Nguyễn Anh Tuấn – Thơ là phúng dụ – phúng dụ là thơ

2031

Đỗ Quyên

(Nhân đọc nhanh tập thơ  “Phúng dụ từ những đám mây”)

Vanchuongphuongphuongnam – “Phúng dụ là hệ thống những ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa (thường là vật hóa) được sử dụng để biểu đạt một nội dung triết lí hay bài học luân lí mà người ta không muốn trình bày trực tiếp… Phúng dụ sớm đi vào nghệ thuật văn chương trong những bài đồng dao, ca dao, truyện ngụ ngôn… mà dân tộc nào cũng lưu giữ trong kho tàng văn hóa của mình, trước khi thể loại tiểu thuyết xuất hiện.” [5]

Tác giả Nguyễn Anh Tuấn

1- Đọc nhanh một cuốn thơ mới của một tác giả mới.

 Là hạnh phúc cho những người yêu thơ; thường là vậy. Tôi luôn gắng giữ mình hạnh phúc yêu ấy. Bất kể thơ nào, tác giả nào…

Nguyễn Anh Tuấn là tác giả không mới trong làng thơ Việt hiện nay nhưng duyên tôi vừa mới tới được, nhờ thi phẩm đầu tay của anh sau hơn 25 năm sống  thơ [1].

Nhớ, lâu rồi trong các lần đọc trước. Trên mạng, nhất là giữa “siêu thị thơ” Facebook, những chùm “thơ lạ” của tác giả lạ Nguyễn Anh Tuấn. Lạ, bởi bài thơ nào thấy cũng có tên bắt đầu bằng từ “Phúng dụ” [2], và mỗi bài thơ con con thôi mà đủ thứ sự tình. Tôi cho chúng vào kho thơ của mình, cả phúng dụ cùng không phúng dụ. Rồi… quên! Cho đến tháng trước.

Đời rất nhiều cái lạ một khi quá ngưỡng, hết còn lạ. Thì cũng phải thôi. Trong nghệ thuật càng đúng. Bởi nghệ thuật là gì? Ở mức độ căn bản, là biến cái quen thành cái lạ; tới tầm trung cấp làm cho cái lạ trở nên quen thuộc. Lên tầng cao thượng, nghệ thuật không phân biệt lạ và quen.

Khi Nguyễn Anh Tuấn thẳng tay (nhắm mắt hay mở mắt, ta không thể biết; có thể chàng mắt nhắm mắt mở cũng nên!) tạo dựng một tập thơ ngót 100 bài lẻ, và tất nhiên cả tên sách, đồng phục bằng nghệ thuật phúng dụ như một thủ pháp, ít nhất về hình thức. Thì đó không phải dạng vừa, ít nhất về hình thức. Riêng tôi, hết còn thấy lạ trước từ khóa “phúng dụ” một khi nó đã là rừng phúng dụ.

2- Thủ pháp phúng dụ của Nguyễn Anh Tuấn là một phát kiến trong cách làm thơ tiếng Việt hiện nay.

Đó là theo quan sát không thể toàn diện nhưng trọng điểm của tôi. Và đồng ý với quả quyết của nhà phê bình Ngô Đức Hành:“Chỉ riêng điều này cho thấy, Nguyễn Anh Tuấn là nhà thơ duy nhất về phúng dụ.” [3]; và Ban biên tập Văn chương phương Nam: “Nguyễn Anh Tuấn là nhà thơ tiên phong (avant-garde) về phúng dụ.[4]

Như một thi sĩ (chất-thi-sĩ ở con người tác giả, chưa hẳn ở tác phẩm), cao vọng của anh là trở thành chủ nhân thi pháp phúng dụ. Lúc đó nhà thơ này sẽ là một trong không nhiều nhà thơ cách tân thi ca Việt Nam bằng việc “phát minh thành công” một phương pháp làm nghệ thuật mới, với một dòng thơ mang hệ mỹ học mới trong phong cách mới có nghệ thuật ngôn ngữ mới ở hình thức diễn ngôn mới, v.v… mới và v.v… mới. Mọi điều mới đến từ một hình thái tu từ không bao giờ xưa cũ trong văn nghệ: phúng dụ.

Tất cả đang ở thì tương lai. Còn hiện tai, như nhà nghiên cứu – phê bình Hoàng Thụy Anh cũng vừa xác nhận, thủ pháp phúng dụ chính là phương thức nghệ thuật đặc trưng tạo thành tập thơ, và đã dẫn lại định nghĩa:

Phúng dụ là hệ thống những ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa (thường là vật hóa) được sử dụng để biểu đạt một nội dung triết lí hay bài học luân lí mà người ta không muốn trình bày trực tiếp… Phúng dụ sớm đi vào nghệ thuật văn chương trong những bài đồng dao, ca dao, truyện ngụ ngôn… mà dân tộc nào cũng lưu giữ trong kho tàng văn hóa của mình, trước khi thể loại tiểu thuyết xuất hiện.” [5]

Thành hay bại, tôi ủng hộ đến cùng nẻo thơ Nguyễn Anh Tuấn! Bởi không quá bất ngờ, khi thấy cũng như quan niệm thơ là một tổ hợp các kiểu cách phúng dụ bằng những hình thái “ngôn ngữ quái đản”.

Dùng lại chữ “quái đản” vốn rất nổi tiếng (mà không được đồng thuận trong giới phê bình thơ) của nhà nghiên cứu – lý luận Phan Ngọc, cũng hàm ý rằng, ngôn ngữ và diễn ngôn trong thơ Nguyễn Anh Tuấn nhiều phần “quai quái”, nổi lên là vấn đề phúng dụ đã được/bị phơi trần.

3- Đọc tập thơ “Phúng dụ từ những đám mây” như một… trường ca!

Tôi những muốn gợi ý vậy. Và vững tin hơn khi bài viết gần xong thì thêm được câu yểm trợ từ nhà nghiên cứu – lý luận La Khắc Hòa: “Hiện nay, nhiều thể loại chui tọt vào một tác phẩm.” [6]

Chủ đề thơ Nguyễn Anh Tuấn tuy biến động đến khôn lường, đa dạng như nồi lẩu thiên địa (“sông, làng, phố, biển, lửa, cõi niết bàn, trăng, hạt bụi, bông hồng, tờ lịch, giấc mơ, con ếch, người mẫu” [7]), song liền mạch nhất quán, từ thủ pháp đến ngôn ngữ nghệ thuật, từ giọng điệu tới tự sự thi ca, từ nhân vật trữ tình đến nhân vật điển tích… Tất cả các bài thơ như những vật đồng dạng phối cảnh với nhau.

Nhờ sự nhất quán đó ta có thể đan ghép cả một tập các bài thơ bình thường, ngăn ngắn [8] thành một trường ca (hiểu theo hướng hiện đại). Tức là, ở đây thi pháp thực hành văn bản không chỉ là phương pháp sáng tạo, là nghệ thuật thơ mà còn là hình thức thể loại [9].

Với thứ thơ lạ mà từng bài thơ có nhiều tương đồng về hình thức và nội dung như dòng thơ phúng dụ này, nên chăng đọc chúng trong tổng thể của một phương pháp viết cũng như một tâm thế cảm thụ, ngoài việc đặt chúng trong một không gian nghệ thuật. Việc trường ca hóa “Phúng dụ từ những đám mây” trong ý nghĩa đó.

Cảm ơn Hoàng Thụy Anh đã chọn ra và lý giải:

Lấy ví dụ về hình ảnh lửa trong các bài thơ “Phúng dụ mẹ”, “Phúng dụ ánh mắt”, “Phúng dụ biển”, “Phúng dụ bonne nuit”, “Phúng dụ thần lửa”, “Phúng dụ về lửa”, “Phúng dụ eden”, “Phúng dụ valentine”, “Phúng dụ hoàng hôn những cánh dơi” và thử liên kết chúng với nhau. Theo Kinh Thánh, lửa vừa mang yếu tố tích cực vừa mang yếu tố tiêu cực: “Mọi rực rỡ bắt đầu từ lửa/ Mọi kết thúc do rực rỡ lửa” (Phúng dụ thần lửa). Dựa vào Kinh Thánh, dựa vào mối quan hệ tương đồng, Nguyễn Anh Tuấn triển khai giá trị và ý nghĩa ngọn lửa trong đời sống, ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của tâm hồn, ngọn lửa của thi ca.” [10]

để rồi từ những bài thơ cụ thể và nội dung trên chúng ta tạo nên một chương về lửa trong bản “trường ca phúng dụ”.

Đoạn mở đầu chuyên luận [11] cũng đã nhấn mạnh rằng, tính trường ca của một sáng tác thơ được gọi là trường ca cần thể hiện hài hòa qua 6 tiêu chí, trong đó số 1 là “Thể tài: mang tinh thần và nội dung không của từng cá thể hay giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung – đất nước, quê hương, nhân loại, dân tộc, cộng đồng – trong một chủ đề nhân văn ý nghĩa xã hội rộng lớn. (Đây nên được xem như kim chỉ nam về tư duy thể loại trên bản đồ nghệ thuật thơ có tính trường ca)”.

Khoan xét 5 tiêu chí sau (mà chắc tập thơ chúng ta đang bàn có cái được, có cái không), tiêu chí đầu là thể tài xem như đạt. Lại xin dẫn bài nghiên cứu ngắn, gọn nhưng đủ sâu, sát nói trên:

“Đa phần các bài thơ gắn với các giá trị văn hóa – văn học – lịch sử của dân tộc Việt và của thế giới. Anh vay mượn các tư liệu từ Kinh thánh, Phật giáo, sử thi, ca dao, cổ tích, thần thoại… đưa vào thơ mình và không lý giải hay trích dẫn nguồn. Các dữ kiện như Chúa, Zeus, Muse, Tazan, các tầng trời, vầng mây, lửa, niết bàn… là nơi anh nén phần chìm của bài thơ.” [12]

Cuối cùng, liên quan đến chuyện không-gian-thơ mà tập thơ “Phúng dụ từ những đám mây” can dự.

Như đọc thơ haiku. Thành thực mà nói giữa chúng ta, trừ các đấng bậc quá sành thơ ca nói chung hoặc rất am tường văn hóa Nhật Bản, lần đầu đến với kiệt tác haiku như bài “Con ếch” của Basho, mấy ai mà không thấy nó tầm thường, nếu không dám nói kỳ cục? Ếch với chả ao! Nhưng khi đọc “Con ếch” và mọi bài haiku hay dở nào khác trong cùng một thi giới của thể thơ ngắn nhất trần gian ấy, ta có thể cảm thụ dần dần cái độc đáo vời vợi, cái “đang là” vĩnh cửu của thiên nhiên và tâm trạng, rồi cái khôi hài mím môi đến từ nhân sinh quan và thế giới quan của thi ca Nhật Bản.

Như đọc thơ Bùi Giáng. Cũng thành thực mà nói giữa chúng ta… (Nhưng thôi, hẹn dịp khác.)

Thắt một câu: Chớ nên đọc một bài thơ phúng dụ nào đó của Nguyễn Anh Tuấn như là một sáng tác độc lập.

4- Chất uy-mua/ khôi hài trong “Phúng dụ từ những đám mây” có cơ đạt gần đến độ Không. 

Được như thế có thể gọi là khôi hài đen (humour noir), khi điệu cười đến từ sự nghi vấn và đàm tiếu. Ở tập thơ chính tác giả cũng đã sử dụng vài lần các từ “umua”, “umua đen”.

Trong thơ Việt Nam đương đại, và cả hiện đại, cực hiếm các cao nhân đưa được khôi hài đen vào thơ trữ tình. Đây là khác biệt lớn giữa thơ Việt và thơ Mỹ. Còn ở loại thơ phi trữ tình thì người Việt là số dách trên trái đất này! Như Tú Mỡ, Xuân Sách (với tập thơ truyền đời “Chân dung nhà văn”) trong thể thơ châm biếm, trào phúng. Gần đây là Nguyễn Bảo Sinh ở thể thơ dân gian. Trường hợp độc nhất vô nhị – ở Việt Nam và có lẽ toàn cầu – là trường phái Bút Tre nhưng tiếc thay không được tính là thơ; nó vè.

Các tác giả Nguyễn Đình Chính (với lối thơ “Thơ chẹc chẹc” rất đỗi đặc hiệu), Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát đại diện nhóm Mở Miệng; và Nguyễn Đăng Thường, Đinh Linh, Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh. đều có thơ khuynh hướng khôi hài đen theo những giai điệu khác nhau. Tôi thống khoái lối thơ Đinh Linh – uymua đen đặc phong thái ngạo nghễ gác chân góc bàn coffee Mẽo mà phê phê khói thuốc lào vặn vẹo ngôn ngữ An Nam. Tiếc (vâng, lại tiếc nữa!), với 3 tác giả đầu tiên lắm lúc thơ “đen” quá cảnh giới khi cảm hứng thời cuộc thăng thiên, ẩn ức chính trị cao vọt. Chuyển thành “khôi hài thâm”. Chất hài hước ở sắc thái mới nó đục hơn về tâm tư dễ chuyển đổi nội dung thành thơ tranh đấu và thơ phản biện/ phản kháng/ phản v.v… Hai/ba/bốn “thái độ thơ” đó khiến tính trữ tình suy giảm, nhưng lại không đủ ý thức mới mẻ, suy tư cao sâu để trở thành loại hình thơ trữ tình chính trị [13] (như ở nhân vật xuất chúng dị thường sẽ xuất hiện cuối đoạn này.) Và lâu nay cả 3 vị đã cùng ngưng bút thơ. Cần nhấn mạnh tới Nguyễn Đức Tùng của mươi năm trước, như một tay bút hiếm hoi gần đạt độ Không trữ tình khôi hài đen, trong một lối thơ thử nghiệm; đọc không ra thơ – nghĩ mới thành thơ. Tiếc (biết rồi, khổ lắm, tiếc mãi!) nó không được tác giả hoàn thiện, với các bài đủ “đen” thì ít tình. Cho đến nay với 5 vị sau cùng trong khối G8 trữ-tình-đen kể trên, kẻ thì xa rời người thì ít còn thơ thẩn. Dường như thơ đương đại Việt lúc này chỉ còn 2 tài năng: Lê Vĩnh Tài và Phan Nhiên Hạo, tương đối khả ái khoản black humor/ dark humor khi chủ tâm phất phơ nhếch mép trong vài ý tứ mà không thành hẳn giọng điệu hài hước; và cũng chỉ ở một số bài chứ chưa thành phong cách. Với Nguyễn Hàn Chung, âm vực giễu hài cao, ngôn từ dân dã thuần thục, dưng mà độ vui tếu phồn thực xếch xì Nam Bộ pha Huê Kỳ cũng ngất ngưởng, thành thử khôi hài đen bị giảm vẻ nghiêm trang. Thôi thì khỏi tiếc. Dồn nỗi tiếc thương cho Sơn Núi – Nguyễn Đức Sơn: Thi bá vừa nằm xuống tháng trước, kéo theo một đỉnh thơ đủ ba cung bậc bi-hài-tráng như hiện tượng kỳ quái đầy nhân bản của văn chương và xã hội Việt Nam suốt thế kỷ chiến tranh và hậu chiến. Khôi hài đen trong thơ trữ tình nói chung và thơ trữ tình chính trị nói riêng ở Nguyễn Đức Sơn là gì? Là “táo bón” từ 4 thứ thực phẩm chức năng trong cái dạ dày bốn mùa khoai ngô: đè nén thời cuộc, bùng nổ tình dục, dung hòa thiên nhiên và, cuối cùng, an nhiên thiền đạo [14].

Vậy Nguyễn Anh Tuấn của chúng ta thì sao ạ? Nếu dạn tay phê lối viết phúng dụ đang như một thử nghiệm; cũng chẳng quá sai. Nhưng là thử nghiệm với các điều khác (xem Mục 6), còn về chất humor kể như ổn. Quý là ở chỗ tác giả giữ độ đậm nhạt dìu dịu về khả năng khiêu khích (điều tất yếu của khôi hài), nghĩa là tính tri thức đủ cao. Gọi là “khôi hài nâu” cho nó lành! Hài hước mà không giễu nhạo, châm biếm, chỉ trích (nên không thuộc về dòng uymua hậu hiện đại – Xem tiếp Mục 5).

Một trong các thành phần thơ làm nên chất khôi hài nâu ấy, là việc chêm, đệm chữ cửa phật câu nhà thờ tiếng cư dân mạng, nhất là các từ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Latinh… khi thì chuẩn lúc lại lung tung beng.) Đa phần có ngữ nghĩa đơn giản. Ở thời đại 4.0 dường như không là vấn đề với đại chúng. Về nội hàm, các chữ đó không có nội dung ngoại ngữ, và càng không có nội dung văn chương tự thân.

Nhưng, thái quá bất cập. Hơn đâu hết, ở thơ phúng dụ Nguyễn Anh Tuấn, cách dụng ngôn quai quái (từ cú pháp thơ đến điển tích, kiến thức, kinh sách) – với các bài không đạt – đang trở thành tíu tít. Tiếc, làm giảm chất khôi hài đen (điều trong thơ vốn rất khó tới) cùng lúc cản trở tiếp cận thơ trong lần đọc đầu tiên.

Trữ tình ngoại đề: Sau một loạt còm trên FB rằng chẳng thấy phúng dụ ở đâu trong một bài thơ anh vừa đăng trong một tút, tôi bảo (riêng với tác giả): “Bài thơ đó dùng cách nói và lối viết chân chỉ khẩu hiệu, và khôi hài đen thành quả.” Tác giả bảo (cũng bảo riêng với tôi): “Sự nghi thức càng chuẩn mực sẽ càng hài hước một cách rất nghiêm chỉnh.” Người còm phát hỏa là nghiên cứu gia tầm cỡ, chừng 30 năm trước từng làm tự điển văn học (chắc trong đó có từ nguyên “phúng dụ”). Một thi sĩ có số đã ôkê ngay tắp lự. Rồi 2-3 bạn “phây” khác cũng ngay tắp lự ôkê. Tôi mừng; tác giả được nhận các phản hồi (dù âm tính) trước trò phúng dụ của anh ta.

Trong tập thơ ít nhất có 6 bài tôi đọc thấy mang, hoặc muốn mang, con mèo khôi hài đen. Theo thứ tự thành công, đó là “Umua đen ở bãi biển”, Phúng dụ mẫu nhân vật umua”, “Phúng dụ J. Fucik”, Phúng dụ Di Lặc”, “Phúng dụ những bông hồng umua đen”, và “Phúng dụ nỗi trác tuyệt” (bài sau cùng hơi phô về nội dung).

5- Các điểm son khác hiển lộ nơi tập thơ:

Thủ pháp phúng dụ rất riêng của tác giả khiến một điều quan yếu phải chậm bàn đến: Là chủ nhân một tập thơ trữ tình với mật độ thơ tình yêu đủ cao, Nguyễn Anh Tuấn hoàn toàn bứt khỏi hàng ngũ các nhà thơ lãng mạn – hiện thực truyền thống và bài bản, từ tâm tư văn chương đến thể loại viết lách. Đây là một cây bút hiện đại của trữ tình và hiện thực – có phần không tưởng nhưng không lý tưởng kiểu cũ. Dù với lên những cao thiêng trên trời (Phật, Chúa, Thần lửa, mây…) thơ này có các mặt hàng siêu thị bát nháo kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Dẫu mang đôi nét ngẫu nhiên của kỹ thuật văn chương hậu hiện đại (thậm chí cả tính liên bản như đã được bàn xét kỹ ở bài trong Ct 5), thơ này tỏ ra không ham trò phá phách của cuộc chơi lớn lao mà bát nháo mang tên Hậu hiện đại, xét về tâm thức. Chân – thiện – mỹ vẫn là chân đế cho tập thơ. Đường thơ vọng tới chân lý không hoài nghi. Một nẻo xa của tân cổ điển?

– Hầu hết các bài thơ tôi đọc đều có độ bất ngờ cao, mà không hề khiên cưỡng hoặc dụng công (dùng tứ có hình ảnh, tình tiết lạ lẫm hoặc từ/câu cuối cùng bất ngờ như thông thường). Tôi ngờ rằng tay thơ này có bí kíp của chàng, tạm gọi là cú pháp bất ngờ. Thế là ăn tiền rồi! (Ôi, giá như thơ sinh ra tiền!?) Thơ, căn bản là một cuộc chiến du kích của ngôn ngữ; nó bí mật bất ngờ.

Đi trước và gần giống ý trên, nhà nghiên cứu – phê bình Văn Giá cũng từng khẳng quyết điểm son tương tự, khi sách vừa ra lò: “Nguyễn Anh Tuấn đầu tư vào những liên tưởng xa, bất ngờ, không tính lý do, tạo ra những vùng mờ, khơi gợi. Theo đó, ở những chỗ thành công, ngôn từ luôn được lạ hóa, đủ làm nên những ngạc nhiên.[15]

– Một cách cực đoan, toàn tập thơ là một cuộc chơi của các ma trận ý tưởng và bản đồ cảm xúc. Nội dung, chủ đề thơ chỉ là cái đinh theo tranh.

– Từng bài thơ được tác giả tự biên tập đủ kỹ (nhất là bây giờ hầu hết nhà xuất bản không làm trọn bổn phận). Người đọc có thể hiểu/cảm; thích hoặc không, nhưng đâu dễ thò mắt vào để sửa chữa các lỗi câu chữ dư, thừa, lạc, đuối, lép… thường thấy ở các tập thơ đầu tay. (Vả, với một lối thơ “quai quái” mấy ai đủ “quai quái” mà vào cuộc như là đồng tác giả?)

– Vần điệu tương đối tự nhiên, không lụa nhưng chảy. Đa phần là thơ tự do; hứng lên thi sĩ vần điệu thì cũng điệu đà như ai (“Umua đen ở bãi biển”, “Phúng dụ trăng”…). Chưa thấy bài thơ vần điệu nào điệu nghệ?

– Ảnh hưởng từ thi bá Lê Đạt rõ, còn hơi phô (Xem tiếp mục sau). Có một bài thơ (không trong tập thơ) giăng hẳn tên Lê Đạt thì ôkê… con gà nâu. Hóm!

6- Những vấn đề tồn tại trong thơ Nguyễn Anh Tuấn phải chăng cũng không ít, nặng ký?  

Ngay cả khi che khuất (chứ không thể bứng hẳn ra) các chữ “phúng dụ” cho vừa tầm đón đợi nơi các độc giả chưa kịp làm quen, câu hỏi trên vẫn đặt ra. Tôi thử nêu vài điểm:

– Lớn nhất là vấn đề sử dụng kiến thức “ngoài văn bản” (kinh sách, điển tích, nhân vật, sự kiện, tiếng nước ngoài… ) Riêng vụ này, nếu như liều mình làm hẳn một chuyên luận, tôi đồ rằng cần một chương thật “khủng” tùy thành bại từng bài mà xử lý. Ở đó xin sẽ bàn thêm về hai trọng điểm mà Hoàng Thụy Anh từng nhận định (“Phúng dụ từ những đám mây”, với tôi, là thi ca của vẻ đẹp tư tưởng.”, và “Như vậy, tính liên văn bản trong thơ Nguyễn Anh Tuấn diễn ra từ vi mô đến vĩ mô (…)” [16].

– Thứ đến là vấn đề ngôn ngữ nói riêng và hiệu quả của diễn ngôn, tầm đón đợi từ người đọc nói chung.

Theo hướng này, có thể ví “Phúng dụ từ những đám mây” như một khoảng không gian của sân vận động Hàng Đẫy (chưa tới tầm sân Mỹ Đình), nơi các môn “thể thao ngôn ngữ” tập dượt. Nghiêm chỉnh: bên cạnh thủ pháp phúng dụ như biện pháp chuyển nghĩa trên bình diện rộng toàn tác phẩm chứ không chỉ từng bài/đoạn, thơ Nguyễn Anh Tuấn – hay dở chưa xét đến – có thể còn nghiêng về khuynh hướng thơ ngôn ngữ (vốn là một trào lưu mạnh của Âu-Mỹ nửa sau thế kỷ trước).

Trên toàn cảnh thi ca Việt Nam hiện đại và đương đại, tuy không thành hình như một phong trào, song tùy thời kỳ cũng có một tập hợp sáng tác với vài tác giả đại biểu ở đôi ba yếu tố phụ của dòng thơ ngôn ngữ: Đoàn Phú Tứ và nhóm Xuân Thu nhã tập; Bùi Giáng, Đinh Hùng và Thanh Tâm Tuyền trong dòng thi ca miền Nam trước 1975; Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Dương Tường và Lê Đạt của nhóm Nhân văn – Giai phẩm… Cần kể thêm một số tác giả đương đại “đánh lẻ” như Du Tử Lê (thơ thể nghiệm với dấu gạch chéo/ slash “/”, gạch nối/ hyphen “-“, cách đặt dấu chấm, phẩy, không viết hoa tất cả các chữ), Nguyễn Linh Khiếu (trường ca “Phồn sinh”), Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh… “Thơ hũ nút” – đó là định danh phê phán từ dư luận độc giả khi các tác giả đó mới xuất hiện (và còn đến tận bây giờ với những “Thượng đế” đã khó tính lại nhớ dai.)

Chữ nghĩa ở tập thơ đang bàn không bí hiểm, kỳ khu về mỹ học ngôn từ; mà rậm rịt, chi chít đơn thuần ở thể thức tu từ. Nhiều nội hàm, ít nội dung; chúng chưa tinh luyện. Nói vui là hơi rối rít. Rất ít những bài thơ tinh khiết. Ở người thơ chẳng biết tâm hồn thống khổ hay phơi phới ra sao, mà trên tay tôi trong mắt tôi là những trang thơ lôi cuốn như sách truyện? Theo những bài đậm đặc vấn nạn cõi tạm nhất (“Phúng dụ cảnh giới của Buddha”), ái tình gái trai đau xót nhất (“Umua đen ở bãi biển”), hay thân phận văn nhân trớ trêu nhất (“Phúng dụ J. Fucik”) thì mảng thuyền thi ca của người vẫn lươn lướt. Như muốn cập bến đậu nào đó cho con đò chữ nghĩa riêng mình, chẳng hoài ngoái sóng gió xao động đằng sau – nơi lòng độc giả. Thơ mà đọc như truyện; hay đấy, và cũng không hay đâu!

Trên một đỉnh “thơ hũ nút”, Trần Dần và Lê Đạt là hai sư ông giữ kho từ vựng tiếng ta hiểm và tinh, theo hai sườn dốc khác hẳn nhau (mà tác giả của chúng ta có vẻ đang lần theo vết Lê tiên sinh). Nhị vị thi nhân Trần và Lê như đã tuân lời vọng về từ nhóm Xuân Thu nhã tập, “đào luyện trong cái đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam…[17]

Vậy, Nguyễn Anh Tuấn có chọn cho mình một lớp độc giả chung nào đó, hoặc độc giả riêng cho từng bài không? Hay bất chấp; như các sư phụ, các liền anh? Thơ Tuấn, Tuấn cứ “phúng” cứ “dụ”…

– Rồi là vấn đề cú pháp thơ, ở toàn tập sách khi mạnh khi yếu, chưa đều tay. Theo tôi thấy trong thơ nói chung, cú pháp quyết định hình thức (như phong cách và nhất là nhịp điệu); còn ngữ pháp ảnh hưởng đến nội dung (ý tưởng, nhất là cấu tứ). Ẩn mật hoặc tối nghĩa ở thơ Nguyễn Anh Tuấn dường như đến từ một cú pháp riêng nào đó mà chúng ta cần tìm hiểu. À rõ ràng là, việc dịch thơ của các tác giả có cú pháp thơ riêng biệt sẽ gặp khó khăn hơn với các tác giả khác. Dịch Đặng Đình Hưng, Bùi Giáng, Lê Đạt chắc sẽ khổ hơn dịch Tô Thùy Yên, Trần Dần; và còn khốn khổ hơn nữa nếu so với khi dịch các tác giả “bình thường” như Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu…

– Chưa hết. Vì kiểu làm thơ nhiều lý tính, ít cảm tính, lại chao chao trong các trò bập bênh ngôn ngữ và dụng điển, tác giả này không ham hoặc chưa/không đạt tới các câu-thơ-hay, các “nhãn tự – thần cú” vốn luôn là chứng chỉ Nàng thơ và Trời đất cấp cho mọi nhà thơ thành danh  [18]. Thi nhân làm nên các câu thơ hay; hay là, các câu thơ hay làm nên thi nhân. Cũng vậy thôi.

– Đôi điều nữa lấn cấn. Có thể chỉ là chuyện nhỏ. Như việc chấm, phẩy sai luật, dấu ngoặc khép không cần thiết… Thiển ý tôi, không nên xem như thuật lạ hóa, tạo mới:

Mà, không thêu con người/ Bỗng. hiện lên một viên phấn trắng” (Phúng dụ viên phấn trắng); hay Bỗng. buốt lừng “trăng sáng” (Phúng dụ Sentiment”); rồi “Kìa, ngòi bút của đấng thi nhân/ Bỗng. thơm biếc ngôi từ nỗi hát” (Phúng dụ “Vũ khúc bạch dương”) [19]. Cá rằng nhiều bạn đọc sẽ bảo đó chỉ là “lỗi của cậu đánh máy”!

*

Ôkê con gà đen, Nguyễn Anh Tuấn! Chắc là ĐQ tôi, ở những lần đọc tiếp, sẽ làm thẳng dần những dấu hỏi nhấp nhô kể trên đang rải rắc khắp trong ngoài tập thơ. Nhược bằng không, chúng sẽ là các nhược điểm, với cá nhân tôi. Hy vọng không vậy. Amen! Nhân danh Cha, Con và các Thánh thần. Oh non, xin lỗi sir poet. Nhân danh Thượng đế Bạn đọc và Nữ thần Phúng dụ Muse!

7- Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm.

 Một lý thú về phong cách tập thơ. Nay mới bàn, chẳng muốn nó che lấp thi pháp phúng dụ mà thơ Nguyễn Anh Tuấn hướng tới. Phần vì ở thơ anh, nó – thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm –  không nổi trội, nhưng tôi tin đấy sẽ là một đòn bẩy trong tầm tay góp phần thúc đẩy nghệ thuật phúng dụ đạt đỉnh khi đang còn lưng chừng dốc.

Thì cũng chỉ là một cách nói, tôi bày đặt ra: Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm và Thi pháp rành mạch/ tư biện. (Cảm phiền tác giả và Quý độc giả, chữ “lảm nhảm” trông lem nhem thật đấy, nhưng đắc địa. Gốc khoa học của lảm nhảm là gì, nếu không là vô thức, tiềm thức?)

Thử lập danh sách nhà thơ Việt Nam thời nay viết theo Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm: Nguyễn Vỹ, Lê Đạt, Nguyễn Hoàng Nam, Vương Ngọc Minh/ Lưu Hy Lạc, Thường Quán, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Kh, Tuyết Nga, Du Tử Lê (đã chú giải ở phần trên), Khế Iêm (trước giai đoạn thơ Tân hình thức [20]), Chân Phương, Hoàng Xuân Sơn…

Đối ngược là Thi pháp rành mạch/ tư biện với nhiều, rất nhiều đại biểu (thường là các thi sĩ mang giọng điệu xa hay gần từ âm hưởng bi tráng ca). Ở đây chỉ nêu tượng trưng: Thâm Tâm và Trần Dần; Trần Mạnh Hảo và Phùng Quán; Hữu Thỉnh và Phạm Đình Ân; Chế Lan Viên và Bùi Chí Vinh; Nguyễn Viện và Hải Như; Cao Tần và Đặng Huy Giang; Trần Nhuận Minh và vân vân….

Dòng thi ca ngập ngừng, lảm nhảm được thấy rõ nhất qua cú pháp thơ không trùng với cú pháp tiếng Việt bình thường; rồi đến ý tản, nghĩa mờ; hình ảnh phân tán “tranh nhau” làm hình tượng khiến một bài thơ có 2-3 tứ (thường gọi là nhiều bài thơ trong một bài thơ); tự sự dông dài, chuyện nọ xọ cảnh kia… Cách viết này dễ bị nhấn chìm. Người đọc khó đón nhận thông điệp, nếu thơ quả thực có cái gọi là thông điệp.

“Ngập ngừng lảm nhảm” là lối viết hiếm. Như một thứ tật, tật hành văn. Mà tật này vẫy gọi tài. Có những tài thơ oái ăm vậy đấy. Không thể quên cái kỳ khôi khó coi mà hấp dẫn trong thơ Nguyễn Vỹ, theo nhìn nhận của tôi, có phần đắc lực của thứ thi pháp đang được bàn [21].

Một số bài được Nguyễn Anh Tuấn nghiêng theo lối viết này, và thành đạt: “Phúng dụ Hà Nội”, “Phúng dụ những tiếng gà”, “Phúng dụ niết bàn”, “Phúng dụ Styx”, “Phúng dụ người đêm”, “Phúng dụ phép màu”…

 Trước đây tôi đã thử bàn đến thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm ở một số bài viết, và tới nay chỉ mới phác thảo được thế này. Âu cũng nhờ gặp tập thơ mới. Và biết thêm được hai ý kiến hay hỗ trợ:

Một là, luận điểm “Tính phi đối xứng làm nên nét độc đáo của thơ” đến từ nhà nghiên cứu Hoàng Kim Ngọc [22]. Có thể triển khai thành một chương hoặc cả một tiểu luận mà phong cách nói trên trở thành ví dụ tốt. Vâng, phi đối xứng chính là tật, xa hơn nữa là “quái đản”.

Hai là, bàn về thơ Thường Quán, nhà thơ Vũ Thành Sơn viết: “[…] tôi thích ở chỗ, những khoảng lặng. Những khoảng lặng hay có thể nói là những khoảng trống ấy được tạo ra từ những ngắt đoạn, những chuyển hướng đột ngột, những bỏ lửng, khiến cho người đọc có cảm tưởng bài thơ như “tối nghĩa”, “khó hiểu” (tôi cố ý để trong ngoặc kép “nghĩa” và “hiểu” dành nói về cách đọc, cách viết phổ biến trong khá đông người Việt Nam hiện thời). Đó là những khoảng trống làm cho người ta kinh sợ (Blaise Pascal).” [23]

 8- Khoảng 60 bài thơ tôi đã đọc trong và ngoài tập thơ.

 Tự tin mà nói tôi “cảm” được gần như tất cả, dù không thích chừng 1/3 số bài. Và thú thật, tôi không “hiểu” được tới 1/5 số bài trong đó không ít bài có lẽ hay. Lỗi tại tôi mọi đàng! Cuốn thơ chúng ta đang ngự trên nó là ví dụ rõ cho cá nhân tôi thử nghiệm nhanh, nhiều trạng thái thơ: cảm, hiểu/ không hiểu, hay/ không hay, thích /không thích, v.v…

Nhưng không có trạng thái chán. Các nhà bình thơ Trung Hoa thường bảo, văn chương chán nhất là bởi nhạt. Thơ nhạt còn tệ hơn thơ dở. Nguyễn Anh Tuấn đã vượt thắng cửa ải đầu tiên. Với thơ được/bị viết theo phương cách nhất quán, như một kiểu “chế tạo thơ”. Đồng điệu mà không đơn điệu. Tài!

Mời xem Phụ lục gồm 4 bài rút từ tập thơ mà người viết mạn phép làm theo bảng điểm Hay, OK, Đạt, Chưa đạt với cách đọc của mình. Dòng thơ này dường như không có các bài yếu/ dở? Và tôi chưa đọc được bài nào rất hay/ xuất sắc thì phải? Sao vậy ta?

9- Bài viết được hình thành từ các cảm nghĩ ban đầu của bản thân, kèm nhận định từ một số tác giả nghiên cứu, phê bình…

 Tôi hạ bút trong khi đọc nhanh những gì trong và ngoài “Phúng dụ từ những đám mây”.

Tới các lần đọc lại và chậm, liệu sẽ thấy nhiều điều hay hơn của loại thơ còn đang lạ này? Tôi không thể biết. Trải nghiệm đọc thơ đâu phải là con dao pha để thực hành với đủ loại thịt cá rau quả?

Mong tác giả cho tôi và mọi người được chờ các sáng tác mới, chuyển đổi từ thủ pháp phúng dụ thành công như đang là sang thi pháp phúng dụ. Không hề dễ, không thể nhanh. Không sao tính được bằng số lượng bài thơ, trang sách hoặc số năm tháng sắp tới.

Làm một người đọc, chờ thơ cũng là hạnh phúc; và mang hơi hướng khôi hài đen.

Để chúng ta cùng an tâm “trong khi chờ Godot”, nên chăng dùng các lời sau, vẫn là đến từ Văn Giá (X. Ct 1):

Cái chữ “phúng dụ” […] có thể gây cản trở ít nhiều đối với ai đó […] Suy cho cùng, những bài thơ hay (vâng, chỉ những bài thơ hay) nào chẳng hàm chứa một ý nghĩa khái quát nào đó. Cho nên, thiết nghĩ, cũng chẳng chấp vào cái chữ phúng dụ làm gì.

Thơ Nguyễn Anh Tuấn thường hay có mặt lớp ngôn từ trực tiếp hoặc liên quan đến văn hóa/văn chương Đông Tây kim cổ […] Điều đó ít nhiều cũng gây cản trở người đọc, nhất là bạn đọc khi không có đủ một tri thức rộng làm nền. Tuy nhiên, điều này cũng chưa phải là cốt yếu.

Cái làm nên những bài thơ thành công nhất […] nằm ở chỗ có sự kết phối nhuần nhị, tự nhiên giữa những cảm xúc và suy tưởng, giữa hình ảnh và ý tưởng, giữa ngôn từ và cấu trúc, giữa hiển ngôn và hàm ẩn. Nặng về suy tưởng, dễ gò ép. Ngả về cảm xúc, dễ bị miên man. Không ít những bài thơ trong tập thơ này chưa đầy chưa nhuyễn hai điểm cốt yếu đó.”

 10- Bonus tới Quý bạn nào phản cảm từ “phúng dụ”.

Chỉ cần thay “Phúng dụ” bằng “Thơ”.

Tin là bạn sẽ hiểu đúng đến 96% tập sách “Phúng dụ từ những đám mây” gồm 96 bài thơ từ một người thích ký tên như sau trong các thư email: Nguyễn Anh Tuấn, Nhân Vật Phúng Dụ Trữ Tình, Thơ Phúng Dụ.

Thì vẫn, thơ là phúng dụ – phúng dụ là thơ.

Vancouver, 19/6 — 13/7/2020

 Đỗ Quyên

 *

 PHỤ LỤC

 – Bài hay:

PHÚNG DỤ TỪ NHỮNG ĐÁM MÂY

Mặt đất một ngày rêu

Xanh những giấc mơ xanh huyền thoại

Rối vào nhau hạnh phúc gồm khổ đau

 

Mặt đất một ngày hoa

Em xinh đẹp như bài thơ tôi viết

nhưng không hiểu được

Và, trở về, tưởng tượng biếc màu đêm

 

Mặt đất một ngày trăng

Tôi sẽ giã từ với niềm nuối tiếc

Chưa lắng đọng được cho em một chút ấm nồng

 

Mặt đất một ngày tinh cầu số

Ngày đó, phép thiêng ngôn ngữ mở

Câu chuyện loài người được kể bởi những đám mây.

 

– Bài OK:

UMUA ĐEN Ở BÃI BIỂN

Bãi tắm đông đúc vắng

Biển động êm ái sóng

Em mảnh khảnh đẫy đà

Sải dài từng bước ngắn

 

Những thô thô duyên dáng

Những trắng trắng đen đen

Những giá băng nóng bỏng

Những lạ lùng thật quen

 

Bao năm gần thăm thẳm

Cùng chung sống đơn phương

Kẻ rạch ròi lẫn lộn

Người mạch lạc lung tung

 

Đành bên nhau cách biệt

Em xa hút trong tay

Đất trời yên vun vút

Gió ngừng. Tóc lộng bay.

 

– Bài đạt:

PHÚNG DỤ HÀ NỘI

Hà Nội

Phồn hoa lắm

Người đi

Bóng dẫm bóng

Mỗi nét văn trống đồng luôn kể rõ thiên cơ.

 

– Bài chưa đạt:

PHÚNG DỤ SENTIMENT

Biếc ngắm người đàn ông, buổi sáng

Nhặt sâu trên lóng lánh nụ hôn

Đêm hôm qua, sự kì diệu

Cô chuột lãng mạn làm với bông cúc trắng

Phập phồng mây ở não người

Bỗng. buốt lừng “trăng sáng”

Chữ viết mọc linh hồn làm thơm biếc bàn tay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO & CHÚ THÍCH

[1] Ngoài tập thơ “Phúng dụ từ những đám mây“ – Nguyễn Anh Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, 2020 – có thể xem thêm những bài thơ theo kiểu “phúng dụ” và “không phúng dụ” của cùng tác giả ở một số trang mạng:

+ Phúng dụ

– FB Thơ hiện thời Plus 29/3/2020 (Văn Giá giới thiệu và tuyển chọn)

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=832126810634114&id=182183488961786

– vanviet.info 8/2/2019

http://vanviet.info/tho/tho-nguyen-anh-tuan-2/

– trangngaunhien.wordpress.com 11/4/2020

https://trangngaunhien.wordpress.com/2020/04/11/tho-nguyen-anh-tuan-3/

– vanchuongphuongnam.vn 2/4/2020:

https://vanchuongphuongnam.vn/nguyen-anh-tuan-phung-du-cac-tang-troi.html

+ Không phúng dụ

– Blog Ánh sáng lời

http://anhsangloi.blogspot.com/2018/

– Trang thơ Thi Viện

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Anh-Tu%E1%BA%A5n/author-z1ZxOsw3SlT54d7k7rgd9g

[2] Trên file bản thảo (không rõ trùng với bản in sách hay không), tôi thấy tập thơ gồm tổng cộng 96 bài, với bài số 1 “Phúng dụ vầng mây”; từng bài nối tiếp nhau cho đến bài thứ 96 “Phúng dụ người mẫu” không phân chia theo phần/mục khác nhau (như đa số sách thơ hiện nay). Ba trường hợp ngoại lệ: duy nhất không có từ “Phúng dụ” ở nhan đề là bài “Umua đen ở bãi biển”, và 2 bài có từ “Phúng dụ” ở nhan đề nhưng không ở từ đầu tiên, “Ly café phúng dụ” và “Chim phúng dụ”.

[3] Ngô Đức Hành; “Nguyễn Anh Tuấn và tập thơ Phúng dụ từ những đám mây”, vanchuongphuongnam.vn 25/3/2020.

[4] “Nguyễn Anh Tuấn – Phúng dụ các tầng trời”, vanchuongphuongnam.vn 2/4/2020.

[5] Hoàng Thụy Anh; “Nguyễn Tuấn Anh làm biếc non tiếng hát“, vanchuongphuongnam.vn 22/4/2020.

Tham khảo thêm: Ngô Đức Hành (X. Ct 3)

“Khái niệm phúng dụ (chữ Hy Lạp là allègoria) đã xuất hiện từ thời cổ đại. Nguyên tắc phúng dụ được dùng phổ biến trong mỹ học và nghệ thuật trung đại châu Âu. […] Phúng dụ (hay nói bóng hoặc ám chỉ), là một biện pháp chuyển nghĩa trong nghệ thuật ngôn từ; một kiểu hình tượng, một nguyên tắc tư duy và tổ chức trong nghệ thuật nói chung.

Theo nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, ngay trong ca dao, hò vè xưa, cha ông ta đã dùng cách nói ám chỉ, đó là mức sơ khai của phúng dụ. Ví dụ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” diễn tả một triết lý về sự đoàn kết. Có thể coi phúng dụ là dạng thức ẩn dụ nhưng với quy mô lớn hơn, không chỉ ở cấp độ câu, đoạn mà còn bao quát toàn bộ tác phẩm. Phúng dụ dựa trên cơ sở lối nói ngụ ý, bóng gió, biểu đạt một ý tưởng trừu tượng, khái quát bằng hình ảnh trực quan.” (ĐQ nhấn mạnh)

[6] Vũ Gia Hà; “Nhà phê bình văn học La Khắc Hòa không có đối thủ trong việc gây cười”, vanhien.vn 3/7/2020.

[7]  X. Chú thích 5.

[8] Đa số các bài trong tập thơ đều ngắn với trung bình 120 từ, được trình bày vừa một trang sách nhỏ; bài dài nhất (và nằm trong số các bài “dễ hiểu” nhất) là “Phúng dụ đêm mùa hạ”, chừng 390 từ, ở các tr.53-56.

[9] Vẫn biết gán ghép này sẽ là chênh vênh trên mặt bằng quan niệm về thể thơ trường ca hiện đại, tôi vẫn mạnh dạn mà ghép gán, với ý thức thường trực nơi một người quan tâm – gần như từ A đến Z – các vấn đề thơ dài và trường ca Việt Nam từ thời Thơ mới tới nay. (X. các chuyên luận “Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm“, vanviet.info 28-30/4/2015; và “Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” vanchuongviet.org 11/5/2016).

Nếu cách nhìn trên phần nào đúng thì kẻ viết bài này (từng có vài trường ca được làm theo phương thức đó) cũng là “đồng minh” của tác giả. Dù hai chúng tôi khác nhau ở đích sáng tác: ĐQ chủ tâm viết trường ca bằng cách làm một chuỗi thơ rời rạc rồi cắt ghép chúng lại gần nhau theo cùng chủ điểm. Còn Nguyễn Anh Tuấn ắt là khi viết đã vô thức và khi biên tập, sắp xếp tập thơ đã không chủ ý ghép nối các bài thơ độc lập để hình thành chương hồi.

Trữ tình ngoại đề: Hơn chục năm trước, có bạn thơ (sau này trở thành một nhà nghiên cứu văn học tạo tiếng vang) đã ngạc nhiên khi thấy trong danh sách thơ dài và trường ca Việt Nam ở biên khảo nói trên lại có tập thơ “Vỉa từ” của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúng tôi tranh biện: “Tập thơ đó có thể độc đáo nhưng quyết không ở thể loại trường ca!” – “Thì vẫn. Chính cái độc đáo đã chuyển hóa thể loại cho nó, bởi mọi thể loại văn học không bao giờ ổn định; còn riêng với trường ca thì như nghiên cứu gia văn học Nga Y. N. Tynhianov khẳng định: ‘Hãy thử định nghĩa khái niệm ‘trường ca’, tức một khái niệm về thể loại. Tất cả mọi cố gắng đưa ra một định nghĩa thống nhất đều không đạt được!

[10] X. Ct 5.

[11] X. Ct 9.

[12] X. Ct 5.

[13] Một tư liệu hữu ích, liên hệ xa với chuyện uymua đen đang bàn: Là người viết sách “Thi pháp thơ Tố Hữu” (1987), Giáo sư Trần Đình Sử vừa cho đăng “chuyện bây giờ mới kể” về cách phân biệt mà ông từng làm thỏa đáng ở “thái độ” tuy không kết quả ở “nội dung”, khi trao đổi trực tiếp với nhà thơ cách mạng Tố Hữu trong vấn đề loại hình thi ca và điệu thức thể hiện:

Thơ trữ tình chính trị là một thuật ngữ có tính thế giới để chỉ một loại thơ, thơ chính trị, tức là thơ tuyên truyền chính trị. Đối lập với nó là thơ trữ tình bình thường. Mấy chữ trữ tình cách mạng chỉ nói về nội dung, không nói về lọaị hình. Đối lập với cách mạng chỉ có thể là không cách mạng hoặc phản cách mạng, mà đều mang nghĩa xấu. […] Giọng thơ quyền uy cũng khác với quyết liệt. Quyết liệt là tính chất của lời nói, còn quyền uy là thái đội đối với người nghe, thái độ đối với chân lí […] (Trần Đình Sử; “May mà tôi không xin gặp nhà thơ Tố Hữu”, vanviet.info 11/6/2020 – ĐQ nhấn mạnh)

[14] Nói thêm: Không hẳn hễ thơ “phản biện” thì humour noir. Tập trường ca “Văn đàn bi tráng” của thi sĩ Nguyễn Vũ Tiềm là một ví dụ lớn. Rất nghiêm trang và thê thiết, rất trực diện và cụ thể, rất hệ thống và dông dài (trường ca mà lị!) như người trong cuộc, tác giả đã lập một bàn tròn bằng thơ tổng kiểm thảo đủ các sự kiện, nhân vật chủ yếu là của văn chương hiện đại miền Bắc Việt Nam từng bị “bi” suốt thời gian góp phần làm “tráng” thi ca và xã hội, đất nước. Và cũng không hẳn có “bi” có “tráng” thì không “hài”. Một câu ai cũng biết của K. Marx: “Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử, chính là tấn hài kịch của nó.

[15] Văn Giá (tuyển chọn và giới thiệu); “Chùm thơ phúng dụ của Nguyễn Anh Tuấn”, FB Thơ hiện thời Plus 29/3/2020 (X. Ct 1).

[16] X. Ct 5.

[17] “Ngăn cái họa mất gốc. Văn chương, tư tưởng lấy quốc văn làm khí cụ độc nhất, đào luyện trong cái đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam…” – Trích bài “Quan niệm”. (“Xuân Thu nhã tập”; vi.wikipedia.org)

[18] Thành thực mà nói, các câu“Chữ trỗi lên loạt gà gáy/ Vang lên không trung những tia mặt trời”,  “Sau đêm biếc kỉ niệm/ Những chồi non bỗng thức giấc thành người” như đã được chọn trích ở đoạn giới thiệu trong FB Thơ hiện thời Plus (X. Ct 1), tôi cũng“đọc rất thích”mà chưa khoái tỉ. Chúng chưa là các câu-thơ-hay.

[19] Các chỗ nhấn mạnh là bởi ĐQ.

[20] Thơ Tân hình thức Việt cũng có giọng “lảm nhảm” nhờ kỹ thuật lặp lại, bên cạnh 4 yếu tố khác với mấu chốt là kỹ thuật vắt dòng để cùng tạo nên thi pháp cho thể thơ mới này của nền thi ca Việt Nam từ trước đến nay. Khế Iêm từng dùng cách nói ấn tượng rằng, dòng thơ này có “vũ điệu không vần” (cũng là tên cuốn sách mới, quan trọng nhất của ông về lý luận và thực hành thơ Tân hình thức Việt).

So sánh với các điều ở đây, ta có thể thấy cú pháp “vũ điệu” ở thơ Tân hình thức (vốn là thể thơ không vần) như một kiểu đối ngược với cú pháp “ngập ngừng” của thơ vần điệu và thơ tự do bình thường. Và nó là đối ngược về nhịp chảy ngôn từ; khác với đối ngược của cú pháp “rành mạch/ tư biện” (ở thơ vần điệu và thơ tự do bình thường) lại là đối ngược về phong cách diễn đạt.

[21] Về một trường hợp quý hiếm như thế ở kỷ nguyên Thơ mới, vài trích dẫn dưới đây cho thấy sự lúng túng bất cập của giới phê bình đương thời và cả sau này:

“Ở Sài Gòn, trong quyển Hồn Thơ nước Việt thế kỷ XX [1967] tác giả Lam Giang đã nhận định như sau: “Phê bình Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh phát biểu một ý kiến võ đoán: “Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương“.

Riêng về thơ, ông nhận được nhiều lời khen chê: […] Nguyễn Vỹ có […] một lối thơ mới trên thi đàn [Như:]

“Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù

Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng…” […]

Vì lẽ đó, Thế Lữ cho rằng ông có ý định toan lòe và bịp mọi người […], còn Vũ Ngọc Phan thì viết: […] tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt.

Giới thiệu Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh và Hoài Chân cũng đã viết như sau: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…” Chê bai, nhưng ngay sau đó hai ông cũng phải nhìn nhận: “Một bài như bài “Sương rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ… Nhưng “Sương rơi” còn có vẻ một bài văn. “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người.”

(“Nguyễn Vỹ”; vi.wikipedia.org – ĐQ nhấn mạnh các chỗ liên quan đến Thi pháp ngập ngừng/ lảm nhảm. Riêng 2 câu thơ trên của Nguyễn Vỹ, tôi còn thấy dù ở nhịp thơ và thi ảnh cũ, nhưng cách diễn đạt rậm rịt lại… giống trong tập thơ “Phúng dụ từ những đám mây“.)

[22] Hoàng Kim Ngọc (Chủ biên) và Hoàng Trọng Phiến; “Ngôn ngữ văn chương”, Nxb Đại học Quốc gia, 2011; tr.113.

[23] Vũ Thành Sơn; “Hải đảo, trở lại”,  FB Thành Sơn Vũ 28/6/2020 – ĐQ nhấn mạnh.