Người viết kịch không chuyên – Truyện ngắn của Ngô Phú Thiện

1068

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có vốn sống trong chuyên ngành, vì đó là nghề của tôi. Còn thưa ông, kỹ thuật giàn dựng, tạo tình huống cho hay, thuyết phục được người xem là nhờ đôi mắt nhà nghề của ông. Chính nhờ sự “gia công” của ông, nên mọi thứ trên đời mới trở nên tốt đẹp đấy chứ…

 

Tác giả Ngô Phú Thiện

Chợt nghe mình thấm mệt sau hai tiết dạy, anh ơ thờ bước ra ngoài hành lang, tựa lưng vào tường. Từ đâu cô Thanh Tuyền lướt qua trước mặt, vừa đi vừa hỏi như lời thì thầm:

– Thầy Hồng xong “kịch bản” chưa?  Sao không về phòng Hội đồng?

– Kịch… kịch bản gì? Anh lúng túng. À, cô muốn hỏi bản kiểm điểm Học kỳ I của tôi phải không?

Mùi nước hoa hình như từ tà áo dài của cô giáo còn thoang thoảng. Trước khi bước vào phòng nghỉ giải lao giữa giờ, cô còn ném lại nụ cười bí hiểm, chỉ lộ ra hai cái răng khểnh “đồng dạng” bên khóe môi. Anh gãi đầu, suy nghĩ mãi về nụ cười theo sau câu hỏi ấy. Sao bây giờ ai cũng thích gọi là “kịch bản” nhỉ? Trước kia, nó là thuật ngữ chuyên ngành của sân khấu hay phim ảnh; còn bây giờ thôi thì “kính thưa các loại”, cái gì cũng “kịch” được tất. Nào là “Kịch bản lễ hội”; “ kịch bản biến đổi khí hậu”… rồi đến cả “kịch bản giáo dục học sinh yếu”… Nghĩ đến đây, anh thấy không thể nín nhịn được, bỗng cười lên hô hố!

Tiếng cười lớn làm anh giật mình, tỉnh giấc. Hóa ra, bây giờ mới hai giờ sáng và anh đang mê sảng. Anh bước xuống giường, đi rửa mặt cho tỉnh táo. Nhưng lạ quá, trường mình dạy có cô Thanh Tuyền nào đâu? Còn cái thuật ngữ “chết tiệt” kia nữa chứ, mình là thầy giáo dạy Toán có quan tâm gì đến sân khấu đâu mà sao nó lại lẫn vào trong đầu với mớ từ ngữ tích phân, hàm số này? Anh trở lại giường, nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Một giấc mơ không bình thường với một người như anh. Anh cố xua đuổi nó ra khỏi đầu để dỗ lại giấc ngủ, vì thấy trời còn tối mịt. Nhưng trằn trọc mãi, anh không sao ngủ lại được. Cố nhớ xem: mình đã gặp cô Thanh Tuyền bằng xương, bằng thịt này ở đâu? Chiếc áo dài màu hoa cà rõ ràng và mùi nước hoa này nữa chứ, sao nghe quen lắm! Mà cô ta dạy môn gì nhỉ? Đúng giờ giải lao cô ta lại xuất hiện trước mặt mình với hai cái răng khểnh, lạ thật…

– Anh Hồng! Sáng trắng rồi, sao không chịu dậy? Hôm nay anh có dạy giờ đầu kia mà?

Thôi chết! Vợ anh gọi, mà trời sáng rồi ư? Đúng là sáng nay mình có những bốn tiết đầu; còn ra đề kiểm tra nữa chứ. Anh soãi chân ra sau nhà, vừa tranh thủ làm vệ sinh vừa vận động cho chân tay thư giãn. Không kịp điểm tâm, anh tất tả phóng xe đến trường.

Nghe trống điểm giải lao, anh vội ôm cặp xuống phòng Hội đồng. Như bị quán tính, anh liếc nhìn qua dãy hành lang xem có chiếc áo dài màu hoa cà nào không, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Do mãi quan sát bên ngoài, anh va vào đúng thầy Hiệu phó ngay trước cửa phòng Hội đồng. Thầy kéo luôn một tràng: “Thầy Hồng hôm nay làm sao vậy? Thầy nhầm tôi với người đẹp nào phải không? Nhưng xin thầy đọc dùm thông báo, đừng nhầm chiều nay… họp Hội đồng, lúc 14 giờ”.

*

Buổi họp Sơ kết học kỳ I của Hội đồng Sư phạm vẫn như “bổn cũ soạn lại”. Nào “đảm bảo sĩ số, chất lượng học sinh”; nào “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”… Nhưng đến phần chỉ tiêu, phương hướng cho học kỳ II đột nhiên xuất hiện điểm mới, làm mọi người xì xào bàn tán. Thầy Hiệu trưởng dõng dạc:

– Bắt đầu từ Học kỳ II này và nói chung kết quả năm học, Bộ không còn chủ trương lấy chỉ tiêu lên lớp, đỗ tốt nghiệp của học sinh để đánh giá, xếp loại trường. Bây giờ chủ yếu căn cứ vào việc dạy thực, học thực, nên lớp nào, trường nào có tỷ lệ đỗ càng thấp càng được biểu dương!..

Cô Lê dạy môn Văn, vội đứng dậy vỗ tay. Không nén nỗi phấn kích, cô xen ngang lời Hiệu trưởng:

– Đây là kịch bản rất mới! Tôi xin hưởng ứng hoàn toàn. Bởi suốt mấy năm qua, tôi bị ức chế vì đa số học sinh không chịu học môn Văn vẫn phải “cấy’, “sạ” điểm cao để đạt chỉ tiêu của nhà trường!

Anh ngồi lắng nghe, bất đồ tròn mắt nói lảm nhảm một mình: Đúng rồi… đúng rồi! Đây thật đúng là kịch bản của giáo dục… mấy cô dạy Văn dùng từ có khác! Nhưng sao lại là cô Lê mà không phải cô Thanh Tuyền nào đó kia mà?! Phòng họp thêm phần rôm rả, nhiều cánh tay giơ lên phản ứng. Thầy dạy Sinh vật thì không đồng tình với phát ngôn của cô giáo Văn; còn cô dạy Anh lại phản biện với chủ trương mới của Bộ. Anh ngồi gật gù cái đầu, rồi mím miệng cười. Bỗng từ phía trên, Hiệu trưởng đưa tay thẳng về phía anh:

– Mời thầy Hồng! Hình như thầy muốn tham gia ý kiến về vấn đề này?

Hoảng quá, anh đâu có chuẩn bị ý kiến phát biểu. Anh chần chừ một chút, rồi cũng miễn cưỡng đứng dậy:

– Thưa… Hội đồng! Thực tế kết quả thì chưa rõ, nhưng tôi nghe mọi người phát biểu đều… rất hay. Tôi chưa biết có ý kiến gì mà chỉ thấy thế này: Cái lẽ của sự thật nhiều khi rất khó nói; và càng khó khăn hơn khi ai nói được cái sự thật ấy! Như cái việc “cải cách, đổi mới” của nền giáo dục chúng ta mấy năm nay…

Anh dừng lại đằng hắng lấy đà, thầy cô ngồi dưới bỗng cười ồ lên. Có người nửa đùa, nửa thật bảo rằng: Thầy Hồng tuy dạy Toán nhưng có cả kho triết lý, nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn thầy xây dựng cho trường một đề án “Cải cách toàn diện việc đánh giá, xếp loại học sinh”, theo định hướng đổi mới của Bộ!

Không ngờ cả Hội đồng nhao nhao hưởng ứng “ý kiến như đùa” vừa rồi. Từ chỗ phản ứng gay gắt, mọi người chuyển hướng sang đồng thuận việc “ngang ngay, sổ thẳng” với học sinh, không cần “thi đua, thi điếc” gì cả! Thầy Hiệu trưởng điều khiển cuộc họp chợt thấy lúng túng, bất lực. Thầy nói như cầu cứu:

– Đã là chủ trương của ngành, không thực hiện… cũng khó; mà thực hiện được nó càng khó. Dẫu sao chúng ta chỉ là người phải chấp hành cấp trên… Hay là, như thầy cô đã đề nghị, thầy Hồng dành thời gian giúp cho trường chúng ta có cái đề án thuyết phục về sự thay đổi đột ngột này?

Cứ theo thói quen, anh lại đưa tay lên gãi đầu. Thấy không thể đảm nhận được việc hệ trọng này, anh đành biện bạch với Hiệu trưởng: Thầy biết tôi là giáo viên Toán, chỉ lo mấy cái đường thẳng, hình chóp còn không xuể, làm sao dựng được cái đề án lắt léo đó. Tổ Văn người ta thừa vốn từ ngữ, sao thầy không phân công để họ làm có sức thuyết phục hơn?

*

Thế là anh đã dứt khoát với Hiệu trưởng, không còn băn khoăn với cái đề án “Cải cách toàn diện…” cho trường. Xem xong thời sự buổi tối trên tivi, anh căng trần lên giường định đánh một giấc “ngủ bù” để sáng mai dậy sớm. Nhưng lúc vừa chợp mắt anh lại thấy cô Thanh Tuyền trong giấc mơ đêm qua. Quái thật! Cái cô này đâu có trên đời mà sao cứ ám mình như một món nợ vậy? Mình đã có vợ con, hơn nữa chẳng bao giờ biết mèo mỡ, trăng gió với ai đâu…

Vợ anh thình lình đi xộc vào phòng ngủ, đảo mắt lên giường rồi nói trống không:

– Có chuyện gì hệ trọng rồi đây. Không biết “của nợ” ấy là thật hay mơ, chẳng ra dáng một nhà sư phạm?!

Anh bật dậy: Hay! Mà còn đúng nữa! Ờ… không phải chuyện của anh, mà em gợi cho anh một ý quá hay từ việc anh đang nghĩ.

– “Lộng giả thành chân” – người xưa đã nói vậy mà. Về lý thuyết nó cũng tương tự như phép toán: Tích của 2 số cùng dấu bằng số dương; mà tích của 2 số trái dấu lại bằng âm. Nhưng đâu phải chỉ có toán học, đó còn là phép luận giải của cuộc đời. Như em vừa nói đấy thôi, cái gì trông thấy là xấu; còn những chỗ không thấy lại tốt đẹp!

– Ông chồng ơi! Hôm nay anh làm sao vậy? Coi bộ anh chuyển nghề sang viết kịch bản phim được đấy!

Câu nói “kháy” của vợ anh lại trùng hợp với giấc mơ đêm trước. Hay là mình sống, làm việc như đóng kịch trong môi trường luôn thay đổi này? Vậy tại sao không thử vận, thay việc cầm thước kẻ sang cầm bút?

Anh quyết định “hy sinh” giấc ngủ để ngồi vào bàn. Bức phác thảo trong đầu anh dần hiện ra. Chất liệu ngổn ngang đấy, chỉ cần dựng lại những tình huống lắt léo trong “Đổi mới giáo dục” mấy năm gần đây. Cũng không cần đâu xa, lấy ngay trong không gian trường học của mình nhưng có hư cấu thêm một ít.

Suốt đêm hôm ấy, trong không gian tĩnh mịch anh viết liền một hơi, cơ bản hoàn thành một kịch bản đúng nghĩa cho loại phim chính luận. Cũng có kết cấu, không gian truyện; có phân cảnh, tình huống rạch ròi. Đại thể là:

“- Cảnh 1: Tại ngôi nhà nhỏ của cô giáo Thanh Tuyền giữa làng quê. Cô chưa lập gia đình, tình yêu của cô giành trọn vẹn cho bộ môn Văn mà cô yêu thích. Ngoài việc cô có hai cái răng khểnh rất duyên, ngay cái tên cô còn gợi lên những dòng suối trong mát, thuần khiết. Cô chọn nghề dạy học vì yêu những cánh đồng, yêu trẻ và yêu cái nghề cao cả “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

– Cảnh 2: Những xung đột giữa nhà giáo với nhà trường: Cô vào nghề chưa đủ trải nghiệm thì đột ngột ngành Giáo dục thay đổi chương trình, đổi mới phương pháp dạy học. Cô cùng đồng nghiệp phải vật lộn với chuyện cơm áo, với việc “Bồi dưỡng hè” để “thu hoạch” những kết quả của chương trình cải cách. Ở nhà, mẹ cô bệnh nặng không người chăm sóc nhưng cô không thể để mình thua chị kém em. Học “Bồi dưỡng chuyên môn” thì phương pháp đổi mới rất ưu việt, là tính hiện đại và khoa học. Thế nhưng, từ lý thuyết đổi mới, đem về áp dụng thực tiễn trong trường cô dạy giống như hai “kẻ thù” không đội trời chung. Cô đành gát lại chuyện yêu đương để lo đối phó với soạn giáo án, với thanh tra, thao giảng…

– Cảnh 3: Công cuộc “Đổi mới toàn diện” của ngành Giáo dục. Từ Trung ương đến cơ sở đều trống giong cờ mở cho tinh thần “Đổi mới”: Phủ nhận tính “ưu việt” của những lần cải cách trước, để thay đổi cách dạy, cách học, chương trình, sách giáo khoa… Từ chỗ học sinh phải mang cả ba lô sách vở hành quân đến trường, nay chỉ cần một máy tính bảng; từ việc giáo viên phải đánh giá, xếp loại học sinh, bây giờ học sinh tự đánh giá, không xếp loại; có ý kiến còn đề xuất bỏ luôn việc đánh giá hạnh kiểm học sinh, vì “Thầy giáo không đủ tư cách phán xét nhân cách học trò”. Trong khi đó, mỗi điểm trường là một đơn vị kinh doanh; mỗi bộ môn là một ki-ôt dịch vụ liên thông, để thỏa mãn mọi yêu cầu của “thượng đế” học đường…

– Cảnh 4: Vai trò người thầy trước ngã tư đường “đổi mới”: Đó là những phát ngôn định hướng của lãnh đạo ngành. Đó là những đề án nghìn tỷ làm sách giáo khoa. Thầy cô bất lực với khẩu hiệu “Thầy với trò là bạn”. Để thích ứng với sự nghiệp đổi mới, người thầy phải tự đổi mới mình v..v và v..v.

Trong khoảng lặng ít ỏi của căn nhà nhỏ, cô Thanh Tuyền đang giật mình nhìn lại tuổi xuân đã đi qua. Năm nay cô đã sang tuổi 36, vẫn chưa tính được chuyện chồng con. Cô tự an ủi: Thôi mình gác lại tình riêng để chăm lo cho tình chung đang gánh nặng, mình còn có cả đàn con ở trường kia mà! Nhưng khi đến trường nộp đề án bộ môn, Hiệu trưởng gọi cô lên gặp. Thầy tâm sự: Cô làm rất tốt nhiệm vụ Tổ trưởng của mình, nhưng xin khuyên cô về chuyện riêng tư. Thầy bảo rằng “Cô cứ mãi lo cho thế hệ trẻ, nhưng ai cũng như cô thì có trẻ đâu mà dạy”…

*

Sau mấy lần chỉnh đi, sửa lại anh rất lấy làm mãn nguyện về kịch bản của mình. Nhờ một người bạn thân giới thiệu, anh tìm được ông đạo diễn phim có uy tín trong làng điện ảnh đương thời. Anh vô cùng tin tưởng và hi vọng, gửi ngay kịch bản đến nhà đạo diễn lớn.

Chẳng phải chờ đợi lâu, anh rất vui vì chưa tròn tháng nhà đạo diễn phim đã viết thư trả lời. Vị đạo diễn khả kính đánh giá kịch bản của anh rất tốt, có hơi thở cuộc sống nóng hổi và vốn hiểu biết phong phú trong chuyên ngành…

Nhưng cũng đáng buồn là kịch bản của anh chưa “khả thi”. Ông chỉ ra nhiều thứ, như: Kỹ thuật dựng cảnh chưa phù hợp; kịch tính của sự việc chưa gây ấn tượng và nhất là những xung đột nội tâm của các nhân vật còn khiên cưỡng… nên không thuyết phục được “người trong cuộc”.

Đọc xong thư, anh lại đưa tay lên gãi đầu. Ngẫm nghĩ một lát, anh quyết định cầm bút viết thư hồi âm cho vị đạo diễn:

– Thưa ông đạo diễn tôn kính: Đọc bản thảo đó, ông biết ngay tôi là người viết kịch bản không chuyên cơ mà! Tôi có vốn sống trong chuyên ngành, vì đó là nghề của tôi. Còn thưa ông, kỹ thuật giàn dựng, tạo tình huống cho hay, thuyết phục được người xem là nhờ đôi mắt nhà nghề của ông. Chính nhờ sự “gia công” của ông, nên mọi thứ trên đời mới trở nên tốt đẹp đấy chứ…

                               N.P.T