Người thiếu nữ ở quê và sân ga – Truyện Ngắn Vũ Khắc Tĩnh

510

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã biết bao nhiêu lần rồi tôi đến, đi vào nhà ga này. Bất chợt tôi nhận ra khuôn mặt cô thiếu nữ tôi đã gặp những lần trước đây ngồi lặng lẽ trên dãy ghế chờ. Cô thiếu nữ như nhận ra người quen liếc mắt về phía tôi một ánh nhìn soi mói, vỡ vụn.

Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh

1.

Bất chợt một cơn mưa trái mùa ào ào trút xuống trên những hàng cây ven đường, phủ lên không gian một màu ảm đạm. Đây không biết chuyến tàu thứ mấy rời sân ga chạy ngang qua đường trong thành phố, cũng khuất xa dần rồi mất hút vượt qua tầm mắt. Hàng cây đứng dọc theo con đường cúi đầu cúm rúm trong gió mưa.

Nhà ga cũ kỹ, tiếng cô gái nói vọng ra từ loa phóng thanh giọng lè nhè, lẫn trong tiếng mưa rơi lộp độp  trên mái tôn bãi giữ xe. Cô gái báo cho hành khách biết chuyến tàu khởi hành từ Hà Nội sắp dến, dừng lại ga Sài Gòn để hành khách xuống tàu. Chuyến tàu nhanh SH sẽ nhận khách lên tàu tiếp tục cuộc hành trình Nam Bắc.

Đã biết bao nhiêu lần rồi tôi đến, đi vào nhà ga này. Bất chợt tôi nhận ra khuôn mặt cô thiếu nữ tôi đã gặp những lần trước đây ngồi lặng lẽ trên dãy ghế chờ. Cô thiếu nữ như nhận ra người quen liếc mắt về phía tôi một ánh nhìn soi mói, vỡ vụn. Tôi hơi bất ngờ, xoay mặt ngó lơ qua chỗ khác, và đi dạo một vòng quanh hành lang, dừng lại sạp bán sách báo mua tờ báo mới phát hành sáng nay. Đọc ngấu nghiếng hết trang này đến trang khác, bất kể tin tức thời sự hay quảng cáo rao vặt. Đứng cạnh tôi là gã đàn ông tuổi sồn sồn, bốc lên mùi rượu nồng nặc khó chịu. Gã rít điếu thuốc lá vào lồng ngực rồi nhả khói bay nhiều vòng cuộn tròn rất đẹp mắt. Mọi người đứng chung quanh gã ho sặc sụa, trong đó có mấy chị phụ nữ. Gã cảm nhận được sự khó chịu của mọi người, vứt điếu thuốc xuống nền xi măng lấy chân dụi dụi cho tắt ngúm, gã nói; lảm nhảm trong miệng câu tục tĩu, bỏ đi một hơi đến chỗ khác, không thèm ngó lại. Đó là một gã đàn ông biết điều. Gã đi, mùi thuốc lá vẫn còn đọng lại, bốc lên mũi mùi hôi khó chịu mỗi khi tôi hít phải. Tôi cầm tờ báo đi chỗ khác đọc.

Cô thiếu nữ, thỉnh thoảng nhìn về phía tôi, rồi quay mặt ra nơi cổng soát vé. Có lẽ, cô đang đợi một người nào đó trên chuyến tàu sắp đến sân ga.

Chuyến tàu Hà Nội vào vừa đến ga, thì chuyến tàu khác hú lên một hồi còi dài báo hiệu cho biết tàu sắp chạy. Tôi vội vàng mang lại cái ba lô cho ngay ngắn sau lưng, rồi chạy băng qua trước mặt cô thiếu nữ, lúc này cô đứng gần cửa ra vào không còn ngồi ở dãy ghế chờ. Tôi nghe miệng cô hắt ra tiếng thở dài ngao ngán, vì không đón được người quen. Cô ta tỏ ra thất vọng. Tôi đi ra khỏi cổng soát vé, nhìn lại vẫn còn thấy cô thiếu nữ đứng lặng lẽ một mình ở nơi đó với vẻ mặt buồn rười rượi. Đây là lần thứ hai, thứ ba chi rồi, trong cuộc hành trình vô Nam ra Bắc. Tôi bắt đầu nghĩ ngợi trong trí nhớ của tôi về cô thiếu nữ ở nhà ga. Đó là một cô gái có đôi mắt tròn đen láy nhấp nháy trong cặp kính cận, dáng mảnh khảnh. Cô ta mặc chiếc áo sơ mi trắng để hở ngực lộ ra nước da trắng non nã làm cho cô tăng thêm vẻ đẹp trông rất gợi cảm. Chiếc quần jeans màu xanh bó sát trong cặp giò tròn căng, trên quần còn dọng lại những giọt mưa lấm tấm. Mái tóc dài xõa ngang vai như thời thập nhị niên trở về trước. Cô ta mang cặp kính cận thị độ bình thường, khoảng chừng 0,50 độ. Chẳng biết đó có phải thứ màu mè của trí thức hay của sự quý phái, cũng có thể là như vậy hoặc không. Trong trí nhớ về nhận xét của tôi về mẫu người của thiếu nữ chỉ là khoảnh khắc rất bình thường trong mớ hỗn độn vụn vặt. Tôi cố hình dung ra một thứ khác, nhưng mọi thứ xảy ra chung quanh tôi đều mơ hồ và trống rỗng. Rốt cuộc tôi cũng chẳng lý giải được tại sao cô thiếu nữ đó nhìn chằm chằm vào tôi, sao không phải là gã đàn ông ăn mặc lịch sự cao ráo đẹp trai đi cùng một chuyến tàu với tôi? Sao không là chàng trẻ tuổi tóc chẻ đôi kiểu như những thiếu nữ thập ngủ niên thời nhạc Bolero thịnh hành. Cũng có thể tôi giống như khuôn mặt, dáng hình không mập, không ốm y hệt chàng trai trẻ nào đó là người tình mà cô thiếu nữ ngồi chờ đợi.

Tôi nằm ngã lưng đầu gối lên thành ghế, thiếp đi trong giấc ngủ với một mớ cảm giác hổn độn chằng chịt. Tàu vẫn chạy chậm ôm những khúc cua dọc theo eo biển trước khi qua đèo, bánh sắt đay nghiến trên đường ray tạo nên những âm thanh từng hồi kêu khùng khục… khắc khoải. Thỉnh thoảng nghe giật mình bởi những tiếng ho khan kéo dài của ông già gầy còm hay tiếng trẻ nít khóc thét giữa đêm khuya trong toa tàu. Tôi lại nghe tiếng gió thổi vù vù ngoài cửa tàu. Có những đêm ở quê nơi hoang dã, tôi cũng nghe tiếng gió thổi vù vù y hệt như vậy. Tôi còn nhớ cả buổi chiều hoàng hôn mặt trời tròn vo đỏ rực lặn xuống núi.

Sân ga xép đón tôi bằng cái nắng nóng chói chang của màu hè. Tôi không còn nhớ rõ lúc ấy là mấy giờ, chỉ nghe mùi gió nóng tạt vào mặt. Tôi mang ba lô trên vai, xuống tàu như những hành khách khác. Cảm giác lúc đó nôn nao như có một ai đó đứng đợi ở sân ga. Quang cảnh dòng người vô ra chen lấn nhau làm lòng tôi bối rối. Tôi đến khu vệ sinh rửa mặt soi gương vuốt lại mái tóc rối bời trong lúc chen lấn khi xuống tàu. Bước ra khỏi khu vực vệ sinh. Nhìn ra xa thăm thẳm tôi như một kẻ vừa mới được trở về sau những tháng năm sống nơi đất khách quê người. Về lại quê cảm thấy tâm hồn bình yên, những bước chân nhẹ nhàng như một dãi mây trắng bay trên bầu trời.

Tôi hòa mình vào dòng người trong sân ga. Tôi nghe tiếng cười nói râm ran lẫn tiếng trách móc nhau của đôi bạn trẻ. Cảnh chia tay rồi lại hội ngộ tay bắt mặt mừng như một nhịp đời đang chảy miên man trong kiếp nhân sinh.

Tôi đi bộ tà tà ra khỏi cổng ga, cánh xe ôm, xe taxi hỏi tôi về đâu? Họ níu kéo tôi về phía họ. Tôi đứng phân vân, rồi bước lên chiếc taxi đậu bên kia đường. Người tài xế nói hôm nay ngày gì mà chạy ế quá tôi là người đầu tiên.

Tiếng máy xe nổ giòn tan, xe chạy chậm hắt ra khúc nhạc Bolero không lời, hòa âm vỡ vụn như tạo ra một thứ âm thanh nhạt nhẽo. Tôi ngồi ghế sát đuôi xe, ngước nhìn lại phía sau, thấy bụi khói bay mù mịt từ ống bô xe gắn máy đời cũ, những người đi đường lấy tay bịt mũi, còn những người khác họ dắt díu nhau đi trong lặng lẽ. Trên chuyến tàu trở về quê của tôi lúc nào cũng có nhiều cảm xúc mãnh liệt.

Xe taxi dừng lại nơi ngã ba rẽ vào con đường đất đỏ. Tôi chậm rãi bước đi dưới cái ánh nắng chiều vàng vọt. Bỗng nghe từng bước chân mình nặng trịch, đôi giày phủ thêm một lớp bụi đường dơ bẩn. Cánh đồng xanh ngút mắt ở hai bên đường sóng lúa rì rào nhấp nhô. Ở đây có mương máng lúc nào cũng đầy nước. Bóng tôi in xuống đáy mương quyện vào dãi mây trắng trôi lững lờ. Ngày xưa mưa gió lũ lụt nước dâng cao tôi và lũ trẻ trong thôn xóm đi thả cá bắt cá rô đồng.

Ngôi nhà tôi mười mấy năm rồi không có người ở gián nhện giăng trên cửa sổ, trên góc tường, nói chung trong nhà chỗ nào cũng có, bụi bặm phủ đầy trên bàn ghế, giường chiếu… ngôi nhà trống vắng, hoang vu cái giếng nước đầy trong veo vẫn như xưa. Bóng chiều tà nghiêng nghiêng trải dài mờ nhạt trên ngọn đồi sau nhà. Anh bạn láng giềng cách nhà tôi cái hàng rào, thấy tôi về bỏ dở chén cơm đang ăn để xuống bàn. Anh bạn chạy lại bên hiên ngồi với tôi. Anh bạn nói tôi lúc này đen và gầy hơn lúc trước rất nhiều. Chắc là đi ngoài nắng nhiều lắm phải không? Tôi cũng chẳng giấu diếm chi về công việc làm ăn ở đâu cũng vậy. Đi buôn bán thì phải chạy đôn chạy đáo bất kể trời nắng hay mưa. Nắng nóng Sài Gòn thì khỏi phải nói lúc nào cũng hừng hực như thiêu đốt. Vã lại tôi vừa trải qua cơn đau dạ dày ăn uống không được như ý muốn. Tôi lấy trong ba lô ra một lọ thuốc tây bác sĩ cấp trong bệnh viện cho anh bạn xem. Tôi uống liên tục đến nỗi nghe dờn dợn trong người, thế mà bệnh chẳng nhằm nhè gì.

Mỏi mệt, tôi nằm thiếp đi trên hiên, đầu gối lên ba lô. Màu nắng chiều ở quê nhợt nhạt nhưng rất oi nồng. Anh bạn láng giềng lấy quạt mo ngồi phe phẩy quạt cho tôi như những ngày còn thơ ấu Bất chợt cơn gió ở đâu thổi về phủ hàng rào dâm bụt. Thỉnh thoảng, tôi có cảm giác như anh bạn xoa dầu gió trên trán mình. Bàn tay anh bạn thô tháp, vầng trán của tôi cũng thô tháp và đượm mùi nắng gió. Tôi lặng yên như buổi chiều quê sắp tàn. Trong cái nhìn lơ mơ của tôi, hoa dâm bụt đã nở đỏ trên hàng rào trước sân.

Ngọn gió nồm từ cánh đồng xa thăm thẳm thổi về mang theo hơi nóng, cơn ngái ngủ xâm chiếm vào đôi mắt rồi đi vụt qua một cách ngổ ngáo. Những cử chỉ mỏi mệt trên chuyến tàu bắt đầu biểu hiện trên cơ thể và chân tay. Tôi xoay người làm một vài động tác, như vươn vai hít thở không khí vào lồng ngực mới phát hiện ra mình vẫn còn mặc bộ đồ lúc đi về để vậy nằm dài trước hiên nhà. Bỗng nghe tiếng động sột soạt ngoài vườn. Tôi vội chạy ra thì thấy anh bạn trèo lên cây dừa. Trong nhà tôi chạy ra vườn chỉ mất mấy giây mà đã thấy anh bạn ở trên ngọn cây dừa tài thật, chắc anh bạn phóc một cái lên tới ngọn nhanh như sóc.

Nghe tiếng chân tôi đạp lên đám lá khô rào rạc, anh bạn ở trên ngọn cây dừa nhìn xuống:

–  Dậy rồi hả Đông?  Tao hái dừa uống nước, nước dừa xiêm ngọt lịm.

Tôi nhặt từng trái dừa xiêm đem vô nhà. Anh bạn đứng dưới gốc cây dừa hắt ra hơi thở hổn hển một cách nặng nhọc. Thế mà anh bạn cũng còn hơi để nói:

– Chặt ra một, hai trái uống, còn lại để đó uống dần không hư đâu mà sợ.

Anh bạn nhìn tôi phân trần:

Mày về tao mới hái, không ai hái nó cũng tự động rụng xuống đất lâu ngày khô, tự thân nó nức mầm ra cây con.

– Mai mốt anh bạn rãnh rỗi hái hết mấy chùm dừa còn lại đem ra chợ bán, mua gà làm một bữa nhậu với anh em hàng xóm.

– Mày nói vậy nghe cũng hay đó.

Thấy tôi còn mỏi mệt anh bạn hối thúc:

–  Đi tắm rửa thay áo quần cho mát

Dáng người anh bạn cao dong dỏng khuất dần sau hàng rào dâm bụt đổ dài theo bóng chiều hiu hắt. Mùi khói bếp bay vào mắt tôi cay xè. Tôi quệt những giọt mồ hôi trên trán thấy lòng ấm áp. Mùi cá rô đồng kho khô anh bạn đem cho bốc lên mũi như mùi thơm quê hương.

3.

Trăng rằm đã nhô lên cao trên đỉnh núi. Tôi bưng cái bàn nhỏ để giữa sân, chốt cửa lại. Tôi khoác thêm chiếc áo ngoài sợ sương xuống lạnh. Đem bình trà nóng với hai cái tách. Giờ này, cả làng đều đi ngủ sớm, chỉ có nhà anh bạn láng giếng còn thức thế nào anh bạn cũng sang uống trà với tôi. Bóng trăng soi rọi xuống sân một thứ màu bàng bạc vàng. Tách trà nóng bốc hơi, thực ra cũng không phải trà mà là chè xanh phơi heo héo. Ngoài đồng lũ côn trùng đồng ca khúc nhạc không lời trổi lên những âm thanh trầm bổng nghe tẻ nhạt vô hồn. Tôi ngồi uống từng ngụm cho thấm cái vị chát chè xanh quê nhà. Anh bạn thì rít một hơi thuốc lào nhả khói bay vòng vèo rồi tan vào đêm đen. Hơi thuốc lào ép phê có lẽ chạy vào trong máu, thấy anh bạn rùng mình ngồi thừ ra như tượng gỗ. Một lúc rồi anh bạn cũng nói cười bình thường. Ngồi nhìn mặt nhau, tôi, anh bạn chẳng có một lời nào. Bỗng nghe tiếng thở nhẹ từ phía sau lưng, tôi nhận ra đó là Kim, người con gái lớn lên học sau tôi hai lớp ở bậc tiểu học. Tôi lấy thêm cái ghế và tách trà. Tôi rót trà mời nàng uống. Hình như Kim đang giặt một thau đồ ở ngoài giếng vào. Kim vừa cài lại cái nút áo, xả ống quần xuống sát mắt cá chân, ngước nhìn tôi và anh bạn láng giềng. Ánh nhìn của nàng làm cho tôi bối rối. Một khoảng thời gian im lặng. Tôi nghe tiếng gió vi vu thổi ào ào qua cây lá trong vườn.

– Anh Đông! – Nàng khẽ gọi tên tôi, hơi thở nhẹ nhàng của nàng có cảm giác như lời mở đầu câu chuyện.

– Kim, trời chuyển dần về khuya còn đi giặt áo quần không sợ ma à?

–  Ban ngày em đi buôn bán có rảnh đâu? Anh Đông về lúc nào vậy?

– Hôm qua vào buổi chiều. Em ngồi xuống uống trà với tụi anh.

Anh bạn người ít nói cũng lên tiếng.

– Kim đợi mày về mới ra giếng mày giặt giũ quấn áo. Nhà tau ở gần nhưng có bao giờ dám bén mảng đến giếng nhà mày đâu?

– Anh Thủy nói quá lời, anh Đông về lúc trời hạn hán, giếng của em khô cạn nước.

Sự cười đùa tung hứng giữa tôi, Kim và anh Thủy dần tan biến vào màn đêm mờ ảo. Nàng ngồi trước mặt tôi bờ vai thon tròn lẳn. Nước giặt đồ văng thấm ướt vạt áo dưới bụng, nàng lấy tay che, vụng về nhưng rất là dễ thương. Nhìn nàng những lời nói của tôi không còn mạch lạc trở nên ngổ ngáo, trong khi anh Thủy không tạo ra được một bầu không khí vui vẻ cho ra hồn, chắc có lẽ quen mặt, đùa giỡn đâm ra dư thừa. Anh Thủy cảm thấy hụt hẫng nên đứng dậy ra về.

Nàng vẫn là thiếu nữ đẹp nhất làng này, hệt như cái ngày xưa ấy mấy cô con gái tung tăng theo bọn con trai chúng tôi lên đồi hái sim chín, đi trộm me nhà người hàng xóm, dùa giỡn vật lộn nằm đè lên nhau trên đám cỏ xanh vậy mà không có đứa nào mắc cở, rất là hồn nhiên. Nàng uống hết tách chè xanh đứng dậy đi đâu đó rồi quay lại chỗ ngồi nhìn đăm đắm vào mặt tôi. Bặt tăm một thời gian quá lâu không biết nàng đã có chồng hay chưa. Hình ảnh cô bé Kim cứ chạy mãi trong thời niên thiếu của tôi. Trong khi đó tuổi thanh xuân của tôi một thời gắn chặt với những cánh rừng bạt ngàn Nàng mờ mịt dần theo thời gian. Đêm nay lại ùa về trong trí nhớ ứ nghẹn nơi cuống họng làm cho hơi thở bị vướng không thông. Thỉnh thoảng, trong những chuyến về quê mấy năm trước đây, mẹ cũng bắt tôi lấy vợ, mẹ nói có mê muội cô gái nào thì nói mẹ chuẩn bị tư thế để đến thăm nhà dạm hỏi. Đời người lang bạt trong tay chẳng có một cái nghề nào cho ra hồn, nên không muốn làm cho hao  mòn thời thanh xuân của bất cứ cô gái nào, mà con gái ở trong làng này thì càng không nên. Tôi tự nhủ lòng mình như thế.

Rồi đêm trăng tiếp theo tôi đợi đến giờ sau bữa cơm tối, nàng dọn dẹp nồi niêu, soong chảo bếp núc xong mới ra giếng giặt một thau đồ. Lần ấy thấy lâu quá tôi đoán không sớm thì muộn thế nào nàng cũng ra giếng. Nhưng lần này nàng không giặt áo quần, mà đem hai cái thùng thiếc gánh nước về nhà dùng. Vì giếng bên nàng nước cạn, thả gàu xuống chạm đáy giếng kêu sột soạt. Nàng nói với tôi như vậy. Nàng nhờ tôi múc nước đổ đầy hai thùng thiếc để nàng gánh về đổ trong lu. Mái tóc nàng thơm mùi bồ kết, nàng dùng bồ kết gội đầu cho rẽ tiền, nàng nói nhỏ nhẹ như gió thoảng, ước gì đêm trăng nào anh Đông cũng ra giếng múc nước giùm cho em. Tôi nghe bất ngờ không tin vào sự thật.

Đêm trăng tiếp theo sau đó tôi còn ở lại cho đủ ba tháng. Trong đêm trăng đó tôi ôm được nàng trong vòng tay. Nàng thở ra hơi thở hổn hển. Tôi vuốt mái tóc mượt mà của nàng, cúi hôn môi nàng khẽ rung lên hơi thở nóng bỏng. Mặt tôi úp vào bờ ngực căng tròn. Thật ra tôi cũng chẳng biết đến bao lâu. Khi ngẩng đầu nhìn lên đỉnh núi thấy trăng nghiêng lệch về một bên núi.

4.

Trước ngày đi, tôi mời anh Thủy láng giềng ăn với tôi một bữa cơm tối, uống rượu gạo. Hứng lên hai anh em nốc hết một xị rượu. Lúc ngà ngà say tôi tự thú với anh Thủy, tôi đã ôm hôn Kim. Anh Thủy nói làm tiếc để xảy ra những cái nhạy cảm rất hệ trọng. Anh nói Kim còn mấy tháng nữa đám cưới, làm vậy người ta biết được, mang tiếng, lỡ như lọt đến tai anh chàng đó thì sao, làm vậy mày hại Kim rồi. Tôi ngồi tê dại một mình trong bóng đêm hoang vu. Dường như tôi cũng nghe tiếng ấm ức trong lòng của nàng.

Nghe tiếng gà gáy canh năm tôi thức dậy bỏ áo quần vào ba lô chuẩn bị sẵn đi sớm để trốn nàng. Trời hừng sáng tôi mang ba lô ra đi. Anh Thủy đứng trước cửa vẫy tay, nhìn theo những bước chân tôi trên đường. Sau bụi chuối trong mù mờ sương tôi thấy bóng người con gái đứng thập thò, có lẽ đó là nàng.

Chuyến trở về Sài Gòn, tôi mang theo nỗi buồn xa vắng, xâm chiếm dư âm về những ngày dài tiếp theo. Tôi không thể ở lại quê lâu hơn được nữa. Cuộc đời tôi luôn luôn thôi thúc như một mệnh lệnh. Thiếu thốn cơm ăn áo mặc, thiếu những năm tháng đến công sở làm việc. Cuộc đời tôi không còn tồn tại. Tôi đi vào ngã rẽ mông lung không có định hướng dễ dẫn đến con đường hư danh hão huyền..

Không biết Kim có còn ngồi đợi tôi ở cái giếng vào mỗi đêm trăng tròn vành vạnh ở quê. Trong trí nhớ của tôi đêm trăng đó, đêm trăng cuối cùng tôi ôm nàng vào lòng, khiến tôi bứt rứt mãi.

Chuyến tàu nhanh chạy suốt đêm qua sáng hôm sau dừng lại nhà ga Sài Gòn nơi mà trước đây thấy cô thiếu nữ ngồi đợi tàu, nhìn thẳng vào mặt tôi với đôi mắt đượm buồn.Tôi bước xuống tàu làn gió nóng thoảng qua nghe bỏng rát mặt. Tôi nhìn về dãy ghế ngồi đợi tàu đi, tàu đến rất đông người ngồi không để trống một ghế nào. Tôi nhìn đi nhìn lại hai ba lần nhưng không thấy cô thiếu nữ đó ngồi đợi ở đây nữa. Trong lòng tôi lúc ấy cũng trống rỗng. Tôi cất bước đi trong vòng xoáy cuộc đời trước mắt tôi vẫn là một khoảng trống vô hình. Tôi bước vào quán bán nước giải khát trong nhà ga gọi cộ chủ quán ly cà phê đen nóng uống cho tỉnh táo tâm hồn. Trong lúc vui miệng tôi mới hỏi cô chủ quán như một người  khách có nhiều chuyện để nói bên lề cuộc sống.

– Cô có biết ở ga này, mỗi buổi sáng hay chiều có một cô thiếu nữ hay ngồi ở dãy ghế đợi tàu. Trong lúc hành khách lên tàu đi, cô thiếu nữ đó vẫn còn ngồi một mình chờ chuyến tàu cuối cùng đến sân ga?

Cô chủ quán nói một hơi không hề vấp váp:

– Chị mang kính cận đó phải không? Chị đó hay ra đây ngồi uống cà phê, có lần chị ấy tâm sự với em, chị tên Huyền có người yêu đi lính. Cũng nhà ga này đã nhiều lần chị đón anh về trong vòng tay yêu thương. Lần này thì người lính đó không bao giờ về nữa, theo như lời anh bạn thân của người lính đó về báo lại cho chị biết. Chị nói đây là lần cuối cùng, không bao giờ chị đến ga này nữa. Em thấy chị ngồi ứa nước mắt, rồi đứng dậy ra về.

Mai này cô thiếu nữ đó không đến sân ga này nữa nhưng tiếng còi tàu vẫn còn hú mãi trong cuộc hành trình Nam – Bắc.

5.

Tôi bước ra khỏi quán nước trong nhà ga, hút điếu thuốc lá cuối cùng còn lại trong bao. Ngày đi, Sài Gòn chìm trong những cơn mưa bụi, ngày về Sài Gòn nắng nóng, người đi và xe cộ chạy nườm nượp qua lại trên đường. Sài Gòn là vậy đó, phủ trong lớp áo hào nhoáng bề ngoài. Ai có sống làm ăn lâu năm ở đây mới cảm nhận được những thăng trầm, có người thăng hoa giàu có, cũng có người ngã ngựa trên con đường đời đầy may rủi.

Những ý nghĩ rời rạc vô hồn, mơ hồ rỗng tuếch cũng tan biến dần theo thời gian.

V.K.T