Nguyễn Bình Phương – một thuở ban đầu

2567

Lê Thị Quỳnh Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhắc đến Nguyễn Bình Phương trong bức tranh văn học Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nhạy cảm, tinh tế và linh hoạt với ngôn từ, anh đã khẳng định vị trí của mình ở cả hai “địa hạt” thơ và tiểu thuyết. Dù là nhà thơ, hay nhà văn, độc giả vẫn tìm ra được nét riêng của tác giả miền trung du ấy. Ba thập kỉ qua, anh đã khẳng định với những bạn đọc yêu quý mình một điều rất chắc chắn: Nguyễn Bình Phương là Nguyễn Bình Phương, không nhạt nhòa và hỗn tạp.

 

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Hơn 30 năm qua, không chỉ bền bỉ trên con đường sáng tạo, anh còn luôn nỗ lực, cách tân để làm mới mình, đặc biệt là trong tiểu thuyết. Ở thể loại này, mỗi tác phẩm của anh mang một màu sắc riêng.

Nhắc đến tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, người ta vẫn ca ngợi Mình và họ và coi nó như một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của anh. Nếu không nhắc tới cuốn tiểu thuyết mang nặng âm hưởng chiến tranh ấy, thì khá nhiều cái tên khác cũng được xướng lên như: Những đứa trẻ chết già, Ngồi hay Người đi vắng, thậm chí là cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh là Kể xong rồi đi. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh là Vào cõi và “người anh em song sinh” của nó là Bả giời, ít được độc giả cũng như giới phê bình nhắc tới.

Có nhiều ý kiến cho rằng: hai cuốn tiểu thuyết này “lép vế” so với các tiểu thuyết được viết vào giai đoạn sau của Nguyễn Bình Phương. Chúng được tạo nên trong một “vùng an toàn” và ít phá cách. Đây là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, điều này được thể hiện một cách rất rõ ràng trong việc xây dựng cốt truyện, nhân vật và cách kể. Thế nhưng, dù còn “non nớt” bên trong hai cuốn tiểu thuyết này vẫn có nhiều câu chuyện đáng bàn.

Trước tiên, hãy nhìn nó như loạt tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ ngoài 20 tuổi. Những năm cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Văn đàn trong nước đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng của các sáng tác thời kì sau Đổi mới như: Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) cùng một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Điều đáng nói là những cách tân ở các tác phẩm này mới chỉ dừng ở việc đã khai thác được những đề tài mới, như: sự biến động của đời sống xã hội thời kì mở cửa, sự lên ngôi của đồng tiền, các giá trị đạo đức của dân tộc đang dần bị băng hoại…

Các yếu tố khác như: cách kể chuyện, cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và tình huống truyện vẫn khá “truyền thống” chưa có sự đổi mới và cách tân so với giai đoạn trước. Nhưng tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thì khác, các sáng tác của anh cho chúng ta thấy một cấu trúc khác trong cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật và tình huống truyện. Bên cạnh đó, hai cuốn tiểu thuyết này còn mang một nét “lãng mạn” riêng của Nguyễn Bình Phương, ảnh hưởng sâu sắc từ âm hưởng của thơ. Sự lãng mạn và thi vị này, người đọc sẽ không tìm thấy ở các tiểu thuyết được sáng tác vào giai đoạn sau của anh.

Nguyễn Bình Phương kể chuyện như thế nào?

Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Bình Phương thừa nhận rằng: một trong những cái khó của nhà văn là loay hoay đi tìm cách kể. Có thể, đề tài của anh không mới, nhưng chỉ cần đem nó đặt trong một lối kể hoàn toàn khác toàn bộ câu chuyện sẽ trở nên mới mẻ. Đó là cách mà Vào cõiBả giời khiến người đọc phải nhớ tới tên của chúng.

Chuyện những con người cảm thấy chới với, hoang hoải giữa hiện thực đen tối, nên tìm cách lẩn trốn vào quá khứ, hay để tâm trí bay bổng trong những miền mơ tưởng xa xôi nào đó không còn là chủ đề quá mới mẻ. Nhưng kể câu chuyện ấy với một kết cấu phi tuyến tính, không tuân theo trật tự thời gian, thì ở thập niên 90, người ta chỉ thấy trong văn của Nguyễn Bình Phương. Điều này được thể hiện rất rõ trong Vào cõi Bả giời.

Hai tác phẩm Vào cõi và Bả giời của nhà văn Nguyễn Bình Phương

Ở cả hai tiểu thuyết này, chúng ta thấy được kết cấu đan cài tài tình giữa quá khứ – hiện tại. Mở đầu tiểu thuyết Bả giời, Tượng tìm về làng Phan của hiện tại, nơi cha anh đang sống. Từ điểm nhìn của Tượng, câu chuyện của làng Phan được mở ra, hiện tại và quá khứ cứ thế đan xen và tiếp nối nhau. Ân oán của đời trước và bi ai của đời sau được tiếp diễn bằng một cách dẫn tự nhiên, khiến cho người đọc có nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm về cái vô cùng của nhân sinh và kiếp người.

Đặc biệt, tiểu thuyết Vào cõi được viết theo kết cấu phân cảnh, giàu chất điện ảnh. Câu chuyện của các nhân vật được sắp xếp đan xen lẫn nhau, tạo nên những “nút thắt” cần thiết cho tác phẩm. Cách kể này đã xuất hiện từ lâu trên văn đàn thế giới, nhưng vẫn còn mới mẻ với văn học Việt Nam những năm đầu thập niên 90.

Không chỉ có vậy, trong hai tác phẩm này, Nguyễn Bình Phương còn kết hợp một các nhuần nhuyễn và hợp lý giữa độc thoại và đối thoại. Nói như nhà văn Uông Triều: “Nếu chỉ biết kể chuyện, nhà văn chẳng khác gì bà hàng nước”. Cái tài của một nhà văn, luôn là kể sao cho hấp dẫn và mới mẻ. Ngoài độc thoại nội tâm, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng nghệ thuật dòng ý thức một cách hiệu quả để tạo chiều sâu cho câu chuyện và nhân vật. Đặc biệt là đối với nhân vật Tượng trong Bả giời.

Trong Bả giời, Nguyễn Bình Phương không dẫn dắt độc giả đi vào những con đường vòng, anh tiết lộ ngay cho họ biết bản chất của vấn đề. Khi nhân vật Tượng của Bả giời hỏi về làng Phan người ta đã nói với anh “Làng cái gì, đó là chốn khốn nạn”. Chính cái thực tại u tối đó trở thành sự thu hút với độc giả. Họ tò mò muốn cùng nhân vật thử đến làng Phan xem ở đó có gì, tại sao người ta lại gọi nó là “chốn khốn nạn” chứ không phải là làng.

Chính cái cách dẫn dắt ấy khiến cho người đọc phải tò mò, theo dấu nhân vật để xem câu chuyện của làng Phan là gì? Bí mật gì đang ẩn chứa trong ngôi làng ma mị mà người ta xem như miền đất dữ ấy.

Tận dụng thế mạnh về miêu tả, nhà văn vừa dẫn dắt, vừa cố gắng “đưa đà” để cảm xúc của người đọc được đẩy lên cao. Từ hang đá, Cối Kê, khu chợ đông người, nghĩa địa với đầy những bóng ma dật dờ của Vào cõi đến làng Phan heo hút, bãi Nghiền Sàng tưởng rộng mênh mông mà đầy bức bối của Bả giời đều không cần quá nhiều từ ngữ để tả, nhưng những hình ảnh đó có sức ảnh hưởng sâu đến người đọc.

“Nếu không có những bụi cây tróc lá, hẳn phải coi đấy là hè. Tháng Chín rồi mà vẫn nóng. Nóng như ngày tận thế”… hay ở một đoạn khác “Đôi dép nhựa Hải Phòng nhão ra dưới bàn chân đỏ quạch bụi của anh. Hai bên đường, những ô ruộng nửa vàng, nửa xanh trông ủ rũ và tàn tạ”. (Bả giời– tr5-6 NXB Văn học 2017)

Chưa đề cập đến những truyện về người điên, những kẻ gàn dở, suốt ngày sống trong cơn say của quá khứ như lão Mộc hay lão Kim, chỉ cần tả thế thôi, người đọc cũng nhận ra những điều đáng sợ đang ẩn mình trong ngôi làng được xem là chốn khốn nạn ấy.

Khi viết tiểu thuyết Bả giời Nguyễn Bình Phương chưa đầy 30 tuổi, nhưng bằng cách anh miêu tả, đặt tên cho nhân vật, ta cảm nhận được sự tinh tế, tỉ mỉ và cũng đầy ẩn ý của nhà văn này. Trong ngũ hành, “kim” khắc “mộc”, không ngẫu nhiên mà tác giả dùng hai yếu tố này để đặt tên cho hai nhân vật có thù oán với nhau. Điều này, có thể là một dụng ý của Nguyễn Bình Phương.

Đọc tác phẩm của anh, đôi khi, người ta có thể quên đi cốt truyện, nhưng vẫn nhớ những chi tiết “đắt”. Chi tiết con rắn quấn quanh tượng Phật mà nhân vật Tượng nhìn thấy khi đi chùa cùng Thủy là một chi tiết đắt như vậy. Hình ảnh con rắn, biểu trưng cho những ham muốn ích kỷ, và trần tục của con người đã xuất hiện song hành cùng nhân vật Tượng từ trước đó. Nhưng hình ảnh nó bò quanh tượng Phật khiến người ta ám ảnh thực sự. Phần “con” trong mỗi chúng ta sẽ không bao giờ bị triệt tiêu hoàn toàn, dù cho thân thể đang đứng ở chỗ linh thiêng.

Còn trong Vào cõi lại là một cái chết ngập tràn màu đỏ. “Gã nằm trong vũng máu của chính mình với cái dáng của kẻ tập bơi vụng về. Con bé ghì chặt mái tóc màu mận chín, nó giật mạnh để xoay khuôn mặt đang nằm sấp kia ngửa lên. Và nó thấy một buổi chiều đỏ bầm, một quả mận chín cũng đỏ bầm.”

Chỉ bằng những dòng ngắn ngủi đó thôi, Nguyễn Bình Phương đã gợi lên cho người đọc một cái chết rất thương tâm. Một con người bị đánh tới chết, nằm trong vũng máu với sự chứng kiến của hai đứa con thơ, trong phiên chợ tỉnh ngày giáp Tết.

Thế nhưng, chỉ sau đó mấy dòng, anh cũng đã miêu tả rất thành công vẻ đẹp rực rỡ của bông hoa đào đầu xuân. “Hoa đào lác đác có người đem bán. Những cành đào còn chum chúm nụ, chờ giây phút giao hoan mãnh liệt nhất mới bộc lộ vẻ quyến rũ của mình” (Vào cõi – tr16-NXB Văn học 2016). Chỉ tả hoa đào thôi, mà tác giả cũng ý nhị nhắc về khoảnh khắc giao thừa, cả đất trời hân hoan đón năm mới. Đến đây người ta mới thấy được cái tài tình, biến hóa khôn lường trong bút pháp miêu tả của Nguyễn Bình Phương. Từ cái chết, đến cái đẹp, anh đều mang lại cho người đọc những rung cảm sâu sắc.

Như đã nói ở trên, mỗi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang một màu sắc riêng, nhưng Vào cõiBả giời lại có khá nhiều nét tương đồng với nhau. Đầu tiên, hai cuốn tiểu thuyết này đều mang một gam màu u tối, thế giới của tác phầm là mảnh đất của người điên, người say, những kẻ bệnh tật bị kì thị và xa lánh. Những đứa con tội nghiệp, phải chứng kiến cảnh mẹ giết bố. Người thân và kẻ thù. Huyết thống và nỗi căm hờn, những thứ tình cảm ấy cứ đan xen lẫn nhau khiến người ta như muốn nổ tung như Vang và Vọng trong Vào cõi. Kẻ sống cả đời ở làng, nhưng luôn bị coi là người thừa của làng như mụ Đông điên trong Bả giời. Dù là nhân vật chính, hay nhân vật phụ, Nguyễn Bình Phương cũng mang đến cho những con người trong tiểu thuyết của mình những nét riêng.

Vào cõiBả giời tuy không được xếp vào hàng xuất sắc trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, nhưng từ hai tiểu thuyết này, đã “phát lộ” ra được một cây bút giàu sáng tạo, có cá tính nhất định trong sáng tác. Đó là nền móng cho việc hình thành một tên tuổi lớn của nền văn học đương đại.

Tiểu thuyết và những hình bóng của thơ

Tin vào đêm/ Không tin vào bóng tối/ Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi”. Tôi chợt nhớ những câu thơ này khi đọc hai tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Bình Phương. Màu sắc ma mị, u buồn như bao trùm lên bộ đôi tác phẩm này. Một thứ văn chương của bóng tối, nhưng vẫn thật huyền ảo và lung linh.

Không chỉ sợ sự sáo mòn trong cách kể, Nguyễn Bình Phương còn sợ sự sáo mòn ấy đi vào những điều nhỏ nhặt như cách dùng từ chẳng hạn. Đôi khi, anh không sử dụng những từ quen thuộc có sẵn mà sáng tạo ra nhiều từ mới. Điều đặc biệt ở chỗ, phần lớn chúng đều là từ tượng hình, có thể kể đến như: ụp sụp, thốc tháo, lỏa tỏa… Đó có thể là từ được sáng tạo từ những từ láy có sẵn như: Lụp sụp, thông thốc, lòa xòa. Chính loạt từ láy đầy mới mẻ có tính “lạ hóa” này đã tạo điểm nhấn cho câu văn. Thế nên, đọc văn Nguyễn Bình Phương, đôi khi độc giả phải giật mình vì những từ ngữ được “lạ hóa” này. Nó còn là điểm sáng để bạn đọc nhớ đến tác giả nhiều hơn.

“Con đường loang lổ bóng đá. Gió bắt đầu cựa quậy, nắng tắt hẳn. Không khí chầm chậm thay đổi. Sương túa ra từ những bụi cây lúp xúp. Những mảng tối lởn vởn tiến lại quanh Tượng.”

Nguyễn Bình Phương bước vào thế giới của con chữ bằng thơ, chứ không phải bằng văn chương. Thế mạnh của các nhà thơ, đầu tiên luôn là miêu tả, chứ không phải là tính triết luận. Vì đặc điểm của thể loại, nên từ ngữ trong thơ luôn phải giàu tính tượng hình, để lời ít mà ý vẫn nhiều. Từ tượng hình và tượng thanh xuất hiện trong văn xuôi của Nguyễn Bình Phương với một mật độ dày đặc. Nhờ vậy, câu văn của anh cũng giàu hình ảnh và nhiều màu sắc hơn.

Có thể nói, Vào cõiBả giời là hai tiểu thuyết mà nhà văn Nguyễn Bình Phương sử dụng thủ pháp miêu tả với cường độ cao. Có nhiều cảnh tả cận, đó có thể là tả nhân vật, tả hành động, hoặc tả cảnh. Chính những trường đoạn miêu tả này, phối hợp cùng bút pháp đa dạng và nhiều màu sắc của tác giả đã tạo nên nét lãng mạn riêng có cho hai tác phẩm.

Một trong những ảnh hưởng của thơ đến văn xuôi của Nguyễn Bình Phương là tính nhịp điệu. Đọc Bả giời hay Vào cõi, chúng ta thấy rất hiếm khi xuất hiện các câu dài. Dường như tác giả chuộng câu ngắn và ngắt nghỉ theo trật tự nhất định. Nhờ vậy, chúng ta thấy rõ được tính nhịp điệu trong văn của anh. “Máu và cuồng nộ. Máu và im lặng. Môi gã mím chặt. Tự nguyện. Bao dung. Và thiêng liêng.” (Vào cõi – tr13-NXB Văn học 2016). Sự xuất hiện của các câu đặc biệt, chỉ xuất hiện liên từ và tính từ, không có thành phần chủ vị khiến cho tính nhịp điệu này càng thể hiện rõ nét hơn.

Nó không chỉ làm cho văn của Nguyễn Bình Phương có tính nhạc. Mà nhịp điệu chậm rãi, xuyên suốt tác phẩm này còn góp phần đẩy cao cảm xúc chán chường, cô đơn và tù túng của nhân vật. Chúng làm cho không khí trầm buồn, đầy thê lương của tác phẩm trở nên rõ ràng hơn. Sự cô đơn của kiếp người trong vòng quay hỗn tạp của nhân thế càng được đẩy cao. Từ đó ta thấy được, không chỉ có cách kể, lối xây dựng nhân vật hay miêu tả không gian, mà ngay cả nhịp điệu của tác phẩm cũng là một dụng ý có chủ đích của tác giả.

Tuy không phải là những tiểu thuyết được đánh giá cao của Nguyễn Bình Phương, nhưng từ hai tác phẩm này, tác giả đã định hình được phong cách và bộc lộ được những nét cá tính của mình. Từ Vào cõiBả giời, cho đến hàng loạt tác phẩm sau này như: Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Ngồi, Mình và họ, Kể xong rồi đi, độc giả và giới phê bình thấy được một Nguyễn Bình Phương luôn miệt mài sáng tạo, nỗ lực làm mới mình trong cách kể và cách viết. Anh làm những điều đó một cách rất tự nhiên, để tạo nên những tác phẩm không hề gượng ép trên trang giấy.

Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Bình Phương sáng tạo một cách đa diện, nhiều chiều kích. Anh làm mới mình trong cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật, cách kể và cả trong bút pháp miêu tả. Có thể nói, Nguyễn Bình Phương là một người quản trò thú vị trong cuộc chơi với chữ nghĩa. Anh biết tiết chế và sáng tạo như thế nào cho vừa vặn với câu chuyện và nhân vật. Điều đó không phải nhà văn nào cũng làm được. Có lẽ, bởi vậy Nguyễn Bình Phương mới trường sức với văn chương.

(Theo zzzreview.com)