chịu há mồm. Những lúc như thế thị lại nhìn hắn rồi lườm lườm nói: “Đọc sách như anh có đẻ ra đồng tiền nào không? có thay đổi được cuộc sống khốn khó của mẹ con tôi không?”. Hắn lại buồn buồn nhìn vào trang sách. Rốt cuộc hắn có phải là người mà “người tốt đều ưa hay người xấu đều ghét” không nữa. Hắn chẳng thế định hình nổi nhưng nỗi cô đơn chẳng có ai giãi bày thì hắn cảm thấy rõ nét lắm.

Vợ của hắn, thị chỉ biết đến tiền, một ngày bán được bao nhiêu tiền, lãi lờ được ra sao? Thị không bao giờ đọc nổi một câu thơ, cũng có khi hắn đưa cho thị đọc một bài thơ trong cuốn tạp chí nhỏ, thị mở to mắt lên đọc chậm như đánh vần rồi còn đọc sai nữa. Một bài thơ hay như thế mà thị đọc thế nào làm hỏng hết cả thơ của người ta. Nhưng tính tiền thì mắt thị sáng và tính nhanh lắm. Hắn với thị như hai người “đồng sàng dị mộng”, hắn chẳng biết tâm sự cùng ai những nỗi cô đơn chất chứa trong lòng mình. Bởi cứ hễ mở mồm ra định giãi bày điều gì thì vợ hắn lại đáp lại mấy câu cụt ngủn và làm cho hắn mất hứng.

Mấy hôm nay trời mưa nhiều quá, mưa ngâu tháng Bảy, Ngưu Lang và Chức Nữ đã găp nhau chưa mà trời vẫn buông mành thả giọt mưa nổi bong bóng, xoay vòng vòng. Từ phòng trọ nhìn ra con đường dẫn vào khu công nghiệp, những dòng người xanh đỏ trong chiếc áo mưa hối hả nuối đuôi nhau đi. Mỗi người một cách mưu sinh để rau cháo cho cuộc sống này. Hắn và vợ tạm nghỉ chợ mấy ngày vì trời mưa. Vợ hắn vừa bế con vừa cằn nhằn điều gì đó hòa cùng tiếng mưa rơi nên hắn chẳng nghe nổi âm thanh gì. Hắn lại ngồi lần giở từng trang sách để đọc. Tự nhiên hắn muốn viết, viết những điều trước giờ hắn nghĩ trong lòng. Hóa ra những con chữ cựa mình trong hắn từ bấy lâu nay, hắn viết ngon lành những câu chuyện về mưa, về nắng, về tình yêu, về mùi hương… Thứ mà hắn đọc được rất nhiều từ các cuốn sách. Thứ khác xa với căn nhà trọ tuyền toàng và cuộc sống ngày ngày kéo sạp hoa quả đỗ bên lề đường bán rong của hắn.

Hóa ra được chìm vào những nhân vật trong câu chuyện hắn viết là một điều thật tuyệt vời. Nó như những giấc mơ mà hắn có thể tự đạo diễn được giấc mơ ấy để tô hồng hay bôi đen là tùy vào tâm trạng của hắn muốn viết. Đôi khi là giấc mơ hắn được gặp mẹ trong truyện ngắn “Thiên đàng có mẹ”, hay giấc mơ hắn được trẻ lại là cậu công tử con nhà giàu được yêu nàng Minh Châu kiều diễm trong truyện ngắn “Tình Chờ”. Và còn rất nhiều những “ước mơ” được dệt nên bởi câu chữ uốn lượn trong đầu hắn.

 Sau ngày trời mưa tháng Bảy định mệnh ấy, đã có rất nhiều tạp chí đón nhận tác phẩm của hắn. Mọi độc giả say mê câu chuyện hắn viết ra. Rất nhiều phóng viên đến tìm hắn để phỏng vấn về cây viết mới. Họ bất ngờ khi hắn thấy chỉ là một người bán hoa quả dạo dưới lề đường và đam mê đọc sách. Nhưng hắn thì cười rất tươi bên làn da bánh mật vì cháy nắng. Hắn vô tư trò chuyện với phóng viên: “Mọi chuyện có quan trọng lắm không khi ngay cả một vì sao ta cũng chỉ nhìn thấy quá khứ của nó lung linh trên bầu trời, còn bản thân vì sao đó là không tồn tại nữa rồi. Tôi cũng thế, chả có gì quan trọng khi tôi là người viết truyện ngắn hay một gã bán hàng rong cũng thế thôi.”

Chiều mùa thu, nắng vàng nhẹ nhàng trải tia nắng mềm mại lên làn da bánh mật của hắn. Hắn lại lấy quyển sách từ chiếc túi nylon màu hồng ra đọc khi sạp hoa quả vắng người mua. Một ý tưởng về câu chuyện mới lại nảy ra trong đầu hắn. Đêm nay về, hắn sẽ lại viết…

N.T.N