Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ được yêu thích rộng rãi ở Việt Nam từ hơn 150 năm nay. Nhìn từ lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO, chúng ta thử điểm lại những giá trị cụ Đồ đã góp cho hành trang của chúng ta, cho con cháu hôm nay và mai sau.
Ngày 23/11 tại thủ đô Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết: năm 2022 sẽ tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, thì Nguyễn Đình Chiểu trở thành người Việt Nam thứ 6 được UNESCO kỷ niệm như một danh nhân văn hóa. Về phương diện tác gia, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng xếp ngang hàng với những tác giả lớn của văn học châu Á như: Khuất Nguyên, Tả Khâu Minh, Bạch Cư Dị của Trung Quốc; Matsuo Basho, Kyokutei Bakin của Nhật Bản, tác giả Xuân Hương truyện của Hàn Quốc… mà UNESCO từng vinh danh.
Trong những giá trị tốt đẹp ấy, những gì có thể giới thiệu với bạn bè năm châu để góp vào hành trang đi tới của nhân loại? Theo tôi là 4 phương diện sau đây.
Nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam
Nói đến thơ Nguyễn Đình Chiểu, trước hết nói đến tác phẩm Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên đề cao tình nghĩa ở đời: tình cha con (Vân Tiên với cha mẹ), tình vợ chồng (Vân Tiên-Nguyệt Nga), tình bạn bè (Vân Tiên-Hớn Minh, Tử Trực), tình thầy trò, thầy tớ (Vân Tiên-tiểu đồng, Nguyệt Nga-Kim Liên)… Tình nghĩa là căn cốt của tâm hồn Việt Nam, của tính cách Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là giá trị mà Việt Nam có thể mang ra thế giới.
Lục Vân Tiên đề cao tinh thần nghĩa hiệp – trọng nghĩa khinh tài – thông qua hình tượng Vân Tiên đánh cướp, Vân Tiên giúp nước giúp dân…
Lục Vân Tiên thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo – kẻ ác phải bị trừng phạt. Lục Vân Tiên là truyện thơ viết bằng chữ Nôm, viết bằng tiếng nói bình dân, kể chuyện cho dân nghe, rất được dân chúng ưa thích.
Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng lớn trong nước và trên thế giới; được chuyển thể thành những loại hình nghệ thuật khác như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống về Lục Vân Tiên, tuồng Lục Vân Tiên, phim Lục Vân Tiên, nhạc kịch về Lục Vân Tiên (vở Tiên Nga của Thành Lộc công diễn 2019)…, tức là một “trường văn hóa” về Lục Vân Tiên – đó là điều ngoài Truyện Kiều ra, ít tác phẩm nào có được.
Tranh Đông Hồ về “Lục Vân Tiên” – Ảnh tác giả chụp lại từ tư liệu.
Lục Vân Tiên còn là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng: ít nhất 7 bản tiếng Pháp. Năm 1985 Lục Vân Tiên còn được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016 Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Éric Rosencrantz…
Nhà thơ nhân đạo – thân dân, yêu hòa bình
Tình cảm nhân đạo, thân dân, yêu hòa bình thể hiện chủ yếu ở văn tế, thơ của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau khi Pháp xâm lược.
Nguyễn Đình Chiểu là tác giả hàng đầu Việt Nam về thể loại văn tế: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong và thơ điếu liên hoàn: Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Thơ điếu Phan Thanh Giản…
Ngoài ra còn thơ và tập truyện thơ Nôm Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Các tác phẩm thể hiện một lòng yêu nước thiết tha, một khát vọng về quyền tự quyết của dân tộc.
Với tinh thần ấy, các tác phẩm đã đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, và cũng chính là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào “phi thực dân hóa” của các dân tộc Á Phi – một phong trào được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó có UNESCO.
Lục Vân Tiên đánh cướp trong “Vân Tiên cổ tích truyện”.
Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo, thân dân, với tinh thần yêu hòa bình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua các tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu luôn phản ánh số phận của nhân dân: nhân dân là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, đặc biệt phụ nữ, trẻ em – những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội.
Tình nghĩa là căn cốt của tâm hồn Việt Nam, của tính cách Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là giá trị mà Việt Nam có thể mang ra thế giới.
Nhà tư tưởng
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự. Ông đánh dấu quá trình chuyển biến của Nho học Việt Nam ở Gia Định theo hướng đô thị hóa, Việt hóa và bình dân hóa.
Ở Lục Vân Tiên chúng ta thấy có một nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Quán. Ông Quán làu thông kinh sử, ngao ngán con đường công danh, nhưng không lui về ẩn dật theo con đường quen thuộc của các nhà nho – ẩn sĩ ngày xưa, mà ông lại mở quán bán hàng, tức là làm thương mại.
Tác phẩm “Lục Vân Tiên” bản tiếng Nhật năm 1985.
Nhà nho truyền thống thường coi khinh buôn bán, thương nhân đứng ở nấc thang cuối cùng (sĩ, nông, công, thương), triều đình cũng thi hành chính sách “trọng nông ức thương”.
Thế mà nhà nho của Nguyễn Đình Chiểu, nho thì rất nho nhưng cũng biết đến cả kinh doanh. Nếu xu hướng ông Quán này được tiếp tục phát triển thì ông có khác gì các nhà nho duy tân đầu thế kỷ 20.
Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa – bình dân hóa một cách sâu sắc. Chữ trung, đức mục hàng đầu của nhà nho, được Việt hóa thành khái niệm “ngay” (ngay ngắn, ngay thẳng).
Chữ hiếu, đức mục đứng sau chữ trung, được Việt hóa thành khái niệm “thảo”, “ngũ thường” thành “năm hằng”, “chính khí” thành “hơi chính”…
Khi trung thành ngay, hiếu thành thảo, thì những thói ngu trung, hiếu một cách mù quáng không còn nữa. Sự thay đổi khái niệm không phải chỉ là vấn đề thay đổi ngôn từ, mà nội hàm của những khái niệm đó cũng thay đổi.
Vượt nghịch cảnh giúp ích cho nhân dân
Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo có uy tín cao, thường được dân Lục tỉnh gọi là “cụ Đồ” với thái độ kính trọng mà thân thương. Học trò của ông rải khắp Sài Gòn, Cần Giuộc, Ba Tri. Cụ còn là người thầy thuốc lớn, thương dân, có trách nhiệm, rất đề cao y đức.
Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Lê Giang.
Trong Lục Vân Tiên, ông gay gắt lên án bọn lang băm hám lợi, hại người. Sách Ngư Tiều y thuật vấn đáp của ông là cuốn cẩm nang, sách giáo khoa về nghề y, đương thời rất được các thầy thuốc ưa chuộng, sử dụng rất nhiều.
Hình tượng Kỳ Nhân Sư trong tác phẩm ấy thể hiện sự gắn số phận của người trí thức với đất nước và nhân dân.
Nước mất, Kỳ Nhân Sư bỏ vào núi vì không muốn làm người trí thức vong thân; buồn đau và bất lực, ông đã dùng chính hiểu biết về nghề thuốc xông mù đôi mắt để khỏi thấy cảnh đất nước điêu linh, sinh dân nghiêng nghèo.
Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng, khi mà cuộc đời ông và sáng tác của ông, lời nói của ông và việc làm của ông thống nhất làm một.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang/Vanvn