Nguyên Hậu: ‘Giọng thơ trẻ hồn hậu và giàu nữ tính’

600

Nguyễn Văn Hòa

(Nhân đọc tập thơ Soi mình trong sắc tháng Giêng của nhà thơ Nguyên Hậu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019)

Soi mình trong sắc tháng Giêng là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyên Hậu. Tập sách gồm 61 bài, ở đó người đọc thấy rõ một giọng thơ hồn hậu và giàu nữ tính. Bao trùm và xuyên suốt tập thơ là nỗi nhớ, có những nỗi nhớ có tên và cả những nỗi nhớ không tên nhưng làm man mác và lay động lòng người. Ở đó là những câu chuyện, những hoài niệm, suy tư, trăn trở, day dứt về quê hương, tình yêu và cuộc đời. Đó là sự trở về với những giá trị đạo đức, thẩm mỹ, nhân văn mang tính lâu bền và vĩnh cửu. Nỗi niềm hoài niệm đã trở thành mạch nguồn cảm xúc trong hành trình sáng tạo thơ của chị.

Ta soi mình trong sắc tháng Giêng/ Để hanh hao cả một vùng ký ức/ Khuất lấp gương mặt người qua bao mùa/ nguyệt thực/ Lại thấy mình rõ hơn/ Tháng Giêng ơi xin chớ giận hờn/ Ta bước đi không lời tạ tội/ Gửi lại ấu thơ một miền sương khói/ Đau đáu mái tranh hiu hắt bếp nhà (Soi mình trong sắc tháng Giêng).

Người đọc dễ nhận ra trong Soi mình trong sắc tháng Giêng có nhắc nhiều đến tình yêu. Tình yêu trong thơ chị là thứ tình yêu không trọn vẹn. Để rồi giăng mắc trong lòng người ở lại những nỗi nhớ nhung, đợi chờ khắc khoải, đôi khi là lời trách móc nhẹ nhàng nhưng lại làm nhói buốt tâm can. Nhân vật trữ tình “ta” /“em” luôn chịu và nhận về mình những thua thiệt.

Trái tim dịu dàng, nữ tính nên lúc nào chị cũng cảm thấy bất an, lúc nào cũng có điều gì đó lo lắng, bồn chồn. Vì thế, nhà thơ sử dụng những từ ngữ chỉ sự xao động tâm hồn, các cung bậc, sắc thái tình cảm rất nhiều trong thơ. Tình yêu và sự bao dung là nét nổi bật trong con người đời thường và con người thơ của chị. Bởi nhà thơ Nguyên Hậu cũng ý thức sâu sắc được rằng, thời gian qua đi, mọi thứ có thể đổi thay, lòng người đôi lúc cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Gió lao về phía tháng năm/ Tóc hương gửi lại tơ tằm/ ngẩn ngơ/ Bến xưa người cũ chưa về/ Trách gì sông, chút đam mê/ đổi màu/ Gió làm bạc tóc bông lau/ Ngàn năm sỏi đá bạc màu/ thủy chung/ Chiều nay bến vắng rưng rưng/ Có người đứng ngóng mịt mùng/ nhân gian… (Bến quê).

Nhà thơ đã trải lòng mình để cảm thông, xa xót cho những cuộc tình không trọn. Để rồi lúc nào nhân vật trữ tình “em” cũng cảm thấy “sợ”.

Em bỗng sợ con đường xa, xa mãi

Nơi cuối đường vắng bóng, chỉ còn thu

Em lang thang, ảo vọng, sương mù

Bao lá khô rơi không lấp đầy nỗi nhớ

(Em sợ mùa thu)

Nỗi sợ ấy lại tăng dần lên khi nhân vật trữ tình “em” nhận ra rằng mình là kẻ đến sau.

Em đến sau nên thành người có lỗi/ Trong vô tình ray rứt cho nhau/ Hình bóng xưa giờ đã lắng niềm đau/ Em cứ sợ tình em là có lỗi (Sợ).

Đó là sự giày vò, lo âu, nỗi đau âm ỉ, là vết thương lòng khó lành theo năm tháng. Anh vẫn có thể đi nếu bàn chân chưa/ chùn bước/ Chiều hắt hiu những ô cửa bấc về/ Em không nghĩ mình là người bạc hạnh/ Chút hơi ấm vẫn còn, dù mùa đã bơ vơ

Để rồi “Em” đành chấp nhận sống cuộc đời thiếu phụ. Đọc những câu thơ nghe có gì đó cay cay nơi khóe mắt, có gì đó như đau nhói con tim.

Em sẽ sống một cuộc đời thiếu phụ/ Kín áo choàng xuống phố mỗi ngày đông/ Rũ thị phi, để ánh nhìn kiêu hãnh/ Rũ cơn mơ hoang tìm lại giấc nồng

Tuy vậy, người phụ nữ ấy vẫn còn chút niềm tin, vẫn còn chút tia hi vọng, đó là sự thức dậy cái gọi là bản lĩnh, phẩm tính đàn ông trong anh.

Em sẽ đợi ngày người đàn ông trong anh/ thức dậy/ Những phù du bỏ lại phía sau trời/ Mưa bóng mây chẳng còn loang dấu vết/ Đừng đợi thu đi, thương nhớ vợi/ bên đời…

(Đừng để thu đi qua mới nói lời thương nhớ)

Em vẫn luôn mong muốn anh hãy chân thành, đừng dối em, dù chỉ một lời: Đừng dối em dù chỉ một lời/ Bởi bao dung cũng nằm trong giới hạn/ Anh gần gũi, thẳm xa, mênh mang hay sâu lắng/ Em ru mình trong những thứ tha (Ảo vọng).

Người phụ nữ trong thơ chị đầy nữ tính, rất mực dịu dàng. Sự hi sinh, cam chịu, chờ đợi, hụt hẫng, thất vọng, nuối tiếc, hoài vọng của họ được thể hiện qua những vần thơ đậm chất trữ tình.

Anh không về đi qua con phố nhỏ/ Gốc hoàng lan xanh mướt dịu dàng/ Quán cũ vắng như ngày nào ta đến/ Sóng sánh giọt buồn café đắng mênh mang (Phố đợi).

Chị trong bài thơ cùng tên là một người phụ nữ đáng thương như thế. Chị chờ đợi mỏi mòn, nhan sắc tàn phai, héo úa.

Gió lùa phía cuối bờ sông/ Chị ra đứng đợi tím dòng thời gian/ Một thời hương sắc đa mang/ Bốn mùa thay lá chiều sang rồi chiều

 Ừ thì sông cứ trôi đi/ Cho nên người cũng biệt ly/ tháng ngày

(Bến quê)

Và cái chị nhận về những day dứt, buồn tủi, cô đơn.

Điểm nổi bật trong thơ Nguyên Hậu là mỗi địa danh được đề cập đến đều lắng đọng trong tâm hồn chị bao nỗi niềm trắc ẩn. Về miền Tây vào ngày mùa đông – nơi mảnh đất miệt vườn nhiều cây trái, cá tôm, nơi phù sa đỏ nặng và sự hào sảng phóng khoáng của con người nơi đây làm cho người lữ khách nặng lòng. Mai rời miền Tây chút tình say đắm/ Qua phà Hàm Luông man mác/ khóm lục bình/ Còn vẳng tiếng gà gáy sáng cạnh bờ kinh/ Gửi lại miền Tây dấu chân người lữ khách (Gửi lại miền Tây).

Hay khi đến đất Bắc, Đà Lạt, Buôn Mê… nhà thơ cũng đều có những vần thơ ấm áp, nghĩa tình về đất và người nơi đó. Đến rồi đi nên chị cảm thấy luyến tiếc, nhớ nhung và muốn một ngày nào đó được trở lại những nơi chị đã từng đi qua.

Nhưng miền quê, mảnh đất nhà thơ Nguyên Hậu sinh ra, lớn lên được đề cập đến với một tình cảm đặc biệt. Bởi đó là nơi chứa đựng nhiều mối ân tình sâu nặng nhất. Mảnh đất ấy đã níu giữ và ghi dấu rất nhiều kỉ niệm. Vì thế, dù có làm gì, có ở đâu, quê nhà vẫn luôn hiện diện trong chị, để rồi chị vẫn luôn khao khát để trở về.

Lâu lắm rồi ta không về Phú Yên/ Nghe biển Tuy Hòa sóng mặn mòi bờ cát (Gửi biển).

Miền ký ức lần lượt trỗi dậy trong thơ chị làm người đọc cảm thấy nao lòng.

Chỉ nghe âm thanh của tiếng mưa tháng Giêng nơi phố thị cũng đã làm cho chị se sắt. Bao kỷ niệm của thuở thiếu thời nơi quê nhà nghèo khó lại hiện về:

Đêm thị thành hồn thả cõi mênh mông/ Lắng không gian trở về thời nhỏ dại/ Cỏ mật thơm, sáo diều khua khoắt mãi/ Tiếng tre ngàn đời hát điệu bình yên

(Nghe mưa tháng Giêng)

Tuổi thơ với những hình ảnh ruộng đồng, bờ bãi, dòng sông, cánh diều, lũy tre, cỏ may, cỏ mật… Song hành với đó là hình ảnh của những người thân yêu, ruột thịt. Tất cả đã trở thành tình cảm máu thịt, niềm yêu thương vô bờ.

Cha khom lưng trên những luống cày/ Nghe rơm rạ cựa mình ngai ngái/ Bầy sẻ ri rộn ràng bay trở lại/ Tự thẳm sâu, đất trở dạ giao mùa/ Con vẫn còn cơm áo được thua/ Dắt câu thơ đi qua, nghe mồ hôi cha chảy/đầm câu hát/ Bí bầu còn xanh, ấm bàn tay mẹ ngồi gieo hạt/ Bát canh rau chiều ngồi ngóng phía trời xa (Hát trên luống cày).

Thế giới hình ảnh trong thơ Nguyên Hậu gần gũi mà ấn tượng, độc đáo mà giản dị. Tất cả đều gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người.

Hình ảnh thôn quê hiện lên qua những trang thơ của Nguyên Hậu mang vẻ đẹp trong sáng, bình dị, đem lại cho con người cảm giác ấm áp, gần gũi, thân thương. Bức tranh thiên nhiên ấy sinh động, gợi cảm và đặc biệt có hồn. Vườn nhà ai rụng tím đầy hoa khế/ Ngõ nhỏ cong cong như đợi tự bao giờ/ Kẽo kẹt ru hời nhịp võng tuổi thơ/ Tay chạm giậu thưa nghe hồn lẳng lặng/ Đóa dâm bụt đỏ màu chiu chắt với thời gian/ Hăng hắc lá khô, nghe đất thở khẽ khàng/ Ta gặp lại tuổi mình của một thời xa lắc (Nơi gửi lại tuổi thơ).

Không – thời gian trong thơ Nguyên Hậu không chỉ là không – thời gian tự nhiên mà được nội tâm hóa trở thành không – thời gian tâm trạng, có khả năng biểu lộ cảm xúc. Đi qua tuổi ba mươi, nhà thơ sâu sắc nhận ra: Hơn 30 năm/ Con bước đi bằng kiêu hãnh tuổi mình/ Bằng khát vọng phía chân trời,/ Bằng những đường cày của cha tan sương trong nắng mới/ Trong giấc mơ, lẫn mùi đồng nội/ Gié lúa cong cong, cò trắng ngẩn ngơ chiều/ Những nơi mình đi qua đâu thiếu ánh lửa hoàng hôn/ Cũng chập chùng núi non, cũng quanh co đường thôn ngõ xóm/ Cũng ngai ngái rạ rơm, đất bùn rất đượm/ Sao thao thức nơi tim, sợi khói quê nhà/ Bên luống cày nào con lại theo cha/ Nhặt lại tuổi thơ,/ Như nhặt chú dế bật lên giữa đường cày thơm đất ấm/ Và bên những vòng dây khoai/ Mẹ kĩu kịt chợ phiên tươi trong sương ướt đẫm/ Nghe gió quê nhẹ hát khúc giao mùa… (Hát trên luống cày).

Đi qua thời gian, đồng nghĩa với việc nhà thơ đi qua nhiều khoảng không gian “nham nhám cả một miền nỗi nhớ”: Ta lớn thêm từ những buổi đi tìm/ Từ những miền gần xa, thoáng quen thoáng lạ/ Từ ký ức tuổi thơ dù mấy mùa thay lá/ Vẫn khúc khích cười vẫn nguyên vẹn trong tim (Đi qua thời gian).

Ngôn từ trong thơ chị là ngôn từ của cảm xúc, của trái tim đa cảm. Mỗi câu, chữ đọc lên nghe chan chứa biết bao nỗi niềm.

Thơ Nguyên Hậu thường sử dụng nhiều phép điệp và mỗi cách điệp trong từng bài thể hiện cái hay riêng của nghệ thuật kết cấu. Bài thơ Mùa yêu lặp lại ở đầu 3 khổ thơ câu “Em đi về phía không (anh/ màu/ chiều)” tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ và sự liên tưởng độc đáo. Thế giới ấy vừa thật, vừa ảo, chấp chới, mời gọi; “em” cứ phấp phỏng đi tìm: đi tìm thời gian đã mất, không gian đã mất, tình yêu đã mất.

Những thua thiệt, dại khờ, nông nổi vẫn luôn đeo bám bên chị nhưng không vì thế mà làm cho chị nản lòng. Nhà thơ vẫn sống, vẫn yêu với sự bao dung, hồn hậu.

Với Soi mình trong sắc tháng Giêng, Nguyên Hậu đã tạo dựng trong thơ của mình một thế giới hình ảnh gần gũi mà ấn tượng, bình dị mà ám ảnh. Chính chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, hàm chứa những ý nghĩa tinh thần nhân văn sâu sắc đã góp phần làm nên một tiếng thơ hồn hậu và giàu nữ tính. Trong đội ngũ những cây viết trẻ ở Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung, Nguyên Hậu là một trong những cây bút trẻ kín tiếng. Chị lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, cẩn trọng, lặng lẽ, miệt mài. Tôi tin, với những phẩm tính ấy và năng khiếu sẵn có chị sẽ tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần mới có chất lượng hơn và gây được nhiều cảm tình trong lòng độc giả.

N.V.H