Người lạc giữa “vòng tròn số phận”

742

Bảo Trung

Đọc hết tập thơ “Giả dụ” của Nhật Quỳnh, độc giả có cảm giác được đồng hành cùng tác giả trên chuyến tàu lướt qua những sân-ga-định-mệnh. Có một đích đến hồ như vô định, vô hướng trong tâm tưởng của khách lữ hành. Trên chuyến tàu đó, có một người thơ nặng mang theo khối hành lý chất chứa ám ảnh, khổ đau lẫn hạnh phúc; những dự cảm mơ hồ, phù du chơi vơi theo điệu buồn dang dở như một định phận của kiếp người.


Nhật Quỳnh và tập thơ “Giả dụ”

Đi qua những mất mát, thơ Nhật Quỳnh đã thủy tinh hóa từng nỗi đau, để chiêm ngắm, đối thoại, thức tỉnh, vỗ về một trái tim từng rạn vỡ bởi thú đau thương. Tôi hình dung một Nhật Quỳnh đổ bóng mình dọc những hàng ghế trống không lúc con tàu rời sân ga. Không còn ai đón đợi mình, chị lặng lẽ viết lời tình tự gửi theo từng cơn gió hững hờ bay đi. Những câu thơ xô lệch cấu trúc ngữ pháp, ngữ âm, thanh điệu, tràn bờ cảm xúc, tạo những ám ảnh, ám dụ trong tâm tưởng: Tôi sợ một ngày kia! / nỗi buồn sẽ chẳng thể nguôi ngoai…/ khi người yêu/ đem tình tôi ra giữa chợ đời rao bán/…Ôi tình yêu như rơm rạ / sưởi ấm mà cũng làm rát bỏng đời nhau! (Sợ)

Bao dấu chấm hỏi ùa về trong thao thức của Nhật Quỳnh. Bàn tay mỏng manh của chị cố vươn ra ngoài cõi mênh mông để mong nắm một bàn tay nồng ấm, một bờ vai để nương dựa mỗi lúc ngã lòng giữa từng cơn ấm lạnh của nhân thế. Hy vọng để rồi đón về sự vô vọng khi thăm thẳm mắt đêm đổ về vây bủa: Ngơ ngác tiếng cười dõi ánh mắt quen/ thương làm sao trái tim nhỏ bé / đập không vỡ hết nỗi buồn vô cớ/ khắc khoải lòng rỗng mắt những đêm sâu / sẽ chẳng bao giờ anh biết được đâu/ em yêu anh tại sao nhiều đến vậy! (Sẽ chẳng bao giờ anh biết). Tuyệt vọng nhưng không hề vô vọng. Tấm chân tình ấy vẫn rộng mở, đợi chờ, tiếp tục vun xới những tàn tro, đổ nát, để ươm hạt mầm hy vọng. Mong một ngày tình yêu về lại, để người chờ mong không còn bơ vơ trước ngõ hẹn thề: Anh không về nên mùa thu qua ngõ/ lời yêu thương theo gió tan nhanh/ chỉ đóa cúc còn tin lời hò hẹn/ đêm chong đèn ngồi đợi mặt trời lên. (Anh không về)

Mỗi câu thơ viết ra là để tự ru mình, ru người. Nhưng suy cho cùng cũng là một cách mượn lời ru… để thức.

Nhật Quỳnh sẻ chia tiếng thở dài của người chị hơn mười năm đằng đẵng chờ một bước chân quen, một tiếng gõ cửa tìm về: Chị đợi gì /bước chân quen?/ bàn tay quen?…/ chị chạm cửa thiên đường/mang theo tiếng thở dài! (Thở dài). Rồi lại thấy bóng mình trong vời vợi lời ru của mẹ: Tháng Ba rét ngọt cánh chuồn / bếp xâu từng sợi khói luồn ngõ sau/ áo toan sứt chỉ bạc màu/ mẹ toan vá lại nỗi đau thuở nào/ tôi thành một khúc ca dao/ níu chân mẹ lại cầu ao bên này/ phong phanh áo mỏng vai gầy/ gió lùa buốt cả gót lầy cuối đông/ người đem theo lá diêu bông/ mẹ tôi khản tiếng chiều suông gọi đò/ heo may lất phất sương mù/ mẹ ngồi bên lở… lời ru bên bồi. (Lời ru cho người). Đây là một trong những bài thơ lục bát hay của Nhật Quỳnh, để lại nhiều âm ba trong lòng độc giả.
Tôi cứ thắc mắc với cái tên của nhà thơ: Nhật Quỳnh. Sao không là Dạ Quỳnh- đóa quỳnh nở về đêm dâng hương thầm, thuận tòng theo nhịp dạ hành của vũ trụ? Nhật Quỳnh – hoa quỳnh nở dưới ánh dương- một bản thể tự bóc trần mọi cảm xúc mà không cần một lớp phấn hương phù huyễn nào. Tên người thơ và tác phẩm dường như phong vận vào phận số.

Lật giở từng trang viết- trang đời của chị, ta được chạm tay lên từng ngọn cỏ từng ngày xanh lại sau bao lầm lỗi, hóa thân cùng ảo ảnh nụ cười, chạnh lòng nghe thoáng nỗi buồn rơi nghiêng, bơ vơ trước những ngác ngơ của phố cũ, thềm xưa…

… Thi tứ, thi ảnh của toàn tập thơ của Nhật Quỳnh khiến chúng ta liên hệ đến cảm thức đồng điệu với thi sỹ người Mexico Octavio Paz khi ông dự phóng những suy niệm: “…Thơ len vào giữa có và không. Thơ nói những gì tôi im lặng. Thơ im lặng những gì tôi nói. Thơ mơ nhưng gì tôi quên”.

B.T