Nguyễn Duy có một miền quê trong đi đứng nói cười

1279

27.11.2017-10:10

 >> Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

>> Nhìn từ xa… Tổ quốc!

>> Nguyễn Duy đến với thơ lục bát thế nào?

 

 

Tuổi thơ

 

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

 

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích choè đánh thức buổi ban mai

 

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rổi

năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

 

Người ở rừng mang vết suối vết cây

người mạn bể có chút sóng chút gió

người thành thị mang nét đường nét phố

như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

 

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

 

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dầu chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè

 

Cuối 1982

 

 

Về làng

 

Làng ta ở tận làng ta

Mấy năm một bận con xa về làng

Gốc cây, hòn đá cũ càng,

Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay

Cha ta cầm cuốc trên tay,

Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa

Lưng trần bạc nắng thâm mưa

Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì

 

Không răng! cha vẫn cười khì

Rượu tăm vẫn để dành khi con về

Ngọt ngào một chút men quê

Cay tê cả lưỡi, đắng tê cả lòng

Gian ngoài thông thống gian trong

Một đời làm lụng sao không có gì

 

Không răng! cha vẫn cười khì

Người còn là quí kể chi bạc vàng

Chiến tranh như trận cháy làng

Bà con ta trắng khăn tang trên đầu

Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Đường làng cây cỏ lưa thưa

Thanh bình từ ấy sao chưa có gì

 

Không răng! cha lại cười khì

Đời là thế, kể làm chi cho buồn

Mẹ ta vo gạo thổi cơm

Ba ông táo sứt lửa rơm khói mù

Nhà bên xay lúa ù ù

Vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào

Các em ta vác cuốc cào,

Rủ nhau bước thấp bước cao ra đồng

Mồ hôi đã chảy ròng ròng

Máu và nước mắt sao không có gì

 

Không răng! cha vẫn cười khì

Đời là thế, kể làm chi cho rầu

Cha con xa cách bấy lâu

Mấy năm mới uống với nhau một lần

Bụng ta thắt, mặt ta nhăn

Cha ta thì vẫn không răng cười cười

 

Ta đi mơ mộng trên đời

Để cha cuốc đất một đời chưa xong

Nhà thơ Nguyễn Duy

 

 

Thơ tặng người ăn mày

     Ăn mày là ai? ăn mày là ta

     Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày

                           (Ca dao)

 

Sân ga Thanh Hoá chiều mưa đổ

một người mẹ dắt con

một em bé mắt tròn đen lay láy

một bàn tay run run chìa ra đấy

một thều thào như với riêng tôi:

“ơi các ông, các bà, các anh, các chị

ai làm ơn nuôi cháu nên người?”

 

Trả lời thế nào với cái nhìn đen láy

với bàn tay run run chìa ra đấy?

tôi nhận ra bàn tay vàng móng ấy

tay cấy cày làm hột gạo nuôi tôi

 

Bây giờ đồng trắng nước trôi

bàn tay chìa vào mặt tôi gấp gáp

hay là chính mẹ tôi từ trong đất

dắt đất lên để thử lòng tôi chăng?

 

Tôi giấu mặt vào giữa đám đông

tay lần mãi cái hầu bao rỗng lép

chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp

trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm

đang ngửa lên?

 

Nhận về nuôi giúp mẹ đứa bé em?

chữ nghĩa tôi không sàng thành gạo

trong túi chỉ còn lạo xạo dăm bài thơ

 

Như đứa con bất hiếu tôi quay đi

xin nhận lấy tròn đen hai con mắt

hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất

đào thịt chui vào ngực tôi

 

Hai con ong tôi xin tự nguyện nuôi

để cho mũi nọc ong độc địa

xâm lên vách tim tôi một dòng mai mỉa:

“cảm ơn lòng nhân ái của nhà thơ”

 

Quê nhà, vụ lụt năm Quý Sửu – 1973

NGUYỄN DUY

 

TIN THƠ: 

 

>> Bùi Sim Sim ngày sáo sang sông

>> Nguyên Hồng mơ chi da trắng môi mềm

>> Phạm Trung Tín chợ tình hiu hắt chợ đời xót xa

>> Bùi Nguyễn Trường Kiên yên định cánh chim bằng

>> Võ Văn Pho chờ mai nắng ấm

>> Điệu lý của Đoàn Thị Diễm Thuyên

>> Nguyễn Thị Phương Nam gửi vào khoảng lặng

>> Nguyễn Ngọc Thu ngày xưa thời sinh viên

>> Huỳnh Dũng Nhân gửi miền Trung

>> Trần Xuân An mưa gió lùa xoay thơ bão lũ

>> Bình Địa Mộc mật khẩu mùa đông

>> Ngô Thị Thục Trang tự khúc mùa thu

 

 

>> ĐỌC THƠ TÁC GIẢ KHÁC…