Nguyễn Nhã Tiên
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đối diện với tôi bây giờ là Khiêm Cung và chiều Huế. Đến Huế lần nào tôi cũng thường dành thời gian viếng thăm các lăng tẩm, đền đài. Khiêm Lăng là nơi tôi hay ở lại lâu hơn cả. Để làm gì? Chẳng biết phải để làm gì. Có điều, sau cơn mưa chiều nay, Khiêm Lăng dường như mênh mông sâu thẳm hơn. Quanh tôi là cả một thế giới hoang đường, đến từng tiếng lá rơi cũng cơ hồ như không thực.
Có vẻ như nhiệt độ bên trong Khiêm Cung lúc nào cũng thấp hơn so với phố xá ngoài kia. Hễ bước vào Khiêm Lăng là mọi mệt mỏi, mọi tất bật xuôi ngược lo âu bỗng dưng tiêu tán. Nước hồ của Khiêm Tạ, gạch đá của Khiêm Cung, và đồi thông rười rượi lời gió, và những cây sứ già lụ khụ rêu bám đầy gốc được chống đỡ bởi những chiếc gậy, cũng dốc lòng dăm nụ như tặng vật của tàn phai gởi cho chiều một chút sắc hương.
Lòng vòng trên những lối đi trong lăng, tôi phát hiện ra một nơi hình như rất ít người lui tới. Đó là Chí Khiêm Đường với những gian nhà ngói thấp nhỏ xiêu đổ được nối liền những bệ thờ xây bằng đá, mỗi bàn thờ được gắn những bài vị bên cạnh những bát nhang lạnh ngắt. Nơi thờ phượng những bà phi, những cung tần mỹ nữ là đây ư?
Sinh thời quý bà có được hạnh phúc không nơi cấm cung thăm thẳm mà giờ đây nhà hoang tàn, khói hương lạnh ngắt…? Tôi nhắm mắt cố hình dung từ những chiếc hài lóng lánh đường kim tuyến được trưng bày trong lăng, những gót son lụa là tha thướt từ đó bước ra bao dáng ngọc, chợt bay lên lõa xõa trong sương mờ, tiếng gió thổi thốc qua mái ngói rờn rợn như là tiếng não lòng đâu đó quanh đây!
Chia đều bó hương, tôi thắp lên mười mấy bệ thờ, ngắm nhìn rêu phong và tường mái ẩm mục, bỗng tôi phát hiện ra một điều hết sức huyễn hoặc: dường như rêu Chí Khiêm Đường trên mái ngói xiêu lệch kia, ở những vách tường loang lổ kia, tất cả tốt tươi hơn bất cứ chỗ nào trong Khiêm Lăng. Và hình như cái màu xanh ấy cũng biết u buồn, biết gieo vào con người một cảm xúc xanh um nỗi mang mang hoài cổ!
Chợt nhớ, một nhà báo bạn tôi may mắn được viếng xứ sở Phù Tang, anh mang về một câu chuyện lạ đời: Người giữ rêu. Ở một đất nước mà nền văn minh công nghiệp tưởng như đuổi kịp các vị thần trên những vì sao lại có cái công việc làm kỳ cục: giữ và sửa rêu xanh!
Người ta chăm sóc cho lúa, cho hoa, kể cả cho cỏ nữa, chứ ai đời lại chăm sóc rêu, giữ cho rêu tươi tốt bao giờ? Một ý niệm tuyệt vời cho một việc làm hết sức lãng mạn. Người giữ rêu ăn lương nhà nước hẳn hoi cơ đấy. Hàng ngày anh ta chỉ có mỗi một việc là sửa rêu trên những con khe dòng suối. Ai mà giẫm bừa lên hoặc phá hư hỏng sẽ bị phạt tiền.
Rêu là gì mà ghê gớm thế? Vâng, nó vừa là biểu tượng của sự lãng quên và cũng là thành quách bao bọc giữ gìn quá khứ. Giữ rêu là chống lại sự lãng quên và biết nuôi dưỡng chăm sóc quá khứ, lịch sử chăng ? Dân tộc nào mà chẳng bắt đầu ra đi từ những con khe, dòng suối lịch sử ấy. Ở một ý nghĩa nào đó của sinh học, giữ và sửa rêu xanh hoặc nuôi đom đóm trong vườn thiên nhiên là để tìm cách ứng xử, theo dõi môi trường…
Nhưng vượt lên tất cả vẫn là giá trị văn hóa: dạy cho những thế hệ về sau biết giữ gìn quá khứ. Đây không hoàn toàn là việc làm mang màu sắc kiểu sức, mà là hiện thực thường trực trong từng bữa ăn, giấc ngủ của mỗi gia đình con cái xứ Phù Tang. Nó vừa mang đủ đặc trưng thi ca, tư tưởng đạo đức, văn hóa. Nó cùng với đỉnh cao Phú Sĩ dựng nên những biểu tượng tâm linh trong trái tim mọi công dân con cái đất nước Thái Dương Thần nữ…
Còn ở đây, tại chốn này chốn kia, bao nhiêu đền đài, lăng tẩm, phố cổ… Người gác cửa mọi nơi đều không thiếu, nếu có thiếu chăng là thiếu “người giữ rêu”. Mà xem ra công việc đó ở ta là lãng mạn quá chừng. Chân rời Khiêm Lăng rồi mà sao rêu xanh như cứ còn loáng thoáng theo mỗi bước chân!
N.N.T