Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi

636

13.01.2018-19:00

Nhà thơ Nguyễn Cường

 

Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi

 

NGUYỄN MINH KHIÊM

 

NVTPHCM- Với tôi, câu thơ Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi (Bài thơ đêm nay) là chiếc lẩy nỏ mở vào tập thơ Giấc mơ thường ngày của Nguyễn Cường (NXB Thế giới 2017).

 

Đọc câu thơ ấy ta nhận ra sự chi phối hồn thơ, gu thơ, tạng thơ Nguyễn Cường, mạch tư duy thơ, triết luận thơ Nguyễn Cường. Tạng thơ ấy là thơ nghiêng về nội tâm, không ồn ào. Mạch nguồn ý nghĩ, tâm thức đều hướng nội. Mình nhìn mình, soi mói mình, bóc tách mình, đóng mở mình, dày vò mình, kiểm nghiệm mình, ban thưởng và trừng phạt mình. Một gu thơ sôi động trong tĩnh lặng, triệt phá trong tĩnh lặng, sinh nở trong tĩnh lặng. Đó là một không gian riêng biệt, huyền bí, là một dạng tiêu biểu của tạng thơ trầm mặc, suy ngẫm, chiêm nghiệm, hoài niệm, ký ức. Mỗi câu thơ, bài thơ là một ngọn đèn soi rọi, hướng vào chỗ sâu thẳm đầy ngóc ngách hang động nội tâm. Hồn thơ Nguyễn Cường hiển lộ, phát tiết, thấm, chảy, chinh phục người đọc, khẳng định, đứng vững bằng cách ấy. Đó là một kiểu thiền của nhà thơ.

 

Nhà thơ sàng lọc, cân nhắc, nâng lên đặt xuống những giá trị làm người, giá trị cuộc sống, giá trị câu chữ nàng thơ. Ông nói rất rõ“Khi đêm xuống không còn ai nữa/ Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi/ Tấm màn hình lặng thinh chờ đợi/ Con chữ nào bật hiện nên lời/ Chữ nào đi, chữ nào ở lại/ chữ nào tỏa sáng, chữ nào rụng rơi/…/từng câu chữ ẩn sâu thầm lặng/ đến bao giờ mở khóa lòng nhau”(Bài thơ đêm nay”. Nguyễn Cường thanh lọc mình, thanh lọc tạp chất xô bồ đầy va đập ngoài xã hội, gọi dậy những ẩn khuất sâu xa hiện lên ngòi bút. Ông nhìn vào tình người, tình đời, bạn bè, đồng chí, thi nhân, nhân tình thế thái “Ai người về thăm chốn cũ/…/Ai người qua miền đất lạ/…/Ai người tìm nơi tĩnh lặng/…/ Ai người ở lại cùng ta” (Ai người ở lại cùng ta). Không hẳn là day dứt. Không hẳn là lo âu. Không hẳn là dự báo một khoảng trống vắng. Trước hết là suy ngẫm. Ông nặng về suy ngẫm. Hôm nay – ngày mai – tốt  – xấu – còn – mất…đó là lưu vực tư duy của ông. Ta thấu hiểu lòng ông“Khi nếp nhăn hằn sâu trên mặt/ chất chứa bao điều mà thành núi thành sông”(Biết mình già); “Văn chương thiên đường địa phủ/ đâu đâu cũng chật chỗ rồi/ để là ta, vun là rác/ liệu có ai hứng thú nhặt về”(Cây đàn nhặt được). Trong cuộc sông trăm nghìn nếp lồi nếp lõm, không có gì không biến đổi. Chỉ cần“ một cái lỡ tay, một cái bất thần/ cũng làm mất đi những điều tưởng như mặc định”(Cạo râu). Nhưng cũng chính từ lưu vực tư duy phía sau màu nắng, mùa màng đã đến với ngòi bút ông “ đôi lúc giật mình thảng thốt/ gõ vào cảm xúc lặng câm/ lại có thêm những chân trời rạng rỡ”(Bao giờ nở nụ tầm xuân). Nguyễn Cường cảm nhận được thi sĩ như “cây đàn hoạn nạn/ lúc khoan lúc nhặt lúc tỉnh lúc mê”(Cây đàn nhặt được) đôi khi “lạc giữa đôi bờ hoang vắng/ Lặng chìm vào một thoáng hư không”(Chiều nắng tắt). Nhiều khúc thức Nguyễn Cường đã chạm được bờ sóng, bờ gió của những chấn động lớn “con sóng nhỏ mang nỗi niềm biển lớn/ khi thầm thì, khi cuồn cuộn phong ba/ khi giận dữ đập vào vách đá/ biển khơi xanh mà sóng đã bạc đầu”(Con sóng không tên).

 

Thơ ông là cái giá của cuộc đời “Đã bao lần rớt đáy/ lại gắng trèo lên dốc trần gian/…/triệu triệu tế bào rỉ máu/ câu thơ dò dẫm tìm đường/…/vô tình bật lên một rễ cây nằm trong lòng đất/ thấy sự sống lặng thầm”(Thôi. Đừng khóc nữa). Va đập cuộc đời, xô đẩy cuộc đời, lành vỡ cuộc đời ngưng tụ thành thơ ông. Vì lẽ đó mà “Mỗi ngày một bài thơ/ nhưng không phải thơ nào cũng là ngày/ có thơ sáng tách cà phê đắng nghẹt/ có thơ trưa lang thang tán phét/ có thơ tôi nghĩ ngợi lan man nhiều khi khó thở/có thơ đêm xuất thế nhập hồn/…/mù mịt vàng thau tấm cám giần sàng”(Thơ đêm viết dở). Chín mươi chín bài thơ trong Giấc mơ thường ngày là chín mươi chín khúc tâm trạng, suy ngẫm của nhà thơ Nguyễn Cường. Ông suy ngẫm về Chuyện nọ chuyện kia, suy ngẫm về Con sóng không tên, Hoa ưu đàm, Tiếng mưa xuân, Nhà thơ đã chết và bài thơ bất tử… Nguyễn Cường không biến thơ thành nơi trưng bày màu sắc. Ông bước qua cái giai đoạn kể tả, diễn giải trong thơ. Ông không lai câu người đọc bằng những gam màu nóng lạnh, những kết cấu mảng khối độc, lạ. Ông mượn thơ để bộc lộ nỗi niềm. Câu chữ tìm được để gửi gấm, để ký thác hồn mình như “một cành hồng máu nhỏ buốt tay”(Thu đã ngả vàng). Nửa này của câu thơ là thông điệp nhọc nhằn câu chữ nghiệp thi ca. Nửa kia câu thơ là nỗi lòng. Cái gì nghe được, thấy được, chạm được cũng rung cảm nhà thơ. Ông như chiếc phong vũ biểu, như chiếc máy đo cảm biến của cuộc đời. Ông gọi ve sầu là bạn. Nghe ve sầu kêu ông liên tưởng đến lẽ sinh tồn “bạn sẽ chóng kết thúc cuộc rong chơi ngắn ngủi/ để lại đời ám ảnh tiếng ve kêu/ không ai biết suốt bao năm bị lòng đất lấp vùi/ bạn đã tìm được gì trong bóng tối”(Ve sầu). Cái mà ông tìm được trong bóng tối ấy chính là thơ. Thơ cứu rỗi tâm hồn ông, giải thoát ông. Đó là sự giải thoát câu chữ, sự dằn vặt muôn thuở của loài thi sĩ. Ông muốn có phương thuốc để câu chữ cất cánh:“Tôi cứ mãi tìm phương thuốc giải/ bện ngàn đời nhân loại thường đau/ từng câu chữ ẩn sâu thầm lặng/ đến bao giờ mở khóa lòng nhau/ dẫu mai sau trở về cát bụi/ vẫn mong chơ những vần thơ thoát xác đêm nay”(Bài thơ đêm nay).

Tập thơ Giấc mơ thường ngày của Nguyễn Cường

 

Hình như đêm là mảnh đất màu mỡ cho ngòi bút nghiêng về tâm trạng, nỗi niềm, hướng nội. Rất nhiều bài trong Giấc mơ thường ngày có từ đêm, đến từ đêm, liên quan đến đêm. Đọc thơ Nguyễn Cường ta có cảm tưởng những câu thơ đêm đã nở ra những giấc mơ ngày. Đêm không gieo hạt cho thơ. Đêm thanh lọc mọi hỗn tạp cho xúc cảm bật mầm lên. Tĩnh lặng là nơi linh khí hội tụ. Thơ là hội tụ sinh khí, linh khí,tinh hoa, tinh túy, tinh chất của trời đất kết lại trong tâm hồn, trí tuệ thi sĩ. Chiêng trống tiệc tùng ôn ã bụi bặm là chỗ tán khí của thơ. Đêm là huyệt chữ nghĩa, huyệt rung động, xúc cảm. Cái huyệt chữ nghĩa của thơ Nguyễn Cường chính là đêm. Ông tự bạch “Khi đêm xuống không còn ai nữa/ chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi/ tấm màn hình lặng thinh chờ đợi/ con chữ nào bật hiện nên lời”(Bài thơ đêm nay). Đêm như cuộn chỉ cho ông lượi mình ra. Đắng cay chua ngọt lượi ra. Sang hèn cao thấp lượi ra. Trắng đen thật giả lượi ra. Nhân văn nhân phẩm nhân cách nhân tâm lượi ra. Ông soi vào đó để phân kim lựa lọc chân thiện mỹ “Khi thấy ngày một ngắn và đêm cứ một dài”(Biết mình già), “trong cơn mơ tôi cạo nhẵn bộ râu”(Cạo râu), “nửa đêm gió bấc”, “Đêm không ngủ được/ ủ trong tim vầng sáng mong manh”(Câu thơ mùa đông). Trong vùng lặng sóng lặng gió của đêm, ông thấu cả những vết đâu trên ngực chúa trời: “Cứ mỗi đêm trong giấc ngủ mê/ tôi lại thấy những điều tôi chưa hề biết tới/ những vết thương trên ngực chúa trời/ những kinh phật vô ngôn trầm mặc/ mấy ngàn năm tiềm thức trong tôi”(Chìm dần trong mơ). Cảm xúc thơ ông hình như cứ đợi đêm đến để ùa về. Đêm là bọc trứng. Không phải bọc trứng nở ra một trời sao mà nở ra một bầu trời câu chữ. Câu chữ lấp lánh như xà cừ, như lân tinh. Thơ ông nở ra từ đó. Đêm không chỉ là nơi hợp lưu mà là nơi thăng hoa phát tiết thơ ông. Đêm mang đến cho ông tràn cảm hứng “Đêm đêm quét lại trang thơ cũ/ trên con đường đã thuộc dấu chân/…/Đêm đêm tự mình thắp sáng/…/từng cánh lá trong đêm dài tĩnh lặng/ rớt xuống đường thành giọt nắng mai”(Đêm đêm quét lại trang thơ). Rồi “Đêm nay có những đàn chim di trú/ bay về đậu kín giấc mơ”(Đêm về quê cũ). Đêm là chủ âm trong bản giao hưởng tâm hồn ông. Nào là “Đêm một mình trong ăn phòng vắng”, nào là “Đêm nghiêng nắng”, nào là “Bài thơ âm thầm viết trong đêm”…Ta có cảm tưởng đêm đã cho Nguyễn Cường thêm con mắt thứ ba, giống như chiếc kính chiếu yêu, để nhìn sâu vào mình. Triết lý của ông là, muốn hiểu người phải hiểu mình. Chưa hiểu được mình, chưa hiểu hết mình sao nói đên chuyện hiểu người, hiểu hết người. Nhưng chỗ lê hội, tiệc tùng, trống giong cờ mở, với nhà thơ, đó chính là chỗ phân tâm. Giống như dóng sông lúc nào cũng ầm ầm mùa lũ không thể làm bờ bãi được. Nó phải chỗ lắng lại, ngưng lại để phù sa làm nên châu thổ. Tâm hồn nhà thơ cũng thế. Tĩnh lặng, thanh tịnh là nơi ngưng tụ. Có lẽ sự ngưng tụ không thời gian, thời điểm nào tuyệt diệu hơn đêm. Nguyễn Cường “Đêm đêm ngồi trước bóng/ soi mình vào biển đời mênh mông” để thấu triệt triết lý “không rõ ta sao hiểu được người/ không thấy đáy sâu sao biết được trập trùng sóng gió”(Đi đọc thơ). Đôi khi mong đêm đến để thao thức với một hoài niệm “Nằm nghe mưa gió tự tình/ Màn khuya dấu lạnh đâu hình bóng xưa”(Đợi chờ). Thơ Nguyễn Cường có một bè trầm là đêm. Sóng ngầm vực xoáy gì cũng xuất hiện trong đêm. Âm vang cuộc đời vọng trước vọng sau cũng đến từ đêm. Đêm là cái kén, là cái tổ cho thơ Nguyễn Cường hóa ngài hóa bướm bay lên “đêm từng đêm lột xác/ nghe hồn chuông điểm nhịp xa gần”(Đường về vô định).

               

Thơ Nguyễn Cường hướng vào chiều sâu tâm tưởng, là một dòng chảy tâm trạng. Nó mạnh, xiết bởi tâm trạng. Người đọc không thể đọc nhanh, đọc lướt, đọc ngân nga những khổ thơ này “Hành trình nhận thức/ không đi lên theo đường xoáy ốc/ mà đi vào lòng mê cung/ đầy định kiến già nua và cạm bẫy vô hình/…/Mỗi bước đi thêm một lần tiệm cận/ nhận thức – nhận chân…chân trời – chân lý”(Đường xa cứ mãi còn xa). Những chỗ trũng, những vùng lõm vừa chứa đựng trí tuệ, học vấn, kinh nghiệm, vốn sống, sự từng trải, vừa u uẩn vừa bác học ấy không thể đọc một lần chép miệng thấy ngọt ngay được. Mượn hình ảnh hoa ưu đàm để ông khẳng định cái tất yếu cuộc đời “có thịnh có suy/ dẫu có là gì/ cũng trò chơi tạo hóa/ gửi gắm chi vào một cánh hoa”(Hoa ưu đàm). Ông hiểu cái mong manh phù phiếm. Sự thật khắc nghiệt cuộc đời đôi khi ám vào thơ ông tiếng mọt nghiến, mây đen, ớt. Lòng cay xé khi chứng kiến “Ngổn ngang những thiên thần ác quỷ/ Khấp khểnh phận người. Mịt mù công lý/ những trò chơi sấp ngửa nhân gian”(Lẫm chẫm). nhưng hầu hết thơ ông dành cho gừng cay muối mặn, nhân ái, nhân hậu và nhân văn. Với một người đạo văn người khác làm của mình, ông cũng mở bờ mở bến khoan dung cho thuyền neo đậu “xin đừng gọi em là kẻ cắp/ em chỉ muốn có một vườn hoa lạ/…/xin đừng ném đá em/một mộ bia, một nhân cách lấm lem/…/xin rộng lượng nhìn quanh đây đó/ biết bao người lớn nhỏ sang hèn/ vẫn trộm cắp vẫn lọc lừa mà chưa từng xấu hổ”(Kẻ đạo văn). Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của cuộc đời bao vất vả cơ cực “vật lộn miếng cơm manh áo/ những ham muốn ồn ào danh lợi/ đời người có được là bao”, ông muốn “giữ chút tình làm ngọn đèn treo đầu gió” “cho bến bờ xa lấp ló niềm hy vọng/ mong mỏi về một thế giới tươi xanh”(Mỗi sáng ngồi đón đợi). Trước những đứa trẻ đói nghèo, bom đạn, thương tật, HIV, chất độc da cam, không nhà cửa, không nơi nương tựa, ông suy nghĩ về túi quà của ông già Noel “ông có gì/ khi đến trước những dứa trẻ lang thang không nhà/ một cốc sữa nóng, một miếng bánh mỳ/ ông có gì ngoài túi đồ chơi?/ ông có gì/ trước những đứa trẻ đang ôm đầu dưới đạn bom/ một phút giây hòa bình/ một mái ấm gia đình cùng mẹ cha sum họp/ ông có gì ngoài đồ chơi?”(Nghĩ trước đêm Noel).

               

Hãy đọc thơ Nguyễn Cường để cảm nhận, để chia sẻ, để thấm, để ngấm, để hiểu một hồn thơ trầm lắng nhưng nhiều sóng ngầm. Có lúc những con sóng ấy lăn tăn mơ hồ. Có lúc những con sóng ấy cồn lên thành lớp, thành ngọn tung bờm dữ dội. Qua những con sóng ấy, ta hình dung, ta nhìn thấy, ta được trải nghiệm một vùng biển thơ Nguyễn Cường. Ta có thể bơi, có thể lặn ngụp, khám phá vùng biển thơ ấy.

 

2.10.2017

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người – Văn Giá

>> Tự mình đẩy mình lên mênh mông – Đặng Huy Giang

>> Thơ của… nhà văn – Hồng Diệu

>> Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ – Nhật Chiêu

>> Thơ ca, nghệ thuật và tính nhân văn tôn giáo – Hồ Sĩ Vịnh

>> Thơ trắng – tình trong như đã… – Bùi Nguyễn Trường Kiên

>> Có loại thơ đa thanh như thế – Vương Trọng

>> Phê bình văn học “cũng lắm công phu”… – Hồng Diệu

>> Khai ngộ với thiên nhiên: Bashô và Octavio Paz – Nhật Chiêu

>> Hướng đến nhất thể mới con người-tự nhiên-xã hội – Nguyễn Đăng Điệp

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…