Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng mùa khô năm 2021 thuộc năm thủy văn cực hạn và biến động rất phức tạp nên xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhóm năm mặn nghiêm trọng.
Tình trạng xâm nhập mặn có khả năng tăng đột biến, nhất là vào các ngày triều cường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Cụ thể, tại vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn (XNM) tăng dần theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l (tương đương tháng 2/2021 và đầu tháng 3/2021) xâm nhập sâu ở mức từ 45-55km. Riêng khu vực sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 95-100km; khu vực sông Cái Lớn, mặn xâm nhập ở mức 55-60km. Sang đầu và giữa tháng 4/2021, ở vùng cửa sông Cửu Long, XNM bắt đầu giảm dần, phạm vi xâm nhập cách biển từ 30-45km, có nước ngọt xuất hiện khi triều thấp, chân triều. Còn tại các vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, XNM tiếp tục duy trì ở mức cao, tương đương như đợt XNM trong tháng 3 này.
Ðến cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021, XNM trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm; ở vùng các cửa sông Cửu Long, XNM khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, tại các cửa sông cách từ 25-30km trở vào có thể có nước ngọt, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng.
Tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL từ nay đến hết mùa khô vẫn rất phức tạp (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, vùng dự án ngọt hóa như vùng Nhật Tảo – Tân Trụ (Long An), vùng Gò Công (dự án Gò Công, Tiền Giang), Trà Vinh (dự án Nam Mang Thít) trong thời gian từ nay đến tháng 5 nếu không có mưa hoặc xả nước thượng lưu, thì tình trạng hạn mặn sẽ rất lớn, phải tăng cường chuyển nước từ trên xuống theo các kênh dọc trục trong hệ thống. Cần tiếp tục nạo vét, tăng cường năng lực chuyển nước của các kênh trục hệ thống và mở cửa, bơm để lấy nước (lúc này nước ngọt trong kênh rất thấp).
Tại vùng Long Phú – Trần Đề (Sóc Trăng) cũng gặp khó khăn về nước tưới và có khả năng xảy ra hạn trong vùng dự án. Do vậy cần có kế hoạch bơm trữ, vận hành cống hợp lý để tích trữ nước nước ngọt tối đa khi ngoài sông có xuất hiện nguồn ngọt. Các vùng Đông Hà Tiên, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) cũng cần chú ý tiếp tục chống hạn mặn đến hết tháng 5/20121; mặn có thể xâm nhập với nồng độ đạt đến 2-4g/l vào tháng 4 và tháng 5 nếu không mưa…
Với mức độ XNM như dự báo, các địa phương ven biển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng; đề phòng khả năng thiếu nước cho khoảng 40.000ha vườn cây ăn trái (trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 19.000ha, Bến Tre 15.000ha, Vĩnh Long 1.800ha và Sóc Trăng 3.400ha) và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh… Các vùng canh tác lúa đông xuân 2020-2021 đã thu hoạch cũng cần lấy nước để tiến hành rửa mặn, chuẩn bị cho gieo trồng vụ hè thu 2021 khi có nguồn nước ngọt về ổn định…
Cống đập Ba Lai góp phần ngăn mặn cho đồng ruộng Bến Tre
Ngoài ra, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng khuyến cáo, dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Để có thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo nguồn nước của Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam để kịp thời ứng phó, đảm bảo sản xuất an toàn và không thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Thủ tướng chỉ đạo, các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 ở ĐBSCL, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt; phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân.
Theo Bạch Dương/PLVN