Người độc hành trên đường xa

705

Vũ Tuấn Hoàng giới thiệu và dịch

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên con đường văn học của mình, Ivan Bunin có lối đi riêng. Ông không cập bến hay bám víu vào bất cứ trào lưu hay nhóm văn chương nào. Như theo cách ông diễn đạt: “Tôi chẳng phất bất cứ ngọn cờ nào và cũng chẳng tung hô một khẩu hiệu nào”. 

Nhà thơ Ivan Bunin 

Giới phê bình phát hiện ra một thứ ngôn ngữ độc đáo, đa sắc đầy nội lực của Bunhin. Và, điều phát hiện lớn nhất ở nghệ sĩ thiên bẩm này là nghệ thuật nâng “những điều dung dị đời thường” lên tầm thi ca. Đối với ông, không tồn tại khái niệm “điều tầm thường không đáng quan tâm”. Trong các sáng tác thơ thời kỳ đầu trên con đường văn chương, người đọc đã cảm nhận được một sức mạnh khổng lồ của óc tưởng tượng cũng như cảm quan hiếm có về bước đi của lịch sử. Tạp chí “Người truyền tin châu Âu” số 6 năm 1908 có nhận xét: “Giọng điệu thơ của ông thật vô tiền khoáng hậu trong nền thi ca Nga… Tính tự sự, chính xác và sự giản dị của ngôn từ đã được đẩy lên mức đỉnh cao. Khó có thể tìm được một nhà thơ nào mà giọng điệu lại nhã và đời thường đến như vậy. Trong cả chục trang thơ, bạn không tìm thấy một biểu tượng nào, một ví von nào hay một ẩn dụ nào… Sự tối giản của ngôn từ nhưng không hề làm tổn hại đến thi ca kiểu như vậy chỉ có thể ở một tài năng đích thực… Còn về độ chính xác mang hơi thở hội họa của ngài Bunin đây thì quả là chưa có ai có thể so găng được trong các nhà thơ Nga”.

Cuốn sách “Chén đời” 1915 đã động chạm tới những ngóc ngách sâu thẳm nhất của tồn tại bản thể. Nhà văn Pháp đồng thời là nhà phê bình Rene Gile đã viết cho Bunin khi giới thiệu cho ấn phẩm tiếng Pháp năm 1921 như sau: “Thật là một trạng thái tâm lý vô cùng phức tạp! Và cùng với nó, cũng chính là thiên tài của ngài. Mọi cái được sinh ra từ những điều hết sức giản dị từ những quan sát chính xác hiện thực cuộc sống: Một bầu khí quyển được tạo ra, nơi mà bạn hít thở và cảm nhận được một cái gì đó kỳ lạ, một cái gì đó lo âu xuất phát từ ngay chính mỗi nhịp sống! Đó chính là điều bí ẩn bao quanh thế giới của chúng ta. Điều này chúng ta đã từng biết qua tác phẩm của Dostoevsky. Nhưng, ở ông ấy nó xuất phát từ những điều không bình thường, bất cân bằng của các nhân vật và lơ lửng như một vầng hào quang tích xung điện. Đôi khi nó được kích động lên ngang với trạng thái điên loạn. Ở ngài, mọi cái đều hoàn toàn ngược lại: Đâu đâu cũng phát ra bức xạ của cuộc sống, tràn đầy năng lượng và nó khiến người ta cảm thấy bất ổn vì những sức mạnh tiềm ẩn, nguyên thủy nơi mà dưới vẻ thống nhất dễ thấy lại ẩn chứa sự phức tạp, một cái gì đó tất yếu phá vỡ đi những quy chuẩn mà chúng ta vốn thân quen”.

Bunin đã phát triển lý tưởng mỹ học của mình dưới ảnh hưởng của Socrates, người có quan điểm được đưa ra trong các bài viết của các học trò của ông là Xenophon và Platon. Đã hơn một lần ông đọc tác phẩm nửa triết học, nửa thơ của “Platon thần thánh (lời của Puskin) dưới hình thức đối thoại“ – Phaedo. Sau khi đọc các cuộc đối thoại, ông viết trong nhật ký của mình vào ngày 21 tháng 8 năm 1917: “Socrates đã nói bao nhiêu về những điều đã được đề cập  trong hai nền triết học Ấn Độ và Do Thái!”, “Những phút cuối cùng của Socrates – Bunhin ghi lại trong nhật ký vào ngày hôm sau – luôn luôn khiến tôi vô cùng xúc động”.

Tolstoy gần gũi với Bunin và thực tế là đối với ông, Cái thiện và Cái đẹp, Đạo đức và Thẩm mỹ là không thể tách rời. Tolstoy viết: “Cái đẹp là vương miện của lòng tốt”. Bunin đã khẳng định giá trị vĩnh cửu trong tác phẩm của mình – Cái thiện và Cái đẹp. Điều này tạo cho ông một cảm giác kết nối, hòa nhập với quá khứ, sự liên tục lịch sử của hiện hữu.

“Người anh em”, “Quí ông đến từ San Francisco”, “Vành tai bạt nhĩ”, dựa trên những sự kiện có thật của cuộc sống hiện đại, không chỉ mang tính tố cáo mà còn  tính triết lý sâu sắc. “Người anh em” là một ví dụ đặc biệt rõ nét nhất. Đây là một câu chuyện về chủ đề muôn thuở của tình yêu, sự sống và cái chết. Và, nó không chỉ nói về sự tồn tại phụ thuộc của các dân tộc thuộc địa. Sự thể hiện có chủ ý của câu chuyện này cũng dựa trên những ấn tượng về chuyến đi đến Ceylon và huyền thoại về Mara – Truyền thuyết về vị thần của Sự sống và Cái chết. Mara là một con quỷ xấu xa độc ác của các Phật tử, đồng thời là hiện thân của chúng sinh. Bunin làm giàu cho văn xuôi và thơ ca của mình bằng nguồn sữa lấy từ văn học dân gian Nga và thế giới.  Sự chú ý của ông bị thu hút bởi truyền thuyết Phật giáo và Hồi giáo, truyền thuyết Syria, Chaldean, thần thoại Ai Cập và thần thoại về những người thờ lửa của phương Đông cổ đại.

Ông có một cảm quan rất lớn về quê hương, ngôn ngữ và lịch sử. Bunin nói: tất cả những lời cao siêu này, những bài hát về vẻ đẹp kỳ diệu, những thánh đường… tất cả những điều này là cần thiết và chúng đã được tạo ra trong nhiều thế kỷ”. Một trong những nguồn sáng tạo của ông là ngôn ngữ dân gian. Nhà thơ, nhà phê bình văn học G.V. Adamovich, người biết rõ Bunin và có mối quan hệ thân thiết với ông ở Pháp, đã viết vào ngày 19 tháng 12 năm 1969: “Tất nhiên, Bunin biết rõ, yêu và trân trọng nghệ thuật dân gian, nhưng ông cũng vô cùng nhạy cảm với những thứ dân gian giả hiệu”.

Ngày 21 tháng 5 năm 1918, Bunin và vợ là  Vera Nikolaevna rời Moscow – qua Orsha và Minsk đến Kiev, sau đó đến Odessa.  Ngày 26 tháng Giêng 1920 họ đi tàu thủy đến Constantinople, sau đó qua Sofia và Belgrade đến Paris vào ngày 28 tháng 3 năm 1920. Những năm dài sống lưu vong bắt đầu ở Paris và miền nam nước Pháp, ở Grasse, gần Cannes.

Bunin nói với Vera Nikolaevna rằng: “Anh không thể sống trong thế giới mới (Xô-Viết), anh thuộc về thế giới cũ, thế giới của Goncharov, Tolstoy, Moscow, Petersburg. Anh chỉ sáng tác được thơ trong bầu không khí cổ xưa đó”.

Bunin là nhà văn Nga đầu tiên nhận giải thưởng Nobel năm 1933.

Stalin đã cử nhà văn Aleksey Tolstoy sang Pháp thuyết phục Bunin quay trở về tổ quốc, nhưng ông đã từ chối.

 

Đứng bên cửa sổ nhìn ra…

Núi mây lững thững diễu qua thành hàng

Cứ tưởng mùa đông đã sang

Cả rừng tuyết trắng ngỡ ngàng giá băng.

Vòm trời xanh, rực nắng vàng

Trưa thu khoác áo chảnh sang dịu dàng

Lũ mây phương Bắc kéo sang

Hàng cây phong đứng đổ vàng trước sân.

Bạch dương tuốt lưỡi gươm trần

Lơ thơ cành lá, xuyên chân trời chiều

Giọt băng lóng lánh mĩ miều

Đung đưa trước gió cuốn phiêu sau nhà

Ban công cửa sổ vào ra

Mùa đông dán kín, lò than nóng già

Ngôi nhà xiêu vẹo mái tà

Giữ gìn hơi ấm tránh làn gió băng.

Ngoài vườn khoảng trống đất bằng

Gió lùa hun hút bứt văng lá vàng

Bạch dương già đứng ngang tàng

Hò reo cùng gió… ngày vàng sắp qua

Không gian thấm lạnh đậm đà

Tuyết rơi có lẽ chắc là không xa.

Phương Nam nhung nhớ mặn mà

Mùa thu ở đó rộ ra chín vàng

Biển Đen dậy sóng tuôn tràn

Ánh nắng mờ ảo trời lan man buồn

Vách đá ưỡn ngực luôn luôn

Để mặc sóng vỗ từng cơn thét gào

Bạc đầu lấp lánh lao xao

Hằng hà con sóng xô vào chạy ra…

Dải bờ cát trắng hiền hòa

Viền quanh tuyết phủ em đà nhớ không?

Từ trên bờ đá chênh chông

Hai ta chạy xuống tay trong tay cầm

Khát từng ngọn gió réo gầm

Nồng hương muối bể ngát mầm thanh xuân

Đập tan ngọn sóng cuồng say

Không gian bụi nước bay bay ngập tràn

Lướt trên mặt sóng nhẹ nhàng

Hải âu trắng muốt mơ màng chao nghiêng

Ồn ào sóng bể ưu phiền

Hai ta hò hét thách miền gió kia

Mặc cho chân trượt đá chìa

Mặc cho gió át giọng lìa môi êm

Hân hoan bay bổng cánh mềm

Giờ đây có lẽ tìm trên mộng đời.

 

Chiều buông 

Chúng ta vương vấn niệm hoài

Về một hạnh phúc ngắn dài, đã qua. 

Khắp nơi, hạnh phúc bày ra:

Mảnh vườn nho nhỏ la đà thu sang

Hay luồng gió mát ngập tràn

Luồn qua cửa sổ mơ màng trời thu.

Thăm thẳm vòm cuốn thiên du

Miền mây trắng muốt nhẹ đu lưng trời. 

Chúng ta hiểu biết nông vơi

Hạnh phúc chỉ đến với người ngộ tri.

Cửa song thoáng mở tức thì

Chim câu sà xuống, ngó gì hỡi chim?

Mệt mỏi ánh mắt lim dim

Rời trang sách mở ngắm nhìn trời cao

Hoàng hôn xuống tự lúc nào

Bầu trời quang đãng nao nao thu vàng.

Máy xay tiếng động âm vang

Trong tôi, hạnh phúc dâng tràn, lâng lâng.  

Vũ Tuấn Hoàng dịch

 

 В окно я вижу груды облаков…

В окно я вижу груды облаков,
Холодных, белоснежных, как зимою,
И яркость неба влажно-голубого.
Осенний полдень светел, и на север
Уходят тучи. Клены золотые
И белые березки у балкона
Сквозят на небе редкою листвой,
И хрусталем на них сверкают льдинки.
Они, качаясь, тают, а за домом

Бушует ветер… Двери на балконе
Уже давно заклеены к зиме,
Двойные рамы, топленные печи —
Все охраняет ветхий дом от стужи,
А по саду пустому кружит ветер
И, листья подметая по аллеям,
Гудит в березах старых… Светел день,
Но холодно,— до снега недалеко.
Я часто вспоминаю осень юга…

Теперь на Черном море непрерывно
Бушуют бури: тусклый блеск от солнца,
Скалистый берег, бешеный прибой
И по волнам сверкающая пена…
Ты помнишь этот берег, окаймленный
Ее широкой снежною грядой?

Бывало, мы сбежим к воде с обрыва
И жадно ловим ветер. Вольно веет
Он бодростью и свежестью морской;
Срывая брызги с бурного прибоя,
Он влажной пылью воздух наполняет
И снежных чаек носит над волнами.

Мы в шуме волн кричим ему навстречу,
Он валит с ног и заглушает голос,
А нам легко и весело, как птицам…
Все это сном мне кажется теперь.
1901

 

О счастье мы всегда лишь вспоминаем.

А счастье всюду. Может быть, оно
Вот этот сад осенний за сараем
И чистый воздух, льющийся в окно.
В бездонном небе легким белым краем
Встает, сияет облако. Давно
Слежу за ним… Мы мало видим, знаем,
А счастье только знающим дано.
Окно открыто. Пискнула и села
На подоконник птичка. И от книг
Усталый взгляд я отвожу на миг.
День вечереет, небо опустело.
Гул молотилки слышен на гумне…
Я вижу, слышу, счастлив. Все во мне.