Đóng góp cho văn chương của nhà văn Anh Động không chỉ là “Chuyện kể về Bác Ba Phi”, dù ông viết nhiều tập về các câu chuyện “nói dóc” của Bác Ba Phi và số lượng in lên đến nhiều vạn bản…
Nhà văn Anh Động, tác giả “Chuyện kể về Bác Ba Phi”, một nhà văn nổi danh của miền Tây Nam Bộ, vừa từ giã cõi đời.
Nhà văn Anh Động viết “Kể chuyện Bác Ba Phi” xuất bản lần đầu năm 1995.
Qua Facebook của nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai, tôi được biết chú Sáu Động (nhà văn Anh Động) bệnh nặng cũng khá lâu. Nhiều lần tôi thấy “Cây di sản” (Mai gọi cha như vậy) vào bệnh viện, nhiều lần phải cấp cứu và giờ thì “Cây di sản” đã ra đi thật rồi.
Mối thâm tình với ba tôi
Nhà văn Anh Động là một trong rất ít người cầm bút của miền Tây Nam bộ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Miền Tây lúc đó, người từ bưng biền kháng chiến viết văn làm thơ chưa đếm đủ trên đầu ngón tay: Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Anh Động.
Trong số người theo nghiệp văn chương, có lẽ nhà văn Anh Động là người phải nỗ lực, phải “chiến đấu” với trang viết gian nan nhất. Bởi, vốn chữ nghĩa được học hành bài bản của ông quá ít. Ông mới học xong tiểu học và rời gia đình tham gia kháng chiến. Ông tự học, tự mày mò, tự vượt lên, tự khẳng định mình, khẳng định vị trí văn chương ở một vùng đất mà đờn ca tài tử chiếm ưu thế so với các loại hình nghệ thuật khác.
Trong số những nhà văn nhà thơ thành danh từ vùng đất U Minh và cũng là đàn em, gọi ba tôi là “anh út” hay “anh Út Nghệ, thì chú Sáu Động (mà chị em tôi thường gọi “Chú Sáu”) luôn dành tình cảm đặc biệt đối với ba tôi.
Khi tìm kiếm lại bài viết và tư liệu để in quyển sách “Ngày ấy đã lùi xa”, quyển sách cuối cùng của ba tôi, tôi gặp một xấp thư dày của người thân, bè bạn gởi cho ba tôi. Trong số thư đó, nhiều lá thư đã ố vàng, nhiều lá thư được viết trong lúc tạm yên giữa khói lửa chiến tranh, là của nhà văn Anh Động. Nhiều lá thư dày kín nhiều trang.
Có thư chú Sáu còn kể cho ba tôi biết một sự kiện, một câu chuyện mà ông định viết thành ký, thành truyện. Có thư chú Sáu nhờ ba tôi gỡ một vướng mắc mà chú đang gặp phải. Ba tôi vừa là thủ trưởng vừa là người anh và trong một chừng mực nào đó còn là người thầy tận tâm, dìu dắt.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Anh Động đã có truyện ngắn được in báo, in sách và không còn chung đơn vị công tác nhưng chú vẫn giữ mối liên hệ bền chặt với ba tôi. Bức thư đề ngày 31.12.1976, chú Sáu viết kín 4 trang giấy, có đoạn: “Anh Út ơi, Động là một thủy thủ trẻ đang lái con thuyền “viết” giữa muôn trùng bão tố phong ba, anh à. Thuyền đang chòng chành và Động trong đơn độc và hầu như gần mất phương hướng… Mong anh Út gợi ý chỉ bảo thêm cho Động được tia sáng trong lúc bối rối này…” . Đọc thư chú Sáu, tôi biết ba tôi và chú giữ được mối thâm tình dù vật có đổi, sao có dời.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút
Với tôi, đóng góp cho văn chương của nhà văn Anh Động không chỉ là “Chuyện kể về Bác Ba Phi”, dù ông viết nhiều tập về các câu chuyện “nói dóc” của Bác Ba Phi và số lượng in lên đến nhiều vạn bản.
Trong thư gởi cho ba tôi, chú Sáu cũng thú thật là chú viết để “nuôi sống” bản thân và gia đình, chớ văn chương thứ thiệt thì chỉ có nước… đói. Bác Ba Phi kể chuyện được lưu truyền (phần lớn do sáng tạo của người tham gia kể chuyện) trong trong dân gian thì quá hay, quá hấp dẫn, chú Sáu không thể nào nghe và ghi hết được.
Ngay ba tôi cũng là người kể chuyện “nói dóc” kiểu bác Ba Phi một cách lôi cuốn. Miệt U Minh dường như ai cũng có khiếu nói dóc kiểu bác Ba Phi. Nói dóc hết cỡ. Tha hồ cường điệu, tha hồ phóng đại miễn là người nghe vỗ tay rần rần và được khoe cái sự giàu có về sản vật, về nghĩa khí chỉ có ở xứ sở miền Tây Nam bộ.
Truyện ngắn, theo tôi vẫn là những tác phẩm để lại ấn tượng hơn cả trong gia tài văn chương của nhà văn Anh Động dù ông viết nhiều (ông có hơn 30 đầu sách với nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, kịch bản phim, bài ca vọng cổ…).
Văn Anh Động chân chất, hồn hậu, mang hồn cốt xứ sở. Tôi nhớ, truyện ngắn đầu tiên mà tôi đọc được của Anh Động là truyện “Trăng sáng”. Truyện này, thoạt tiên thấy thấp thoáng hình ảnh “Bên dòng sông Trẹm” của Dương Hà nhưng đọc xong, lại thấy tác giả đã tìm cho mình một lối thể hiện mới trong bối cảnh mới. Giờ tôi vẫn còn mang máng nhớ không gian của truyện, nhớ ánh trăng, mùi con gái, “chiếc kẹp bồ câu” và nụ hôn vội mà đôi trai gái trao cho nhau, để rồi lại bịn rịn chia tay, tiếp tục làm nghĩa vụ khi đất nước còn bom đạn chiến tranh.
Sau này đọc thêm những quyển tiểu thuyết và đặc biệt là một số truyện ngắn của nhà văn Anh Động mà tôi đọc rải rác trên báo Văn nghệ, tôi càng thấy rõ hơn những đóng góp bền bỉ của nhà văn Anh Động suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút. Nhà văn Anh Động dù sống an vui với gia đình đủ đầy ấm áp của mình vẫn luôn đau đáu trước thời cuộc, trước những mất còn trước dòng xoáy nghiệt ngã của thị trường và lòng tham vô hạn độ của con người, lên tiếng cảnh báo sự tha hóa của con người trước cám dỗ vật chất…
Xin vĩnh biệt ông, chú Sáu kính quý của tôi.
Theo Bích Ngân (Vanvn)