(Đọc Linh giác trắng của Trần Quốc Toàn, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
Tập thơ Linh giác trắng
Trần Quốc Toàn là người kể chuyện làng quê bằng giọng rặt xứ nẫu: thâu cứ dìa ngồi bên dòng sông tỉnh lẻ/ có bà Năm rót Bàu Đá đang chờ... Tình yêu của anh dành cho quê cháy bỏng, làng đổ bóng trên những trang thơ, sông tưới tắm hồn thơ, đi vào thơ những quê kiểng rạ rơm, rát bỏng gió Lào, rười rượi ngọn nồm lên từ biển, lưu dấu ngọn Chóp Chài, tháp Chàm, dòng Côn Giang… trầm tích một cội nguồn văn hóa. Thơ Trần Quốc Toàn sinh ra từ làng, lấy làng làm cảm hứng nhưng không thuần túy thơ đồng quê khi anh không dừng lại ở bút pháp tả thực mà tạo dựng một làng rất riêng bằng ngòi bút sáng tạo.
Thơ Trần Quốc Toàn được dệt bởi chiêm bao, Linh giác trắng, tên bài thơ được đặt cho tập thơ là một điển hình: Trong chiêm bao những quả chuông rụng xuống/ Trong chiêm bao nỗi đau mọc trên da tôi/ Trong chiêm bao tôi đi mãi trong những mùa biển đói/ Và gặp một con sóng chết trôi. Nếu hỏi Toàn những câu chuyện, hình ảnh ấy thực hay không thực, có lẽ anh sẽ cười mà rằng, tôi cũng không biết, tôi chỉ kể những điều tôi thấy trong chiêm bao mà thôi. Có hay không cây tử cung sinh nở những ấu trùng đỏ, bão cuộn thành một cái giếng diêm sinh, ngọn tháp bắt đầu mở hội lưu dân… nhà thơ không trả lời, mà thật ra người đọc cũng không cần được trả lời, cứ thế để nhà thơ dẫn vào mê cung chiêm bao, lạc lối trong một thế giới không được thu xếp trật tự, thỉnh thoảng bóng một con mèo vụt qua, người xưa trở về làng, gió lang thang dưới những nấm mộ rêu…
Toàn kể rất thật thà những điều được nghe, được thấy, thi liệu của anh cũng hết sức quen thuộc với những đứa trẻ lớn lên từ đồng ruộng: ổ nhện, chim le le, bầy cò, chuồn chuồn, cây tần ô, cỏ may, dủ dẻ, chuồng bò, thúng tre, hạt lúa… bầu sinh thái nông thôn đậm đặc hòa quyện. Nói chính xác thì, cách nghe, cách thấy của Toàn là cách tiếp nhận của một người thơ.
Thi sĩ là người hoàn toàn tự do trên ranh giới của hiện thực và chiêm bao, thơ Trần Quốc Toàn bỏ qua đường biên của logic, mang lại cảm giác của sự rời rạc, tản mác, đan xen, ngắt quãng. Biên độ của không gian và thời gian trong thơ anh rất rộng, không giới hạn, không rào cản: Tôi gọi tên hoa tần ô/ Trên những viền bãi khỏa chân người/ Có chú chim ngày mưa bay về xóm củi/ Hiu hắt một đời dưới gác chuông/ Chú tiểu cõng trăng đi tìm mẹ/ Con đường đầy lá cỏ gai… Thi sĩ ngược về huyền sử như thể mọi thứ đã chờ anh sẵn ở đó: Ăn những con sò thái cổ trên bãi cát dài/ Săn đuổi những giống loài trong rừng cây du thủ. Không gian thơ từ một ngôi làng mở ra một vùng văn hóa, lịch sử; thời gian kéo dài trăm năm, nghìn năm, nhòa lẫn, đồng hiện mà không phi lí, vì vốn không thể đo đếm đường biên của giấc mơ.
Vì kể chuyện chiêm bao, nên thơ Trần Quốc Toàn đi theo cấu trúc tự sự với khá nhiều câu thơ dài, bài thơ dài, nhịp thơ chậm rãi, giàu chất suy tưởng, bày ra trước mắt người đọc chập chùng những thi ảnh được kết nối theo kiểu vô thức. Cứ thế, anh dẫn dắt người đọc vào những vùng miền kí ức được soi bởi ngọn đèn linh giác.
Thế giới thơ của Trần Quốc Toàn đầy màu sắc huyền thoại, kì lạ. Đó là thế giới chiêm bao được tạo dựng sống động bởi tư duy thơ của người thơ không chấp nhận sự quen thuộc, cũ mòn. Linh giác trắng đột phá một lối đi riêng, xác lập phần nào chân dung tươi mới mà già dặn của nhà thơ Trần Quốc Toàn trong bức tranh thơ trẻ nhiều màu sắc.
DUYÊN AN giới thiệu và chọn
Nụ hồng tháng giêng
Sương, một giọt
Chào người bạn nắng ấm
Trong khu vườn đầy tiếng chim
Mưa, một giọt
Mẹ múc câu ca dao trong giếng nước
Đổ đầy nồi bánh chưng cho con mơ thấy mặt trời
Chuông, một giọt
Trên mái chùa xưa
Con ngồi nhìn tượng Phật Di Đà
Mẹ thắp hương mùa xuân trên mộ tổ tiên
Gió gửi cát bụi cho mây trắng
Sông gửi chiếc lá ủ mầm vào biển cả
Giấc mơ bếp lửa cháy đỏ trong đêm giao thừa
Sương, một giọt
Mưa, một giọt
Chuông, một giọt
Trên nụ hoa hồng tháng giêng.
Mùa xuân không tha phương
Nơi đó có lạnh không
Em, xứ sở tôi nắng ấm
Mùa nào chim đậu trên cây trâm
Chim kể tôi nghe lời mùa xuân có em bên bếp lửa
Tôi yêu em, cuộc sống như chim trời
Cuối đông rồi, hoa tỏi cứ tím chiều mưa
Tôi hỏi tôi có còn nhớ màu mây
thuở làng còn hoang vắng
Nơi đó có lạnh không
Em, xứ sở tôi mùa khổ qua đắng chén canh
Ngoài đường cái mùa xuân như thật gần
Có lẽ, tôi đã quá mơ mộng
Nên tha thiết đợi chờ em về làng tôi ở mãi
Hôm nay, con cái ra đời
Mùa xuân tôi không còn hỏi em câu hỏi cũ
Tôi ngồi nhìn bầy chuồn chuồn đến ở cùng bọn trẻ
Nhìn em phơi áo ở ngoài vườn
Mùa xuân gieo luống hành, rò cải
Gieo sự sống
Tôi không tha phương nữa
Như đất làng ngoài kia đang phơi những con đường
Đầy hoa và bóng dáng những người đi chợ Tết.
Từ bông hoa lụi tàn
Bông hoa nở trên bức tường bỏ hoang
Buổi sáng những con ong bay đến lấy mật
Buổi trưa cơn gió mang phấn hương để gieo vào không trung
Buổi chiều từng cánh hoa rơi trước khi ánh sáng mặt trời lụi tắt
Buổi tối những giọt sương lạnh ấp lấy bọc non đang tựu thành hạt
Vượt qua thời khắc giao mùa
Những dòng suối chảy trên hoa
Những vì sao sáng trên hoa
Những chồi non nhú lên từ hoa
Bóng tối lùi dần bình minh ló rạng
Từ một bông hoa đã lụi tàn
Bức tường đầy những bông hoa mới nở
Ở một bức tường hoang khác
Những khu rừng đang tái sinh.
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội