Người thợ chỉnh Violon – Truyện ngắn của Võ Chí Nhất

611

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Võ Chí Nhất sinh năm 1993 tại Huyện Củ Chi, TPHCM. Hiện anh đang công tác tại Công an huyện Củ Chi, TPHCM, Uỷ viên Ban Điều hành Chi hội Nhà văn Bến Nghé – Hội Nhà văn TPHCM. Năm 2017, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM khi vừa 24 tuổi, là một trong những Hội viên trẻ nhất của Hội. Anh đã xuất bản 3 tác phẩm và nhiều tuyển tập in chung khác. Vanchuongphuongnam.vn trân trọng giới thiệu truyện ngắn Người thợ chỉnh Violon của anh đến với bạn đọc.

Nhà văn Võ Chí Nhất

Ở Củ Chi có một khu nhà biệt lập dành cho giới thượng lưu. Họ dư giả, họ có đủ điều kiện nên không phải lo cái ăn, cái mặc như đại đa số những gia đình hạng trung sống xung quanh. Họ không cần phải lao động 8 giờ một ngày. Họ ăn chơi đàn đúm vào những lúc bọn đàn ông thôi nghĩ đến những cô nàng chân dài, và những cô gái quên đi hình bóng của chàng trai mà họ để mắt. Họ nướng tiền vào những cuộc vui vô bổ, những thú tiêu khiển và thõa mãn với cuộc sống giàu sang hiện tại của mình.

Ở khu này có 30 mái nhà và cũng có 30 cung cách sống khác nhau. Những niềm vui kéo họ lại gần nhau và họ xa lánh khi có điều phiền muộn. Những câu chuyện của họ làm cho người nghe chán ngấy, mỗi khi được một người lắm lời nào đó nhắc tới một cách cẩu thả: “Bọn nhà giàu khó ưa…”. Thế rồi chẳng ai xen vào chuyện của ai, chỉ có cảnh sát xuất hiện khi đám người đó xảy ra xung đột sau khi chơi vài ván bài. Đôi khi cảnh sát phải ung đầu vì những thứ tầm phào của họ.

Hiếm khi có người lạ xuất hiện trong khu này.

Nhưng, lạ. Một chiều nọ, khi ráng chiều đổ vàng như quả cam chín, một cô gái ước chừng hai bốn, hai lăm tuổi rảo đôi guốc mộc của mình trong khu của “bọn nhà giàu khó ưa” ngự trị. Cô hỏi tìm căn nhà số 51. Trông cô khá mệt mỏi, có lẽ cô đã lao động chăm chỉ suốt 8 giờ đồng hồ. Dù vậy, cô gái vẫn cố gắng bước đến chiếc cổng có số 51 kia để bấm chuông. Tiếng chuông vang lên rồi thả chìm theo ánh mặt trời đương ngụp tắt sau táng bằng lăng tím e lệ bên vệ đường.

Một người đàn bà mang tạp dề hối hả chạy ra nơi cô gái lạ đứng. Hẳn người đàn bà đó là người giúp việc trong ngôi nhà sang trọng này. Bà nhìn cô gái với ánh mắt lạnh vì trước giờ chưa từng gặp một vị khách kém sang nào xuất hiện trong khuôn viên này. Vẻ mặt bà ta u ám, có lẽ vì công việc nội trợ đã mài mòn sự tươi tắn vốn có ở một người đàn bà. Bà ta chuẩn bị dẩu môi lên hỏi lý do thì cô gái bắt đầu cất giọng trong văn vắt: “Tôi cần tìm một người thanh niên có tên là William”. Rồi người giúp việc thở dài, hệt như đọc một cuốn tiểu thuyết khi biết trước mọi tình tiết, chẳng còn gì lý thú nữa. Nhưng, giọng điệu nhấm nhẳng kia bị che lấp bằng hơi hướm của sự vui mừng không thể che giấu: “Thì ra là cô giáo dạy nhạc”.

Bấy nhiêu đó vẫn chưa chinh phục được sự khó tính trong người đàn bà này. Bà lại thắc mắc “giáo viên dạy nhạc lại không mang nhạc cụ gì sao?”.

– Bà cho tôi vào, cậu William đang đợi tôi ở phòng học nhạc. Trễ mười phút rồi bà ạ. Tôi không có thời gian để trả lời những câu hỏi không đâu của bà.

– Mời … mời cô vào… cậu chủ đang đợi cô ở tầng hai.

Cô gái theo người giúp việc vào nhà và ngỡ ngàng trước sự sang trọng của cơ ngơi vừa đặt chân vào. Một luồng ánh sáng trắng tỏa ra từ chùm đèn trên trần nhà bao trùm toàn bộ gian sảnh lớn. Cô rụt rè, cô cảm thấy ngần ngại vì tia nhìn mà cô đọc được trong mắt người giúp việc. Cô đã ngừng lại ba phút để nhìn bức chân dung tự họa của Van Gogh với một bên tai bị băng – một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật. Cho đến khi cái giọng khinh nhờn kia nhắc nhở, “Cô không định di chuyển tiếp sao?” Cô mới đặt đôi guốc mộc lên chiếc cầu thang xoăn tít.

Người giúp việc vừa đi vừa nói:

– Cô là người thứ tư nhận công việc này đấy. Trước khi cô đến đã có ba người nhận việc dạy nhạc cho cậu chủ. Một thanh niên trong số đấy cũng đứng lặng người bên bức tranh Van Gogh kia, và tôi cũng phải nhắc nhở cậu ta vì sự thiếu lịch sự của mình.

Cô gái không quan tâm đến việc lịch sự hay không mà chỉ quan tâm đến người dạy nhạc mà bà ta vừa nhắc tới. Cô đăm chiêu:

– Tên anh ấy là gì bà nhớ chứ?

Bà ta ngó nghiêng 45 độ như đang hồi tưởng những điều mà bộ óc già nua đang tua lại và cái miệng dẻo sẽ mách lẻo:

– Hình như tên là Quang… à mà không, tên là Mãi chứ lị. Một anh chàng điển trai có thói quen hất tóc ra sau mỗi khi nói chuyện với người khác.

– Đồng điệu đến thế sao? – Cô gái cắn môi, lầm bầm rồi hỏi tiếp – Thế anh ta nghỉ việc từ khi nào? Hiện anh ta ở đâu bà biết không?

– Nghỉ việc hơn tuần rồi. Hắn ở đâu làm sao tôi biết được?

– Phòng cậu chủ đây rồi. Mời vào…

– Cảm ơn bà…

Khi William nhìn thấy cô như tìm ra chân lý đời mình. Anh vui vẻ hết mực: “Mời cô giáo ngồi”, “Mời cô dùng một ít cam thảo cho đỡ mệt”… Có vẻ anh mời cô đến để hưởng thụ hơn là để giúp anh tìm ra nguyên lý của cây đàn violon mà anh cố công tìm hiểu. Cô bày tỏ quan điểm của mình, rằng: “Tôi đến đây chỉ có hai công việc: một là dạy anh học đàn và giúp anh chỉnh lại dây đàn. Ngoài ra, không việc gì khác”.

William đã mời cô giáo đến nhà theo lời gợi ý của mẹ anh ta. Với cô, đây chỉ là việc làm thêm ngoài giờ nên Tuyết chỉ có thể dành cho anh vỏn vẹn hai giờ vào những buổi tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy.

Nhưng chỉ bấy nhiêu đã làm William vui như sáo.

Để đáp lại lòng tốt của Tuyết, mỗi buổi học anh đều dành cho cô một đóa hồng. Điều đó sẽ là động lực khiến cô dạy tốt hơn và anh tiếp thu bài dễ dàng hơn. Đó là lý do mà William cho là chính đáng, nhưng cô đã từ chối. Tuyết bắt đầu công việc của mình bằng cách hướng dẫn William chọn đàn. Cây vĩ cầm có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, bai bên và cổ làm bằng gỗ thông. Dây đàn làm bằng vây cá voi…

Đã có ba người nhận công việc này, nhưng dường như chỉ có Tuyết làm cho William thực sự ham học. Bởi vì thế mà họ bị sa thải cùng một lý do: “Con không thích giáo viên dạy violon của mình là… đàn ông”. Anh đã nói với mẹ mình như vậy.

Ban đầu Tuyết có ý không nhận dạy ngoài giờ cho William. Nhưng, khi biết đã từng có ba người giáo viên dạy anh, trong đó có một người khi chơi vĩ cầm có thói quen vuốt ngược mái tóc của mình ra sau. Mặc dù không rõ lý do anh ta bị sa thải nhưng Tuyết cảm thấy cô thật vinh hạnh. Có thể giáo viên nam không làm William thích thú hơn một giáo viên nữ, dịu dàng trong mọi thao tác.

Ngày đầu học cô giáo mới, William ví cô giáo của mình như dây La trên cây đàn vĩ cầm, cái dây phát ra âm thanh mềm mại và dịu dàng.

Ở chỗ William, cô trông thấy cây vĩ cầm quen thuộc đặt ngay ngắn trên kệ. Cô muốn khám phá nó nên nghĩ ra một cách: “Tôi cần một li cam vắt để đẩy lùi cơn khát của mình”. Thế rồi William đi xuống bếp. Bây giờ thì cô có thời gian rảnh để bày tỏ sự xúc động của mình với cây đàn đó. Tuyết đã rơi nước mắt khi nhìn thấy nó, nhưng khi William trở lại, cô đã không để anh nhìn thấy những giọt nước mắt đó. Dường như cô cảm thấy Mãi đang ở đâu đó, gần bên mình. Cô vuốt ve dây đàn, nhẹ nhàng như anh từng hôn lên má cô. Tuyết thổn thức, cô muốn gặp lại anh.

– Trước khi tôi nhận công việc này, những ai đã dạy cho anh?

Không nghĩ ngợi gì, William đáp:

– Như em thấy đấy, anh không biết tư thế cầm đàn đúng, cũng chả biết chỉnh dây đàn…

Tuyết nhấp một ngụm cam vắt theo lời mời của William rồi lặng im. Cô nhận ra sự mến khách giả tạo của những con người trú ngụ trong căn nhà này. Chẳng khác sự mọt ruỗng dấy lên trong một con đàn bà làm tiền, cô muốn ra về ngay. Nhưng, có gì đó khiến cô nán lại, có lẽ vì cô cảm thấy Mãi đang ở gần mình. Những manh mối về anh đang dần hiện lên đâu đây, ngay trong căn phòng anh từng dạy nhạc cho con người dối trá đang làm trò, đang cho cô là một kẻ ngốc đây này.

Rồi cô lại ngồi xuống ghế, từ chỗ cô có thể cô nhìn thấy rõ ràng con đầm bích đang ngửa mình dưới chân bàn để ly cam vắt lúc nãy. Lại một sự dối trá hiện diện đâu đây. Có vẻ như căn phòng này phục vụ cho mục đích sát phạt nhau hơn là dùng cho việc học hành. Cô chắc thế, nhưng chưa dám khẳng định giả thiết cô vừa nghĩ tới là đích xác.

Cô nghĩ, buổi học đầu tiên kết thúc ở đây là quá đủ.

Buổi học thứ hai, William vẫn tặng cô một đóa hồng đỏ thắm và cô vẫn từ chối. Hôm nay có cả máy ép nước cam và có sẵn một ly cam đặt bên cạnh chỗ cô ngồi.

Càng lạ hơn là cây vĩ cầm hôm qua mà cô cưng nựng vì nghĩ Mãi từng chạm vào đã biến mất như chưa từng xuất hiện. Lần lượt thay thế nó là bức ảnh Van Gogh tự cắt tai. Con đầm bích cũng biến mất một cách kỳ lạ. Có vẻ như đã có một bàn tay nào thu xếp lại mọi thứ. Nhưng cô tỏ ra không hề quan tâm đến việc đó, cô bắt đầu công việc chỉnh lại dây vĩ cầm trước khi bước vào bài học mới.

Dây đàn Tuyết vừa mới chỉnh cách đây hai ngày nhưng lại bị trùng. Thật kỳ lạ. William quyết định tự căng chỉnh, anh tháo hết tất cả các dây ra và nó làm cô khó chịu. Vì làm thế có thể sập phím đàn.

– Phải bắt đầu thay từ dây G lần lượt tới dây E. Anh Phải làm như thế!

– Anh nhớ!

Trong khi chỉnh dây đàn, cô để tâm trí mình hòa theo âm thanh du dương của bài Sonate Ánh trăng. Ngoài tiếng nhạc ra, cô có thể nghe thấy tiếng đàn ông cười nói đâu đó, âm thanh những quân bài tây va vào chiếc bàn phát ra từ căn phòng bên cạnh. Cô lắng nghe, xem trong số những giọng đó, có giọng nói nào quen thuộc…

Không, hiển nhiên là không. Vì anh đã bị sa thải trước khi cô đến mà. Rồi William mắc toilet, anh đi hơn nửa giờ mới quay lại.

Trong khoảng thời gian đó, cô đã đến bên bức tranh Van Gogh, bức tranh thoảng mùi nước hoa mà cô thích. Nói chính xác hơn là mùi nước hoa mà chính cô đã tặng Mãi vào dịp sinh nhật lần thứ hai mươi tám. Nó làm cô không cầm được xúc động, cô chộp lấy bức tranh kiếm tìm trong vô vọng. Cô thốt lên trong nước mắt: “Mãi… là anh… đúng thật là anh rồi”.

Mùi thơm mang theo “lưỡi câu” thoảng một lúc rồi tan biến. Mặc dù ngắn ngủi nhưng nó làm cô điên tiết lên. Đầu óc cô như cái la bàn loạn hướng. Cô chộp lấy bức tranh, chực xé thì William đi vào, ré lên: “Xin đừng… đó là bức tranh mà cha anh quý nhất khi còn sống…”.

Cô muốn nói lời xin lỗi vì quá kích động, nhưng cô đã quên khi tiếp tục công việc chỉnh dây đàn của mình. Những điều liên quan đến anh dần hiện ra quanh cô. Nó níu kéo cô quay trở lại vào buổi học kế tiếp. Nếu không có mùi nước hoa, nếu không ai nhắc tới thói quen vuốt tóc đó thì cô sẽ không quay trở lại đây thêm lần nào nữa.

Hôm nay, bức tranh biến mất, mùi thơm cũng không còn, thay vào đó là mùi hương dịu nhẹ của một người phụ nữ. William cũng mất nửa giờ để đi sang căn phòng có tiếng cười lớn và phát ra âm thanh chan chát của những lá bài tây ma sát vào mặt bàn.

Cô đi đến bên hộc bàn mà mình dạy đàn mỗi tối.

Cô phát hiện tấm ảnh chân dung của mình…

Cô phát hiện dòng chữ sau lưng tấm ảnh: “Tặng người yêu bất tử của anh”.

Đó không phải là tấm ảnh mà Mãi đã tặng cô sao? Đúng là nó thật rồi. Đúng là anh đã từng xuất hiện ở đây. Cô đến trễ, anh đi rồi. Cô bắt phải những lá Kiếm trong bộ bài Tarot. Cô không cầm lòng được nữa, cô phải đi tìm anh. Thế rồi bóng dáng cô tan trong màn đêm.

Một hôm, khi mẹ William bước vào phòng học đàn, đã thấy anh sướt mướt bên cây violon, tay còn cầm tấm ảnh chân dung Tuyết. William lẩm bẩm:

– Tuyết… anh xin lỗi em… anh thật sự có lỗi với em…

Thấy có người bước vào phòng, anh nhanh chóng lau những giọt nước mắt trên mặt rồi kéo ngăn tủ ra, cho tấm ảnh đó vào vị trí cố hữu của nó rồi đóng sầm lại. William quay về phía mẹ mình, mỉm cười với nét mặt tươi tắn như không có gì xảy ra:

– Mẹ…

Wiliam sững người, nghệt mặt ra.

– Cô giáo dạy violon của con đâu?

– Đi rồi…

– Nghỉ rồi à? Hóa ra cô ta cũng giống như anh chàng có thói quen hất tóc ra sau mỗi khi nói chuyện với người khác sao?

– Đúng thế!

– Mẹ còn nhớ sau vụ thua bài ấy, mẹ đã gọi cảnh sát đến tóm cổ hắn ta. Mẹ chưa từng thấy một người thợ chỉnh violon nào lại hư đốn như thế.

V.C.N