Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá

72

Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.

Nhà văn Văn Giá

Quãng thời gian tôi đang học cấp hai. Buổi sáng đi học. Buổi chiều chăn trâu ngoài bờ đê hoặc ra ngoài đồng làm những việc vặt phụ giúp việc nhà. Hôm ấy, tôi làm cỏ lúa ở chân ruộng ven đê. Cùng làm trên vài thửa ruộng cạnh đó là mấy người làng trung trung tuổi. Đang mải nhổ cỏ, một ông chú vừa gọi vừa chỉ tay về phía con đường phi lao, này thằng cháu, mày có biết bà kia không? Tôi nhìn về phía tay chỉ. Bóng người đàn bà gầy, cao cao, đang đi thập thững trên con đường từ chân đê vào làng. Chiếc nón cũ đội sụp xuống, tấm khăn đen mỏ quạ trùm đầu che kín gần hết khuôn mặt, không thể nào nhìn rõ. Tôi bảo, cháu không biết, ai đấy ạ? Tiếng cười rộ của mấy người đàn ông. Một ông bảo, mày không biết thật hay giả vờ? Ô, cháu làm sao biết được. Chú nói xem nào!

“Mày cứ về hỏi bố mày rằng bà Nụ ở bên kia sông là ai thì mày sẽ biết” – Tiếng một ông khác.

Tôi không nói gì. Một giọng nói khác chêm vào: “Chắc bà ấy về thăm cụ Tám”. Cụ Tám là gọi theo tên ông con trai, em ruột bà Nụ, đang ở cùng với cụ. Một ông giải thích cho tôi biết vậy. Không hiểu sao, tôi cứ đứng giữa ruộng lúa nhìn theo bóng người đàn bà ấy một lúc. Bước đi xiêu xiêu, cô độc, chầm chậm vào làng, nổi bật thành một khối đen sậm dưới bóng chiều…

Sắp cạn ngày. Trước mặt tôi từng đàn muỗi bay chằng chịt. Mặt trời đã khuất sau rặng tre phía tây của làng. Tôi nghĩ vẩn vơ về người đàn bà không rõ mặt tên là Nụ kia. Hay là giữa bố mình và người đàn bà ấy có chuyện tư tình gì? Nếu có thì từ thời trai trẻ hay bây giờ?… Kệ. Tôi đưa hai tay cào xuống mặt bùn quanh gốc lúa cho mau hết góc ruộng còn lại. Làm xong, tôi chạy sang bên kia đê, cùng mấy bạn chăn trâu trong làng lao xuống sông ngụp lặn. Nói chuyện với mấy ông già chán chết. Chỉ có sông thôi. Tôi bơi lặn trên sông như con rái cá. Sông ơi, sông tắm gội tôi, tắm gội cả những vướng bận trong tâm hồn nhỏ bé của tôi, tắm gội cả những chuyện loằng ngoằng của người lớn khiến cho đứa trẻ là tôi mệt trí…

Về nhà, tôi bận nấu cơm. Ăn xong, u tôi nhắc giục học bài. Tôi cũng quên luôn chuyện ban chiều… Tối hôm sau. Khi cơm nước xong, u tôi bảo lát nữa đi giã mẻ gạo cùng u một lúc trước khi học bài để mai có gạo ăn, trong chum hết sạch rồi. Hai mẹ con giã gạo. Tôi đứng trước, u tôi đứng sau trên cần cối, cùng bắt vào nhịp giã. Cối gạo ở nông thôn xưa được làm bằng cả một cây gỗ khá nặng theo nguyên lý bập bênh; mỗi khi giã phải dùng chân lấy lực giẫm mạnh phần đuôi của thân gỗ rồi nhấc ra để cho phần đầu thân gỗ có cái mỏ cối giã xuống lòng cối. Mỗi lần giã, nếu chăm chỉ, liên tục, cũng phải mất chừng nửa hoặc hơn nửa tiếng thì gạo mới “chín”, tức đã xong. Sau đó xúc gạo trong cối ra rồi dần, sàng, nia lọc riêng từng thứ: cám, tấm, đầu mẩy, gạo, những hạt thóc còn sót lại, kể cả những hạt sạn lẫn trong gạo…Trong lúc giã gạo, tôi vẩn vơ nhớ lại chuyện chiều hôm trước rồi đem chuyện ra hỏi u tôi. U tôi hỏi lại, ông nào hỏi con thế? Chú Tính với mấy chú cứ vặn vẹo con này nọ. Tôi gặng hỏi, thế cái bà tên là Nụ ấy có liên quan gì tới nhà mình không, u? Im lặng một hồi lâu. Tôi nghe tiếng u tôi thở dài. Lúc sau u tôi rì rầm kể…

***

U nhớ mãi mấy năm cải cách. Năm ấy mày vừa mới đẻ. Nhà mình cũng thuộc diện bị đấu tố. Mà lạ, nhà thì có gì đâu. Ông nội mày làm chân lý trưởng, nhưng là lý trưởng dân cử. Nó khác với lý trưởng được quan trên bổ xuống. Cái anh dân cử thì biết điều hơn. Bởi vì dân họ quý họ tin thì họ mới bầu lên. Hoặc nếu không là người được tin quý thì ít nhất người ấy cũng không phải là người ác, không làm hại ai, không vì lụy trên mà hống hách với người làng… Chứ cánh lý trưởng nào được quan trên bổ xuống thì phải biết. Gia sản nhà mình chả có gì đáng kể. Cái nhà năm gian này thì ông nội con đi lên rừng kiếm gỗ ròng rã gần một năm trời, rồi đóng bè thả trôi sông để về làm nhà. Có thêm hai cái sân gạch. Mấy cái nồi đồng, cối đá, mâm đồng dùng vào việc nhà. Không có người ở, không có ruộng cho thuê mướn hay phát canh thu tô, không cho vay nặng lãi, mà cũng chẳng có của ăn của để, chỉ đủ ăn, không phải đi vay. Ấy thế mà cũng vào diện xét của đội cải cách đấy.

“Con vẫn đang nghe đấy chứ?”.

“Vâng, u”.

Tiếng u tôi trầm xuống… Ừ, trước cái năm cải cách thì xảy ra một chuyện. Một hôm, bà nội các con gọi u riêng ra một chỗ tỉ tê, rằng cái người bốn mặt con thì phải biết gìn giữ dung nhan, chứ đàn bà mình nuôi con, làm ăn vất vả nhanh tàn tạ lắm. Bà nội lại bảo: “Thằng bố nó đi làm cán bộ địa chính địa chiếc gì trên huyện, toàn những đứa ăn trắng mặc trơn, rồi thì lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tao thì tao lo lắm”. Tỉ tê chán, cuối cùng thì bà nội mày mới nói thẳng: “Đẻ tính… nên đánh tiếng, hỏi cho bố nó một đám. Ăn ở với nó ngần ấy mặt con, con còn lạ gì. Con chẳng còn đủ sức giữ chân nó đâu. Mà một khi nó sa ngã vào đâu thì là mất chồng. Cứ theo cái cách truyền đời nay, đi hỏi con vợ bé để về nó quản, thế là chồng thì không mất, mà lại thêm người làm trong nhà. Ý con thế nào?”. Thấy u không nói gì, bà nội tiếp tục: “Đẻ biết, chả ai đời nào lại muốn rước vợ bé về cho chồng. Nhưng cái thói đời nó vậy. Chứ để nó rảnh chân quá, là nhà mình mất người như bỡn đấy con ạ”… Ôi giời, bà nội con tỉ tê lâu lắm. Mà u cũng chả hiểu đấy mới là ý của bà nội hay bố mày đã có ý định rồi. Nghĩ thế, u tủi thân lắm. Rồi u chặc lưỡi: “Đẻ và nhà con định thế nào thì con cũng nghe theo”…Không ngờ bố mày lại như vậy. Thì ra lòng cũng bạc!

Nghe u tôi nói thế, tôi bải hoải cả người. Tôi đoán già đoán non cái người đàn bà mà sau này được gọi là vợ bé của bố tôi rất có thể là người đàn bà chiều hôm trước. U tôi là người thật thà, có thế nào kể thế nấy, hơi lộn xộn. Giống như người kể chuyện vụng, dễ lộ ra phần kết. Tôi bảo u tôi nghỉ giải lao chút. U tôi đồng ý. Hai mẹ con ngồi cạnh nhau. U tôi lần túi áo lấy bọc trầu ra ăn. Tôi im lặng nghĩ vẩn vơ. Mùi trầu cay từ u tôi thoang thoảng, nồng nồng. Đó là thứ mùi đặc biệt, một thứ mùi được chưng cất từ miếng cau, lá trầu, miếng vỏ, mấy sợi thuốc lào, lẫn vị cả vôi têm, dường như trộn cả mùi mồ hôi từ người ăn. Bây giờ, đã quá nửa đời người, mỗi khi nhắm mắt nhớ về hình bóng u tôi đã khuất, tôi vẫn thấy mồn một cái mùi trầu mằn mặn xe cay ấy…

Tôi đánh bạo hỏi: “Thế rồi sao nữa, u?”. Thì cuối cùng bố mày cũng lấy bà ấy. Ngày đó, mọi chuyện đơn giản hơn bây giờ. Pháp luật cũng chả để ý đến. Đầy người đàn ông lấy vợ bé. Bố mày với bà ấy cũng chả đăng ký, làm cỗ cưới gì, chỉ có sắm cái lễ mọn báo cáo tổ tiên hai bên, thế là xong.

“Lúc đó u có buồn không?”

“Là gỗ đá sao mà không buồn. Nhưng cái thói đời nó thế, có cản cũng chả được”. Ngừng một lúc lâu, u tôi nói: “Với lại ngày đó còn có các con. Nếu không có các con thì u sống làm sao được”. U tôi chép miệng: “Mà ông giời có mắt đấy. Chả ai động đến bà ấy, tự nhiên bà ấy đi chuốc lấy cái nhục vào người. Cuối cùng cũng khổ chứ chẳng sướng gì…”.

“Bố mày vừa cưới bà bé xong thì làng bước vào đợt cải cách ruộng đất. Nghe loáng thoáng tin đồn nhà mình thuộc diện bị đưa ra đấu tố. Một đêm, u nghe thấy thỉnh thoảng có tiếng bước chân người lịch rịch sau nhà. U đánh thức bố mày dậy. Bố mày bảo chắc nay mai nhà có chuyện rồi. Chuyện gì? Chắc bọn đội đang rình trên vườn sau nhà. Nó sợ nhà mình tẩu tán của nả. Khi nó đã quy tội thành phần thì bao giờ nó cũng cho người theo dõi…Lúc ấy, u giả vờ ra vườn đi đái, u đằng hắng mấy tiếng, thấy có bóng người lủi mất. Tiếng chó nhà chó hàng xóm sủa inh ỏi. Suốt đêm u với bố mày không ngủ. Thì ra ông nội mày cũng không ngủ. Ông dậy, vặn to đèn ngồi hút thuốc lào. Ông bảo vợ chồng thằng cả ra đây thầy có câu chuyện.

“Thầy đồ rằng ngày mai hoặc ngày kia là đến lượt thầy đấy. Thấy các làng bên họ làm rát lắm. Có người cơ ngơi cũng chỉ như nhà mình hoặc kém hơn cũng bị quy địa chủ. Nếu thầy có mệnh hệ nào thì các con phải bình tĩnh”.

“Nhưng vô lý quá, nhà mình thế này thì sao có thể quy thành phần được”.

“Bây giờ mà lại còn bàn chuyện lý ư con?…Thầy dặn các con cấm được nói gì làm gì chống đối họ. Nhẫn nhục thì sống. Chống đối là chết. Còn sống thì vẫn còn, còn con còn cháu. Chết là hết. Thầy già rồi, có mệnh hệ nào cũng chẳng sao”.

“Thôi, thầy đi nghỉ đi. Mới tin đồn thế thôi chứ chắc gì họ đã sờ đến nhà mình”.

Đêm ấy, ông nội ngồi thức trắng. Sáng sớm hôm sau, người của đội đến tuyên thằng già này là thành phần bóc lột nay phải đền tội rồi trói ông nội dẫn đi…

***

Ông tôi bị lôi ra giữa sân đình. Sau khi cán bộ của đội quán triệt tinh thần đấu tranh chống cường hào địa chủ thì kêu gọi bà con đứng ra đấu tố. Do nhát hay vụng ăn vụng nói hay sao mà chả thấy ai lên tiếng. Ông đội bèn quát: “Nó róc da róc thịt bà con ta. Nó bắt bà con ta làm thuê làm mướn, bóc lột sức lao động. Nó và vợ con nó quen thói ăn trên ngồi trốc, khinh người như mẻ. Thế mà các ông các bà im thin thít à? Tinh thần đấu tranh để đâu. Cô Nụ đâu? Hôm qua hôm kia cô nói với chúng tôi rằng cô về làm dâu nhà ấy khổ như con chó, quanh năm không được ăn no, suốt ngày bị bố chồng và thằng chồng đánh, có bữa hộc cả máu mồm ra mà không biết nhục à? Nay mồm để đâu? Nói!”… Như được truyền lửa căm thù, cô Nụ vụt đứng lên tố cáo bố chồng đánh gãy chân cô ấy chỉ vì cái tội nấu cơm sống, ông ta lại còn cho vay nặng lãi đối với người nghèo, lại còn giấu của khi nghe tin đội cải cách về làng…Thế thì đích thị là địa chủ hút máu người rồi. Đả đảo! Đả đảo!…Tiếng đả đảo của đám đông xem chừng yếu ớt. Ông tôi mở to tròng mắt nhìn cô con dâu, miệng định nói câu gì đó nhưng chỉ cất tiếng kêu ơ ớ, cục yết hầu chạy lên chạy xuống như muốn bật ra ngoài. Nói xong, cô Nụ chạy ra ngoài sân như có ai đuổi…Đợt đấu tố ở làng kéo dài đến mấy ngày. Hôm nào cũng từ sáng tới chiều lùa dân ra sân đình ngồi, rồi du kích điệu mấy người bị coi là thành phần đấu tố ra đứng trước dân làng cúi gằm mặt xuống nghe những lời xỉ vả, nhiếc móc, buộc tội…

Buổi đấu tố cuối cùng đang diễn ra, một ông cán bộ giao liên có họ xa với nhà tôi từ đâu chạy như bay vào giữa sân đình hô lớn: “Sửa sai rồi! Các ông các bà đội ơi, sửa sai rồi! Bà con ơi, sửa sai rồi. Không phải muốn quy địa chủ cho người ta mà thành địa chủ đâu. Chính phủ thấy sai nên sửa rồi”…Tất cả cán bộ đội và bà con ngồi tại sân đình hàng trăm người nhớn nhác, không hiểu thực hư ra sao. Một ông đội quát lớn: “Ai ở đâu ngồi yên chỗ đó. Này anh kia – chỉ ông giao liên – chuyện thực hư thế nào, đề nghị anh báo cáo chúng tôi, không thể bù lu bù loa như thế được!”. Người giao liên và mấy ông đội ngồi bàn bạc lúc, ông đội trưởng hô to dõng dạc: “Hôm nay, buổi đấu tố tạm dừng tại đây. Nếu cần, chúng tôi lại triệu tập bà con tiếp. Này ông già kia, tạm tha cho ông về nhà đã. Tính sau. Tất cả giải tán!”.

Cuộc đấu tố ở làng đang hầm hập bỗng xẹp lép lại như thể cái lò lửa bị giội nước. Dân làng đồn đại rằng ở các làng trên có mấy “địa chủ thật” đã bị xử bắn, nhưng “địa chủ oan” cũng chết cũng nhiều lắm. Làng nào cũng có người chết. Tan hoang hết cả. Thất tán nhân tâm. Gia đình, họ hàng, xóm giềng đâu còn gắn bó như xưa nữa, nhiều người giờ coi nhau như kẻ thù…Sau đận đấu tố đó, bố tôi biện cái lễ mọn đưa cô Nụ về với cụ bà sinh ra cô ấy, chấm dứt một mối quan hệ thêm nếm ngoài luồng thật không ai lường hết. Cũng thật bẽ bàng! Lấy nhau chẳng có luật pháp nào ràng buộc thì bỏ nhau cũng chẳng luật pháp nào màng đến…

U tôi thở dài: “May mà bố mày với bà ta chưa kịp có con. Chứ nếu có con thì rầy rà to”. Tựa như xem một cuốn phim dang dở, tôi tò mò muốn biết kết cục số phận bà Nụ thế nào. U tôi bảo cái người tố điêu ấy tự thấy mình mang tội, xấu hổ không cả dám ở làng. Sau đó bà ấy sang bên kia sông ở với một bà dì góa chồng, bảo là sang chăm sóc bà ấy đang mang bệnh trọng. Thế rồi đi hẳn không thấy về làng nữa. Thấy bảo cũng ế ẩm, chả chồng con gì. Đến khi bà mẹ đẻ ốm nặng, bà ta mới về. Mà lần nào cũng cứ sẩm tối mới dám về, cái nón đội sụp xuống, khăn che kín mặt, chỉ còn hai con mắt, sợ gặp người quen. Nghĩ cũng tội…Sau đận bà cụ mẹ đẻ mất, bà ấy họa hoằn lắm mới về làng, vẫn toàn về lúc sâm sẩm tối nhọ mặt người.

***

Khi tôi lớn lên, học hành ở xa, rồi ra trường đi dạy học ở xa, xa lắm. Mỗi năm tôi cũng chỉ về nhà hai lần vào dịp hè và Tết. Bố và u tôi ngày một già đi. Vợ chồng anh Cả ở chung với các cụ, chăm lo cho các cụ. Ngôi nhà cũ vẫn còn nguyên nếp, dù đã phải sửa đôi lần. Hai cái sân gạch, sau này để cho “đỡ chướng mắt” thiên hạ, bố tôi cho phá cái sân gạch bên dưới để trồng cau. Đời sống không khá giả gì, được cái anh chị tôi chịu khó làm ăn nên cũng không phải giật gấu vá vai, tháng ba ngày tám không phải vác rá đi vay gạo.

Có lần, trong dịp Tết, sau bữa cơm đoàn viên đang chút lâng lâng men rượu cùng men hơi xuân thân thuộc ở làng, tôi hỏi bố tôi bằng cái giọng tếu táo: “Thế lâu nay bố có gặp lại bà Nụ bao giờ không?”. Ông cười cười bảo: “Có việc gì đâu mà gặp”. U tôi dài giọng: “Dễ thường quên được người ta thật đấy?”. Bố tôi gạt đi: “Ôi dào, đang chuyện vui lại đem chuyện từ đời nảo đời nào ra… Rõ chán!”. Lúc sau, u tôi mới bảo: “Tao thì chẳng bao giờ gặp lại cái con người ấy. Nhưng có gặp lại thì cũng chả sao. Bây giờ già hết cả rồi, chấp gì nữa. Với lại ngày ấy, cũng là do bị xui dại, chứ lòng người ta chắc cũng chẳng muốn thế”. Tự nhiên, mắt u tôi sáng lên, nở nụ cười thật tươi bảo: “Có giống đàn bà đâu mà lại gan to bằng giời thật. Dám đi đặt điều tố điêu bố chồng thì thật là”…Tôi lại càng trêu: “Thế cái hôm đi ăn hỏi bà bé, u có đội trầu đi không?”. U tôi giãy nảy: “Đừng hòng. Bà nội mày với mấy bà cô họ dỗ ngon dỗ ngọt bảo tao đội giầu đến xin bà ấy về làm lẽ, tao tức mình bảo: Đẻ với nhà con muốn thế thì tự đi mà đón người ta về. Con không đi, mà con cũng không ngăn”. Khi nói mấy câu này, vẫn thấy u tôi xúc động. Biết mình trêu già, tôi đành pha trò: “Suýt nữa chúng con có thêm em. Càng vui chứ sao”… Lúc sau u tôi sửa dáng ngồi đĩnh đạc, lấy tay quệt nước cốt trầu trên khóe miệng rồi hướng về phía mấy anh em tôi: “Nhưng mà nếu các con gặp bà ấy ở ngoài đường cũng phải chào hỏi tử tế, chứ đừng để người ta nghĩ nhà mình không biết dạy con. Người như thế cũng là người khổ…”.

Tôi chỉ là người cố gắng ghi lại một cách thật chính xác câu chuyện này từ những lời u tôi kể. Mỗi khi nhớ về u tôi, tôi vẫn mường tượng rõ như in hình bóng người đàn bà bên sông ấy đội nón cùm cụp, chiếc khăn mỏ quạ che kín gần hết khuôn mặt đang thập thững bước trên con đường nhỏ có hàng cây phi lao trong chiều sậm về làng. Từ đó đến nay, thế mà đã già bốn mươi năm…

V.G