Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bàng hoàng vì “nguy cơ mất nước từ bên trong” khi nhận ra con cháu mê phim, nhạc, truyện tranh nước ngoài hơn phim, nhạc Việt…
Mặt trận bị bỏ quên
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11, PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã chia sẻ về các nguyên nhân chủ quan gây ra nhiều tồn tại về văn hóa.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tham luận tại hội nghị.
Theo đó, một thời gian các cấp quản lý, các địa phương, các ngành đều chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật. Sau một thời gian dồn sức vào kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng, chúng ta mới thấy sự báo động của văn hóa.
“Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật ti vi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ… lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra nguy cơ mất nước từ bên trong, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng cũng đã ở mức đáng báo động đỏ rồi”, ông Đỗ Hồng Quân nhận định.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cơ chế vận hành văn hóa hiện nay vừa mang dấu ấn của quan liêu bao cấp, vừa mang dấu ấn kinh tế thị trường tự phát. Vì thế, các nỗ lực đổi mới trở thành kém hiệu quả, lạc hướng. “Nói cho chính xác, cái chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương”, ông Quân cho biết.
Cũng theo ông Quân, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Nguồn lực đầu tư vừa rất nhỏ, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.
Ông Quân cũng nhắc tới sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân, trước mắt, thậm chí sa ngã, phạm tội.
“Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới… Những nhân tài, những sáng kiến, những sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng”, ông Quân đánh giá.
Phát triển đội ngũ “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”
PGS-TS Đỗ Hồng Quân cũng đưa ra những kiến nghị về chính sách để phát triển ngũ văn nghệ sĩ, cũng là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.
“Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, một vở diễn thành công trong cơ chế thị trường.
Ông Đỗ Hồng Quân đề nghị tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; tăng cường đầu tư để các học viện, nhà trường có thêm những điều kiện thuận lợi.
Ông Quân cũng đề nghị tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng của mình và đóng góp to lớn hơn, chất lượng hơn cho xã hội, cho đất nước.
“Ngày trước, thế hệ cha anh tôi luyện trong khói lửa chiến trường, trong phong trào cách mạng quần chúng và trưởng thành nhanh chóng, dẫu có nhiều người đã ngã xuống trên các mặt trận…”, ông Quân nhớ lại.
Tiếp theo, theo ông Quân, cần có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ, nghệ nhân có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước.
Cũng cần rà soát lại để tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, tôn vinh hời hợt.
Theo Trinh Nguyễn/Báo Thanh Niên