Người của rừng – Truyện ngắn Phạm Xuân Đào

278

Chiếc xe như một con trâu rừng, hục hặc lao về phía trước. Càng lên cao, không khí càng loãng, nhiệt độ càng giảm. Cái lạnh ùa vào trong xe làm cho ai nấy đều ớn lạnh. Kéo cổ áo lên cao, tôi đưa mắt nhìn những vạt rừng cao su đang kì phát triển đứng kiêu hãnh như khẳng định, không phải chỉ ở vùng đất đỏ bazan trong Tây Nguyên chúng mới sống được, mà ở vùng cao biên giới phía Bắc này, chúng cũng đang bám rễ, đứng chân một cách vững chãi. Nhờ nó mà cuộc sống của đồng bào nơi đây đang hứa hẹn những điều tốt lành và khởi sắc hơn bao giờ hết… Những mảng rừng bị đồng bào đốt rẫy làm nương trước đây, giờ đã được phủ bạt ngàn màu xanh. Sự sống đang dần trở lại, làm ấm lòng người.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Tối. Sau khi ăn uống tại bếp ăn dã chiến, chúng tôi đi ngược ra, vào tá túc tại một gia đình ngay sát cửa rừng.

Đón chúng tôi là một người đàn ông quãng gần bảy mươi nhưng còn khỏe mạnh, dáng nhanh nhẹn. Nhìn ông, tôi ngờ ngợ. Ông là ai? Đôi mắt và cái miệng kia… tôi đã gặp ở đâu? Ngờ ngợ thế mà không nhớ nổi. Chủ nhà cũng nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Ông mời chúng tôi ngồi xuống phản gỗ. Một cháu gái khoảng chừng mười ba, mười bốn tuổi từ cuối nhà sàn đi ra. Cháu chào chúng tôi rồi ngồi xuống, chụm củi vào bếp cho lửa cháy to hơn. Chủ nhà với tay lấy ấm nước đang sôi sùng sục trên bếp rót vào ấm. Trong khi chờ cho trà ngấm, ông rót nước ra mấy cái chén, tráng qua. Rồi, ông rót trà ra chén, nhìn chúng tôi:

– Mời các cán bộ uống nước đi! Uống cho nóng.

Nghe lời ông, tôi bưng chén nước lên nhưng đôi mắt không rời nổi khuôn mặt quen quen, là lạ ấy. Cố lục trong trí nhớ của mình xem ông là ai mà sao khó quá. Mãi sau, quá khứ tự nhiên ập về và tôi đã nhận ra. Đúng ông rồi, không thể nhầm lẫn được. Không kìm được, tôi kêu lên:

– Phải anh Châu, Phạm Bá Châu, quê ở Kiến Xương, Thái Bình không?

Chủ nhà vừa mỉm cười vừa nhìn và chỉ vào tôi:

– Chú là Thuấn, Lê Quang Thuấn, quê Nông Cống, Thanh Hóa?

– Vâng, đúng em đây. Em là Thuấn, Thanh Hóa đây.

– Trời đất. Chú còn sống sao? Cứ nghĩ chú hi sinh rồi… nên tôi không dám nhận.

Chúng tôi nhào vào nhau. Anh ôm riết và vỗ vỗ lên lưng tôi thân thương. Tôi nghe rõ tiếng thở gấp gáp ở sau gáy mình và cảm nhận có cái gì đó nong nóng, ươn ướt đang rơi xuống cổ, rơi xuống vành tai. Một lúc lâu sau chúng tôi mới buông nhau ra. Mắt ai cũng ngấn lệ. Tất cả anh em trong đoàn nhìn chúng tôi ngỡ ngàng. Sau cái giây phút bàng hoàng sung sướng ấy, anh Châu đứng dậy vào góc nhà sàn đem ra một hũ rượu, cười lớn:

– Lâu lắm rồi, có dễ gần bốn mươi năm anh em mình mới gặp lại, tiện có mấy anh bạn đây, ta làm mấy chén nhá – nói rồi, anh bảo đứa con gái đem cho mình túi lạc. Bắc chảo lên bếp, đổ lạc vào, anh lấy thanh củi ngoắng lia lịa. Vừa rang lạc, anh vừa nhìn và hỏi tôi về công việc, về gia đình, vợ con. Tôi kể sơ qua về cuộc sống của mình từ khi rời quân ngũ.

Khi mẻ lạc đã chín, mùi thơm loang khắp nhà sàn, anh nghiêng chảo đổ lạc vào một cái mẹt. Đoạn, anh tráng chén uống trà, rót đầy rượu rồi nhìn chúng tôi với ánh nhìn cảm động:

– Uống đi mấy chú! Uống mừng cho anh em chúng tớ hội ngộ đi nào!

Tất cả nâng chén, cụng với anh và ngửa cổ dốc rượu vào miệng. Mọi người nhón những hạt lạc nóng rẫy, vê vê cho tróc vỏ, nét mặt ai cũng hoan hỉ. Tôi nhìn anh, nhìn những người trong đoàn, giới thiệu:

– Đây là anh Châu, ông anh thân thiết của tôi hồi đánh Mĩ…

*

*           *

Đêm ấy, trong căn nhà sàn yên ấm, thể theo nguyện vọng của mọi người, tôi kể cho anh em trong đoàn nghe về người anh đáng kính của mình…

Buổi chiều một ngày hè năm 1972, một mùa hè đỏ lửa, đơn vị chúng tôi đang sửa soạn lên đường để đêm ấy sẽ tập kích vào một cứ điểm ở khu vực Krông Ana thì B52 bỗng ập đến. Nghe tiếng ù ù từ xa, chúng tôi ai cũng nghĩ chắc nó rải bom ở đâu đó chứ chẳng quăng xuống nơi này. Vì thế, mọi người rất chủ quan. Nhưng thật tệ, trong nháy mắt, bom xới tung đất đá, lửa cháy rần rật hất tất cả chúng tôi khỏi vị trí của mình. Những người còn sống quáng quàng nhào xuống hầm…

Tôi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong lán dã chiến. Cùng với mấy cô y tá lạ hoắc là một khuôn mặt quen thuộc – đó là anh Châu. Tôi không dính mảnh bom nào nhưng bị sức ép quá nặng, máu từ phổi trào ra. Miệng, mũi và tai đỏ máu, ngực tức ghê gớm. Các bác sĩ tập trung cứu chữa cho anh em thương binh. Anh Châu ngồi bên, lấy chiếc khăn nhúng nước lau mặt cho tôi và động viên hãy cố gắng vượt qua thời khắc ngặt nghèo. Tôi chỉ biết có thế rồi lại thiếp đi.

Sau này, khi sức khỏe đã hồi phục, anh em cho biết chính anh Châu là người phát hiện, trực tiếp đào bới, đưa tôi lên khỏi căn hầm bị bom Mĩ đánh sập và bế tôi đi cấp cứu ở trạm xá tiền phương.

Trước đó, anh em chúng tôi đã rất quý nhau. Nhưng sau cái đận B52 ấy, tôi càng quý anh hơn. Một buổi chiều ngồi bên dòng suối cạn, tôi đề nghị và được anh chấp nhận, chúng tôi kết nghĩa anh em. Hai anh em hứa với nhau rằng, nếu chết cả thì thôi, nhưng nếu một trong hai người còn sống thì phải về quê người kia để thăm bố mẹ, họ hàng. Nhưng rồi chiến tranh liên miên biến đổi cuốn đi, đâu có để cho chúng tôi muốn gì được nấy. Vài tháng sau, tôi được bổ sung cho đơn vị khác và tiến về miền Tây, còn anh Châu vẫn ở đơn vị cũ. Từ đấy, trong gian nan, khổ ải và cả những lúc có được những niềm vui, tôi không nguôi nhớ tới người anh thân thương của mình…

Đến năm 1977 khi đất nước thống nhất được hai năm tôi ra quân rồi thi đỗ vào đại học Nông nghiệp. Dịp hè, từ Hà Nội, nhớ địa chỉ, tôi tìm về quê anh. Về xã được biết anh vẫn còn sống, đã về quê nhưng sau mấy năm bươn chải làm ăn, anh lại ra đi. Dân làng không biết anh đi đâu, làm gì nữa…

– Thôi, uống đi chú em! Sơ sơ vậy được rồi – anh Châu nhắc.

Nghe anh, tôi cười, cầm chén rượu lên miệng tợp một hớp rồi đưa mắt nhìn anh:

– Anh già đi nhiều. Nhưng cái nét nhanh nhẹn và nhất là nụ cười bản quyền thì vẫn như xưa, không lẫn vào đâu được.

Anh cười hồn hậu:

– Quy luật mà chú. Mấy chục năm rồi còn gì – nói rồi, anh quay ra hỏi thăm tên tuổi, quê quán của từng người. Anh em trong đoàn có vẻ cũng thích người chủ nhà chân chất, quê kệch ấy.

Tôi ngồi ngắm anh, ái ngại, lòng chạnh nhớ tới câu chuyện đợt về quê anh. Bà con ở đây kể rằng, anh về quê khi bố mẹ đã mất. Các cụ lần lượt về với tổ tiên sau khi nhận giấy báo tử anh. Ra mộ thắp hương cho bố mẹ xong, anh Châu trở về căn nhà quen thuộc, khi ấy đang được một người em họ trông giúp. Anh không nghỉ ngơi, không nghĩ tới chuyện lấy vợ mà lao vào làm kinh tế. Người làng bảo, họ rất lạ là đang học dở cấp ba rồi đi bộ đội, không qua trường lớp gì mà anh làm kinh tế giỏi lắm. Đầu tiên, anh đến ngân hàng vay tiền về đấu thầu mấy héc ta đầm hoang. Thuê người đào vét rồi anh ra phòng nông nghiệp huyện mời kĩ sư về bày cho cách nuôi cá nuôi cua. Qua mấy vụ, kinh tế phát triển, anh vay lại ngân hàng tiếp tục mở rộng chăn nuôi lợn thịt. Thiếu người làm, anh thuê những người trong làng trong xóm và trả lương cho họ. Thấy anh hiền lành, là thương binh làm kinh tế giỏi, nhiều cô thôn nữ đem lòng yêu thầm nhớ vụng. Trong số đó có cô Tân, một trong những người làm thuê cho anh. Thấy cô Tân xinh xắn, anh Châu cũng mến cô ấy lắm. Người làng thấy anh chị thường ở bên nhau và hay chụm đầu vào bàn công việc, ai cũng nghĩ có lẽ họ sẽ thành đôi.

Thế rồi cô Tân có thai. Cô loan báo với mọi người rằng, cái thai ấy là của anh Châu. Có người hỏi, anh Châu chỉ cười. Thấy bụng con gái mình mỗi ngày mỗi lùm lùm, vượt mặt, bố cô Tân tìm đến nói chuyện nghiêm túc với Châu. Đến lúc này anh mới sững sờ, đỏ mặt nói rằng, không phải của mình. Nghĩ anh là thương binh, có máu công thần, bất chấp tất cả nên cả nhà Tân kéo đến áp đáo. Tuy vậy, anh Châu nhất định không nhận. Bực mình, anh trai cô Tân chỉ tay vào mặt Châu, lớn tiếng: – Mày là thằng đểu. Có gan ăn cắp, thì phải có gan chịu đòn chứ sao lại dở cái trò ăn lường đéo quỵt ra đây? Tao sẽ không để cho mày yên đâu!

Họ nói là làm. Đơn tố cáo anh Châu được gia đình cô Tân gửi lên công an huyện. Anh Châu bị triệu lên.

Tiếp Châu là một thiếu tá công an.

– Gia đình cô Tân tố cáo, anh đã ăn nằm với cô ấy và cô ấy đã có thai. Anh nên nhận việc làm của mình và tính chuyện cưới cô Tân về làm vợ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng thì có gì ngại. Nếu không, anh sẽ mất hết danh dự và kinh tế, bởi anh phải đóng góp phí tổn nuôi đứa bé kia từ khi nó được sinh ra cho tới khi nó đủ mười tám tuổi theo quy định của luật.

Nghe thế, anh Châu mủm mỉm. Nụ cười ấy khiến cho người sĩ quan không thể chịu được. Anh ta dằn mạnh tờ đơn xuống bàn, găm cái nhìn như khía vào mặt người cựu chiến binh, nói như quát: – Chuyện đến thế này mà anh còn nhăn răng ra mà cười à? Anh có còn chút tự trọng, chút liêm sỉ nào không? Anh Châu nhìn người đối diện, thủng thẳng: – Tôi còn nguyên lòng tự trọng và có liêm sỉ đấy chứ, có ai lấy được của tôi đâu. – Anh im đi! Anh nhớ là anh đang nói chuyện với cơ quan chức năng chứ không phải ở chợ! Đến nước này, anh Châu cũng không thể giữ được nữa, anh tưng tửng: – Sao các anh lại đi tin vào cái cô Tân và gia đình cô ấy mà lại không tin tôi? – Anh có gì cho người khác tin chứ? Khi anh hú hí với cô ấy thì làm gì có người làm chứng? Là đảng viên với nhau, tôi khuyên anh nên chọn giải pháp tốt nhất để bảo vệ danh dự cho mình… Anh Châu xua tay: – Thôi thôi đồng chí thiếu tá. Tôi nghĩ rằng có người sẽ làm chứng cho tôi đấy! – Sao? Có người làm chứng à? Thế sao anh không nhờ người ta? – Thì bây giờ tôi nhờ là được chứ gì? Người làm chứng cho tôi không ai khác mà chính là thiếu tá đấy. Không thể kiềm chế hơn được nữa, thiếu tá đỏ mặt, đập tay xuống bàn quát: – Anh định đùa với nhà chức trách phỏng? Nhưng tiếng quát ấy không làm anh Châu nao núng. Ngày ở chiến trường, biết bao tiếng nổ còn chát chúa và ghê gớm hơn tiếng quát này nhiều. Mặt anh Châu không hề thay đổi, anh cười: – Tôi không đùa đâu, nói thật đấy. Mời thiếu tá vào phòng trong, mọi việc sẽ được sáng tỏ ngay ấy mà. Nào, xin mời!

Ban đầu, thiếu tá giận lắm, sau thấy anh Châu nghiêm túc nên anh ta miễn cưỡng đứng dậy cùng vào phòng trong. Lát sau, hai người từ trong đi ra, thiếu tá vẻ sượng sùng. Anh ta nói như một lời trách cứ, pha chút thanh minh: – Khổ quá! Sao anh không nói thẳng ra để cho mọi người biết, lại cứ ậm ờ. Thế nên mới ra nông nỗi này. Anh Châu ôn tồn: – Thế anh bảo tôi phải nói thế nào chứ? Hôm nay thì anh biết rõ rồi, nhờ anh nói để gia đình cô Tân và địa phương biết, thế là được. – Thôi được, tôi sẽ giúp anh. Nhưng mà… theo anh, tại sao cô Tân lại đổ vấy cho anh chuyện cái thai kia? – Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi đồ rằng, có thể thấy tôi lành… nên cô ấy muốn bắt vạ tôi chăng…

Tiễn chân anh Châu ra cổng, thiếu tá hình như vẫn còn áy náy và ân hận về cách ứng xử của mình. Anh ta vỗ vai người cựu chiến binh, nói đi nói lại câu: – Đồng chí thông cảm cho tôi nhá. Cũng vì bức xúc quá, thành thử… tôi đã không phải, mong đồng chí bỏ quá cho.

Anh Châu nghe, cười, bắt tay người sĩ quan công an. Thực lòng, anh Châu không hề giận mà phải cảm ơn anh ta.

Sáng hôm sau thiếu tá công an về xã. Anh thông báo cho ủy ban nhân dân xã biết, anh Châu là một thương binh đặc biệt. Kẻ thù đã lấy đi “cái bộ phận ấy” của anh và không cho anh làm một người đàn ông. Việc cô Tân và gia đình làm đơn tố cáo anh Châu là không đúng, là một sự vu cáo. Lẽ ra pháp luật phải xử lí nghiêm nhưng xét không nên làm cho sự việc phức tạp thêm, nên thôi.

Chuyện là thế. Vậy mà có thằng bố láo nào đó, không biết vì lí do gì đã đặt ra một bài vè láo toét quanh chuyện anh Châu bị mất của quý. Cứ thấy bóng dáng anh đâu, bọn trẻ trâu lại ông ổng hát…

Lạ thay, giáp mặt với súng đạn, gửi cả xương máu ở chiến trường không sao, nhưng nghe mãi những lời hát nhảm nhí ấy, anh Châu không thể chịu được. Anh sượng sùng và thấy như có những nhát dao khía vào lòng tự trọng của mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định bán tất cả những gì đang có, từ nhà cửa, ruộng vườn, ao hồ đến trâu bò, gà vịt… rồi bỏ làng ra đi…

– Này Thuấn. Chú đang nghĩ gì thế? Không nghe chúng tớ nói chuyện à?

Giật mình nghe anh nhắc tên mình, tôi thành thật:

– Em đang nghĩ chuyện anh bỏ làng ra đi… Mà này, anh rời làng lên đây từ ngày ấy à? Mà anh “bị như vậy” thì… cháu gái kia là…? – Tôi chỉ tay vào chiếc phản phía trong, nơi cháu gái đã đi vào đó nằm từ lâu, không biết cháu còn thức hay ngủ.

Anh nhìn tôi, nhìn mọi người, nở nụ cười buồn, giọng anh chùng xuống:

– Chuyện của tớ buồn lắm. Rồi chú Thuấn sẽ kể cho anh em nghe. Nay, tớ chỉ kể chuyện lên vùng đất này thôi. Tớ bỏ làng ra đi mà không biết đi đâu. Đúng là lênh đênh như con thuyền không bến đỗ. Giắt cục tiền trong người rồi cứ thế mà đi. Lang thang mãi hết tỉnh này tỉnh khác, cuối cùng tớ cũng tới được vùng đất xa xôi này. Thấy vùng núi đồi màu mỡ, khí hậu phù hợp, tớ quyết định dừng lại lập nghiệp. Ở đây, mọi người không biết gì về mình, dễ sống hơn và tớ có thể làm lại từ đầu. Vậy là tớ tìm đến trưởng bản xin cho nhập khẩu rồi cùng bà con phát rẫy, làm nương. Cái thẻ thương binh tớ cất vào một chỗ làm kỉ niệm, chả khoe làm gì, vì mình còn chút sức khỏe mà. Dựng chiếc lán ven đường để tiện sinh hoạt. Ban đầu, tớ cùng bà con ngày ngày lên nương trồng ngô trồng sắn. Sau thấy bà con quá vất vả, thiếu thốn đủ thứ nên tớ mua chiếc xe ngựa, chở hàng hai chiều phục vụ bà con. Lúc xuôi, tớ chở lâm sản bán cho bà con vùng thấp, khi về tớ đưa những hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa về bán cho bà con vùng cao. Thu nhập tạm được, cuộc sống cũng tạm ổn… Ô kìa, mọi người uống rượu đi chứ!

– Vâng. Chúng em đang uống và nghe anh kể đấy ạ.

Anh Châu cầm chén rượu lên. Chúng tôi cũng cầm theo. Cụng với anh xong, chúng tôi nhấp mỗi người một chút. Anh Châu dốc cả chén rượu vào miệng, nuốt đánh “ực”, đưa tay chùi mép, tiếp tục câu chuyện:

– Còn đứa con gái này hả…- anh nhìn về phía cuối nhà sàn – cũng là tình cờ thôi. Mà có lẽ cũng do trời xui khiến đấy. Một đêm, khi đang nằm trên những bao hàng xếp trên xe, vừa ngắm trăng vừa vu vơ hát cho đỡ buồn thì tự nhiên con ngựa dừng lại, hai chân trước tế lên trời, miệng hí vang. Biết có chuyện chẳng lành, tớ ngồi bật dậy. Vừa lúc, hai bóng đen xuất hiện. Tớ nghe rõ tiếng gậy rít qua đầu. Chỉ kịp né người, lăn một vòng và nhảy vội xuống đất thì đã bị bọn chúng lao tới vụt gậy liên tiếp vào người. Vậy là dù không muốn cũng phải chiến rồi. Tớ nép người vào vách núi thế thủ rồi bất ngờ tung hai cú đá vào hai bóng đen kia. Trong nháy mắt bọn chúng đã nằm sõng soài trên đất. Định bồi tiếp mấy đòn nữa nhưng hai bóng đen gượng bò dậy phủ phục dưới chân xin tha tội chết. Thế là tớ cho qua. Các cụ dạy rồi, đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại… Được tha, hai thằng cắm đầu chạy biến vào hẻm núi. Tớ nhảy lên xe đi tiếp, nhưng lần này không nằm mà cũng chẳng hò hát nữa.

Chạy được đoạn xa, thấp thoáng trong ánh trăng suông có một bóng người vật vờ phía trước. Cho ngựa phi lên, tớ nghe tiếng phụ nữ khóc thảm thiết. Chạnh nghĩ chắc mấy thằng mất dạy kia đã hãm hại người phụ nữ này chăng. Ghìm cương, cho ngựa chạy chậm rồi dừng hẳn, tớ nhảy xuống hỏi cô gái làm sao mà khóc. Té ra không phải ai trêu chọc mà cô ấy đang rơi vào một hoàn cảnh bất đắc chí. Cô gái kể bị một gã thanh niên trên thị trấn tán tỉnh, làm cho to bụng rồi cao chạy xa bay. Về cho bố mẹ biết chuyện, những tưởng sẽ thương mà tha, nhưng tất cả nổi giận, từ mặt vì cô đã bôi tro trát trấu vào mặt gia đình. Quẫn chí, cô ấy bỏ nhà ra đi mà không biết đi đâu. Tớ nghĩ có lẽ đây là số phận. Trước, cô Tân cũng đã cho tớ một đứa con, nhưng ngày ấy tớ không đủ can đảm để nhận. Với lại, giá cô ấy đẻ ra rồi cho tớ thì đi một nhẽ, đằng này… Giờ ông trời lại run rủi cho tớ một đứa con chăng. Vậy là tớ bảo cô ấy lên xe. Trên đường, tớ thành thật nói với cô ấy: – Tôi là thương binh, không còn khả năng sinh con. Hiện tôi sống một mình, nếu cô không chê, thì về ở với tôi. Cô ấy khóc òa, bảo: – Anh đừng đùa cợt trên nỗi đau của người khác. – Không đùa đâu, tôi nói thật đấy! Cô ấy ngước mắt lên nhìn, cười mếu máo: – Nếu được vậy thì em đội ơn anh lắm! Thế là tớ đưa cô ấy về đây. Hôm sau làm mấy mâm cơm, giới thiệu cô ấy với dân bản. Mọi người đến chơi đông lắm, họ mừng cho tớ đũa đã có đôi. Tớ nghe họ tán với nhau: – Tưởng ông Châu sợ đàn bà, ai dè cuối cùng cũng lấy vợ. Mà vợ lại trẻ lại xinh. Có người bảo: – Ông ấy cứ giấu nhẹm đi, giờ mới đưa vợ về giới thiệu… Tớ thấy vui cái bụng. Vài tháng sau, cô ấy sinh con. Bọn tớ quý con bé lắm. Bởi các cậu biết đấy, lẽ ra ở cái tuổi này, muộn mằn lắm thì tớ cũng đã phải có cháu nội, cháu ngoại rồi, vậy mà bây giờ mới được nghe tiếng khóc của con trẻ. Tớ cùng cô ấy chăm chút con bé rất chu đáo nên nó khỏe, mau lớn, học hành khá thông minh. Có lẽ cô ấy biết phận mình nên cùng tớ lao động khá chăm chỉ và sống rất biết điều. Nhưng nhiều đêm, tớ thấy cô ấy trăn trở, trằn trọc không ngủ. Hết ra ngồi ở cầu thang cô ấy lại đi vơ vẩn quanh nhà. Và khi con bé được ba tuổi thì… cuộc đời tớ lại sang một trang mới.

Một lần nữa đời lại chẳng chiều mình. Một sáng ngủ dậy không thấy cô ấy đâu, linh cảm có điều bất thường tớ gọi toáng lên, nhao đi tìm nhưng mãi không thấy. Cả ngày hôm ấy tớ ra vào thờ thẫn. Cuối cùng, tớ tìm thấy một mảnh giấy viết nguệch ngoạc để trên cái giá kia – anh chỉ tay lên cái giá trên vách – đó là mấy dòng giã biệt. Cô ấy cảm ơn tớ về tất cả. Nhưng cô ấy cũng thú thực rằng cô ấy không thể chịu đựng nổi sự thiếu thốn đàn ông khi tuổi đời còn quá trẻ. Sau cùng, cô ấy nhờ tớ trông nom con bé, dịp nào thuận sẽ về đón nó đi. Tớ buồn đến nẫu hết cả ruột gan, nhưng đành chịu vậy. Hai bố con quấn quýt bên nhau từ đấy. Chắc chắn một ngày nào đó cô ấy trở lại và sẽ đưa con bé đi. Không biết đến lúc đó tớ sống ra sao. Nếu tớ lên tiếng xin liệu cô ấy có cho tớ được nuôi con bé không? Là để cuộc sống đỡ quạnh hiu, cô đơn thôi… Thiếu nó… có lẽ cuộc đời tớ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Giọng anh bỗng ngắt quãng, nấc lên, mắt ầng ẫng nước.

Chúng tôi ai cũng thở dài, thương cho anh, thương cho một kiếp người.

Thấy chúng tôi trầm ngâm, sụt sùi lúc lâu, anh Châu cười:

– Thôi nào các chú, là nói thế thôi, chứ buồn cũng chả làm được gì. Cái gì đến nó khắc đến, cưỡng lại cũng chả được. Có lẽ đó là số phận rồi. Thôi, ta uống đi. Lịch trình ngày mai của các chú thế nào?

Tôi nhìn anh, ái ngại:

– Ngày mai chúng em về Hà Nội anh ạ. Biết anh ở đây rồi em sẽ quay lại thăm bố con anh.

Anh cười, nụ cười hiền hậu, dễ thương:

– Lúc nào chú quay lại đây tính sau. Nhưng ngày mai nhất định các chú phải ở lại đây ăn với bố con tớ bữa cơm. Chẳng gì, tớ với chú Thuấn cũng gần bốn chục năm giời mới gặp lại. Nhà có gà có rượu kia rồi, rau ở vườn, măng ở bụi, ta phải làm một bữa cho ra trò rồi các chú hãy xuôi.

Tôi đưa mắt nhìn anh em trong đoàn. Tất cả cùng mỉm cười, ra chiều đồng ý. Tôi nói để anh yên lòng:

– Thôi được rồi, chúng em sẽ ở lại. Ở lại một ngày để vui với bố con anh. Còn bây giờ đã ba giờ đêm rồi, ta chợp mắt đi một chút anh ạ.

Anh cười:

– Thế thì tốt rồi. Bây giờ ngủ thôi. Mấy chú nằm đây nhá!

Anh chỉ vào hai chiếc phản kê gần bếp lửa rồi đi vào góc nhà sàn lấy ra một chiếc chiếu, trải xuống và nằm cạnh chúng tôi. Tất cả kéo chăn đắp. Chỉ lát sau, đã nghe anh và anh em trong đoàn thở và ngáy đều đều, còn tôi nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được.

Rón rén trở dậy, tôi mở cửa đi ra cầu thang. Trăng giữa tháng đã chếch về phía tây, phủ xuống rừng già một thứ ánh sáng trắng lành lạnh. Tôi chạnh nhớ tới những năm tháng trước đây ở Trường Sơn, nhớ tới kỉ niệm khói lửa sống bên đồng đội, sống bên anh Châu…

Bất chợt, tiếng gà rừng lảnh lót phía rừng xa. Sương rừng làm tóc và chiếc áo tôi đang mặc đẫm ướt. Những giọt nước từ đâu nhỏ xuống bàn tay, chẳng biết là sương hay nước mắt tôi rơi…

P.X.Đ