Người đàn bà làm thơ

775

Trịnh Ngọc Dự

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau đợt thực hiện giãn cách Covid-19, Nguyễn Thị Vân Ngà đem đến tôi tập thơ “Bản hòa tấu vào hạ” của chị.

Tôi lật trang in bài thơ chị đã lấy làm tên cho tập sách:

…Tiếng chim cu đều đặn gọi mỗi ngày
Con sáo nhỏ ngắm nhành lan bung nhụy
Như đâu đó tiếng chàng thủ thỉ
Âm thanh còn vương giấc mơ đêm…

Nghe có tiếng nhạc cất lên từ muôn loài: chim muông hoa lá, tiếng tình yêu “chàng, nàng” trong giấc mơ đêm… Tôi bỏ cái ý nghĩ “xa thương, gần thường” để đọc hết tập thơ của chị và không chỉ một lần!

Tập thơ của Nguyễn Thị Vân Ngà do Nxb Hội Nhà văn ấn hành, nhà báo – nhà thơ “dày dặn” Kim Quốc Hoa viết lời giới thiệu, ông đánh giá “Vân Ngà tỏ ra tay nghề cứng cỏi hẳn lên, bút pháp vượt trội so với hai tập trước” (ý nói 2 tập thơ Về miền yêu thươngTrăng rơi, cùng xuất bản năm 2020). Kim Quốc Hoa cắt nghĩa: “Nguyên nhân có thể do được học lớp bồi dưỡng viết văn Khóa 13 (của Hội Nhà văn Việt Nam) cộng với trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác bản thân, Vân Ngà bứt phá không còn là đời tằm trong dâu như một bài thơ tự sự của tác giả”, và “xuyên suốt ‘Bản hòa tấu vào hạ’ là chuỗi thơ tình nhuần nhuyễn hơn, bút pháp, lối gieo vần, chọn tứ, chọn chữ, hình ảnh cũng chau chuốt hơn…”.


Nhà thơ Vân Ngà.

Nói như thế ta hiểu là không thể có một phép mầu nhiệm mà trong 2 năm (2020-2021) Vân Ngà có 3 tập thơ, tập thứ 3 vượt trội hẳn 2 tập trước. Để có được kết quả ấy Vân Ngà đã tích lũy, lao tâm khổ tứ, không ngừng rèn luyện. Cái “trời cho” là của chị, là cuộc đời, tâm hồn và cảm xúc nhạy cảm, còn việc học tập rèn luyện là khi được dẫn giải thêm những kiến thức văn học, nghệ thuật làm thơ, các thi pháp… Chị hiểu thi pháp của thời hiện đại là thi pháp của từng nhà thơ, thậm chí của từng thời khắc trong nhà thơ. Bài thơ hay phải là bài thơ có tứ, tạo hiệu quả bất ngờ. Vân Ngà suy nghĩ như ai nói: “Thơ còn là kinh nghiệm!”. Với thơ lục bát đã có lời khuyên rất khắt khe: “Lục bát là thước đo trí tuệ và chiều sâu tâm hồn của người sáng tạo ra nó. Lục bát không chấp nhận sự thừa thẹo ý tưởng, sự cẩu thả khi dùng từ, không chấp nhận ép vần, thất điệu…”.

Nguyễn Thị Vân Ngà sinh ở đất Chiêm Hóa, xứ Tuyên và bén duyên với xứ Thanh sau khi tốt nghiệp đại học ra trường. Cho đến nay xứ Thanh vẫn là quê hương thứ hai của chị. Hành trình Thanh Hóa – Tuyên Quang, Tuyên Quang – Thanh Hóa và những địa danh thắng cảnh từ Nam chí Bắc đã tạo nên miền thơ riêng của Vân Ngà. Nghề nghiệp đã giúp chị đi nhiều nơi, những di tích, thắng cảnh gắn liền với truyền thống lịch sử của cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhưng công việc trong ngành Du lịch của chị đâu có ổn định, chị phải học thêm một số ngành nghề khác như kế toán, Kinh tế Luật… trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn. Thơ chị cũng bắt đầu từ đấy. Những bài thơ theo hành trình công việc thể hiện ý thức công dân của chị trước cuộc sống bộn bề, nhưng ấm áp, chân thành:

Đưa tay hứng giọt nắng
Chắp lòng đọng hạt tâm
Cây ghi danh đứng thẳng
Bao tên tuổi anh hùng.
(Nơi mình đến)

hay:

Cùng anh lên đỉnh Phù Vân
Lặng nghe Bà Triệu hô quân dậy rừng
Chắp tay xin mẹ Anh hùng
Trải duyên xuân đến khắp vùng quê hương.
(Duyên Xuân)

Đề tài như thế viết được như thế thật đáng nể!

Vân Ngà viết nhiều thể loại, nhưng nhiều và thành công hơn cả là thể thơ lục bát! Tôi muốn nói tới những bài thơ lục bát của chị “một phụ nữ trẻ đa đoan, hạnh phúc riêng chưa trọn vẹn, nhiều khát vọng, ước mơ về một tình yêu đích thực”, người con gái nền nã xứ Tuyên sớm thành người “phụ nữ đơn thân”. Chị nhủ: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó! Nhưng không dễ dàng gì, chị phải “gồng” lên trước những ngã ba. “Dở dang nào có hay gì”! Cái cảm giác “sợ làn cây cong” (Kiều) luôn ám ảnh. Thơ đã trở thành nguồn cảm hứng “cứu rỗi” và lục bát là công cụ chuyên chở những trạng thái tình cảm của chị.

Lạ thay! Vân Ngà không hề biết “sợ” gieo vần lục bát, chị viết như “chơi” vậy! Có người rơi vào tình trạng lục bát “ngang phè”, quẩn vần, hay miên man kể lể… Có cảm giác chị gieo vần rất dễ, như “người đi xuyên tường”, trườn qua những âm vận để đuổi kịp ý thơ mà không chần chừ, tính toán. Hơi thơ toát ra từ những ngôn từ thể hiện, đôi khi thấy như vô lý mà chấp nhận được:

… Chu du hiểu cái mênh mang
Rộng dài sông suối lang thang núi đồi
Rồi phiêu bạt xuống biển khơi
Bỗng gieo nỗi nhớ những lời ngả nghiêng?
(Gió chướng)

Một đời trên biển lắc lư
Cái cương của sóng, cái nhừ của mưa
Lao xao đón được mấy mùa
Để đêm đông lạnh gió lùa mênh mang
(Biển chiều đông)

hay:

…Mấy lần hẹn đến quán ngồi
Gần nơi anh muốn để rồi về không
Nhà anh biệt thự ven sông
Em, gian nhà nhỏ sát đồng ven đô
Bao giờ cào phẳng mấp mô
Lấp đầy khoảng cách đôi bờ em sang.
(Tự ti)

Lại có những bứt phá lãng mạn, phó mặc, liều lĩnh đến bạo liệt:

Dắt tay lúc phố lên đèn
Ta quên đi hết chê khen ở đời
Nắng lên chênh chếch buông lơi
Môi em, mắt ấy, nụ cười… đắm sâu
Dập dềnh quên hết vàng thau
Bước chân trên cát chạm đầu sóng xanh
Chắt chiu ngày tháng ngọt lành
Ta buông khăn áo để dành cho nhau…
(Biển tình)

Đấy là những câu thơ, những đoạn thơ trích từ những bài lục bát của chị. Trường hợp bài thơ “Anh”, người viết cảm thấy không thể bỏ câu nào, từ nào của chị, mà ghi trọn vẹn:

Em như bó rạ giữa đồng
Va vào một tảng than hồng là anh
Giống như dòng suối mát xanh
Chảy từng nỗi nhớ sáng vành trăng treo
Anh là quán giữa lưng đèo
Em dừng chân để gắng leo đến cùng
Anh như hương nếp giữa rừng
Em làm cơn gió ngập ngừng bên anh.

Về thơ lục bát, có người từng nhận xét: Những bài thơ lục bát thành công thường có tình ý, cách thức của những câu ca dao, dân ca cổ. Ta gặp ở thơ lục bát Vân Ngà nhiều nét của ca dao tục ngữ, phảng phất những câu Kiều, có chút trào lộng, tự diễu của Hồ Xuân Hương… nhưng tất cả chỉ là sự man mác như làn gió nhẹ đưa đẩy ý thơ của chị. Ngà không lạm dụng, không lấy ca dao tục ngữ làm thơ của mình:

Mới hay cái nợ cách chia
Nhào lên lộn xuống đầm đìa vẫn thương
Cây cầu trên khúc Tiền Đường
Xin anh níu dắt gió sương em cùng
(Tình khúc)

Ước cùng trên một chiếc bè
Mua vôi tôi sẵn cùng nghe miệng đời
Nắm tay thưởng ngoạn rong chơi
Một lần cho trọn rồi thôi cũng đành
…Thả hồn cho thỏa ngất ngây
Xin anh đừng nhỏ giọt này, em đau!
(Tương tư)

Thơ lục bát của chị là thơ trực cảm, nhưng không đơn nghĩa, không kém sâu sắc và thâm thúy:

Ta về nhủ cái ta cười
Đến đường nào để về nơi ban đầu?
Không mơ ảo vọng đâu đâu
Chớ làm những việc cơ cầu lụy thân.

Ta có thể nhặt ra những cặp lục bát, những đoạn thơ lục bát như thế trải dài trong tập thơ của chị, chỉ mong chị chọn lọc hơn nữa ngôn từ đến cấu tứ bài thơ.

Đã hình thành một sắc thái riêng của chị, dung dị mà sâu sắc, tạm gọi là phong cách “lục bát Vân Ngà”, một hướng đi phù hợp với chị, khác với lục bát kiểu “chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ” ồn ào và nhàm chán. Hơn lúc nào câu tục ngữ: “quý hồ tinh bất quý hồ đa” rất cần với chị, cụ thể là: chị nên viết “ít đi” để có nhiều bài thơ hay được bạn đọc yêu mến.

Xin chúc mừng thành công của “Bản hòa tấu vào hạ”, chúc mừng lục bát Vân Ngà. Hy vọng sẽ được đọc thêm nhiều bài thơ hay của chị.

Tân Sơn, 10/10/2021

T.N.D