Người mẹ chồng chưa từng gặp

501

Dù không đủ phước để được sống với mẹ, chăm lo cho mẹ một ngày nào nhưng tình yêu tôi dành cho mẹ có cả sự hàm ơn và kính trọng.

Tôi về làm dâu thì mẹ đã qua đời từ rất lâu, 15 năm trước. Nhà không còn hình bóng mẹ nhưng tủ đồ của mẹ vẫn còn. Những bộ đồ thập niên 1940 được giữ gìn nâng niu, treo ngay ngắn trong chiếc tủ gỗ kiểu cũ. Chi tiết này ngay từ đầu đã khiến tôi lưu tâm. Và đặc biệt hơn, trong câu chuyện của gia đình, mẹ thường được các con nhắc đến bằng tất cả niềm kính yêu.

Với chồng tôi, mẹ là đấng chí tôn. Sinh và nuôi lớn khôn anh trong hoàn cảnh đặc biệt. Chồng mất gần tháng, mẹ mới phát hiện mình có thai. Bốn mươi tám tuổi, 9 người con, giờ mồ côi chồng lại thêm bụng mang dạ chửa. Khó khăn phủ lấp hiện tại, mờ mịt tương lai nhưng mẹ bỏ qua lời khuyên trục cái thai đang tạo hình trong bụng. Bản lĩnh hơn, vượt qua những đòi hỏi bản năng, mẹ cự tuyệt lời ong tiếng ve. Dù có lúc lòng cũng xao động nhưng nghĩ tới con, mẹ dừng. Mẹ sợ tình thương bị chia sớt, mẹ muốn dốc toàn tâm toàn trí cho bầy con nheo nhóc.


Ảnh minh họa

Tôi cũng từng có quãng thời gian sống với thân phận đàn bà mồ côi chồng. Lương giáo viên nhưng hai mẹ con cũng phải vật vã một thời gian. Được 5 năm. Hơn ai hết, tôi hiểu, tôi thấm khái niệm 5 năm với một người đàn bà đơn chiếc. Nhưng khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi chỉ là hạt bụi trên hành trình cuộc đời mẹ. Mẹ đơn chiếc gần 40 năm. Nên tôi không có từ nào để diễn tả hết sự ngưỡng mộ của tôi dành cho mẹ.

Thân đàn bà liễu yếu với một đàn con thời bom đạn, mẹ đùm con chạy sấp ngửa. Bỏ con vào hai đầu gánh, mẹ chạy qua cánh đồng ngập khói. Kể chuyện này, chồng bùi ngùi nhớ bom nổ phía trước, tất cả té nhào nhưng anh vẫn nằm trọn trong lòng mẹ.

Mẹ làm thuê nát đất nhưng con của mẹ 9 đứa đều được đến trường. Một người học xong đại học và những người còn lại đều lấy được bằng tú tài, trước năm 1975, đó là thành tích đáng nể. Tôi thuộc thế hệ 8X, xóm tôi hồi đó phần nhiều học hết lớp 9 là nghỉ làm nông. Vì thế nên tôi dành sự ngưỡng mộ cho ước nguyện muốn các con tiến thân bằng con đường chữ nghĩa của mẹ. Và tôi không tài nào hình dung được bằng sức mạnh nào, bằng cách gì mà mẹ đã làm được điều phi thường ấy.

Chị Liễu – chị dâu cả – khẳng định mẹ là bà mẹ chồng đáng kính. Chị có thể ngồi cả buổi để kể những câu chuyện về mẹ. Và tôi, cũng không biết tự lúc nào, mẹ đã ở trong tôi một cách tự nhiên. Nhiều khi tôi ước mẹ còn sống để được thủ thỉ thở than những chướng ngại cuộc sống, được làm nhỏ những lúc bị chồng mắng mỏ. Trong hình dung của tôi, mẹ là chuẩn mực của người đàn bà đảm đang, tháo vát. Tôi soi vào mẹ để hoàn thiện mình. Và trên hết, tôi muốn được phụng dưỡng mẹ – người đã sinh thành, giáo dưỡng “người hùng” của lòng tôi.

Những câu chuyện về mẹ, từ lớn đến nhỏ, chuyện nào cũng trở thành bài học đắt giá với tôi. Hồi đó tới bữa cơm, mẹ không cho các con ăn lớp cơm trên cùng, mẹ bảo trẻ nhỏ ăn cơm trên hóng hớt. Các con cũng tin như thế nên luôn để dành phần cơm trên cho mẹ. Sau này lớn mới biết, đó là phần cơm dở nhất. Lớp cơm trên thường yếu hơi nên cơm sẽ trơ, sượng.

Chồng kể nhà gần đồng ruộng, vườn rộng thênh, mẹ trồng rau, cây ăn trái. Vừa ăn vừa bán. Nhưng tiêu chí của mẹ là thứ ngon để các con ăn, đồ dở hơn đem bán. Có người thắc mắc bảo ăn kiểu đó có đâu mà dư thì mẹ kiên quyết: Tiền rất quan trọng, nhưng con mẹ còn quan trọng hơn, trước sau mẹ luôn ý niệm như vậy.

Chị Liễu nói mẹ trước sau mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Mẹ ghét nhất khóc lóc, mè nheo. Từ nhỏ, mẹ dạy không được phép yếu đuối. Tính mẹ nghiêm, rất nghiêm. Mẹ quan điểm thiếu roi khó nên người. Mẹ trước sau tuân thủ nguyên tắc không biểu lộ tình thương ra mặt. Nhờ nghiêm khắc mà các con của mẹ, hồi nhỏ sợ mẹ một phép, khi lớn lên từ trên xuống đều có nhân cách. Ai cũng được chòm xóm khen đối đãi, ứng xử chừng mực, kín kẽ trong mọi chuyện. Mỗi lần nhắc về mẹ, chị đều khó nén nỗi xúc động.

Chị Liễu là con nhà khá giả, về làm dâu nhà mẹ nhưng chuyện bếp núc rất “tay ngang”. Mẹ đã tám mươi nhưng tới bữa cơm, con dâu cứ phải nhờ mẹ tư vấn cắt gọt cái này, nêm nếm cái kia. Thấy con dâu không đảm đang chuyện bếp núc, mẹ không tỏ vẻ khó chịu nhưng cũng không ưng lòng. Mẹ xác nhận đàn bà không biết nấu ăn là khiếm khuyết có thể bỏ qua nhưng thiếu sót đó tự thân nó sẽ là nỗi thiệt của chính họ. Muốn gia đình ấm êm thì cơm canh phải ngon ngọt. Rồi mẹ bảo chị Liễu hồi giờ chưa thì nay học, tranh thủ mẹ còn sống mà học.

Nghe chị kể vậy, tôi giật mình. Tôi cũng là cô gái vụng về, hậu đậu, chuyện bếp núc rất trớt. Dù không phải lo cơm canh cho mẹ, dù chồng vẫn không đặt nặng chuyện đó nhưng những mẩu chuyện chị Liễu kể làm tôi tự thấy xấu hổ, quyết định học làm bếp, dù hơi muộn. Cũng không biết nhân duyên của tôi với mẹ thế nào, chỉ biết những câu chuyện về mẹ luôn tác động tích cực đến tôi…

Dù không đủ phước để được sống với mẹ, chăm lo cho mẹ một ngày nào nhưng tình yêu tôi dành cho mẹ có cả sự hàm ơn và kính trọng.

Theo Nguyễn Thị Bích Nhàn/NLĐ