Người Việt nói tiếng Việt – Nguyễn Quang Thọ

561

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” của tác giả – nhà báo Nguyễn Quang Thọ. Tập sách như một cẩm nang đề cập đến những sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.

Mục đích ban đầu chỉ vì tác giả từng có việc cần tham khảo cho nghiệp vụ báo chí và nghiên cứu nên đã tham khảo nhiều nguồn từ điển. Có thể kể tới Đại từ điển Tiếng Việt (NXB Văn hóa – Thông tin, 1998 do Nguyễn Như Ý chủ biên); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (của Nguyễn Lân, NXB Khoa học Xã hội, 1997); Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, NXB Văn hóa – Thông tin, 2001); Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức (NXB Khoa học xã hội, 2015 do Đỗ Thị Kim Liên chủ biên) v.v… Qua đó, ông Nguyễn Quang Thọ ghi nhận ban đầu về sự vắng mặt của các thành ngữ, theo quy luật không ngừng phát triển của xã hội trong khi vốn tiếng Việt lại vô cùng phong phú, nhiều từ ngữ mới xuất hiện, dãy thành ngữ cần tìm ra giải nghĩa trọn vẹn ngày một nhiều hơn. Đây thật sự là một thách thức vừa khó nhằn vừa thú vị mà tác giả Nguyễn Quang Thọ muốn dấn thân để tìm cho ra lời giải.

 “Chất liệu” làm nên tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” là trong khoảng thời gian chừng mười năm, nhà báo Nguyễn Quang Thọ đặt mình vào vai trò “con mọt sách” để “gặm nhấm” một loạt từ điển đã ấn hành. Qua đó, ông phát hiện ra còn có nhiều, rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, hoặc đã thâu nhận nhưng cách giải thích theo ông nhận thấy là chưa thỏa đáng, cần hiểu theo cách khác. Tác giả mày mò, căm cụi một cách nhẫn nại ghi chép và bắt đầu quá trình viết từ 1 từ đến hơn 100.000 từ. Dần dà tác giả thấy cần đối chiếu với những từ điển của các tác giả khác. Càng nhiều lần sử dụng từ điển, chúng ta sẽ càng học được nhiều hơn, hiểu kỹ hơn và yêu quí hơn tiếng mẹ đẻ, nhưng đồng thời cái cảm giác tiếc nuối, xót xa xen lẫn lo âu cũng lớn dần lên khi thấy nhiều từ ngữ bị bỏ sót hoặc giải nghĩa sai lệch.

Cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việtdày hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm ba phần chính: Chương 1: Mắt thấy tai nghe; Chương 2: Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Chương 3: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”; Ghi thêm: Trông người lại ngẫm đến ta; Nhìn vào miệng người bình dân; Lời cuối sách.

Từ đó, ta sẽ thấy những thành ngữ, tục ngữ còn bị bỏ sót, hoặc từ điển giải thích mà ông Nguyễn Quang Thọ cho rằng chưa chính xác như: Nhạt như nước ốc ao bèo; Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt; Làm ruộng thì gia, làm nhà thì tốn; Bảo hoàng hơn vua; Mồm như cái tỉ vịt… Hoăc có các từ thú vị mà chúng ta sẽ bắt gặp và nghe thấy đâu đó trong đời sống thường ngày như: Để Mị nói cho mà nghe; Ăn cơm trước kẻng; Chạy mất dép; Tiền trao cháo múc; Nằm mơ giữa ban ngày; Mảnh tình vắt vai; Xuống dốc không phanh; Cạp đất mà ăn; Hái ra tiền; Nói cho vuông; Cầm đèn chạy trước ô tô; Nhà mặt phố, bố làm quan; Nóng chảy mỡ; Thấy thương luôn; Thở oxy; Liều ăn nhiều; Khóc tiếng Miên; Ngon nhức nách; Tới luôn đi bác tài; Được ăn cả, ngã nằm luôn; Hồng nhan bạc tỉ; Máy bay bà già, phi công trẻ; Trả dép tôi về; Lặn không sủi tăm

Ngoài ra, do còn là một nhà nghiên cứu đã từng tốt nghiệp cao học với đề tài “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt)”, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2005), nên trong tập sách này, ông Thọ đã trình bày quan điểm về thành ngữ. thành ngữ là gì – vốn là vấn đề mà trước nay nhiều nhà nghiên cứu chưa đồng thuận. Điều này, cho thấy đây còn là tập sách có xu hướng đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học.

Ông Nguyễn Quang Thọ chia sẻ: “Cuốn sách này không giúp bạn trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển… Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã”.

Theo Nhà văn – Nhà báo Lê Minh Quốc: “Không những thế, nhà báo Nguyễn Quang Thọ còn bổ sung thêm một loạt từ mới/ cách nói mới vừa xuất hiện trong đời sống gần đây, đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt. Không chỉ kỳ công mà còn là một trong những cách thể hiện tấm lòng mình về tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Mà, một khi yêu lấy tiếng Việt tận xương tủy cũng chính là yêu lấy non sông gấm vóc nước Việt đấy thôi”. 

Vào 08 giờ 30 phút sáng Thứ Bảy ngày 01/07/2023, tác giả – nhà báo Nguyễn Quang Thọ cùng khách mời PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ và người dẫn chuyện Nhà văn – Nhà báo Lê Minh Quốc sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng quý độc giả để giới thiệu tác phẩm Người Việt nói tiếng Việt tại Sân khấu chính – Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1). Rất mong nhận được sự tham dự và hỗ trợ thông tin của Quý Phóng viên Báo, Đài.

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh