TS Bùi Mạnh Hùng
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thân sinh của ông là một trí thức theo kháng chiến, từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Trị thời chống Pháp. Xuất thân từ một gia đình như vậy, nhưng Trương Quang Đệ không theo đuổi con đường chính trị để làm quan chức mà chọn con đường trở thành một trí thức thuần túy, sống, làm việc và nhìn nhận mọi vấn đề nhất quán với con đường mà ông đã chọn.
Chân dung ông Trương Quang Đệ
Ông là cậu họ của tôi. Quê chúng tôi, làng Mai Xá, huyện Gio Linh, Quảng Trị, nằm ngay phía nam sông Bến Hải, nơi phân chia hai miền Nam – Bắc trong chiến tranh, là một trong những nơi cuộc chiến diễn ra thảm khốc nhất, là quê hương của người mẹ nguyên mẫu trong bài hát “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, là nơi anh em trong cùng một dòng họ, một chi phái, thậm chí trong cùng một gia đình ở hai đầu chiến tuyến, là nơi họng súng của hai phía đôi khi chỉ cách nhau một mảnh vườn, một rặng tre, hay chỉ một cái chuồng trâu của một gia đình bà con với cả hai “cừu thù”. Người làng tôi tìm gặp “đối phương” thì dễ, nhưng “tìm chữ” thì rất khó. Trẻ con muốn học lên cấp hai, hằng ngày phải đi bộ khoảng mười lăm cây số, qua nhiều động cát trắng, mùa đông rét cắt da cắt thịt, còn mùa hè thì nóng như rang.
Thân sinh của ông là một trí thức theo kháng chiến, từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Trị thời chống Pháp. Xuất thân từ một gia đình như vậy, nhưng Trương Quang Đệ không theo đuổi con đường chính trị để làm quan chức mà chọn con đường trở thành một trí thức thuần túy, sống, làm việc và nhìn nhận mọi vấn đề nhất quán với con đường mà ông đã chọn.
Tuy là cậu cháu nhưng mãi gần đây chúng tôi mới có dịp gần gũi và chuyện trò với nhau. Trước đây tôi chỉ nghe mẹ tôi, các cậu và họ hàng bên ngoại nói đến “cậu Đệ”, con “ông trợ Phiên” (làng tôi vẫn thường gọi các thầy giáo là “ông trợ”, như ông ngoại tôi được gọi là “ông trợ Biền”). Không chỉ bên ngoại tôi mà cả dân làng Mai Xá đều nhắc đến ông và gia đình ông với sự kính trọng. Tình cảm của nhiều người ở quê đối với ông không chỉ vì quan hệ họ hàng mà còn vì ông có một địa vị đặc biệt trong mắt họ: Con ông trợ Phiên, giỏi tiếng Pháp và thường “đi Tây”, cái cơ hội mà ở Việt Nam những năm 70, 80 của thế kỉ trước chỉ dành cho quan chức ngành ngoại giao hay những trí thức “siêu phàm”. Hiểu biết của tôi về ông cho đến cách đây vài năm cũng chỉ có thế. Đến khi về hưu, ông chuyển từ Huế vào Sài Gòn, tôi mới có cơ hội ở gần ông, được chia sẻ với ông những gì ông viết, đặc biệt là về tiếng Việt, về văn hóa Việt Nam và về nhân tình thế thái.
Giống như nhiều trí thức khác xuất thân từ các làng quê Việt Nam thời chiến tranh, vốn liếng tri thức ban đầu của ông có được chủ yếu nhờ vào tự học. Nhưng ông có may mắn hơn rất nhiều người khác là trong quá trình làm việc, với tư cách một giảng viên, chuyên gia, dịch giả tiếng Pháp, ông được tiếp cận nhiều với nền văn hóa và giáo dục Pháp. Nền văn minh Pháp đã khai sáng cho ông. Điều có vẻ trớ trêu, nhưng cũng dễ hiểu là thân sinh của ông trọn đời đi theo kháng chiến để đánh đuổi thực dân Pháp, còn ông lại là người dành những năm tháng sung sức nhất của mình để truyền bá văn hóa Pháp tại Việt Nam: đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp, chủ biên sách giáo khoa dạy tiếng Pháp cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam, vận động thành lập các trung tâm Pháp ngữ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dịch sách Pháp sang tiếng Việt, gồm nhiều thể loại từ tiểu thuyết đến sách lý luận như “Banzac và cô thợ may Trung Hoa bé nhỏ”, “Suy nghĩ về toàn cầu hoá”, nhưng tác phẩm dịch tiêu biểu nhất cho đẳng cấp của ông là cuốn sách “Đại tượng vô hình” của triết gia đương đại Pháp Francois Jullien.
Ngoài giảng dạy, đào tạo, truyền bá tiếng Pháp và văn hóa Pháp, ông còn có những đóng góp đặc sắc trong nhiều lĩnh vực khác. Từ tiếng Pháp, ông chuyển một cách tự nhiên qua nghiên cứu tiếng Việt, trong đó đáng kể nhất là cuốn sách “Vấn đề ngôi trong tiếng Việt” được viết bằng cả hai thứ tiếng Pháp và Việt. Tác phẩm thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tinh tế về tiếng Việt, thường chỉ có ở những người không chỉ nắm vững ngôn ngữ học lí thuyết mà còn phải giỏi ngoại ngữ và có kinh nghiệm dịch thuật. Nhiều năm quan tâm đến việc nghiên cứu phạm trù ngôi trong ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ học đối chiếu và trong Việt ngữ học, đến nay, tôi chưa có thấy có công trình nào nghiên cứu về vấn đề ngôi tiếng Việt toàn diện như thế. Tác giả đi từ lí thuyết đại cương về ngôi rồi ứng dụng vào việc nghiên cứu phạm trù này trong một ngôn ngữ cụ thể là tiếng Việt. Tuy dùng nhiều ngữ liệu về phạm trù ngôi và nhân xưng của các ngôn ngữ biến hình châu Âu, nhất là tiếng Pháp để làm rõ phạm trù ngôi từ góc độ ngôn ngữ học đại cương và làm cơ sở để đối chiếu, nhưng tác giả luôn có ý thức thoát khỏi cái bóng “dĩ Âu vi trung”, tránh rập khuôn để miêu tả ngôi tiếng Việt đúng với bản chất và những biểu hiện đa dạng của nó.
Mặc dù tự nhận mình chuyên về Pháp ngữ, “không dính dáng đến văn chương cũng như triết học” theo nghĩa không phải là dân chuyên nghiệp trong những lĩnh vực đó, nhưng có lẽ do sự thôi thúc bởi những suy tư và cảm xúc trước thời cuộc mà ông bỗng có duyên nợ với nhiều vấn đề “ngoại đạo”. Ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện những nét độc đáo: kiểu tư duy suy đoán sắc sảo, duy lí của một trí thức “Tây học”; nét lãng mạn, tài hoa của một nhà văn; vốn trải nghiệm phong phú, dồi dào của một chứng nhân lịch sử, cùng hạnh phúc và khổ đau với quê hương qua những biến cố cách mạng và chiến tranh, sống trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng sớm có cơ hội được nhìn ra thế giới phương Tây.
Một tác phẩm của ông Trương Quang Đệ
Về triết học, ông có cuốn “Descartes và tư duy khoa học”, tập trung trình bày tư tưởng triết học duy lí của Descartes trong tác phẩm “Bàn về phương pháp” với mong muốn truyền bá rộng rãi hơn tinh thần của nhà triết học vĩ đại này ở Việt Nam, để người Việt có thói quen “xuất phát từ những dữ liệu chắc chắn để suy luận”, “dựa vào chủ nghĩa duy lý và đoạn tuyệt hẳn với mọi biểu hiện của sự cuồng tín, niềm tin mù quáng, kinh nghiệm chủ nghĩa, duy ý chí và cả sự phiêu lưu, những tật xấu đã hoành hành khá lâu trong xã hội chúng ta”. Về chính trị xã hội, ông có các bài viết như “Tản mạn thời tôi sống”, “Bối cảnh lịch sử của phong trào Nhân văn Giai phẩm”, “Trung Quốc với phương châm “một mà hai, hai mà một”. Nét nổi bật toát lên từ những công trình này là tư duy lí tính của một người thấm nhuần văn hóa phương Tây. Người đọc có thể nhận ra mối liên hệ giữa những gì ông suy nghĩ khi viết về “Descartes và tư duy khoa học” với những đánh giá của ông về những chuyển biến của xã hội Việt Nam thời hiện đại và đương đại.
Những trăn trở của ông về giáo dục được thể hiện phần nào trong “Nhà giáo với đủ chuyện xã hội”. Tuy chỉ là một bài trả lời phỏng vấn ngắn, nhưng nó cho thấy những trải nghiệm và suy tư rất có chiều sâu của một nhà giáo lão thành. Nhiều sự việc mà ông đề cập đến có vẻ như chỉ có tính chất “hiện tượng”, nhưng nó phản ánh chân thực những khuyết tật và tha hóa của nền giáo dục, và nói rộng ra là đời sống văn hóa xã hội của nước Việt thời nay.
Cuốn “Một linh hồn phiêu bạt” tập hợp nhiều sáng tác văn chương ngắn của ông, mang màu sắc của một bút kí, đằng sau những nhân vật hư cấu như Đan, ông Phong, chị Yến… có bóng dáng cuộc đời ông, người thân của ông và nhiều cảnh ngộ éo le, nhiều sự kiện bi tráng của làng quê Mai Xá và Quảng Trị thời chiến tranh. Một số nhân vật nữ xuất hiện trong những câu chuyện tình cổ điển, trong trẻo và nhiều kịch tính có vẻ như là những bóng hồng thời trai trẻ của ông.
Một lần Giáo sư Ngôn ngữ học Đinh Văn Đức nói với tôi: “Cụ Đệ là thầy dạy Toán của tôi đấy!”. Từ đó, tôi mới biết ông từng là thầy giáo dạy Toán ở Trường Trung học Phổ thông Lam Sơn, Thanh Hóa. Ông quả là hiện tượng hiếm thấy: nhiều đam mê và đa tài. Tuy nhiên, nhiều người quý mến và kính trọng ông trước hết vì nhân cách, vốn được nuôi dưỡng từ một gia đình trí thức yêu nước, đặc biệt từ ông cụ thân sinh của ông. Ông hiểu rộng, biết nhiều, tài hoa, nhưng khiêm nhường; nhìn nhận, đánh giá con người và thời cuộc khách quan, công bằng, tỉnh táo và nhân hậu, không theo kiểu “đậm đà tính giai cấp” như nhiều trí thức Việt Nam có hoàn cảnh trưởng thành giống ông.
Năm nay, ông tròn 80. Tám thập niên ấy, ngoài khoảng thời gian ngắn làm việc ở nước ngoài, ông chia cho bốn nơi: Quảng Trị (quê ông), gần 20 năm; Hà Nội, hơn 20 năm; Huế, gần 20 năm; Sài Gòn, gần 20 năm. Cho đến nay thì ông thầy dạy Toán Trương Quang Đệ thuở nào chia đều cuộc đời của mình như thế, nhưng tôi mong và tin Sài Gòn sẽ là nơi níu kéo ông nhiều nhất, nhiều hơn nhiều những nơi khác. Tuy cuộc đời ông nhiều phiêu bạt (có lẽ tên gọi tác phẩm văn chương duy nhất của ông được gợi cảm hứng từ đó), nhưng quê hương vẫn mãi sâu thẳm trong ông, như ông nói “cái cảm giác mình là người Quảng Trị không hề rời khỏi tôi dầu trong giây lát”. Đi khắp bốn phương trời, hiểu nước Pháp như chính nước Việt, hiểu tiếng Pháp như chính tiếng Việt, nhưng vẫn còn đó một Trương Quang Đệ, người trí thức Việt ra đi từ làng Mai.
Đất nước từng là thuộc địa Pháp ở xứ Đông Dương này đã có một thế hệ trí thức tinh hoa như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Hiến Lê… là kết tinh đẹp đẽ giữa phẩm chất Việt với nền giáo dục và văn hóa Pháp. Qua những tên tuổi đó, người Việt hiểu hơn nước Pháp và người Pháp hiểu hơn nước Việt. Trương Quang Đệ tiếp nối họ, viết tiếp những trang thi vị nhất trong pho sử quan hệ Việt – Pháp với nhiều duyên nợ và thăng trầm. ..
B.M.H