19.3.2018-22:20
Thi sĩ Nguyễn Bính
Đôi nét cảm nhận về
“Hành trình phương Nam” của Nguyễn Bính
TRẦN VĂN TUẤN
NVTPHCM- Người ta thường nói: Sống là cuộc hành trình. Là đi và đến. Đến rồi lại đi. Quy luật sống là quy luật của sự di chuyển. Hơn ai hết, giới nhà văn, nhà thơ hiểu rõ điều này.
Hành trình khám phá nội tâm luôn đồng hành với sự khám phá thế giới bên ngoài. “Chân trời” luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Ở Việt Nam ta, từ xưa tới nay, phương Nam được xem là một chân trời hấp dẫn, một vùng không gian đầy tràn cảm xúc.
Cũng như rất nhiều nhà thơ, nhà văn khác, sau khi Lỡ bước sang ngang Nguyễn Bính đã dấn bước tiến vào phương Nam. Không phải là cuộc hành hương về miền đất hứa, đấy là cuộc hành trình khẳng định chính mình. Theo tài liệu gia đình, thi sĩ Nguyễn Bính đã có mặt ở phương Nam từ trước năm 1940, nhưng mãi đến tháng 9-1943 ông mới đến phương Nam lần thứ ba và cũng là lần cuối. Nguyễn Bính đến với phương Nam, đến với Nam bộ, đầy nắng, gió và sông nước, chắc chắn không phải trong tâm trạng “lỡ bước sang ngang”. Ông về Nam với tình yêu đất nước, con người và thơ. Chính vì vậy, ông đến với Cách mạng tháng 8-1945 một cách tự nhiên. Như xuân về hoa nở. Như con nước thủy triều.
Ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Mỹ Tho. Cùng hàng ngàn đồng bào tiến về Sài Gòn giành chính quyền. Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, chiến tranh nổ ra trên đất Nam bộ, Nguyễn Bính bị thất lạc đơn vị. Cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác, ông phải tự lực móc nối, tìm đến đơn vị để phục vụ kháng chiến. Trong thời gian này, ông quen biết và thân thiết với nhà thơ Kiên Giang (Hà Huy Hà). Hai người đã cùng dựng lên ngôi nhà. Và Nguyễn Bính đã có bài khai bút cho tình thân hữu đó: Có những dòng sông chảy rất mau/Nhờ chí nghĩa bền với sông Cầu/Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp/Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.
Thực ra, không chỉ có Kiên Giang, rất nhiều bạn đọc Nam bộ đã tìm đến Nguyễn Bính. Vì sự nổi tiếng của Lỡ bước sang ngang. Vì chất sống nghĩa tình, cởi mở và giản dị. Vì tinh thần cách mạng. Giặc Pháp đã tìm bắt giam ông ở bót Giếng Nước. Nhưng giặc không thể giam giữ ông lâu. Chúng buộc phải trả lại tự do cho ông.
Được sự cưu mang đùm bọc của người dân, Nguyễn Bính đã đến được những nơi cần đến. Ở giai đoạn này, con người “nhà thơ – chiến sĩ” đã thể hiện rõ ràng bởi tinh thần trách nhiệm cao. Ở Vĩnh Long, ông tham gia liên đội du kích với vai trò là chính trị viên. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Nam bộ bước sang giai đoạn mới, khốc liệt hơn. Cơ quan kháng chiến đã thành lập nhiều chiến khu để bảo toàn lực lượng. Nguyễn Bính được điều về chiến khu U Minh Thượng. Đến với U Minh Thượng, hồn thơ Nguyễn Bính tuôn trào: Chim kia có cánh thì bay/Con ơi có nước thì mày phải thương/Thà rằng chết ở chiến trường/Còn hơn sống nhục trên giường thế nhi.
Dường như hồn thơ Chân quê của người con Trấn Sơn Nam Hạ đã có khí sắc mới. Hào khí Đông A đã hòa lẫn trong sự hào sảng, nghĩa hiệp của đất phương Nam. Cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về giai đoạn thơ Nguyễn Bính trong cuộc hành trình phương Nam của ông. Có một điều chắc chắn rằng: ở Nam bộ thơ Nguyễn Bính vẫn là thơ Nguyễn Bính ở vùng đất thôn quê Bắc bộ. Đó là sự kết tinh của hồn quê, của tình người. Đó là đỉnh cao của sự giản dị và trong sáng.
Xin được nêu lên một số tác phẩm của Nguyễn Bính trong giai đoạn ở chiến khu. Để phục vụ kháng chiến, tiếp lửa tinh thần cho bộ đội, đồng bào, ông đã sáng tác những vở kịch thơ như: Hội nghị Diên Hồng, Nguyễn Trãi. Ông cùng nhóm văn nghệ Long Mỹ ra mắt tập san Lòng Dân. Trong tập san này, thơ Nguyễn Bính vẫn là chủ lục. Cho đến nay, nhiều người dân Rạch Giá (Kiên Giang) còn nhớ những câu thơ của ông: Lá Quốc kỳ bay giữa nắng hồng/Mẹ đưa con đến bến sang sông/Mẹ cầu nguyện đến khi đò khuất/Con mẹ đem về một chiến công.
Trong dân gian còn lưu truyền một bài thơ thay cho giấy báo tử của người cán bộ Nguyễn Bính: Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát/Mẹ khấn đôi lời con có nghe/Vì nước bỏ mình là bất tử/Xưa nay chinh chiến mấy ai về…
Ở chiến khu Đồng Tháp Mười, Nguyễn Bính sáng tác khá nhiều như: Trường ca Đồng Tháp Mười, Cửu Long giang, Người của ngày mai, Con Tằm… Đặc biệt vở kịch thơ Chiếc áo đêm trăng được công diễn nhiều lần. Trong vở kịch thơ này, Nguyễn Bính đóng vai người chiến sĩ. Nhà văn Đoàn Giỏi đóng vai cô gái. Người xem không chú ý nhiều đến diễn xuất. Chủ yếu là thơ. Lời thơ lãng mạn bay bổng. Chất thơ sâu lắng, đậm đà. Tình yêu trai gái, tình yêu đất nước hòa quyện hài hòa. Vở diễn được khán giả hoan nghênh.
Có lẽ, khi nói về cuộc hành trình phương Nam của Nguyễn Bính, dấu ấn nổi bật nhất, đặc trưng nhất của “nhà thơ – chiến sĩ” này là tác phẩm Tiểu đoàn 307. Giữa năm 1948, quân khu chuẩn bị mở chiến dịch Mộc Hóa. Theo kế hoạch, tiểu đoàn 307 được xác định là quân tiên phong, quân chủ lực và tiểu đoàn 307 đã hoàn thành xuất sắc trong các trận đánh Mộc Hóa, La Bang. Bài thơ Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Bính ra đời trong hoàn cảnh đó. Bài thơ được chuyền tay đọc trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân khu, được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Lời thơ hào sảng.
Chất thơ lãng mạn, lạc quan cùng với giai điệu hành khúc oai hùng đủ tạo nên sức sống mạnh mẽ, lâu dài không chỉ ở chiến trường Nam bộ, mà nhanh chóng lan rộng khắp mọi miền đất nước. Từ kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống xâm lược Mỹ và cho tới ngày nay, có thể khẳng định, sức sống của hành khúc Tiểu đoàn 307 là sức sống của thơ ca, sức sống đất trời phương Nam: Ai đã từng qua Cửu Long Giang,/Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy… (lời bài hát) đều biết tới tiểu đoàn 307 oai hùng và biết đến một thi sĩ làng quê Bắc bộ hành trình phương Nam với tâm thế phục vụ cao nhất: phục vụ công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, phục vụ nhân dân và phục vụ thơ.
Ai cũng biết, người có đường đi riêng của người, thơ có đường đi riêng của thơ. Không ai giống ai. Với Nguyễn Bính, đường đi của người và đường đi của thơ là một. “Hành trình phương Nam” chỉ là một chặng đường ngắn trong đường đời “nhà thơ của nhân dân”, “nhà thơ của dân tộc Việt Nam”.
>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…