Người học văn phải biết vượt qua cái khung của ông thầy

709

PGS. TS. Phùng Gia Thế sinh năm 1977, hiện anh là Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Là một nhà giáo, Phùng Gia Thế cũng là một nhà nghiên cứu phê bình có uy tín, cá tính trong thế hệ của anh. Các công trình tiêu biểu của anh là: Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam đương đại (giai đoạn 1986 – 2002), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016; Văn học Việt Nam sau 1986 – phê bình đối thoại, Nhà xuất bản Văn học, 2016…

– Nói thực được trò chuyện với một người đồng niên như anh, tôi thấy khá thoải mái và mặc dù là bạn bè, tôi cũng sẽ không đặt các câu hỏi dễ đâu! Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện về việc dạy văn, học văn, phê bình, nghiên cứu văn học và mối liên quan giữa nhà văn và nhà trường…

Tôi rất vinh dự được tham gia trò chuyện trên Văn nghệ Quân đội và đặc biệt hào hứng trao đổi với Uông Triều, một nhà văn cùng thế hệ mà tôi rất quý trọng, mến phục. Tôi không ngại các câu hỏi khó vì một mặt, chúng ta không thể né tránh chúng; một mặt khác, bên cạnh tôi còn có rất nhiều sự trợ giúp của đồng nghiệp, bạn văn trong trường hợp những kiến giải của mình còn khiếm khuyết.

– Đã có khá nhiều nhà văn, nhà phê bình được “ra lò” từ khoa ngữ văn các trường đại học. Anh có nghĩ rằng khoa văn các trường đại học, ví dụ như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã và đang là một trong những địa chỉ uy tín cung cấp ra nhiều nhà văn và nhà phê bình có chất lượng?

Một nhà văn hay nhà phê bình hoàn toàn có thể không xuất thân từ môi trường đào tạo văn chương. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có một số lượng rất lớn các nhà văn, nhà phê bình trưởng thành từ khoa văn các trường đại học. Nói thế không có nghĩa, khoa văn các trường có thể đào tạo được nhà văn, mà đó chỉ là môi trường để cảm hứng, động lực sáng tác văn chương nảy nở. Đối với nhà phê bình, tình hình có vẻ đúng lô-gic hơn. Người ta học văn không đồng nghĩa với việc trở thành nhà phê bình, song muốn trở thành nhà phê bình thì ngoài một chút năng khiếu, anh ta cần được đào tạo căn bản về văn học, về phương pháp tư duy, nghiên cứu và một thái độ chuyên nghiệp với nghề. Hiển nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ. Có những nhà phê bình đến từ những lĩnh vực không dính dáng đến đào tạo văn chương mà vẫn xuất sắc. Trường hợp này ít, và mang tính ngẫu nhiên nhiều hơn. Cá nhân tôi luôn tin phê bình văn học là một công việc, một nghề nghiệp cần được chuyên môn hóa cao. Để có những công trình chất lượng, trước khi có những cất cánh về cảm xúc, anh ta cần làm việc bằng lí tính.

Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội 2 năm nay kỉ niệm 45 năm thành lập. Từ lâu, Khoa đã trở thành ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo và năng lượng nghiên cứu của nhiều cây bút sáng tác và phê bình uy tín. Nhiều người trong số đó đã thành danh. Nhìn vào tiềm lực đội ngũ hiện nay, tôi tin sẽ có nhiều cây bút sáng tác và phê bình tiếp tục trưởng thành, tạo nên những luồng gió mới tham góp vào đời sống văn chương đương đại.

– Là người trực tiếp giảng dạy văn học ở bậc đại học, anh nhận xét thế nào về sinh viên khoa văn hiện nay? Họ có đam mê văn chương không, và có một câu hỏi khá quan trọng, các em có còn thích đọc văn học nữa không?

Câu hỏi của anh làm khó cả giáo giới rồi (cười). Từ góc nhìn của mình, tôi thấy thế này. Sinh viên văn ngày nay có phản xạ nhanh và thái độ thực tế hơn trước (khái niệm “ngơ ngác văn chương” hầu như không tồn tại nữa). Với những sinh viên tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi cùng, thực lòng tôi ít thấy ở họ sự đam mê mặc dù thấp thoáng đây đó vẫn có những cảm xúc văn chương. Việc thiết tha sống chết với chữ nghĩa, với nghề nghiệp khá là xa xỉ. Nhiều sinh viên học văn không phải, hoặc không hẳn do yêu thích, mà do một sự phù hợp nào đó với vị trí việc làm sau này, do tuyển sinh thuận lợi, do các nguyện vọng xét tuyển phát sinh, và vô số các lí do ngoài văn chương khác.

Sự phai nhạt niềm yêu thích văn chương còn xuất phát bởi sự thăng trầm trồi sụt của các môn khoa học xã hội nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Thực trạng ra trường khó xin việc, thu nhập thấp… cũng ảnh hưởng đến tâm trí học tập của họ. Nhìn đại thể sinh viên văn khoa, bao gồm cả các em có mong muốn vào học từ đầu thì so với các thế hệ trước, họ có phần ít đọc hơn, ít sưu tầm, nghiền ngẫm sách vở hơn trước. Nhiều đồng nghiệp của tôi từ các trường đại học khác cũng than phiền như vậy. Thiếu đi nhiệt huyết, đam mê, vậy nên, trên giảng đường ít có trao đổi giữa sinh viên với nhau về văn học. Các buổi ra mắt, tọa đàm về sách chủ yếu dành cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hiệu sách tại cổng giảng đường thiếu vắng những cuốn sách kinh điển, quan trọng hay thời sự. Có cảm giác, sinh viên học văn để làm một nghề (cái gì buộc phải đọc thì mới đọc), chứ không phải làm văn chương. Anh thấy đấy, khi không có niềm đam mê, yêu thích thì việc đọc trở thành một công việc nhọc nhằn với họ. Tôi chỉ muốn nói, số sinh viên ham đọc, đam mê văn chương hiện nay chỉ là số ít. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hi vọng vào số ít đó.

– Không chỉ là một nhà quản lí, người dạy học, anh còn tham gia vào việc phê bình văn học. Anh nhận xét qua về đội ngũ các nhà phê bình trẻ hiện nay và có thể khu biệt ở các trường đại học. Tôi thấy các nhà phê bình trường quy dường như có vẻ hiền và “ngoan” hơn ở các vùng khác. Có phải là tôi nhầm hay đặc tính của các nhà sư phạm là thế?

Nhiều nhà phê bình trẻ hiện nay rất năng động, giàu tri thức, tiếp cận sâu với cái mới, có tư duy mới mẻ, nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo. Tuy nhiên, tôi cảm nhận, một phần lớn trong số họ làm phê bình do tiện đường thôi, chẳng hạn, do nhu cầu của nghề dạy học, do gắn với việc triển khai luận văn, luận án, đề tài. Rất ít người làm phê bình chuyên nghiệp theo đúng nghĩa. Về ý kiến thứ hai của anh, tôi lại có cảm nhận khác. Phần lớn các nhà phê bình uy tín, có cá tính xuất phát từ các trường sư phạm. Họ không “hiền lành”, trường quy như anh tưởng đâu. Các trường sư phạm hiện nay có tư tưởng khá cởi mở, không bó hẹp việc viết. Vấn đề là mỗi cá nhân có vượt qua được những giới hạn của chính mình hay không thôi. Tất nhiên, do đặc thù thường xuyên phải trao đổi, tiếp xúc với sinh viên nên các nhà giáo cũng ưa lựa chọn các đề tài phục vụ trực tiếp cho công việc, cách diễn đạt theo đó cũng có thể chừng mực hơn. Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc họ thiếu đi sự sắc sảo, tinh nhạy.

– Một lần tôi đã nói rất thật rằng, các nhà văn cơ bản là họ… không ưa nhau. Còn các nhà phê bình, trong “vùng” của anh, anh thấy họ thế nào? Có thể tôi hơi tò mò nhưng cũng không chắc lắm khi một nhà phê bình đồng nghiệp gửi cho anh một công trình của anh ấy thì anh đón nhận ra sao và “tình đoàn kết” của các nhà phê bình có giống bầu khí quyển của các nhà văn?

Thực tế là nhiều nhà văn hiện nay đã phải rất cân nhắc khi tặng sách cho một người nào đó, đặc biệt là các bạn văn. Tôi có nói đùa, khi nhà văn nhận được sách tặng của một nhà văn thì việc đầu tiên của anh ta là cứ phải tỏ ra “khinh bỉ” cái đã, rồi làm gì thì làm (cười). Trong phê bình, tính tự cao cũng có, song chắc không bằng bên sáng tác. Cá nhân tôi luôn trân trọng bạn văn, bất luận đó là nhà văn hay nhà phê bình. Anh thử nghĩ xem, thời buổi này mà vẫn có người viết ra những thứ như thế là quý lắm rồi. Với phê bình, công việc thì nhiều, người làm lại ít chứ không nhiều như bên sáng tác. Do thế, anh em trong nghề nhìn chung biết nhau cả và khá tôn trọng, quý mến nhau. Những pha “choảng” nhau cũng có, song ít thôi. Và thường khi đã choảng nhau rồi thì không ai tặng sách nữa. Đấy là tôi nói thực lòng. Ngoài câu chuyện văn học, ở đây còn là câu chuyện tình cảm thầy trò, đồng nghiệp, “đồng bệnh tương lân”, đời giáo khổ, anh nghiên cứu viên, biên tập viên nghèo vừa viết phê bình vừa đi dạy học khắp nơi, làm báo, làm các công việc lặt vặt khác để mưu sinh.

Với sách phê bình được tặng, tùy theo mức độ thời sự, tôi sẽ lựa chọn để dành thời gian đọc hết hoặc đọc một phần trong đó. Tôi cũng thường xuyên viết bài giới thiệu, đọc sách và đem sách lên giảng đường giới thiệu cho sinh viên. Tôi cho đó cũng là một cách để lan tỏa kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp mình tới các bạn ấy.

– Vai trò người thầy rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và ảnh hưởng tới các thế hệ học trò. Tôi biết anh có rất nhiều “fan” là học trò, không hiểu anh làm thế nào mà được sinh viên yêu quý đến vậy? Và anh cũng từng nói rằng có những người thầy lớn đã ảnh hưởng tới anh khá nhiều, ví dụ PGS. TS. La Khắc Hòa. Người thầy sẽ ảnh hưởng thế nào, ví dụ đến một cô giáo dạy văn hoặc một nhà phê bình?

Tôi yêu nghề dạy học, mặc dầu dạy học không phải mục đích ban đầu của tôi. Có lẽ phút giây hạnh phúc, thanh thản, được là mình nhất của tôi là những phút giây được đứng trên bục giảng, được trao đổi, trò chuyện với những sinh viên yêu quý. Trong giới hạn của mình, tôi luôn cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ và sống tốt với họ. Chắc chỉ có thế thôi anh ạ (cười). Mà như anh thấy đấy, ở đời không ai ghét kẻ yêu mình. Mình ứng xử với học trò thế nào thì họ sẽ ứng xử với mình như thế ấy thôi, anh nhỉ.

May mắn cho những ai trong đời gặp được những người thầy tốt. Có lẽ tôi là người như vậy. Chút chữ nghĩa tôi có được bây giờ là nhờ sự chỉ bảo của các thầy cô. Đầu tiên là các thầy cô khoa Ngữ văn, những người đã dạy tôi làm quen với nghiên cứu văn học. Trong quá trình học tập, trong công việc, tôi còn được nhiều thầy cô, các bậc tiền bối, đồng nghiệp giúp đỡ, khích lệ. Đời tôi chịu ơn một người thầy đặc biệt, PGS.TS. La Khắc Hòa (nhà phê bình văn học Lã Nguyên). Thầy là người khai sáng tư tưởng cho tôi. Mỗi lần gặp thầy, đọc thầy, những tia lửa được lóe lên trong câu chuyện khiến tôi nảy sinh ý tưởng và ngày càng đam mê văn học. Thầy dạy tôi nghiên cứu văn học bằng lí tính, có phương pháp luận. Thầy giúp hình thành trong tôi một nhãn quan cởi mở về văn học. Từ đó, giúp tôi hiểu văn học là gì và phải nghiên cứu nó như thế nào. Trong đời sống, thầy khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình thầy trò, ý nghĩa của những niềm vui đời sống, của chữ nghĩa văn chương. Tôi hãnh diện vì được là học trò của Thầy.

Còn người thầy ảnh hưởng thế nào đến học trò ư? Tôi cho ảnh hưởng cực kì ghê gớm. Ông thầy có một thứ quyền năng mà người ngoài cuộc không thể hiểu hết được. Nhãn quan về văn học. Cách đọc, cách viết một tác phẩm văn học. Ứng xử trước một hiện tượng văn học… Nói chung là tất cả. Anh có tin không, có những nhận xét về văn chương của thầy cô giáo sẽ đeo bám cả đời người học. Tôi chỉ tiếc là, người dạy văn có tinh thần cởi mở, nhãn quan bén nhạy và có phương pháp luận hiện nay không nhiều. Sự ảnh hưởng từ thầy sang trò, do thế có thể tích cực, có thể chưa. Nhiều cách nghĩ tào lao của ông thầy làm hư hại đến học trò ghê lắm. Có khi, cả một lớp, một khóa, thậm chí cả một thế hệ người ta hiểu văn học như thế này hay thế khác cũng bởi các ông thầy. Cái đó người ta gọi là hệ hình tri thức, là khung tri thức hệ. Nhiều người cả đời học văn, dạy văn chỉ ở trong một cái khung, cái hệ hình đó, không sao vượt thoát được. Cá nhân tôi luôn mong ước, mọi sự lí giải về văn học của người thầy chỉ nhằm giúp cho người học dần hình thành một thế giới quan về văn học, không phải là thứ bó buộc cách hiểu của người ta về văn học. Người học văn phải biết vượt ra khỏi cái khung của ông thầy, người xuất sắc có thể vượt ra cái khung của thời đại, và đến lượt mình, ông thầy phải giúp học trò vượt qua cái khung đó, thậm chí kể cả trong trường hợp cái khung đó là do mình tạo ra. Có như thế văn học mới phát triển được.

– Nếu có một trường hợp, ông thầy của anh đưa ra một ý kiến mà anh không đồng tình, ví dụ về một nhà văn hoặc tác phẩm văn học thì anh sẽ phản ứng thế nào, và nói thêm, nếu chính anh bị học trò của mình phản biện, anh sẽ xử lí ra sao?

Thứ nhất, trong trường hợp không đồng tình, tôi sẽ “cãi” thầy ngay lập tức, nhưng tôi cũng biết, sự cãi đó không phải để khẳng định mình đúng, mà là để đưa ra ý kiến riêng, tham góp vào câu chuyện văn chương cách lí giải của mình. Suy cho cùng, lí giải của tôi, của thầy tôi, hay của bất cứ ai cũng chỉ là một trong n cách tiếp cận đối với văn chương. Nó không phải chân lí, nó chỉ là một sự diễn giải đối tượng trong một tình thế, một ngữ cảnh nào đó mà thôi. Văn học phong phú lên là nhờ điều đó. Ý thứ hai, xin nói ngay, suốt bao năm dạy học, tôi chỉ chăm chú đi tìm cách nghĩ khác, cách viết khác của người học để bồi dưỡng họ. Điều tôi mong chờ nhất trong lớp học là câu “em có ý kiến”, “em nghĩ thế này, thế kia”, “em nghĩ khác”… Điều này thú thực với anh không dễ chút nào. Đầu tiên là cái anh thầy giáo phải vượt qua sự tự ái, phải đặt sinh viên trên cùng mặt sân giá trị với mình. Sau nữa, sinh viên cũng phải được làm quen dần với cách học, cách đối thoại dân chủ ấy. Khi sinh viên chịu khó đọc, suy ngẫm, cộng với thái độ tiếp cận của người thầy, họ sẽ tự tin nói ra kiến giải của riêng mình. Nhiều người sẽ không tin nổi, cho đến nay đây đó người ta vẫn dạy văn theo kiểu thầy đọc, hoặc học thuộc lòng giáo án để đọc diễn cảm, hoặc đọc theo power of point, sinh viên chăm chú ghi chép để sau này kiểm tra, lại đem cái đã chép được trong vở đưa vào bài làm. Khi ra trường, sinh viên lại làm thế với học sinh của mình. Thật không thể tưởng tượng được!

– Tôi biết anh chính “tông” vẫn là sinh viên khoa văn và anh từng nói mình hợp nhất với một vai trò là người thầy. Vậy anh có thể nói qua về khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nơi anh đã từng học và giảng dạy nhân dịp 45 năm thành lập khoa. Và sinh viên khoa ấy cùng các ông thầy của họ có đặc điểm gì khác với những nơi khác, ví dụ khoa Toán…

Khoa Ngữ văn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nơi tôi cất giữ những tình cảm đẹp đẽ và sâu thẳm nhất. Ở Xuân Hòa, chúng tôi có những nỗi thiệt thòi riêng: xa trung tâm, điều kiện sống và không khí sinh hoạt học thuật nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, bù lại, chúng tôi được sống nhiều hơn với không gian của cánh đồng, dòng sông, của bạt ngàn hoa màu và những cánh đồng hoa bất tận. Ở đó, có sự tĩnh lặng của mặt hồ, sự nên thơ pha chút nhọc nhằn của miền trung du sỏi đá. Xuân Hòa có khát vọng riêng của người ngoại vi và hình như, có rất nhiều mộng tưởng (cười). Còn người khoa văn nói chung thì ở đâu cũng có nét riêng. Xuân Hòa cũng vậy. Sau 45 năm, chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi biết ơn các thầy cô, đồng nghiệp trong khoa, biết ơn các thế hệ học trò đã đến đây, đặt dấu chân, kí ức và vun đắp tình yêu trên mảnh đất này, mái trường này.

– Chủ đề hậu hiện đại được cả giới nghiên cứu và sáng tác rất quan tâm giai đoạn gần đây và tôi biết anh nghiên cứu khá sâu vấn đề này. Theo anh ở thời điểm hiện tại vấn đề hậu hiện đại đang được các nhà sáng tác và nghiên cứu quan tâm ở mức độ nào và có những điểm gì đáng chú ý? Liệu nó có làm lu mờ các khuynh hướng khác không hay chỉ là một xu hướng nhất thời?

Với tôi, điều quan trọng nhất của hậu hiện đại là nó giúp cho người ta một thế giới quan, một cách nhìn, cách lí giải về thế giới, ở cả trong nghiên cứu và sáng tác. Tôi nghiên cứu hậu hiện đại ở Việt Nam song chưa bao giờ xem nó là hiện tượng “à la mode”. Vào thời điểm hơn một chục năm trước, có khá nhiều người quan tâm đến hậu hiện đại, trong đó vồ vập xô bồ có, trầm tĩnh cũng có. Giờ thì hậu hiện đại có lẽ đã trở thành một hiện tượng lịch sử. Nói vậy không có nghĩa là nó chết đi mà hơi thở của nó đã chảy tự nhiên trong đời sống văn hóa và văn chương đương đại. Đúng là ở thời điểm hiện nay, hậu hiện đại cần được nghiên cứu, sơ kết một cách kĩ lưỡng hơn. Tôi hiểu, trong nghiên cứu cũng như sáng tác, hậu hiện đại chỉ là một trong số các khuynh hướng văn học gây được tiếng vang. Hậu hiện đại lóe lên và chẳng làm lu mờ được cái gì hết song nó cũng không phải hiện tượng nhất thời. Nó có sức sống riêng của nó.

– Nếu phải lựa chọn một vài tác giả để đọc ở văn chương đương thời thì anh sẽ căn cứ vào những đặc điểm nào để chọn? Tôi nói thế vì biết rằng sự đọc của chúng ta khá hữu hạn, kể cả những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, chúng ta chỉ có thể khoanh một vài vùng nào đó thôi.

Sự lựa chọn này quá đa dạng. Căn cứ vào mục đích, nhu cầu học tập, nghiên cứu của chủ thể mà có thể đặt ra những tiêu chí rất khác nhau, tuyệt nhiên không có mẫu số chung cho sự đọc. Chẳng hạn, nếu chúng ta mở chuyên mục bình chọn 10 tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX hay 100 bài thơ tình hay nhất thế kỉ… thì kết quả sẽ rất khác nhau, nhiều khi chẳng đi đến đâu cả. Còn nếu lựa chọn đọc để tìm kiếm văn tài, tôi luôn tâm đắc một điều: nhà văn nào viết ra những điều mà nhiều người khác viết được, thì hãy coi là bình thường. Chỉ nhà văn nào viết ra được những điều mà người khác không thể nào viết được, đấy là dấu hiệu của nhà văn lớn. Và như anh thấy đấy, trong nghiên cứu còn có việc, để phục vụ cho mục đích của mình, người nghiên cứu phải cố gắng đọc tất cả các tác phẩm liên quan, trong đó có những tác phẩm xuất sắc và cả vô số những tác phẩm rất tào lao khác.

– Và một câu hỏi rất liên quan nữa, liệu các nhà văn có giúp ích gì cho việc giảng dạy văn ở các trường đại học? Anh có ý tưởng hoặc sáng kiến gì không, ví dụ mời một vài ông nhà văn đến nói chuyện với sinh viên hoặc có một hình thức nào đó phù hợp với môi trường sư phạm…

Tôi khẳng định ngay, việc dạy học văn chương hay nghiên cứu văn bản hoàn toàn có thể thiếu vắng sự xuất hiện trực tiếp của nhà văn. Hỏi chuyện nhà văn về chủ ý tác phẩm, nghe anh ta huyền thoại hóa quá trình sáng tạo ư, chuyện đó xưa rồi.

Vậy nhà văn giúp được gì trong các trao đổi, đối thoại trực tiếp về văn chương? Xin thưa là rất nhiều, trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Thứ nhất, anh ta với tất cả sự mẫn cảm và tình yêu văn học của mình sẽ là ngọn nguồn cảm hứng cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo văn học. Thứ hai, nhà văn luôn dồi dào thông tin và độc đáo trong câu chuyện nghề nghiệp, anh ta có thể đối thoại, bàn luận, chia sẻ trực tiếp về các vấn đề cốt yếu của bài học, chẳng hạn như về con đường sáng tác, cảm hứng sáng tạo, nghĩa và ý nghĩa văn bản, nhà văn đọc gì, cách cấu trúc tác phẩm, lựa chọn ngôn ngữ của nhà văn, các chuyện bếp núc văn chương… Thứ ba, trong tư cách một người đọc thì sự hiểu biết, những kiến giải về đời sống và văn học của nhà văn luôn ẩn chứa những điều thú vị bất ngờ, có khả năng gợi mở rất nhiều vấn đề trong dạy học và nghiên cứu…

Chúng tôi thiết nghĩ, khoa văn các trường sư phạm căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình nên lập kế hoạch mời nhà văn về trao đổi trực tiếp với sinh viên, giảng viên. Tại Trường ĐHSP Hà Nội 2, việc mời nhà văn về trường và khoa Ngữ văn để nói chuyện chuyên đề từ lâu đã trở thành một hoạt động thường niên, thậm chí thường xuyên. Chúng tôi từng mời được các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng về nói chuyện, trao đổi như Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Bằng Việt, Thúy Toàn, Nguyễn Quang Thiều, Hồng Thanh Quang… Gần đây là các nhà văn như Hoàng Quốc Hải, Bảo Ninh, Y Phương, Văn Giá, Trần Thanh Cảnh, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều… Chủ đề tọa đàm rất đa dạng và hữu ích, chẳng hạn như “văn học và lịch sử”, “nhà văn với tác phẩm trong trường phổ thông”, giới thiệu sách, tặng sách và nhiều giao lưu học thuật khác… Nhìn chung, các cuộc xúc tiếp này tạo hiệu ứng rất tốt cho giảng viên và sinh viên. Hiển nhiên, do giới hạn bởi thời gian, khoảng cách địa lí và vấn đề kinh phí nên những xúc tiếp này theo tôi còn hạn chế. Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng một số học phần, chuyên đề tự chọn mà ở đó người đứng lớp hoặc diễn giả được mặc định là các nhà văn. Xin thông tin thêm với anh, sinh viên khoa Ngữ văn của chúng tôi rất hâm mộ, yêu quý nhà văn. Không phải nơi nào hiện nay cũng có được điều đó đâu. Nhà văn nào khi chia tay Xuân Hòa cũng có cảm nhận chung như vậy.

Theo Uông Triều/VNQĐ