Người thầy đầu tiên – Truyện ngắn của Lan Đình

957

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thuở còn tập tễnh xách bình mực tím đến học lớp sơ đẳng ở trường làng cho đến khi tốt nghiệp Đại học tại thành phố, ra đời làm nghề gõ đầu trẻ, Tâm luôn cảm thấy mang ơn nặng nhiều ân sư đã lao tâm khổ trí hết lòng dạy dỗ mình.

Nhà văn Lan Đình

Mỗi thầy cô đứng lớp dạy Tâm đều lưu lại trong tâm hồn Tâm nhiều kỷ niệm đẹp không bao giờ phai. Dù vậy, bác Chín Hậu, cha Tâm mới chính người thầy đầu tiên trong đời đã đổ rất nhiều công sức gieo mầm chữ vào đầu óc Tâm ngay từ khi anh còn bé bỏng.

Họ tộc nội ngoại Tâm nhiều thế hệ có truyền thống gắn bó với ruộng đồng vườn tược ở nông thôn. Chỉ ba Tâm lại trớ trêu muốn anh em Tâm vác giạ giê chữ. Những ngày Lễ, Tết hay cúng giỗ ông bà, bên mâm cơm thân mật gia đình, có sự họp mặt đông đủ anh em, dù thói quen không nhâm nhi giọt rượu nào, bác Chín Hậu, ba Tâm vẫn hay vui vẻ đến bên con cháu gần gũi:

– Ba mong muốn các con có một nghề đàng hoàng để sau này suốt đời vẫn nuôi sống được gia đình vợ con. Anh em Tâm im lặng, ngừng đũa nhìn về cha, chăm chú lắng nghe. Trầm ngâm giây lát, bác Chín tiếp tục chậm rãi, như một lời ký thác:

– Ba thích ngành nọt-man (1) lắm. Tính thâm trầm kín đáo lại không nhiều chữ nghĩa, ba Tâm không giải thích gì thêm. Nhưng trong thâm tâm, anh em Tâm cũng hiểu được cha mình cho dạy học là một nghề cao quý. Bác Chín nhắc khéo đến thầy Nguyễn Văn Đức, ở gần cầu Đúc chợ Tân Quới, một nhà giáo mẫu mực hiền lành cùng quê, có họ hàng với gia đình Tâm.  Thầy Đức xuất thân từ cảnh nghèo mà học hành thành đạt được ba Tâm nhắc lại với ngụ ý để anh em Tâm cùng noi theo gương tốt.

Là con trai lớn trong gia đình, thuở mới lên ba, Tâm còn lâu mới đến tuổi vào trường, nhưng bác Chín đã dạy lần cho nó học học lần chữ quốc ngữ. Ngày trước, bác Chín Hậu chỉ mới học hết lớp Ba trường làng, nhưng bác đã nổi tiếng học giỏi lại được trời cho sở hữu một nét chữ đẹp. Ba Tâm viết bài bằng ngòi bút lá tre bé tý xinh xắn, với nét chữ nghiêng nghiêng nét lớn, nhỏ trông đẹp chân phương, từng được bạn học và bà con trong làng khen là nét chữ tài hoa, đẹp như rồng bay phượng múa. Đó là lý do, sau mùa Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với tính hiền lành, cảm tình với kháng chiến, bác Chín Hậu được chọn làm Tổng Thư ký trong Ủy ban Hành chánh xã Tân Quới, trụ sở đặt tại ngả ba đầu vàm kênh Mười Thới, cách không xa ngôi nhà cổ của ông Tây Việt Minh Paul Bastien.

Ba mẹ Tâm làm nghề nông, suốt năm cặm cụi với mấy công đất nhà do ông bà để lại, với bổn phận gìn giữ nhà thờ và lo việc lễ giỗ trong năm cho anh em bà con có dịp đoàn tụ, gặp gỡ để hâm nóng mối tình thân tộc. Trong gia đình, vợ chồng con cái, ai cũng có công việc làm suốt ngày, không một người nào để tay ở không. Anh chị hai Tâm tham gia du kích từ đầu mùa Nam bộ kháng chiến, đã hy sinh trong một trận chống càn cuối rạch Thông Lưu khi chưa đến tuổi ba mươi. Chị Ba, chị Tư tất bật ngày ngày với công việc ruộng đồng trong lúc mẹ Tâm ở tại nhà chăm sóc cho mấy con heo và việc cơm nước. Ba Tâm tranh thủ, ngoài hai buổi sáng chiều lo cho đàn gà vịt trước sân vẫn không quên nghĩ đến việc học hành cho con cái mai sau.

*

Tâm là thằng bé bẩm sinh mê chữ lạ lùng từ khi chưa đến trường. Những buổi trưa nóng nực, sau giờ cơm, cả nhà nghỉ ngơi, chỉ còn Tâm hôm nào cũng lúi húi với mấy quyển sách hoặc tập học cũ của chị nó mà không đi ngủ. Tâm đặt tập sách xuống nền gạch nhà, mặt mày hí hửng, chậm rãi dở lần từng trang ra đọc ê a, như đã biết chữ, một cách say mê thích thú. Lúc không chơi với tập vở, Tâm ra ngồi hằng giờ bên hiên nhà tại nơi có không có nắng dọi, dùng một cây chân nhang nguệch ngoạc vẽ xuống nền đất không ra chữ ra hình gì khiến cha mẹ nó lấy làm lạ. Ba mẹ, anh chị thấy vậy vẫn không la rầy vì nghĩ Tâm cũng không làm điều gì có hại.

Một tám ván gỗ dầu cũ lấy ra từ một cánh cửa tủ cũ được đặt lên bàn ăn, sau buổi điểm tâm sáng bằng cơm nếp muối mè và khoai lang nấu. Sau khi uống bếp nhặt mấy cục than điên điền để làm phấn, bác chín Hậu trìu mến quay nhìn cậu con trai mình gọi:

-Tâm, con lại đây ngồi trên ghế, ba dạy dần những chữ cái trong bảng mẫu tự quốc ngữ cho con.

-Dạ.

Vâng lời cha, Tâm ngưng chơi dế, đến ngồi vào bàn gần bên cha để học từng chữ a, b… trong cuốn vần của chị học ngày trước. Bác Chín Hậu ân cần dạy cho cậu con trai đọc thuộc từng mặt chữ in thường, in hoa  rồi đến chữ viết thường, chữ viết Hoa sau đó bắt đầu tập cho Tâm cầm bút chì tập viết.

–  Cứ từ từ nghe con, kiên nhẫn sẽ thành công.

–  Con cầm cây bút chì hay bút mực phải khoảng nghiêng 450 so với mặt phẳng ngang mới đúng cách, chữ viết mới đẹp.

Theo trải nghiệm của một người nổi tiếng có nét bút bay bướm trong làng, với nét mặt vui vẻ, bác Chín Hậu dịu dàng lời lẽ, hướng dẫn cho con trai mình cách viết chữ.

–  Con cầm bút viết cây bút nhẹ nhàng, thoải mái. Bác Chín Hậu nhắc thêm con.

Không bao lâu sau, Tâm vừa đọc được chữ in lẫn chữ viết và cầm bút chì và bút có ngòi chấm mực, viết được chữ quốc ngữ. Ngày ấy, chưa có bút máy hay bút bi như hiện nay, nhưng cần cù theo lời cha chỉ dẫn, không mấy chốc Tâm đã viết đẹp chữ quốc ngữ bằng ngòi viết lá tre trước. Bác Chín  dạy thêm cho Tâm cách viết chữ ‘rong’ nét lớn để về sau tập cho Tâm đề tựa bài hoặc viết tên trên văn bằng, giấy khen… Bác Chín vừa dạy con cùng lúc tập viết và tập đánh vần. Không lâu sau, Tâm viết đẹp và biết đọc trôi chảy chữ quốc ngữ.

Vào lớp Năm Sơ đẳng trường làng (lớp 1 bây giờ), Tâm đã đọc và viết đẹp khi các bạn nó mới bắt đầu học từ a, b… và tay còn ngờ nghệch chưa biết cầm bút. Bác Chín dạy cho Tâm biết thêm bảng cửu chương chữ Hán: ‘Cửu cửu bát nhứt/ Bát cửu thất nhị/ Thất cửu lục tam… (9 lần 9=81/ 8 lần 9 =72/ 7 lần 9=63)… cho con dễ nhớ và không lộn khi làm toán), cùng lúc bác dạy lần tiếng Hán cho Tâm. Thương con, bác Chín Hậu luôn kèm cặp chỉ dạy cái chưa biết và khuyến khích Tâm mà không la rầy hoặc đánh đòn. Tâm luôn chăm chỉ, say mê học tập, tính tình hiền lành. Suốt ba năm Tâm học ở trường quê, học lực nó đều đứng đầu lớp, được phê thật giỏi, hạnh kiểm phê thật tốt, luôn được thầy khen bạn mến. Khi thi đỗ vào lớp Nhì (Cours Moyen) lên tỉnh học, rồi lên lớp Nhất học xa nhà, mỗi lần về quê nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, thấy con trai ít đi chơi, bác Chín tranh thủ thì giờ bắt đầu dạy cho Tâm học chữ Hán, giáo trình là các quyển: Tam thiên tự (Thiên-Trời/ Địa-Đất/ Tử -Mất/ Tồn-Còn/ Tử -Con/ Tôn-Cháu/Lục-Sáu/Tam-Ba/ Gia-Nhà/ Quốc-Nước,..), và Minh Tâm Bửu Giám của soạn giả Đoàn Trung Còn. Dạy con cách cầm cây bút lông đứng thẳng, viết trong ô vuông rồi hướng dẫn cho Tâm làm thơ vì từ nhỏ nó đã tỏ ra say mê văn nghệ. Dù làm thơ là nghiệp dư và không sống bằng nghề viết lách trong đời, nhưng bác Chín Hậu, ba Tâm thuộc nhiều thơ, có tâm hồn thi sĩ và rất sành sõi thi pháp. Bác Chín biết làm đủ các thể thơ kể cả thơ Đường là loại rất khó ăn vì niêm luật quá nghiêm ngặt. Học xong năm năm bậc Tiểu học, song hành với kiến thức bước đầu về văn hóa phổ thông, mười hai tuổi, Tâm đã làm thành thạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển khá gay go để vào lớp Đệ Thất – Classe de Septième (lớp 6 bây giờ) bậc Trung học Đệ nhất cấp, Tâm đã thuộc làu thế nào là tiếng Bình – tiếng Trắc và luật Nhất-Tam-Ngũ bất luận/ Nhị Tứ-Lục phân minh… và luôn tìm cơ hội để gieo vần. Khi học Việt văn tại trường Phan Thanh Giản với nhà thơ – GS Dương Du Cam, nguyên soái Tao Đàn Dương Chi tại Tây Đô, Tâm đã đoạt Giải nhất về thơ trong giờ Thực hành Làm thơ tức cảnh trong một buổi học bên ngoài trời mưa tầm tã: “Lãnh lẽo ngàn cây, gió dật dờ/ Đì đùng sấm nổ, dạ buồn mơ/Chim non run rẩy, lòng tê tái/ Hoa muộn rã rời, cánh xác xơ/ Dặm khách, lữ hành lê bước nặng/ Phương trời, chiến sĩ nhớ con thơ/ Vì ai, bao kẻ dầm mưa bụi/ Chống nước xay đê, giữ cõi bờ” (Mưa rơi). Tâm được thầy trìu mến gọi lên, ôm vào lòng, hôn Tâm rồi thưởng nó 2 đồng.

Mỗi năm cứ đến mùa chớm đông bầu trời âm u, hắt hiu gió may se lạnh, chưa phải đợi đến ngày nhà giáo 20/11, Tâm cảm thấy bâng khuâng hoài niệm, ngậm ngùi nhớ về  hình bóng của những thầy dạy học ngày xưa, Tâm mãi mãi tôn vinh là ân sư đã dạy dỗ mình từ thuở tuổi hoa niên. Cùng công ơn cúc dục cù lao và được san sẻ cho một phần máu thịt, Tâm coi cha mình còn là tượng đài thiêng liêng của người thầy học đầu tiên yêu kính trong đời.

L.Đ