Người thợ rừng – Truyện ngắn của Khương Quỳnh

922

Khương Quỳnh

Cứ mỗi lần về quê, tôi lại nghe mẹ kể đủ chuyện vui buồn của những người trong xóm, vài lần sững sờ nghe tin một ai đó vừa qua đời. Lần này là chú Sáu Lo. 

Mẹ bảo chú mất thật lạ. Trước khi mất, những cơn đau ung thư hành hạ, như khiến chú hóa dại. Thỉnh thoảng, chú chạy đâm sầm về hướng cuối xóm, nơi từng là một cánh rừng. Lần cuối cùng, chú ngẩng cổ, chạy mãi theo một con chim chèo bẻo đang bay về núi. Khi tiếng kêu “két kẹc” đã tan vào không trung, người ta mới đuổi kịp chú Sáu, lúc này đã nằm giãy giụa trên một tảng đá khô khốc, nóng ran, khó nhọc bật ra những từ hấp hối: “Cho tôi về rừng”. Nhưng rừng giờ đã trở thành khu du lịch sinh thái, hàng rào tứ phía, chỉ để một cổng chính để dễ bán vé.

Ngày trước, khi mới vào Nam đi kinh tế mới, những khu vườn khai hoang dang dở, vừa gieo hạt chưa kịp có gì thu hoạch thì rừng trở thành kế sinh nhai của người làng. Họ vào rừng lấy măng, kiếm mây, săn thú sống qua ngày. Chú Sáu hồi ấy được mệnh danh là “thợ rừng”. Lúc nào, chú cũng phăng phăng đi trước dẫn đường, chỉ cần nhìn tia nắng, nhìn sao trời cũng tìm được hướng ra. Chú ở trong rừng nhiều hơn ở nhà. Những ngày “đi làm” về, dù người ướt lạnh, bốc mùi, mặt hốc hác, chú vẫn vui vẻ, vừa đi vừa hát. Gặp đứa trẻ con nào bốc đất chơi ngoài đường, chú Sáu bảo chúng giơ vạt áo ra rồi trút đầy những hạt bép thơm bùi vào đấy.

Có một lần, cả làng phải đốt đuốc đi vào rừng tìm chú sau hai ngày mất dấu. Đàn ông chia nhau ra năm bảy đường, họ réo gọi vang vọng. Những người đàn bà ngồi ở bìa rừng thấp thỏm đợi tin. Nửa đêm, chú vén lá, ló đầu ra, ì ạch cõng con hoẵng to tướng trên lưng, ngơ ngác chẳng hiểu vì sao có bao người reo lên vui mừng. Khi biết chuyện cả làng đổ đi tìm mình, chú cười nhăn nhở: “Mải đuổi theo con hoẵng”. Từ đó trở đi, người làng gọi chú là Sáu Lo để đánh dấu một sự kiện dở cười dở khóc.

Mẹ bảo làng biết, một “thợ rừng” như chú Sáu chẳng dễ gì đi lạc. Nhưng ai cũng lo lắng, dáo dác đi tìm. Vì cánh rừng mang đến bao điều lành cùng muôn vàn điều dữ. Như cô Oánh bị dòng suối trong rừng cuốn trôi, bảy ngày sau mới chịu nổi lên. Hay ông Tý, lúc dân làng tìm thấy thì xác đã trương phình, thối rữa.

Rất nhiều người vào rừng mãi mãi không trở về. Vào mỗi mùa ươi bay, đàn ông xóm tôi đổ xô đi tìm những cây ươi cổ thụ. Họ khắc tên mình lên thân cây, đánh dấu quyền sở hữu. Ngày hôm sau, cả chục người thay phiên nhau cưa hàng giờ mới hạ gục được thân cây, chỉ để vặt những trái ươi xanh về bán. Có lần, nhóm người xóm tôi đụng độ với đám trai xóm bên vì một cây ươi khắc tên hai người…

Mỗi mùa ươi mang đi một vài người đàn ông trụ cột, để lại trong lòng những người đàn bà quê tôi vết thương mãi chưa lành như cách dân làng để lại bao nhiêu khoảng trống trọc lóc, nham nhở nơi cánh rừng. Sau vài năm, ươi chẳng còn nữa, chỉ còn các gốc cây trơ trọi. Nhựa bám quanh thân đặc quánh chẳng khác nào lớp vảy dày bám trên da thịt con người sau khi nhận một nhát chém sắc lẹm. Mây, măng, thú rừng cũng ngày càng trở thành của hiếm.

Về sau, các khu vườn bắt đầu cho thu hoạch, người ta dần quên đi những cuộc mưu sinh khắc nghiệt nơi cánh rừng – lúc này cũng đã kiệt quệ, nghèo nàn. Chỉ còn chú Sáu Lo vẫn quanh năm quẩy túi vào rừng, thỉnh thoảng mang về con cheo cheo, gà rừng, bảo vợ kho thật mặn. Vợ chú lơ đãng, xanh xao đang lo bán hết món nọ đến món kia để trả nợ cho thằng con bài bạc.

Như một con thú bị thương, luôn muốn quay về rừng để chữa lành hoặc tìm chỗ phơi xác, chú Sáu Lo chọn rừng làm nơi “ở trọ” cuối cùng chốn trần gian khi phát hiện mình bị ung thư. Chú sống như một người rừng, ngồi thiền và lấp đầy dạ dày bằng rau trái dại. Cho đến ngày doanh nghiệp xây dựng khu du lịch sinh thái, chú gào lên khi đám máy múc tràn vào cánh rừng. Nhưng không như đêm cả làng đốt đuốc đi tìm, giờ người ta bỏ mặc để chú đứng chơ vơ giữa cánh rừng tan tác. Đây mới là lần người thợ rừng lạc thật sự.

Đám tang chú Sáu, nhiều người chẳng máu mủ ruột rà cũng chảy nước mắt xót thương. Để thực hiện di nguyện của người quá cố, vợ chú đã phải đi rất xa, tìm một cánh rừng già rải tro cốt chồng mình. Cô buồn mãi chỉ vì rừng ở quê đã mất, không thể giữ người thân ở khoảng cách gần gũi nhất. Cả xóm cùng vợ con chú mang tro cốt người mất về rừng. Họ cắm nhang, khấn nguyện khi những nắm tro được rải xuống đất. Vài người đàn ông từng là bạn rừng với chú Sáu cầm nén nhang đứng lặng thinh, thỉnh thoảng hướng mắt về nơi trước kia là cánh rừng thân thuộc.

“Vậy là xong một kiếp”, ai đó khe khẽ thở dài, không rõ đang cảm thán cho một kiếp người hay một kiếp rừng.

(Theo SGGP)