Nguyện cầu – Truyện ngắn của Trần Thị Bảo Thư

1072

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cô ngờ vực các thần thánh, cha mẹ đôi bên mới thực sự là các vị thần quyền uy của cô. Vẫn biết mẹ mình không vui và cô lạc lõng với các chị em ruột thịt, lạc lõng cả ngay chính trong tâm thức của mình mỗi dịp cúng giỗ người thân, một nghi lễ mà mẹ rất cẩn trọng.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Vào bữa ăn mẹ Lý lặng yên nhìn con gái làm dấu Thánh, một nghi lễ rất xa lạ với bà.

Lý từ ngày lấy chồng phải theo đạo nhà chồng, cô thấy mẹ khẽ thở dài, bà thương con gái nên không nỡ bắt ne bắt nép như khi thơ ấu. Lý hiểu mẹ không thích trong gia đình có sự dị biệt nhất là tín ngưỡng, trước khi làm dấu Thánh cô lén nhìn mẹ và các chị em rồi ra động tác thật nhanh, hôm nay lại là ngày giỗ ông ngoại nữa…

Cô ngờ vực các thần thánh, cha mẹ đôi bên mới thực sự là các vị thần quyền uy của cô. Vẫn biết mẹ mình không vui và cô lạc lõng với các chị em ruột thịt, lạc lõng cả ngay chính trong tâm thức của mình mỗi dịp cúng giỗ người thân, một nghi lễ mà mẹ rất cẩn trọng.

Trước kia khi còn ở nhà Lý là cánh tay phải của mẹ, chị gái lớn và các em không được mẹ tin cậy trong việc sắp lễ cúng, mẹ nói sau này về già sẽ ở với cô. Chẳng thể nói trước được điều gì, ngay cả những điều tưởng chừng đã ở trong tầm với. Bây giờ nếu đặt thêm cho mình những nguyên tắc mới, để lưỡng toàn hơn, an nhiên hơn, cô định sắp tới khi về nhà mẹ ruột cô không hành lễ Thiên Chúa giáo nữa, nhưng nhỡ đâu với bản tính hay quên sẽ khiến cô rối tung lên, chỗ cần thì không làm, chỗ không cần lại làm, rồi nghĩ đến nét mặt mẹ chồng và sự thất vọng của bà, sự lạnh lùng bao trùm ngôi nhà bên ấy, ảnh hưởng đến chồng và thằng con bé bỏng của cô nếu chẳng nhỡ cô quên tạ ơn Chúa trước bữa ăn khi có bà là cô hoảng sợ.

Cuộc sống hàng ngày của cô rất bận rộn với đủ công việc, đủ chức năng mà bây giờ lại thêm những “ghi chú” mới, thêm vài áp lực nữa sợ đến lúc thần kinh của cô không tải nổi. Suy đi tính lại thôi đành lỗi với mẹ ruột vậy, sẽ bù đắp cho mẹ những khi có thể.

Khói nhang trên bàn thờ ông ngoại đã tắt mà vẫn quyện trong ngôi nhà một mùi thơm quen thuộc trầm buồn. Bữa cơm giỗ ông vừa xong, cô ấn thằng cu vào lòng mẹ rồi nhanh tay lau dọn chén bát. Chiều nhập nhoạng, ngoài ngõ thỉnh thoảng có tiếng xe vội vã chạy qua, tiếng ầm ì như sấm xa mạn đông bắc, năm nay chắc mưa sớm rồi đây.

Lý về tới nhà cũng vừa kịp giờ đọc kinh tối. Hai ngọn nến trên bàn thờ Chúa được thắp sáng, đèn điện tắt hết. Gió ngoài sân qua cửa lớn thổi nhẹ, ánh nến rung rinh trên tượng Chúa chịu nạn.

Tối nào cũng như một lập trình, đúng tám rưỡi cả nhà chồng Lý tập trung trước cái bàn gỗ hình chữ nhật sau bữa ăn chiều. Nói là cả gia đình, thực ra cũng chỉ ba người vợ chồng Lý và mẹ chồng cô. Nhà có chiếc bàn là giá trị nhất cả về ý nghĩa thời gian cũng như dấu ấn gia đình, nó vẫn để nguyên mộc, không sơn phết, nhờ nhờ màu khói bếp, thức ăn, mực xanh mực tím và những vết tay lẫn vào vân gỗ… Đám cưới cha mẹ chồng Lý cũng được làm lễ trước mặt Chúa và ông bà nội ở bên chiếc bàn mộc này.

Thằng cu đã ngủ oặt ẹo trên tay mẹ, Lý đưa con vào buồng ghép màn cẩn thận cho con ngủ, cô làm chầm chậm, muốn kéo dài thêm khoảng thời gian này, cô ước sao cứ ngồi bên con trai mà không phải suy nghĩ gì thêm nữa, nghe tiếng côn trùng rả rích bãi cỏ bên hàng xóm vọng vào. Nhà ngoài mẹ chồng cô nghiêm trang ngồi đợi, hai tay đan vào nhau trên mặt bàn, gương mặt bà bất động không tỏ vẻ gì của một sự đợi chờ, không buồn vui, những khi đó bà đang thuộc về Chúa.

Lý vén màn cửa bước ra đứng cạnh chồng cô đang khoanh tay trước ngực… “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” mẹ chồng cô lĩnh xướng, tiếng đọc kinh ngân nga như một bài hát không có âm vực, Lý lẩm bẩm theo câu thuộc câu không. Rồi cô ngước nhìn tượng Chúa, nét mặt ngài sống động dưới ánh nến, mỉm cười độ lượng, ngài bước xuống gần Lý hơn, gần nữa, gần nữa đưa tay đỡ cô, những vết thương dưới đinh cruz rỉ máu, cây thập tự to lớn khác thường, chia bốn góc vuông trên nền trời đêm đen thẫm. Vẫn bài ca không âm vực đều đều… “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”.

Lý giật mình có tiếng va ghế của mẹ chồng, cô mải ngắm Chúa đến nỗi không biết bà đã kết thúc bằng câu “A men” lúc nào không hay. Bà khẽ dặn, con nên bớt chút thời gian học thuộc kinh thánh, điều đó thêm phước lành cho bản thân và còn dạy được cho con của con. Lý cúi đầu lí nhí vâng dạ, mọi người về phòng riêng nghỉ còn lại cô ngồi một mình dưới ánh nến thỉnh thoảng khẽ bùng lên khi những giọt sáp chảy dồn. Khoảng không tĩnh mịch, chiếc bàn rộng ra thênh thang từ đầu này đến đầu kia thân mộc. Cô tưởng tượng từ cánh rừng, rồi cây gỗ được xẻ ra và bào nhẵn, đến những câu chuyện vui buồn của ba bốn thế hệ, những giọt mồ hôi nước mắt thấm xuống từng thớ gỗ, chiếc bàn đã nghe và im lặng như thế nào, chứng nhân lịch sử đáng tin cậy nhất lại là sự im lặng hay sao?

Tiếng khóc mớ của con trai gọi Lý vào giường. Thi – chồng cô chợt tỉnh giấc khẽ co chân nhường lối cho vợ vào trong rồi lại ngủ tiếp. Cuộc sống mà Lý đã chọn với hy vọng sẽ bình yên hơn cảnh nhà cô lúc đó, cha cô chỉ chịu về nhà khi không thể uống say thêm được nữa mỗi tối hoặc không còn ai ngồi uống cùng nữa, trong cơn mê sảng bất tận luôn có một kẻ thù với đủ hình dạng đe dọa cướp vợ ông, lúc tỉnh rượu ông ít nói, cả cái sự làm hùng hục của ông với đủ việc nặng như đào ao, cày thuê cuốc mướn cũng không cho vợ con có được cảm giác bình yên, có vẻ như ông trốn chạy hiện tại, và lại như chuộc lỗi sau những câu chửi bới thóa mạ vợ mình.

Lý thương mẹ, thương cả bốn chị em, thương thân mình mà u uẩn suốt tuổi thanh xuân. Cha cô sau đó đã rời gia đình đi làm ăn một tỉnh xa, giữa cha mẹ có sự thỏa thuận ngầm để cả hai được thanh thản. Cuộc sống mấy mẹ con từ đó tĩnh  lặng hơn và đúng là khả năng thích nghi hoàn cảnh con người bao giờ cũng cao hơn loài khác. Dần dần mọi việc như chưa hề xảy ra vậy, ở giữa lựa chọn đương nhiên là được và mất. Bóng dáng cha cô thỉnh thoảng vẫn chuếnh choáng hiện về trong lời nhắc dè dặt của chị em cô.

Rồi cô gặp Thi chồng cô bây giờ, gia đình anh theo đạo Thiên Chúa. Lý chấp nhận lời cầu hôn của anh mong muốn tìm được tổ ấm cho riêng mình. Ban đầu hai bà mẹ bất đồng về việc cô phải theo đạo Thiên Chúa nhưng rồi cũng xong. Mẹ Lý tỏ ra dễ dãi với con gái hơn như để bù đắp cho sự thiệt thòi mà bà luôn có cảm giác mắc nợ.

Cha của anh mất từ khi anh còn nhỏ, Thi là tất cả tình yêu, sự cô đơn, hy sinh của mẹ dành cho anh. Anh là một phiên dịch viên cho giám đốc người Hàn, đi làm về anh vẫn bóng bẩy, mảnh dẻ và yếu đuối trong tầm quan sát của mẹ. Bên cạnh thằng cu trở mình ôm chặt chiếc gối, Lý lấy chiếc khăn sữa thấm mồ hôi cho con, thằng nhỏ mồ hôi trộm y như cha nó. Ngoài đường đã có tiếng xe ba-gác quen thuộc chạy, xe chắc hở pô nên tiếng nổ lạch xạch không giòn, cứ đúng bốn giờ sáng Lý tỉnh giấc là chiếc xe chạy qua cửa chắc chủ xe chở hàng cho mối chợ. Gần như sau đó là tiếng chuông nhà thờ báo bà con giáo xứ đi lễ nhất. Lý chuẩn bị dậy nấu ăn sáng cho cả nhà và sắp đồ đi nhóm trẻ cho thằng cu. Cô ra phòng ngoài dừng bên chiếc bàn ngước trông tượng Chúa. Lý lẩm nhẩm một cách vô thức “Lạy Chúa trời xin tới giúp con”… cô hy vọng ngài sẽ tới gần cô, đỡ tay cô và những giọt máu nhỏ xuống từ đinh cruz là thật…

T.T.B.T

(Hội viên VHNT Đồng Nai)