Người đàn ông ở bến xe – Truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh

540

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều cuối năm, ông ta nhìn lại Sài Gòn lần cuối cùng. Những năm tháng đời lang bạt, vợ con không có tiền bạc cũng không có nhiều. Cuối cùng cũng trở vế quê quán nơi đã sinh ra ông. Nơi đó còn có người mẹ già suốt đời lo cho ông.

Tác giả Vũ Khắc Tĩnh 

 

Người đàn ông nói với thằng bé đang ngồi ăn cơm ở căn-tin bến xe Miền Đông.

– Tau sẽ đánh mi bằng bàn tay sạm nắng này đây.

Ông ta giơ bàn tay phải lên trước mặt thằng bé. Mi có biết lý do do tại sao không? Khi ông ta nói câu đó, mắt ông ta nhìn mặt thằng bé trừng trừng, bàn tay ông ta đập mạnh xuống mặt bàn cái rầm nghe chát chúa rất chói tai, chén dĩa để trên mặt bàn một phen lắc lư, khiến thằng bé mặt mày tái mét, ngồi im lặng không dám hó hé.

Nó ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra, như một người mất hồn. Tại sao người đàn ông nó chưa hề thấy mặt một lần nào lại dọa đánh nó. Hai con mắt nó ngó sững ông ta không chợp mắt, còn hai ngón tay thằng bé vẫn cầm điếu thuốc đã cháy hết một nửa điếu, đầu nó cúi xuống mép bàn kéo một hơi dài, rồi ngẩng mặt lên, nhả khói bay cuộn tròn nhiều vòng lơ lửng rồi mới tan, rất là chuyên nghiệp. Có lẽ lâu nay mỗi lần nó hút thuốc nó đã tập luyện thành thạo rồi. Hôm nay nó mới có dịp biểu diễn trước mặt ông ta, một người đàn ông không mấy tử tế với nó. Ông ta nói lẩm nhẩm trong miệng thằng bé này cũng có lắm tài vặt, khen nhưng không dám khen trước mặt nó.

Thằng bé có cái tật ăn cơm xong là hút thuốc, trước khi uống nước, lâu nay đã trở thành thói quen không bỏ được. Nhưng ở nhà thì nó không bao giờ dám hút thuốc trước mặt mẹ nó. Có lần mẹ nó thấy nó hút thuốc, bà ta bắt quỳ và đuổi ra khỏi nhà, chỉ xảy ra một lần mà nó sợ, không dám tái phạm. Bà ta rất nghiêm khắc. Nhiều khi nó thèm thuốc miệng chảy nước miếng, nhưng nó vẫn cắn răng chịu đựng cho qua cơn thèm.

Người đàn ông mỗi lần liếc mắt nhìn thằng bé là thấy ngứa con mắt, nhưng không chịu lấy tay dụi mắt, miệng dằn từng tiếng rành rọt.

– Mi hút thuốc lá từ lúc nào vậy?

Thằng bé miệng lắp bắp, nói cà lăm

– Dạ… mới biết hút

Thật ra lúc nó mới biết hút, mỗi lần nó phì phà hít vào lồng ngực rồi nhả ra, nó bị sặc sụa liên tục nhưng nó vẫn hút nên ghiền. Nó không dám nói với ông là nó ghiền thuốc nặng.

Ông ta nhờ có chút men rưoụ vừa uống, ông ta nói lung tung lang tang đủ thứ chuyện trên trời dươí đất không đầu không đuôi. Nhưng đầu óc ông ta vẫn còn tỉnh táo.

– Mi có biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe không? Mi còn là thằng bé nhóc con mà tập hút thuốc làm gì. Mi có thấy tau già hai thứ tóc trên đầu mà không bao giờ đụng đến điếu thuốc.

Ông ta đổi tư thế ngồi cho  ngay ngắn.

– Mi phạm vào cái tội rất lớn, khơi mào cho tau thèm thuốc.

Thằng bé ngồi chịu đựng lắng nghe. Cho dù nó muốn đi khỏi chỗ này, cũng không đi được, vì mẹ nó chưa quay trở lại trả tiền cơm.

– Dạ… dạ con biết rồi.

Thằng bé đâu có biết nó hút thuốc làm cho ông ta thèm thuốc lên cấp tám cấp chin, như một cơn bão đi qua làm cho cây chao đảo. Chẳng lẽ ông ta mở miệng đi xin thằng bé hút ké coi sao được, đành phải nhịn thèm. Ông ta nhớ đến cái thời ông ta làm ra tiền, cái thời bác sĩ chưa cấm ông ta hút thuốc vì bệnh phổi. Một ngày ông ta phì phà hết một gói Hero chưa thấm chi, nhựa thuốc chất nicotin thấm vàng mấy ngón tay. Giờ ông ta làm nghề bán vé số dạo, tiền kiếm được hằng tháng không đủ để trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền tiêu lặt vặt, ngốn hết mấy triệu đồng. Chưa nói đến chuyện đau ốm xảy ra cũng phải đi bệnh viện.

Một ngày ông ta bán hai trăm tờ vé số, có ngày bán hết có ngày không, không có tiền rủng rỉnh trong túi ông ta đành phải ngậm tăm. Ông ta thấy những người lớn tuổi hút thuốc ông ta không dám nói, họ có tiền họ hút kệ họ, nhưng ông ta thấy con nít hút thuốc là ông ta ghét cay ghét đắng. Như hôm nay ông ta thấy thằng bé mặt mày còn non choẹt dám nhởn nhơ hút thuốc trước mặt ông ta, có vẻ trêu ngươi ông ta. Ông ta dằn lòng không được đành phải to tiếng doạ nạt. Sự thể là như thế.

*

Người đàn ông vẫn còn ngồi  đó, tay cầm chiếc đũa gõ xuống mặt bàn từng tiếng theo nhịp chân tiếng nhạc xập xình hắt ra trong căn tin. Với chất giọng khàn khàn của người ca sĩ đã lơn tuổi, giọng ca không còn trong trẻo. Lời bài hát mang âm hưởng buồn hợp với tâm trạng nên ông ta tỏ ra nghe một cách chăm chú, ngồi thả hồn vào câu chuyện than vãn của một kiếp nghèo trong ca khúc mà ông ta thường nghe ở đâu đó trong quán cà phê hay quán xá bình dân nơi miền quê tỉnh lẻ.

Cuộc đời ông ta trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, thời gian làm cho con người ông ta xơ cứng, chai sạn. Giờ ông ta chỉ biết có tiền làm cho ông thoả mãn. Nhưng ngặt một nổi kiếm được đồng tiền đâu có dễ dàng, cái gì rồi cũng có cái giá của nó. Trên con đường lang bạt mưu sinh, rày đây mai đó, cái nghề gì cũng kinh qua, chỉ trừ cái nghề đi ăn trộm, cướp giựt hay lừa đảo là ông ta không nhúng tay vào.

Rồi có lúc ông ta cũng không ngờ được con người của ông ta, trong tâm hồn xơ cứng cũng có lúc mềm lòng để rồi ông ta cảm hoá được tấm lòng ông ta một cách dễ dãi, như hôm nay ông ta được nghe lại những bản tình ca xa xưa một thời. Ông ta thả hồn bay bổng theo tiếng hát du dương của người ca sĩ nào đó chẳng hạn. Rồi cũng có lúc mắt ông ta nhìn sững một cô gái đẹp dáng mảnh mai làm hớp hồn ông ta, làm cho ông ta ngây ngất, làm cho ông ta quên hết mọi chuyện ngổn ngang trong đầu. Dù chỉ một thoáng qua trong tầm mắt, ông ta cũng cảm thấy vui rồi hứng chí làm dăm câu thơ tình lai láng. Ông ta đọc đi đọc lại, cười nói một mình trên đường phố, đời vẫn còn đáng yêu đấy chứ, ông ta vỗ ngực xưng tên một cách điềm nhiên chưa đến lúc tâm hồn già nua, xơ cứng như thiên hạ lầm tưởng, coi thường ông ta.

Thằng bé ngồi nhìn mông lung, không có một đứa bạn bụi đời ngồi bên nó để nói chuyện, trong đầu nó trống rỗng mơ hồ. Nó không còn hồn nhiên từ ngày nó nhập bọn với đám trẻ trong xóm chơi game hơn là học. Nó không được học hành mà đi mua bán ve chai bụi bặm dơ bẩn, bọn trẻ nít nhiều lần doạ khai trừ nó ra khỏi nhóm, nó nghe phong phanh bọn đó nói với nhau, nhưng nó không nói hay quan tâm đến làm gì.

Nó đi mua bán ve chai với mẹ nó, từ đầu đường xó chợ đến hang cùng ngõ hẹp, nên nó mau chóng trở thành một đứa trẻ lì lợm, dạn dĩ, cái gì cũng biết một cách tường tận, có những cái mẹ nó không biết, giá cả ngoài thị trường lên xuống bất thường, nhưng nó lại biết rất rành rành. Mẹ nó phải tâm phục khẩu phục. Nói về ở dơ nó là số một, chưa bao giờ thấy nó tắm, nó sợ nước hơn người nghiện ma tuý, thế mà mẹ nó chẳng bao giờ quan tâm đến. Mỗi khi ăn cơm xong là nó chui đầu vào giường nằm, được một cái là nó không thích chơi game, dù bạn nó nhiều lần tới rủ nó đi đến tiệm internet chơi, vì nghĩ nó lúc nào cũng có tiền trong túi, nhưng thật ra nó làm gì có tiền, mỗi lần mẹ nó cho, nó đi mua thuốc giấu một chỗ kín đáo, lúc rảnh mẹ nó đi công chuyện đột xuất một mình nó ở nhà, nó sẽ lấy ra hút thoả thuê.

Thế mà hôm nay nó ngồi một mình nghe tuổi thân, nó cũng biết buồn, tự nhiên những giọt nước mắt chảy dài xuống má. Nó nghĩ về người đàn bà mà nó gọi bằng mẹ bấy lâu nay. Nó cũng không biết được mẹ ruột hay mẹ nuôi, nó thường nghe bọn con nít trong xóm nói nó là con nuôi của bà Sầm, nó chỉ nghe phong phanh như vậy chứ chẳng biết gì thêm và nó cũng không muốn biết để làm gì. Nó chỉ biết nó lớn lên trong vòng tay nâng niu, bàn tay sần sùi chai cứng mỗi khi chạm vào nó, khi nó khóc đòi vỗ về âu yếm. Nó lớn lên trong ngôi nhà chật chội đầy những bao nylon, lon bia không, giấy vụn… Nó cũng chưa bao giờ thấy mặt mũi của người cha, làm nghề gì ở đâu, nó mù tịt, nhiều khi nó nghĩ chưa đến lúc phải điều tra ra thân phận, con đường phía trước còn dài, lúc đó nó lớn khôn mọi bí ẩn sẽ được phơi bày. Giờ nó chỉ biết âm thầm sống với người mẹ đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng bươn chải để kiếm cái ăn cái mặc. Nó chỉ buồn đến chừng này tuổi mà không được đến trường học chữ, sao mẹ nó không cho nó đi học, trong khi bọn con nít trong xóm đứa nào cũng biết đọc biết viết. Nhưng nó đâu có biết mẹ nó chẳng có một thứ giấy tờ nào trong người, như một người vô gia cư, ngay đến giấy khai sinh của nó, nó lớn tồng ngồng như thế này mà cũng không có, mẹ nó không chịu đi khai báo với cơ quan chính quyền để làm thủ tục hành chính, để bây giờ nó lớn mẹ nó mới thấy được, cả một vấn đề nan giải. Nó thất học.

Mẹ nó bề ngoài sống rất hoà nhã với mọi người xung quanh, nhưng tính rất cộc cằn, ăn nói gai góc. Bà ta trải qua một đời chồng không có con, chồng bà ta không chịu nổi cảnh túng thiếu, cũng như ôm đồm cái nghề mua bán ve chai hôi hám, bụi bặm, nên bỏ đi biệt tăm biệt tích. Sau này bà Sầm sống lang chạ với một người đàn ông nào đó rồi sinh ra nó, chứ không phải con rơi con rớt ở đâu đó đem về nuôi, nên không thể nói là con nuôi được. Vì trong con người của nó có dòng máu của mẹ nó là bà Sầm, thì ít ra nó cũng chịu phần nào tầm ảnh hưởng về tâm sinh lý của mẹ nó.

Người đàn ông ăn xong dĩa cơm, ông ta đẩy cái dĩa sang một bên, ngồi lại tiếp tục uống cho hết xị rượu thuốc. Nhìn khuôn mặt ông ta đỏ kè, ông ta xoay mặt qua thằng bé nói lẩm nhẩm thứ gì đó với nó, không lẽ ông ta làm lành với nó, chắc là không, một phần trăm là không. Nếu nhìn kỹ vẻ mặt ông ta thì thấy phảng phất chút hình sự ẩn hiện trong con mắt đục ngầu. Bọn tội phạm mà ngồi đối mặt với ông chưa khai thác xét hỏi những con người đó sẽ khai ra hết, cần gì phải đánh đập hay doạ nạt. Nên những người bạn thân với ông ta, nói ông ta có bộ mặt hình sự. Đằng này ông ta là người đi bán vé số dạo.

Căn tin càng về trưa càng đông người đến ăn cơm, uống nước giải khát. Có lẽ phần đông hành khách họ là người đợi xe, hay lỡ một chuyến xe vì tới trễ, họ ngồi đợi một chuyến xe khác. Căn tin đông người rất ồn ào, kẻ vô người ra liên tục làm mất trật tự. Người đàn ông lại đứng lên rồi ngồi xuống mắt nhìn dáo dác hết thảy xung quanh, có lúc ông ta thể hiện làm ra vẻ yêu đời tìm trong trí nhớ một bản nhạc tình rẻ tiền nào đó hát nghêu ngao vài câu cho đỡ buồn. Ông ta mà cũng biết buồn sao.

Ông ta móc trong túi quần lấy xấp vé số cầm trong tay, ông ta cũng không tha thiết bán, đi chào mời người ta mua. Đã vậy mà ông ta còn cuống cuồng lo nghĩ vẩn vơ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là hết hạn trả lại đại lý vé số ông ta bán còn dư lại trong ngày, và nhận vé số mới cho ngày mai. Ông ta hốt hoảng trong chốc lác`rồi lấy lại bình tĩnh để tìm cách giao lại vé số cho đại lý một cách êm thấm, không thể để lộ ra một chút nghi ngờ nào. Ông ta tỏ ra tin tưởng lâu nay là người làm ăn có uy tín và sòng phẳng tiền bạc, được ông chủ đại lý quý mến. Mọi chuyện ông ta sắp xếp tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, nhưng đâu cũng vào đấy thuận buồm xuôi gió.

Ông ta tỏ ra lạnh lùng chẳng quan tâm gì đến những người ngồi chung quanh. Nhưng ông lại cố lắng tai nghe những lời nói đùa cợt của đôi thanh niên nam nữ ngồi ôm hôn nhau tỉnh bơ, chẳng tỏ ra một chút e dè hay ngại ngùng chỗ đông người. Riêng ông ta thấy xúc động và cảm thấy xót xa, thương cảm cho người bạn đời xấu số đã qua đời cách đây không lâu, vì mang trong người căn bệnh trầm kha của thế kỷ. Ông ta đã đem hết số tiền làm ăn dành dụm được để chữa trị bệnh cho cô ta, tiền hết, bệnh cô ta thì chữa không khỏi. Bệnh viện từ chối, đưa cô ta về nhà chờ chết. Ông ta trắng tay từ ngày đó.

Trong số những người bà con thân thuộc và bạn bè lấy làm tiếc và không mấy hài lòng khi ông ta báo tin quyết định lấy và chung sống chung với một cô gái cave nổi đình nổi đám ăn chơi thời đó, nên bây giờ ông ta sa cơ cũng không thể mở miệng nhờ vả hay nương tựa vào họ được. Lâm vào bế tắc ông ta không có con đường nào để lựa chọn ông ta phải đi bán vé số dạo. Mỗi buổi chiều về ông ta ngồi uống rượu một mình, nghe chút thấm thía nơi tha hương đất khách. Cuộc đời của con người là như vậy đó, buồn vui giàu nghèo bệnh tật sinh tử, không một ai đoán trước được hậu vận. Theo như thiên hạ nói ông ta mắc sai lầm trong bước đường yêu đương, tiếng sét ái tình mới nên nỗi này. Nhưng với ông ta thì nghĩ khác, ông ta lấy vợ, cô ta là gái cave nhưng rất mực yêu thương ông ta, và biết lo lắng chí thú làm ăn, nhưng ông ta không hưởng được trọn vẹn hạnh phúc đó, đứt gánh nửa chừng xuân. Ông ta lại đổ lỗi cho số phận đã được an bài.

Ông ta biết cặn kẽ mọi thứ, ông ta hiểu rõ mọi chuyện nên ông ta muốn gần gụi với thằng bé mà lúc nãy doạ nạt đòi đánh nó. Ông ta cũng chẳng biết làm vậy để làm gì, với mục đích gì?

Bây giờ là mùa thu, bầu trời trong xanh quang đãng. Bến xe đò tấp nập người đi vô đi ra, chiếc xe đò này chạy ra khỏi bến, thì có chiếc xe khác chạy đến thay thế vào khoảng trống đó. Trong phòng bán vé xe người phát thanh viên giọng nói ấm áp, luôn nhắc nhở bà con hành khách xếp hàng theo thứ tự trước quày bán vé, và đề cao cảnh giác bọn tội phạm lợi dụng chỗ đông người chen lấn để dễ bề móc túi lấy tiền. Ở bến xe nào cũng để xảy ra tình trạng này chưa có biện pháp khắc phục và ngăn chặn kịp thời với loại tội phạm này.

Bây giờ là mùa thu mà thời tiết nắng nóng oi bức có lúc nóng lên tới bốn mươi độ C, lẽ ra ông ta hay thằng bé đã ở đâu đó trên bãi biển. Thằng bé sẽ ngồi bệt trên bãi cát, bụm hai bàn tay nhỏ vun cát thành một khối lớn như một lâu đài, và đuổi bắt những con dã tràng chui vào hang. Thằng bé không chịu thua cuộc, nó lấy bàn tay đào sâu vào những hang cát để moi ra những con dã tràng cho vào cái lon, nhìn chúng vùng vẫy rồi nằm bất động.

Ông ta sẽ nằm ngửa trên cái ghế xếp, và ngắm mặt trời tuột nhanh xuống dãy phố, chung quanh chỗ thiên hạ ngồi nhậu là những lon bia vứt nằm lăn lóc. Thỉnh thoảng ông ta đứng dậy đi dạo lòng vòng trên bãi cát trắng mịn và luôn miệng hát nghêu ngao vài câu nhạc tình của những năm xa xưa trở về trước, trước khi ông ta lao mình xuống biển cả mênh mông, bơi lượn như chú rái khoẻ mạnh tìm bạn tình trong mùa giao phối sinh con.

Lẽ ra mọi chuyện xảy ra như thế, về một thời phơi phới sức trẻ trai, với một cô gái cave son phấn loè loẹt nằm phơi mình trên bãi cát mịn dưới cái nắng ấm áp của buổi sớm mai. Cô ta nằm để nhô lên bộ ngực căng tròn trong bộ đồ tắm sát người, mắt nhắm hờ nghe sóng vỗ tràn vào bờ vuốt ve thân hình mát lạnh, vừa nghe cảm giác tê mê, ngọt ngào và sảng khoái. Cô ta liên tưởng tới những lần ái ân với nhiều người đàn ông quen lạ khác nhau. Đầu óc cô ta rung cảm theo từng cung bậc khoái cảm như thể con sóng trong lòng biển vỗ miên man. Cô ta kiêu hãnh và tự hào, cõi riêng tư đó, đố ai biết được. Cũng như mọi người đàn bà khác trên thế gian này, cô ta đã mang vào thế giới loài người đầy những xao động và bí ẩn.

Bất chợt một cơn mưa trái mùa đổ ào ào xuống bãi cát trắng mịn trống trơ chẳng có một bòng người, họ chạy tản mát vào những ngôi nhà nằm ven biển, chỉ có vài tấm bạt căng ra che nắng thấp lè tè. Họ dìu nhau chạy đến núp dưới hàng cây tàn lá sum suê, mưa rắc lên tóc lên mặt mát lạnh, nàng vuốt nước mưa, chàng lặng lẽ cởi áo khoác đang mặc ra kéo đầu nàng úp vào ngực, dang tay choàng cái áo phủ kín nàng lại. Dường như nàng cố cựa quậy vì bất ngờ, nhưng được một lúc nàng cũng ngoan ngoãn vòng tay qua lưng chàng.

Nàng không còn nghĩ ra cái gì vào lúc này nữa. Mà thật ra cũng chẳng có gì phải nghĩ ngợi, nàng chỉ cần có những giây phút như thế này, ấm áp là đủ lắm rồi. Ngoài kia trời vẫn đổ cơn mưa, không biết xung quanh có gì đã xảy ra ở đây không. Chàng và nàng đứng dựa vào nhau khá lâu như vậy.

Nhiều, rất nhiều năm sau đó nàng không bao giờ quên được những dòng tâm sự miên man đã hoà quyện vào nhau. Rồi nàng đã quên rất nhiều thứ vô tình lẫn cố ý. Nàng cảm nhận được và sống một cuộc sống tử tế trở lại dù đã mang tiếng làm gái cave, nàng cũng có trái tim, khối óc, có tâm hồn thì trước hay sau gì cũng nghe cảm xúc rung động, cũng cần có người che chở cần chút ấm nồng của một người đàn ông nào đó sống chung thuỷ, hiểu biết và thông cảm cho những việc làm mà nàng đã trải qua chặng đường dài không mấy tốt đẹp

Dứt mưa, chàng và nàng luyến tiếc giả từ bãi biển nhắm hướng dắt tay nhau về thành phố, hoà nhập vào cuộc sống xô bồ. Mọi chuyện như đã sắp sẵn đâu vào đó, không có ai đứng ra ngăn cản cuộc tình của ông ta và nàng cave sau cùng họ cũng chung sống với nhau từ ngày ấy.

*

Người đàn ông đứng dậy, cầm xấp vé số bước ra bên ngoàì. Gió thổi phần phật phả hơi nóng vào mặt nghe nóng ran, ông ta đi về phía cửa sau căn tin. Màu vàng đèn ném hắt ra phía cửa toilet, những cánh cửa bằng nhôm đóng mở liên tục, rồi bất ngờ bật tung như trò dằn mặt của những kẻ giận dữ vô hình nào đó chăng. Ông ta đứng xớ rớ một lúc, không biết ông ta suy nghĩ chuyện gì trong đầu, ông ta đi tới đi lui như chờ đợi một người nào đó nhưng ở bến xe này ông có quen ai đâu mà đợi, toàn là người thập phương đến làm ăn sinh sống tha phương cầu thực. Thiên hạ có thích thì mua của ông ta vài tấm vé số để nuôi hy vọng trúng số, ông ta bán được vài tấm vé số thì vui mừng, còn người ta thì nuôi hy vọng trúng số độc đắc. Đã nhiều lần người ta trúng số giải lớn nhỏ gì, người ta cũng cho tiền ông ta.

Bất chợt ông ta nhìn đồng hồ treo tường, rồi chen chân trong đám đông ra khỏi bến xe, ông ta chạy về nơi dãy phố sầm uất phía bên kia đưòng có đại lý vé số, gặp ông chủ đại lý xin trả lại vé số bán còn dư trong ngày. Hôm nay ông ta xin cáo bệnh, không nhận bán vé số ngày mai đến khi nào ông ta hết bệnh. Thật ra đó là cái cớ ông bịa ra hòng đánh lừa ông chủ, chớ có bệnh tình gì đâu. Ông ta hộc tốc trở lại bến xe mua vé cho kịp chuyến xe trở về quê. Nơi đó có bà mẹ già yếu cần sự chăm sóc của ông ta. Mấy mươi năm nay bà cụ sống trong đơn chiếc, gánh hàng rong và những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ bà sống qua ngày, cũng nhờ sức lao động tiếp sức cho bà có sức khoẻ và sự minh mẫn. Người chồng bà và là người cha của ông ta theo tiếng gọi con tim của người phụ nữ trẻ đẹp, đã bỏ bà ra đi lúc ông còn nhỏ. Một mình bà buôn bán làm ăn sinh sống, nuôi ông ta ăn học nhưng rồi học hành cũng chẳng tới đâu, tướng mạo lúc ông ta còn nhỏ đã có máu me giang hồ. Bà thấy đứa con trai bà sinh ra không cảm hoá được, bà lắc đầu ngán ngẫm cho sự đời.

Hôm nay bà thấy con trai bà trở về một thân một mình không có vợ con, bà cảm thấy buồn không nói ra được, bà giấu kín trong lòng. Mấy mưoi năm rồi con bà đi đâu làm gì làm sao bà biết được. Bà ở một miền quê xa hẻo lánh, xung quanh là đồi núi ruộng đồng, mọi liên lạc thư từ coi như rơi vào mịt mù.

Người đàn ông đó đi rồi, ông ta cũng chẳng đoái hoài chi đến thằng bé. Thằng bé ngồi lại một mình, nó hút biết bao nhiêu điếu thuốc rồi mà vẫn chưa thấy mẹ nó trở lại. Nó nằm ngủ gục trên bàn, đến khi người bồi bàn đến lay đầu nó dậy. Họ tỏ thái độ gắt gỏng:

– Sao mi nằm ngủ ở đây?

Thằng bé mắt còn ngái ngủ:

– Em đợi mẹ em lại trả tiền cơm…

Họ xua đầu thằng bé:

– Người đàn ông ngồi cùng bàn với mi trả tiền cơm cho

mi rồi.

Thằng bé đứng dậy tay gải đầu, nó cũng chẳng biết nói chi, có vẻ lung túng. Nó lấy cái mủ đội trên đầu rồi chạy một mạch ra khỏi căn tin. Buổi chiều sẫm rơi chầm chậm xuống bến xe, lượng người trong bến cũng thưa dần không còn đông như lúc nó mới đến đây. Nó liếc mắt nhìn mấy cái quán bán nước giải khát, coi thử có mẹ nó ngồi trong đó không? Nó dư biết mẹ nó không la cà ở bến xe, nhưng nó vẫn dò tìm không bỏ sót một chỗ nào.

Nó đi ra khỏi bến xe, nó mới sực nhớ hôm nay bà Sầm mẹ nó ăn mặc tươm tất, tóc cột lại gọn gang, xịt một ít nước hoa vào người. Nó biết mẹ nó hẹn đi chơi với người đàn ông nào rồi. Chỉ có ra ngoài cổng bến xe gặp mấy ông xe ôm hỏi là chắc ăn. Đúng như suy nghĩ của nó, mẹ nó có ở chỗ đó thật, nhưng đã đi với ông nào rồi, mẹ nó chỉ gởi lại một ít tiền để cho nó trả tiền cơm và dặn nó đi về nhà trước, quét dọn nhà lau chùi bàn thờ, bà mua một ít trái cây để cúng rằm.

Mẹ nó chỉ có cái tên thường gọi là Sầm không được đẹp cho lắm, dáng người tròn trịa, khuôn mặt có nét đẹp tiềm ẩn, ăn nói rất có duyên, giọng nói lờ lợ miền sông nước miền Tây. Bà Sầm đã tính toán đâu vào đấy hết rồi, đến khi thằng bé lớn khôn bà ta sẽ đi thêm một bước nữa với một người đàn ông đã goá vợ, bà ta lấy chồng chứ không thể sống thiếu người đàn ông được. Mỗi lần nghĩ đến một ai đó bà ta nghe rạo rực trong lòng. Lúc đó sẽ nghỉ mua bán ve chai, bà là chủ đại lý vai chai. Từ một người mua bán ve chai, rồi trở thành bà chủ được mọi người dạ thưa.

Nói thì nghe hung sùng vậy, nhưng những năm sau đó thằng con trai càng ngày càng lớn lên như gió thổi. Bà lại có những suy nghĩ tính toán khác về tương lai của bà cũng như con bà sau này.

Bao nhiêu năm bà buôn bán ve chai dành dụm được một số tiền tương đối khá, bà chỉ sửa lại ngôi nhà cao ráo thoáng mát chứ không xây dựng lên bề thế để ở. Hai mẹ con bà Sầm nghỉ mua bán ve chai, ở lại ngôi nhà đó một thời gian rồi bán lại cho người khác, dọn về quê sinh sống.

Thằng con trai bà đặt tên là một, cái tên đó gọi từ nhỏ đến giờ. Nó cũng bằng lòng với cái tên đó, nó càng lớn càng phát triển thể lực cao ráo đẹp trai. Một về quê sinh sống với bà với một thời gian làm rẫy. Nó không quen với cuộc sống dân dã quanh năm với ruộng vườn sông nước. Nhưng vì nó thương mẹ nó đã lầm lũi với nghề ve chai mới có được ngày hôm nay.

Những ngày nó không đi làm rẫy hay ra ruộng đồng, ngồi một mình trong nhà, nó nhớ đến ông bán vé số mười năm trước đây ở bến xe, doạ nạt nó vì hút thuốc, không biết bây giờ ông ta sống ra sao rồi, còn đi bán vé số nữa không và những đứa bạn trong xóm chơi game nhiều hơn học giờ chắc cũng lớn như nó. Chỉ còn là những kỷ niệm.

Về quê một thời gian nó cũng bỏ hút thuốc, có lúc thèm nó cắn răng chịu đựng cho qua cơn ghiền. Mẹ nó tác động và động viên mới được như vậy. Nó có một bà mẹ quá tuyệt vời, nên mỗi lần nó nghĩ đến tự nhiên nước mắt chảy dài xuống má, nhiều lần như vậy.

*

Hơn mười năm sau ông trở lại Sài Gòn nhằm vào ngày hai mươi tháng chạp, những con đường nằm dọc ngang ngã năm ngã sáu đèn xanh đèn đỏ vẫn như cũ, đường chật người đi, xe cộ đông hơn trước nhất là vào buổi sáng đi làm và buổi chiều lúc tan tầm, vẫn còn xảy ra tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông.

Ông ta đến lại căn tin bến xe Miền Đông nghỉ chân uống nước giải khát. Những con người bao năm cũ không còn bán ở đó nữa, ông ta cũng không biết được những con người đó đi đâu làm gì, còn sống hay đã chết. Đi vòng qua mới thấy bến xe giờ thay đổi với bộ mặt hiện đại hơn, rộng rãi thoáng mát, nạn bảo kê không còn nữa, đi xe nào là quyền của mình không bị ép buộc. Mới ngày hai mươi mà không khí tết rộn ràng, bến xe họ chen chúc nhau mua vé. Ông ta cũng vào mua cái vé ngày về.

Ông ta hoà mình vào dòng người xuôi ngược trên đường phố, nghe lòng nôn nao khó tả Bây giờ ông ta không còn ăn cái tết ở Sài Gòn nữa rồi. Tết Sài Gòn buồn tẻ không đậm đà như ở quê.

Ông ta cũng chẳng biết đi Sài Gòn để làm gì. Ở đây cũng chẳng có bà con thân thích, chẳng có bạn bè chí cốt, mà chỉ có thằng bé gặp ở căn tin hơn mười năm về trước và bà Sầm thường hay mua vé số của ông ta thành chỗ thân quen.

Ông ghé lại nhà bà Sầm, nhưng ngôi nhà đó giờ xây dựng lại khang trang và đã có chủ mới ở. Ông ta tới hỏi người hàng xóm mới biết bà Sầm và thằng con trai đã bán ngôi nhà đó lâu rồi, dọn về quê, nghe nói đâu ở miệt vườn sông nước miền Tây. Ông cảm thấy buồn buồn. Một chuyến đi không rõ mục đích, đi dạo chơi mà không mấy hứng thú trong lòng bất an. Đêm nay ông ta phải ngủ ở nhà trọ để ngày mai về sớm trên chuyến xe đò.

Chiều cuối năm, ông ta nhìn lại Sài Gòn lần cuối cùng. Những năm tháng đời lang bạt, vợ con không có tiền bạc cũng không có nhiều. Cuối cùng cũng trở vế quê quán nơi đã sinh ra ông. Nơi đó còn có người mẹ già suốt đời lo cho ông.

V.K.T