Nguyễn Chí Hoan – Hoạt động LLPB VHNT hiện nay

556

03.12.2017-14:00

   Nhà lý luận phê bình Nguyễn Chí Hoan

 

Một vài ý kiến về thực trạng đội ngũ

hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật

ở Việt Nam hiện nay

 

NGUYỄN CHÍ HOAN

 

NVTPHCM- Một cách khái quát, nhưng hoàn toàn là cụ thể, từ góc độ của tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (HNV), thực trạng đội ngũ tham gia vào khu vực lý luận, phê bình văn học luôn luôn đông đảo và rộng rãi nhưng biến chuyển không ngừng và thật sự không thể mô tả bằng một thống kê nhân sự có ý nghĩa.

 

Tờ báo hiện chỉ có một biên tập viên cơ hữu cho các chuyên trang lý luận, phê bình. Tuyệt đại đa số bài đăng trên các chuyên trang này thuộc về ba nguồn tác giả cộng-tác-viên: thứ nhất là các nhà nghiên cứu-giảng dạy văn học ở các đại học và Viện Văn học; thứ hai là các nhà văn hội viên hoặc chưa phải hội viên HNV; thứ ba là một số cựu giáo chức từng dạy văn ở trường phổ thông và một số nhà báo viết về văn học.

 

Đó là một lực lượng viết không hề ít ỏi. Cứ tính bình quân mỗi số báo Văn Nghệ đăng tải năm (05) bài viết trong khu vực lý luận, phê bình, gồm các thể tài bình luận văn học về sáng tác mới (“Đọc sách”, “Tác phẩm & Dư luận”), bút ký chân dung nhà văn, và những thảo luận văn học (“Diễn đàn lý luận, phê bình văn học”), thì mỗi năm, qua 52 số báo hàng tuần, đã có 260 bài viết; và với quy ước tránh để một tác giả nào đấy xuất hiện trên hai (02) số báo liên tiếp, nhằm tạo điều kiện tối đa cho những cây bút tiềm tàng và cơ hội xuất hiện đồng đều cho các hội viên HNV) thì sẽ dễ dàng ước tính rằng, hàng năm, số tác giả tham gia viết phê bình văn học (và thảo luận những chủ đề có liên quan đến lý luận) xuất hiện trên Văn nghệ ở vào khoảng gần một trăm tên tuổi từ hầu khắp các vùng miền cả nước.

 

Hàng ngũ ấy, xin được nhắc lại, không phải là những tác giả cơ hữu của báo Văn Nghệ. Cho nên, dù tờ báo với nhiều tác giả trong số đó có được những liên hệ qua lại rất quen thuộc hay gần gũi tin cậy trong nghề viết phê bình, lý luận, thì tờ báo và họ, cả hai phía, đều không thể tính đến nhau như một yếu tố chắc chắn trong các kế hoạch trung hạn hay dài hạn của mình.

 

Thực tình ấy đưa đến hệ quả là thiếu sự gắn kết có hoạch định, có mục tiêu, hay hơn nữa là sự gắn bó liên tục có bề dày, để có thể tạo nên một phong trào, một khuynh hướng hay hơn nữa, tạo lập một dự án ngắn hạn – là những thực tế văn học có thể đem lại hiệu quả như các cấp lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn học mong muốn và như đường lối văn hóa của Đảng đã chỉ đạo.

 

Sự thiếu gắn kết đó còn bởi hai nguyên nhân cốt yếu nữa: thứ nhất, do đặc thù của báo chí tuyên truyền, tờ báo không thể đăng tải những bài viết định hướng nghiên cứu của giới đại học và học viện, khiến cho sự cộng tác của những tác giả thuộc giới này thường chỉ thu hẹp vào một số dịp nhất định và thu hẹp vào một số cây bút quen viết báo; thứ hai, nhuận bút cho những bài báo phê bình, lý luận rất thấp.

 

Vậy tại sao những bất cập như thế lại không làm sút giảm quá nhiều số lượng tác giả gửi bài cho các trang phê bình, lý luận của báo Văn Nghệ? Là bởi, cho đến lúc này, tờ Văn Nghệ vẫn được nhìn nhận rộng rãi như một diễn đàn uy tín nhất đối với quá trình hình thành và công nhận trên thực tế một tác giả văn học.

 

Tuy nhiên, cũng vì thế mà khối tác giả đông đảo của các trang này – những nhà văn – hiếm có trường hợp trở thành tác giả thường xuyên cộng tác: họ thường gửi bài giới thiệu sách khi bạn bè và đồng nghiệp thân quen có sáng tác mới cần được quảng bá với truyền thông văn học; và thường chỉ với những dịp như thế; hoặc khi nhân những dịp kỷ niệm hay lễ Tết mà viết những bút ký chân dung cho bạn bè và đồng nghiệp.

 

Những bài báo bình luận văn học như vậy rất hay bị coi là không có phẩm chất của phê bình văn học; thậm chí đôi khi bị đánh đồng với loại gọi là “phê bình cánh hẩu.”

 

Nhưng, hãy nhìn sang khối bài vở của giới đại học, học viện: những bài có tính lý luận, tính khái quát thật sự, hay thật sự nói điều gì mới mẻ, là rất ít gặp; những bài giới thiệu sáng tác mới còn ít gặp hơn; tính thời sự văn học của khối bài vở này nhìn chung khá mờ nhạt, trừ khi, với một vài cây bút, cũng viết cho bạn bè văn chương như các nhà văn đã nói đến ở trên.

 

Với một vài nét mô tả định tính như thế, xin được nhắc lại rằng đội ngũ tham gia hoạt động lý luận và phê bình văn học trên báo Văn Nghệ luôn luôn rộng rãi đa dạng về thành phần nghề nghiệp, về địa bàn địa lý cũng như hành chính, đồng thời lại thất thường trong sự xuất hiện và hay thay đổi đến mức gây ấn tượng dường như phần lớn họ là không “chuyên nghiệp” với lý luận, phê bình.

 

Xin lưu ý rằng, trong thực trạng như thế, có ít nhất hai yếu tố khó có thể cải thiện trong tương lai gần: thứ nhất, tiền nhuận bút cho bài viết lý luận, phê bình không thể tăng lên tới mức đủ thu hút người viết đầu tư thường xuyên thời gian và công sức xứng đáng vào lĩnh vực này; thứ hai, những người viết thuộc giới đại học và học viện sẽ vẫn dành mọi nỗ lực tốt nhất của họ cho sự nghiệp hàn lâm, hoặc vào giảng dạy văn học, chứ không phải cho việc tác động vào đời sống văn học đang diễn tiến, tham gia vào thời sự sống động của văn học.

 

Phê bình văn học thật sự phải được trải nghiệm trên các trang báo và tạp chí, phải là cái tự ý thức của các thực thể văn học sống động, mà hơn đâu hết, là trong sự sống động của sáng tác và in ấn, xuất bản, phát hành tác phẩm văn học.

 

Một cách cụ thể hơn, thiết tưởng cần có sự xác định lại cho rõ rệt các mục tiêu đối với hoạt động phê bình văn học và việc đổi mới lý luận văn học.

 

Lý luận, phê bình hiện nay vẫn giữ vai trò là một chức năng của khu vực văn học nói chung, nhưng có vẻ vẫn chưa làm hết chức năng đó của mình.

 

Lẽ ra, như được trông đợi, lý luận, phê bình luôn luôn phải đưa ra được các mô tả chi tiết về quang cảnh của nền văn học nước nhà, và từ bức tranh chung đó mà bình luận và dự báo – tức là tác động vào đời sống văn học.

 

Một bộ phận chuyên làm phê bình văn học, trong các khuôn khổ hiện hành về thể chế, cần phải bao quát được toàn cảnh của xuất bản sách văn học cho đến tận số đầu sách được ấn hành, biến động tác giả-tác phẩm từng vùng miền, cho đến các thực tế của thị trường sách (chẳng hạn: các danh mục sách bán chạy, các “hiện tượng xuất bản”) cũng như những biến chuyển thăng trầm của cái gọi là “văn học thị trường.”

 

Từ góc nhìn của báo Văn Nghệ, lực lượng những nhà văn tham gia viết phê bình, lý luận chính là một nguồn gần nhất trong tầm tay để có thể huy động làm được công việc nói trên, thông qua sự hỗ trợ của mạng lưới các liên chi hội vùng miền trên cả nước của HNV. Nhưng, giả sử có thể làm công việc đó, lại cần đến sự chủ động về tổ chức thực hiện của lãnh đạo HNV cùng sự chỉ đạo và hỗ trợ của các cơ quan hữu quan từ Trung ương và Nhà nước.

 

Theo phương châm “thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý”, việc nắm bắt thực tế văn học như vậy có thể tạo tiền đề đủ bao quát và đủ sâu sắc đến mức tạo lập được một cơ sở dữ liệu về đời sống văn học thường xuyên cập nhật, hầu giúp cho có thể trợ lực hiệu quả với hoạt động đổi mới tư duy về lý luận văn học. Thực tế đã được tổng kết về văn học qua ba mươi năm đổi mới cho thấy nhiều thành tựu trong việc tiếp nhận, nghiên cứu và phần nào gọi là “ứng dụng” rất nhiều “lý thuyết văn học” hiện đại từ thế giới, nhưng đều chỉ dừng lại ở môi trường hàn lâm; trong khi đó, tác động, chẳng hạn, của một luồng suy nghĩ kiểu được gọi là “hậu hiện đại” trong đời sống văn học thực tế thì đã diễn ra một cách náo động và hỗn loạn về cả sáng tác và phê bình – chẳng có gì cho thấy các nghiên cứu hàn lâm tương ứng có tác động điều chỉnh lên hiện tượng văn học đó, cho đến khi nó tự lắng xuống và qua đi.

 

Đối với những hiện tượng văn học đáng quan tâm như thế, phản ánh nhiều điều rất đáng kể về tâm lý xã hội đương thời, về khuynh hướng cả của thẩm mỹ và đạo đức xã hội hay tâm thế của giới trẻ, v.v. thì điều rất đáng trông đợi là các tờ báo và tạp chí, đặc biệt là báo chí văn học nghệ thuật, phải có được phản ứng tương xứng, thậm chí có được những bình luận mang tính dự báo sớm, phân tích, so sánh và phê bình, phản biện khi cần thiết.

 

Ngày nay, khi xã hội đất nước vẫn không ngừng mở rộng cửa hội nhập với thế giới, khi giao lưu văn hóa-khoa học-nghệ thuật ngày càng đa dạng và sâu sắc, cùng với tốc độ của những chuyển biến văn hóa nhanh đến tức thời do sự phổ biến của internet, thì việc tạo lập một cơ sở dữ liệu văn học của nền văn học nước nhà đã trở nên hết sức cần thiết. Những người làm lý luận, phê bình văn học cần được trao nhiệm vụ này, cần được trao nguồn lực và cơ chế cần thiết để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.

 

Nhìn chung thì nhà văn và nghệ sĩ thuộc về lớp những người tha thiết nhất với truyền thống và văn hóa dân tộc và hầu hết đều sẵn lòng trở thành các chuyên gia trong việc bảo vệ và gìn giữ nền văn hóa văn nghệ đó. Từ thực tế công việc của báo Văn nghệ, có thể thấy tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng rất lớn cho những công việc mà nhiệm vụ trên lĩnh vực lý luận, phê bình đòi hỏi. Lợi ích của các nhà văn, lợi ích của tổ chức và lợi ích của xã hội đất nước có thể gặp nhau một cách tốt đẹp trong việc thực thi nhiệm vụ này có kế hoạch, có hệ thống và có thực chất.

 

Nguồn Văn Nghệ số 47/2017

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Về dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam – Trần Xuân Tiến

>> Uống trà đi người ơi! – Trần Huy Minh Phương

>> Phác thảo văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới – Nguyễn Quang Thiều

>> Phan Khôi với Tản Đà – Phan An Sa

>> Từ chiều sâu của sự chân thật trong thơ- Nguyễn Hiếu

>> Về một số chức năng của văn chương – Umberto Eco

>> Tiếp cận một nét thơ thiền hiện đại – Nguyễn Vũ Tiềm

>> Linh hồn mỏi trên những vết son – Lê Thiếu Nhơn

>> Mỹ nhân nơi đồng cỏ, nhìn từ đặc trưng thể loại – Cao Thị Hồng

>> Chất truyện trong thơ – Nguyễn Đức Mậu

>> Chép lên khoảng trời: Thao thức một miền quê – Đỗ Xuân Thu

>> “Ngũ hổ” thơ Hàn Quốc – Đặng Huy Giang

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…