Phùng Văn Khai
Đó là cảm nhận của tôi. Và, tôi luôn chắc chắn rằng, ở những giây cuối cùng trước khi về với thế giới người hiền, chính ông cũng thấy rõ điều đó.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung
Đó là biển của riêng mình, riêng Nguyễn Chí Trung. Đó là biển lớn nhân dân, Tổ quốc, vốn rất riêng và vô cùng thiêng liêng của Nguyễn Chí Trung. Đó là biển lý tưởng, cách mạng, lẽ sống, niềm tin trước sau như một không suy suyển của Nguyễn Chí Trung. Đó là biển khát vọng văn chương nghệ thuật một đời cầm bút của Nguyễn Chí Trung. Đó là biển tình riêng bí ẩn, vô cùng, đau đớn, thẳm sâu của Nguyễn Chí Trung…
Những biển ấy, Nguyễn Chí Trung đã đi trọn, đi hết đến giây phút cuối cùng.
Với tôi, Nguyễn Chí Trung là người đi hết biển.
Tôi luôn khâm phục các nhà văn chống Pháp và chống Mỹ. Khâm phục với tất cả sự hiểu biết và bắt tay làm ngay những điều có thể cho các nhà văn. Buổi chập chững vào nghề truyền hình năm hai mươi tuổi, những thước phim đầu tiên tôi làm về Nguyễn Thi, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương,… thì khi ấy chỉ thuần là sự khâm phục. Tôi lơ mơ về chính trị, chẳng bao giờ nghĩ làm thật hay một phim để cấp trên ưu ái vật chất hay vị trí công tác, mà chỉ bằng vào sự thôi thúc con tim. Ngày làm phim Nguyễn Thi, tôi còn chưa là đảng viên, vừa bị nhắc nhở về phim chân dung Hoàng Cầm, đã lập tức ấp ủ và thực hiện cho bằng được phim chân dung Người mẹ cầm súng. Mấy năm sau, khi lặn ngòi ngoi nước tham gia làm thủ tục để phong anh hùng cho Nguyễn Thi vẫn nguyên cảm giác đó. Nghĩa là bản năng thôi thúc điều cần phải làm, nơi cần phải tới. Bàn chân đã tứa máu sao vẫn hồn nhiên bước về nơi vẫy gọi của trái tim.
Với tôi, Nguyễn Chí Trung là người đi hết biển từ trải nghiệm của chính mình là như vậy.
Nguyễn Chí Trung mang quân hàm tướng. Với tôi, mỗi vị tướng đều khác thường, đều thật đặc biệt, nhất là các vị tướng đã đi qua các cuộc chiến tranh.
Nguyễn Chí Trung đi qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đừng né tránh cũng như đừng sợ hãi khi phải thống kê các cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, cuộc nào cũng vô cùng thảm khốc. Với nhà văn, sống ở thời bình đã là khốn khó, đương nhiên bước qua nhiều cuộc chiến tranh như thế là phải đi hết bao nhiêu biển lớn, thật không thể gọi ra hết được. Giống như sự mất mát hi sinh của nhân dân làm sao có thể gọi hết ra. Nhân dân đã trải qua bao nhiêu biển cơ cực, biển lầm than, biển mất mát đau thương với hàng triệu tính mạng bị tước đoạt, cướp giật vật chất và tinh thần để đi từ người nô lệ đến ngày thống nhất đất nước, đến cuộc sống hôm nay bút giấy nào viết hết. Hẳn trong những biển dầu vạc lửa đó, một trái tim như Nguyễn Chí Trung chắc chắn là rất đồng cảm, đớn đau. Ông đã đi đến tận cùng mọi biển của nhân dân để gạn lọc và nâng niu những hạt vàng cho văn học nghệ thuật, điều mà suốt đời ông theo đuổi. Tôi luôn hình dung Nguyễn Chí Trung là một thủy thủ trưởng cùng các thủy thủ với hàng vạn nhân dân chèo chống một con thuyền giữa đêm đen gió lốc. Phía xa là ngôi đèn biển nhập nhoạng gió bão quật tơi bời chốc chốc lại chìm tắt mãi mới nhóa lên. Bốn bề sóng gió đập ầm ầm trên những thân người đầy vết sẹo đang căng sức rực lên từ ánh mắt vị thủy thủ trưởng đến hàng vạn cặp mắt lóe sáng nhìn về một hướng. Con thuyền chao lắc dữ dội tưởng như có thể vỡ tung trước sóng gió bất kỳ lúc nào, mà kỳ lạ thay, nó vẫn cắt một đường thẳng tiến về cây đèn biển. Trong sóng gió gào thét, tiếng người dường như bị bạt đi chỉ hàng vạn cặp mắt hướng theo cặp mắt rực sáng của người thủy thủ trưởng về phía cây đèn biển. Và đoàn người đã vượt qua vùng biển đầy sóng gió giữa đêm đen với sự cương cường, nhất nhất cùng một hướng ấy. Nguyễn Chí Trung là như thế, luôn đi đến cùng, luôn đi đầu tiên và là chốt chặn cuối cùng của đồng đội, của nhân dân.
Thế hệ tôi khác thế hệ ông, nhưng chắc chắn, người nào cũng có biển của riêng mình, để đến, để ngập ngừng hay mạnh dạn bước vào, đi hết hay nửa chừng chao đảo, gục ngã, thối lui, rẽ ngang rẽ dọc và sau rốt đánh bóng mạ kền cho mình bằng khách quan, chủ quan với những mĩ từ có sẵn. Chao ôi! Ở đây sao chúng ta nhớ Nguyễn Chí Trung quá đỗi. Nhớ ông ở sự cương cường, chính trực, gàn bướng, nhất nhất chỉ một con đường phải đi tới cùng, đi bằng hết, dù xung quanh đã có không ít kẻ quay ngang, kẻ nhảy cóc, kẻ thối lui, thì riêng ông vẫn kiên cường một mực bước về phía trước, bước bằng hết không sót một bước nào tới biển lớn mà nhân dân đã giao cho ông – người chiến sĩ cộng sản kiên trung sứ mệnh phải đi hết trong toàn bộ cuộc đời mình. Nguyễn Chí Trung kiên gan như đoàn tàu kia, như người thủy thủ trưởng kia, như hàng vạn, hàng triệu nhân dân đang tiến về phía trước. Ông chỉ dừng lại khi trút hơi thở cuối cùng, khi đã trọn vẹn cuộc đời mình, dùng hết cuộc đời mình đi trong biển lớn nhân dân.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình (bìa trái) trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho nhà văn Nguyễn Chí Trung
Thì phải nói Nguyễn Chí Trung là người đi hết biển.
Với tinh thần ấy, Nguyễn Chí Trung dù là làm điều gì cũng luôn đến cùng, trọn vẹn. Các nhà văn thế hệ chúng tôi, trong trại viết Đà Nẵng 2016 đã lặng người trước công trình Bia tưởng niệm các chiến sĩ Văn hóa nghệ thuật, Báo chí hi sinh trên chiến trường Liên khu V do ông chủ trì thực hiện. Hai cuộc chiến tranh, thế hệ những người cầm bút ngã xuống máu đỏ thấm đất Liên khu V trong đó có máu Nguyễn Chí Trung đã thôi thúc ông và đồng đội phải làm một điều gì đó cho người đã hi sinh. Người hi sinh đã đi trọn vẹn hết biển của đời mình, nhưng người còn sống thì chưa đi hết. Nguyễn Chí Trung đã suy nghĩ như thế. Và ông, với cá tính của mình, đã vượt qua mọi khó khăn ở cái tuổi thượng thọ, nhất nhất đồng hành đi trọn biển với 208 chiến sĩ Văn hóa nghệ thuật, Báo chí đã hi sinh. Tấm bia như cắm vào lòng biển, lòng người. Ngọn lửa như đốt từ trái tim, từ lẽ sống trọn vẹn, từ nghĩa tình rộng lớn.
Thì phải nói Nguyễn Chí Trung là người đi hết biển.
Ở công trình này, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã dành công sức và tâm huyết hàng chục năm để thể hiện đầy đủ nhất đội hình văn nghệ sĩ Liên khu V trong các mảng đóng góp sáng tạo văn học nghệ thuật từ các cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vinh quang đến công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những tên tuổi lớn như Nguyễn Đỗ Cung – Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Văn hóa kháng chiến. Các nhà thơ Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Tế Hanh, Yến Lan, Phạm Hổ, Võ Quảng, Thu Bồn, Ngân Vịnh, Thanh Thảo, Thái Giang, Ngô Thế Oanh, Hồ Ngọc Sơn, Thân Như Thơ… các nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thái Bá Lợi, Thanh Quế… các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà báo… đều có mặt đầy đủ trong đội hình đã cho thấy sức làm việc và cá tính nổi trội về xây dựng và tập hợp đội ngũ của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Qua tập sách đã hiện lên ý chí và tài năng và cả máu xương của các thế hệ văn nghệ sĩ Liên khu V trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; sự nghiệp giúp bạn ở Đông Bắc Campuchia và Nam Lào; Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Các thế hệ văn nghệ sĩ Liên khu V đã hun đúc lý tưởng chiến đấu cao quý, nhân cách sống đẹp và một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài sáng tạo với những tác phẩm quý giá, nhiều tên tuổi cả nước biết đến. Đó chỉ có thể là Nguyễn Chí Trung mới dày công và tìm kiếm không chỉ các nguồn lực vật chất, mà cao hơn, những giá trị tinh thần nhân văn đã được ông huy động đến tận cùng để có được công trình sâu sắc đó.
Không chỉ công trình bia Các chiến sĩ Văn hóa nghệ thuật, Báo chí hi sinh trên chiến trường Liên khu V, mà công trình sách Văn nghệ sĩ Liên khu V – Lý tưởng – Nhân cách – Sáng tạo cũng thể hiện một Nguyễn Chí Trung duy nhất đi trên một con đường mà cả ở những bước ngoặt lớn của đất nước, của cuộc đời đều vẫn vẹn nguyên một Nguyễn Chí Trung trước sau như một.
Đó là lúc cách mạng thế giới có những biến động sâu sắc, Liên Xô và Đông Âu tan rã; thế giới đa cực hình thành, thay đổi; tình hình chính trị thế giới, Việt Nam có nhiều chuyển động, điều chỉnh; mọi tầng lớp trong đó có giới văn nghệ sĩ thay đổi, đổi mới, hòa nhập không ngừng, thì vẫn đó một Nguyễn Chí Trung với biển của riêng mình. Ông đi trong đó, tiến thẳng về phía trước, đi bằng hết, đi trọn cuộc đời mình mặc những thay đổi dữ dội xung quanh. Một điều mà ông không tưởng tượng nổi đã xảy ra, đó là có những người từng là cấp trên của ông, vốn vô cùng thông minh sắc sảo khi ở cương vị rất cao đã có những tư tưởng, suy nghĩ và hành động khác con đường lớn đã định của Đảng đã khiến ông vô cùng đau đớn và dằn vặt. Nhưng dường như ngay lập tức, ông tiếp tục dấn bước theo con đường mình đã chọn, cũng chính là con đường Đảng và nhân dân đã chọn.
Đó là Nguyễn Chí Trung.
Tôi khâm phục Nguyễn Chí Trung là như thế.
Những người đi hết biển mà người ấy đã xác định ngay từ bước đầu tiên có tìm được ra biển lớn của loài người không? Hay chỉ là sự độc đoán luôn ẩn sâu trong mỗi con người, nhất là những người bước ra từ chiến tranh, hi sinh toàn bộ cuộc đời mình, gia đình mình, thậm chí tương lai dòng giống của mình cho cái biển riêng – hoàn toàn có thể là hạn hẹp, cạn cợt ấy? Câu hỏi cứ văng vẳng, day dứt tôi nhiều tháng, nhiều năm không có câu trả lời thỏa đáng.
Đúng lúc đó Nguyễn Chí Trung mất.
Đối với tôi, điều đó cũng là chuyện bình thường.
Một người mất đi, người đó là nhà văn, vị tướng hay người dân bình thường đều phải bình đẳng như nhau.
Đó là đạo lý tối thiểu của một xã hội văn minh.
Ông thuộc người ở cơ quan Văn nghệ quân đội, nên chúng tôi, những người trẻ tuổi, với bản tính nhà văn, tất nhiên là khơi gợi và sắp đặt các suy nghĩ của mình theo nhiều hướng, nhiều cách. Và những suy nghĩ đó, không phải lúc nào cũng dằn vặt do chúng tôi còn mưu sinh, còn bận bịu cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.
Cho đến khi, những bài viết về ông nhân dịp giỗ đầu liên tiếp chuyển tới tôi như những chuyến hàng nườm nượp. Đời người bãi bể nương dâu. Một người như ông chắc chắn đã sớm nhận ra điều đó. Tôi đọc các bài viết trong đó có nhiều sáng tác của ông mới xuất hiện lần đầu và bỗng bâng khuâng như đang đánh mất một điều gì. Một thế hệ những người như ông thanh thản ra đi vào chốn vô cùng khi đã đi trọn vẹn biển của chính mình, biển do mình lựa chọn bằng trí óc, bằng máu và bằng mạng sống đã cho tôi, thế hệ chúng tôi sự bâng khuâng chăng? Bâng khuâng thì ích gì? Hãy như ông, thế hệ ông, hãy lập tức làm gì cho đời sống hôm nay mới là điều căn bản. Suy nghĩ vốn dễ dàng mà hành động sao khó khăn quá đỗi? Mới thấy được sự can trường của Nguyễn Chí Trung khi một mực cầm súng, cầm bút từ năm 14 tuổi. Đánh giặc khắp các chiến trường. Bị thương khắp các chiến trường. Trên mặt trận bút nghiên, không ít vết thương vẫn cứa vào ông. Cả những giây phút cuối cùng, khi sắp đi hết biển, trái tim ông vẫn còn rỉ máu. Điều đó là cái gì? Với chúng tôi, câu trả lời thật chẳng dễ dàng.
Nhưng với ông thì khác lắm. Tôi có thể trả lời ngay, Nguyễn Chí Trung là người đi hết biển, biển lý tưởng, nhân cách và sáng tạo của riêng mình, đi trọn vẹn bằng cả trái tim và trí tuệ của mình một cách thành thực nhất.
Từ toàn bộ cuộc đời cống hiến của Nguyễn Chí Trung, thế hệ chúng tôi đã nhận ra sâu sắc một điều rằng, đối với người nghệ sĩ – chiến sĩ, ở mọi thời điểm đều phải hướng trái tim và ngọn bút về phía nhân dân. Chính nhân dân luôn là biển lớn thảo thơm, tình nghĩa.
Chúng ta luôn đi trong biển lớn nhân dân.
Và, Nguyễn Chí Trung là một người như vậy.
Tôi coi bài viết này như một nén hương thơm tưởng nhớ tới ông.
P.V.K