Người quét đường phố – Truyện ngắn Võ Văn Thọ

784

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ẩn đằng sau gương mặt gầy, có phần hơi hốc hác, là đôi mắt đen huyền và nụ cười đôn hậu của chị. Có lẽ, chị là mẫu người phụ nữ đoan trang, đảm đang và nhân hậu như bao người phụ nữ Việt Nam “Công, dung, ngôn, hạnh”…

Từ ngày hắn được quay lại thành phố sinh sống tròn 2 năm có dư, hắn thấy chị đã có mặt trên tuyến đường này. Chị với chiếc xe đẩy, cái chổi và 1 cái ki hốt rác trở nên thân quen với con phố nhỏ bất kể nắng, mưa, bốn mùa trong năm đều có hình bóng chị. Chị cẩn thận quét dọn sạch sẽ từng chiếc lá cây rụng, bao ni lông, từng mẫu tàn thuốc… Để cho con đường, khu phố luôn sạch, đẹp, thoáng mát trong mùa hè và ấm cúng trong tiết mùa đông giá lạnh tại thành phố T.

Hắn quan sát thấy chị không nề hà, tỏ ra bực tức khi ai đó vô tình, hay cố ý xả ra đường những thứ đựng thức ăn, thức uống hay đồ vật dụng gia đình không dùng nữa. Lẽ ra, người có ý thức phải đem đến thùng rác để bỏ đi. Thế nhưng chị vẫn dọn, quét và đổ vào thùng xe rác, không tỏ ra phàn nàn hay có biểu hiện bực tức. Chị kiên nhẫn, nhẫn nại đến thật dễ thương! Chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Tiếng chổi tre:

“Những đêm đông/ Khi cơn giông vừa tắt/ Tôi đứng trông/Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt, như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông quét rác…Nhớ nghe hoa/ Người quét rác đêm qua”. Nên thấy trân trọng, quý mến chị hơn.

Có đôi lần hắn lân la hỏi chuyện gia đình, chị vui vẻ trả lời, nhưng vẫn làm việc chăm chỉ. Do đặc thù công việc, luôn tiếp xúc với các loại rác trên hè phố, nên chị thường xuyên bịt khẩu trang che nửa mặt, chỉ để lộ đôi mắt và một nửa gò má với nước da trắng, chị thường xuyên đội nón lá. Trông chị rất nữ tính, dung dị.

Có lẽ, chị cảm nhận được người hỏi han chân tình, nên chị chia sẻ, tâm sự rất thật lòng. Hắn được biết, quê chị ở vùng giáp biển, thuộc thành phố T, chị có 2 con, một trai, một gái rất ngoan và học giỏi và siêng năng, giúp đỡ việc nhà, nên chị rất an tâm công việc. Chồng chị cũng là người nông dân, nhưng anh luôn khát khao làm giàu, để đổi đời, với mong muốn phụ giúp gia đình có thêm thu nhập, kinh tế vững vàng hơn, khi các con chị vào cấp 3 và còn ước mơ xa hơn được vào đại học. Lúc đó, gia đình phải có tiền để chi phí cho 2 con nhiều hơn hiện nay. Đó cũng là ước mơ chính đáng của gia đình chị và khát vọng làm giàu chính đáng của chồng chị. Tuy nhiên, không phải ai muốn làm giàu cũng thành công. Nếu như người đó không có vốn, không am hiểu lĩnh vực đó và còn bao nhiêu yếu tố bất lợi từ bên ngoài như thời tiết, địa hình. Và thêm vào đó sự may mắn, nếu không thì công sức, tiền bạc cũng trở thành công cốc và còn mắc nợ ngân hàng khi vay vốn để phát triển sản xuất, nhưng không có khả năng để trả thì còn tệ hại hơn. Nhưng nếu, không quyết tâm, không thử sức mình, thì cơ hội đến sẽ mất và gia đình chị vẫn cảnh nghèo khó mãi.

Chị hiểu điều ấy, nên không phản đối chồng khi anh quyết định vay tiền ngân hàng đầu tư hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, trong lòng chị không khỏi lo lắng, vì từ trước đến giờ nghề của anh là sửa xe đạp, xe máy. Nay đùng một cái chuyển sang nuôi tôm, thì phải vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm của người làm trước, chứ có được đào tạo về kiến thức nuôi tôm nước lợ đâu mà biết. Năm 2018, chị đành lấy sổ bìa đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn ban đầu là 50 triệu đồng, để mua con giống và thức ăn cho tôm, còn anh bỏ công sức cải tạo hồ nuôi tôm. Ban đầu tôm phát triển, lớn nhanh chị mừng thầm trong bụng, nhưng chưa kịp mừng thì trận bão ập đến, nước lũ dâng cuốn phăng hồ tôm của chị ra biển. Như vậy 50 triệu và công sức hơn 2 tháng chăm non tôm đã trở thành công cốc. Thấy chồng buồn rầu, tìm đến rượu để giải sầu, chị lại khéo léo tìm cách động viên anh:

– Do thiên tai thời tiết, chứ phải do anh đâu mà buồn, “thua keo này, ta bày keo khác”,.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị đi đến quyết định khó khăn, lấy sổ tiết kiệm tích góp bấy lâu nay ra ngân hàng rút được 30 triệu đồng đưa cho anh, để anh có vốn cải tạo hồ nuôi, mua con giống mới, tiếp tục theo đuổi nghề nuôi tôm…

Chồng chị thôi không nhậu nhẹt nữa, bắt tay vào công việc nuôi, chăm sóc tôm. Khi tôm sinh trưởng phát triển tốt, gần đến vụ thu hoạch. Vợ chồng chị mừng thầm trong bụng, chị tính, nếu bán hết tôm đợt này được mấy tạ giá thời điểm đó khá cao, cũng trả hết nợ ngân hàng và còn lãi được trên dưới 50 triệu. Hai vợ chồng cầu mong thời tiết thuận lợi không có bão vào là lứa tôm này coi như thành công bước đầu. Đúng như vậy, năm 2019, bão nhẹ không ảnh hưởng hồ tôm của anh chị vẫn an toàn. Tuy nhiên, chỉ một đêm sáng hôm sau thăm hồ tôm, đã thấy tôm chết trắng nổi lên mặt nước, tìm hiểu được biết tôm bị người xấu đầu độc, làm tôm ngạt thở chết, anh chị nước mắt lưng tròng vớt tôm bán tháo. Còn chút may, cũng được nhiều người dân trong thôn, xóm thương gia cảnh gia đình chị, nên mua ăn giúp. Vì tôm không phải bị đầu độc bằng thuốc độc. Như vậy, gia đình chị lại tiếp tục nợ ngân hàng, số tiền bán tôm cũng chỉ đủ số tiền mua thức ăn nuôi tôm lâu nay, không có tiền mua con giống mới, tái sinh hồ nuôi tôm.

Chị sợ anh buồn, nên động viên anh nhưng trong lòng chị cũng rất lo lắng bất an. Chị tâm sự:

– Lương công nhân 5 đến 6 triệu đồng/ tháng của chị chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm trong gia đình, nay lại phải chắt bóp để trả tiền lãi vay ngân hàng, chứ chưa nói đến trả tiền gốc vay, rồi còn bao chuyện phải không, lúc ốm đau. Nay lại thêm khoản nợ ngân hàng, lãi xuất vay và quan trọng chị sợ anh buồn, bất an lại buông tay, lao vào rượu chè, thì coi như mái ấm gia đình sẽ tan nát. Chị thăm dò, ý định anh thì anh cho biết:

– Vẫn quyết nuôi tôm, lần này anh định làm trại để ở 24/24 bên cạnh trại canh giữ tôm, không để kẻ xấu làm hại.

Nhưng cái khổ, là chị không còn khoản tiền nào để giúp anh tiếp tục theo đuổi công việc nuôi tôm, nếu hồ tôm nhà chị không bị thiên tai và kẻ xấu “ghen ăn, tức ở” thì gia đình chị có cơ hội đổi đời, khá hơn trước nhiều. Nay chưa thấy đổi đời lại lâm vào nợ nần và bao lo lắng cho gia đình nhỏ, vốn trước đây rất hạnh phúc, dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, thì nay có nguy cơ lung lay. Chị nói trong lo lắng và đưa tay che đi giọt nước mắt nóng hổi, không muốn để người khác phải thương hại chăng?…

Chiều mùa đông, khi những cơn gió mùa đông Bắc vẫn đang hùn hùn thổi, những giọt nước rơi xiên qua tán cây hai bên vỉa hè phố, cái lạnh miền Trung tuy không thể so sánh với cái lạnh miền Bắc. Tuy nhiên, lòng hắn như se thắt lại. Hắn ngây người ra, khi nghe chị kể tâm sự về gia đình nhỏ của chị. Rồi hắn chợt nhận ra, hắn cần nói câu gì đó, ít ra gọi là chia sẻ, cảm thông, động viên để chị yên lòng, dù không giúp gì được chị nhưng ít ra có người chia sẻ, thì nỗi buồn, lo lắng trong sâu lắng của chị cũng vơi đi phần nào? Nên hắn buộc miệng nói:

– Cảm ơn chị đã bộc bạch chia sẻ. Thật tự hào về gia đình chị khi có 2 đứa con ngoan, học giỏi và luôn đỡ đần việc nhà cho cha mẹ; anh nhà cũng là người chồng đảm đang, tuyệt vời. Chỉ là cơ may chưa đến, nhưng tin chắc, với tình cảm của chị dành cho gia đình, anh cũng sẽ chia sẻ, cảm thông, gác lại việc làm giàu và tìm lại công việc cũ của mình để cho cuộc sống gia đình ổn định, khi có điều kiện tốt, mình tiếp tục theo đuổi ước mơ. Quan trọng, là con ngoan, gia đình hạnh phúc, mới là điều mong muốn của bao nhiêu gia đình. Chứ thực tế, có không ít gia đình giàu có, nhưng con cái hư hỏng, cha mẹ rất khổ tâm, thì giàu mấy có đem lại hạnh phúc đâu. Nghe hắn nói vậy, khuôn mặt chị tươi tắn hẳn lên, chị nhìn hắn với nụ cười thật tươi và nói:

– Em cảm ơn anh nhiều! Nghe anh nói, em có thêm nghị lực. Em cũng hy vọng “sau cơn giông trời lại sáng”…

Không hiểu sao hắn như người vừa được trúng vé số. Hắn thấy, “Chị lao công” đẹp hơn, đáng yêu hơn. Có lẽ, trong xã hội này, cần nhiều người có trái tim, có trách nhiệm với công việc như chị. Để những mùa đông về không còn lạnh lẽo, niềm tin yêu sẽ làm cho con người thăng hoa, kết trái trong cuộc sống bộn bề và những bất lợi từ thiên nhiên không còn là lực cản. Con người luôn biết bằng lòng với thực tại và luôn có ý chí, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, với điều kiện cho phép; hạnh phúc đời thường, nhưng không phải ai muốn cũng có được!

Tháng 11/2020

V.V.T