Nguyễn Hiến Lê – Thần tượng đời tôi

1158

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), tự Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Tây). Xuất thân từ gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, ở trường Yên Phụ, trường Bưởi.

Nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học – Nguyễn Hiến Lê

Năm 1934, tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, ông vào làm việc ở Nam bộ đến suốt đời. Sau năm 1945, Nguyễn Hiến Lê thôi làm cơ quan, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản, chuyên về biên dịch và sáng tác. Năm 1980, ông về lại Long Xuyên, viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (1980) và Đời viết văn của tôi (1983). Sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Hiến Lê gồm trên 120 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: biên khảo và dịch thuật (trên 100) về văn học , ngôn ngữ, triết học, phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân,… ; du ký, học làm người và sáng tác (20). Bài đăng trên tạp chí: Bách khoa (242); Mai, Tin văn, Văn, Giáo dục phổ thông, Giữ thơm quê mẹ (50). Đề tựa cho sách (23 cuốn). Nguyễn Hiến Lê đã từ chối: hai lần nhận giải Tuyên dương Văn học – Nghệ thuật và tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc của chính quyền Cộng hòa. Ông lâm bệnh, mất (1984) tại Thành phố Hồ Chí Minh, linh cửu được hỏa táng sau khi tang lễ làm đơn giản theo ý nguyện của ông, và phần mộ ông hiện nay ở Đồng Tháp. Trước 1975 và cả sau này, Nguyễn Hiến Lê được coi là một cây bút uy tín, viết miệt mài, đã thể hiện nhân cách lớn của một nhà giáo, được nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng.

Thuở nhỏ còn ở làng quê, sau khi học hết cấp Sơ đẳng, thì ra tỉnh học tiếp Lớp Nhì (Cours Moyen, nay là lớp 4) bậc Tiểu học tại trường Nam Tiểu học tỉnh Cần Thơ, tôi chỉ là một đứa học trò nhà quê lù khù, học lực chỉ trung bình trong lớp. Vì bản tính ham học, lại nghĩ thương ba mẹ quanh năm phải làm lụng vất vả, tảo tần khuya sớm nuôi con ăn học xa nhà, tôi cứ mãi nghĩ phải làm thế nào để học giỏi lên cho vui lòng ba mẹ. Thật may mắn, cuối học kỳ 2 cùng năm, trong một lần đến nhà sách Tinh Hoa đường Phan Đình Phùng, Cần Thơ, tôi tình cờ mua được quyển “Kim chỉ nam của học sinh” của Nguyễn Hiến Lê, một tác giả với tôi hãy còn xa lạ. Vốn mê sách, về nhà tối hôm ấy, tôi đã đọc ngấu nghiến, càng đọc càng say sưa với nội dung và phương pháp mà tác giả đã chỉ cho học trò cách học làm sao để cho giỏi. Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng trong khoảnh khắc bất ngờ gặp được quyền sách vàng như một thần thư có tác dụng mạnh mẽ đã làm thay đổi hiệu quả việc học tập trong đời tôi. Và cũng từ đó, dù chưa biết mặt tác giả, tôi vẫn coi Nguyễn Hiến Lê như một người thầy học đáng kính, uyên thâm, dù chưa lần nào ông đứng lớp dạy tôi.

Nguyễn Hiến Lê thuộc gia đình lễ giáo Nho phong ở Hà Tây, Bắc bộ. Cha mẹ và bác ruột của ông đều giữ được truyền thống đạo lý và giáo dục khuôn mẫu của tổ tiên. Thân phụ Nguyễn Hiến Lê tên Bí, hiệu Đặc Như, có tính nghệ sĩ nhưng dạy con rất nghiêm khắc. Trước ngày Nguyễn Hiến Lê chào đời, ông Đặc Như nằm mộng, thấy cụ già râu tóc bạc phơ như một tiên ông, chống gậy đến trao cho quả lê, vì thế đặt tên con là Hiến Lê, có nghĩa là hiến tặng quả lê. Mẹ Nguyễn Hiến Lê tên Sâm, sớm mồ côi cha, mẹ bà làm lược bán để nuôi con.

Khi lên mười thì cha mất sớm (lúc 34 tuổi), trong cảnh nhà khó khăn, mẹ Nguyễn Hiến Lê phải đầu tắt mặt tối buôn bán trái cây ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, chịu cực khổ nuôi bốn con nhỏ dại và mẹ già. Trên tạp chí Mai số 29 ra ngày 10.09.1961, Nguyễn Hiến Lê không giấu giếm cái nghèo khổ của mẹ con ông: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, thường bị họ hàng khinh rẻ, ức hiếp, lắm lúc chúng tôi tủi nhục đến rớt nước mắt”.

Không có người kèm cặp chỉ dẫn, Nguyễn Hiến Lê lêu lổng, phải ngồi lại hai năm rưỡi ở lớp Dự bị (Cours Préparatoire, nay là lớp 2 bậc Tiểu học) mới lên nổi lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire, nay là lớp 3). Từ lớp Nhì (Cours Moyen, nay là lớp 4), ông bắt đầu chăm học, rồi đứng đầu ở lớp Nhất (Cours Supérieur, nay là lớp 5). Vầng dương ấm áp đã rạng hồng lên, xóa tan màn đêm u tối những ngày đói lạnh ấu thơ của cuộc đời cậu học trò nghèo. Trên tạp chí Mai số 39, ra ngày 10.02.1962, Nguyễn Hiến Lê đã chân thành tâm sự: “Tôi đã qua cái cảnh, buổi sáng rét căm căm, gió bấc thổi lồng lộng, bận có hai cái áo mỏng, đi mua một củ khoai lang một trinh hoặc một khúc khoai mì một xu, rồi đi chân đất dưới mưa phùn để tới trường cách nhà trên hai cây số, ngồi học ba bốn giờ rồi lại đi bộ về nhà. Có lúc đói và lạnh quá không nghe được lời giảng của thầy nữa. Giá hồi đó tôi có thêm một xu mỗi ngày để ăn và đôi ba tháng có thêm được vài hào để mua sách…”.

Năm 1925, thi vô trường Bưởi (Collège du Protectorat), nhưng ông phải thi lại lần thứ hai vào năm sau mới đậu. Tới lớp Đệ Tứ, đứng nhất lớp ở trường, Nguyễn Hiến Lê được học với các bậc thầy tên tuổi đáng kính như: Dương Quảng Hàm, tác giả Việt Nam Văn học Sử yếu, Việt Nam Thi văn Hợp tuyển; Thẩm Quỳnh, dịch giả Kinh Thư; Nguyễn Gia Tường, bào huynh của vua sơn mài danh họa Nguyễn Gia Trí, …Sau đó, Nguyễn Hiến Lê thi đậu văn bằng Cao đẳng Tiểu học (Diplôme d’Études primaires supérieures) rồi thi vào trường Cao đẳng Công chánh đậu thủ khoa, được vào học nội trú và hàng tháng lãnh sáu đồng rưởi học bổng. Thi tốt nghiệp năm 1934, ông đậu hạng sáu và gần cuối năm được bổ vào làm việc trong Nam. Năm 1937, cưới bà vợ cả Trịnh Thị Tuệ, người miền Bắc. Đầu năm 1944, ông có trở ra Bắc thi vô ngạch kỹ sư công chánh nhưng không đậu.

Trở lại làm việc ở sở Thuỷ Lợi Long Xuyên, Nguyễn Hiến Lê được giao cho công việc đi đo mực nước sông ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Công việc làm xong, ông còn rất nhiều thời gian rảnh rổi. Không biết làm gì cho hết ngày, ông thường tìm sách để đọc, bất cứ là loại sách nào. Không đọc sách thì ghi nhật ký, viết hồi ký cho đỡ nhớ quê nhà ở tận miền Bắc xa xôi. Nguyễn Hiến Lê kể lại: “Cầm bút lúc nào là tâm hồn tôi rung động nhè nhẹ lúc ấy, như được nghe một bản nhạc êm đềm, bản nhạc của cố hương và dĩ vãng.” Công việc mỗi ngày thường khi phải ngồi thuyền, bềnh bồng trên sông nước, cách ly với con người, làm việc một mình. Đó cũng là cơ hội có thời gian tĩnh lặng để ông cầm bút. “Viết hồi ký để ôn lại cái đã qua thì viết nhật ký để ghi lại cái vui hiện tại…Tôi cứ nghĩ đâu chép đó, viết bừa đi, chẳng cần bố cục, cũng chẳng sửa, có khi quên giờ giấc, và đặt cây bút xuống, nhìn lên bờ thì làng xóm đã lờ mờ sau làn sương mỏng.”

Dù ham đọc sách và say mê viết mà vẫn còn dư thì giờ, ông quay ra tự học thêm  chữ Hán. Lúc còn nhỏ ở nhà, ông được cha dạy chữ Hán cho một ít, và khi còn học trung học trong hai lần nghỉ hè, ông được mẹ đưa về quê nội ở làng Phương Khê học thêm chữ Hán với Bác Hai. Khi tốt nghiệp trường Công chánh (6/1934), trong gần nửa năm chờ được bổ nhiệm công tác, Nguyễn Hiến Lê tiếp tục học chữ Hán một mình mà không về quê nữa vì Bác hai đã qua đời. Mỗi ngày, ông đến thư viện Trung ương ở đường Trường Thi – Hà Nội để mượn bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và cuốn Grammaire Chinoise (Ngữ pháp tiếng Hoa) của Cordier.

Ông miệt mài tìm các từ thông dụng mà chưa hiểu rõ ý nghĩa trong từ điển của Đào Duy Anh, bắt đầu từ chữ A, để chép vào một tập riêng, rồi lại đọc kỹ những điều quan trọng trong cuốn ngữ pháp của Cordier. Ông làm việc đều đặn như thế sáu ngày một tuần ở thư viện, chỉ nghỉ một ngày ở nhà để ôn lại bài trong tuần. Sau ba tháng, học được chừng 3.000 từ, Nguyễn Hiến Lê mượn bộ Tam Quốc chí có lời bình của Kim Thánh Thán. Vì đã biết cốt chuyện rồi, ông đọc không quá khó, hiểu được sách nói gì và tỏ ra rất thích lời bình của Kim. Đọc vửa xong Tam Quốc chí thì Nguyễn Hiến Lê nhận được giấy bổ vào Nam làm việc.

Trong những ngày vô Sài Gòn mới bắt đầu làm việc, ông nhận ra mỗi ngày còn rảnh được buổi tối và mỗi tuần rảnh được cả ngày Chủ nhật. Không biết nhậu, ghét đánh bài, chẳng thích đánh cờ, cũng không ưa ngồi lê đôi mách, tụ tập bạn bè tán gẫu nơi quán xá, ông chỉ còn cách tự học và đọc sách mà thôi. Mà đọc sách với cây bút chì, có ghi chú ngoài lề và tóm tắt chỗ quan trọng ở đầu hoặc cuối mỗi trang để về sau có thể tham khảo khi cần.

Sau năm 1945, Nguyễn Hiến Lê bỏ luôn nghề công chức, về làng Tân Thạnh, ở khoảng giữa Hồng Ngự và Cao Lãnh, học Đông y và chữ Hán thêm với Bác Ba Phương Khê.

Đến năm 1950, nể lời bạn đã ba lần khẩn khoản mời, Nguyễn Hiến Lê ra dạy học tại trường Trung học Công lập Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên (An Giang), sống với người vợ thứ hai là Nguyễn Thị Liệp, người Nam. Với trình độ quảng bác, ông được nhà trường tin tưởng giao cho dạy đủ các môn, từ Khoa học tới Sinh ngữ. Không biết có phải cái không khí trang nghiêm tĩnh lặng của “Cửa Không sân Trình” đã khiến ông ngộ ra con đường đến với một phạm trù văn hóa khác là nghệ thuật văn chương. Bắt đầu từ thời điểm này, Nguyễn Hiến Lê đã dồn hết tâm huyết mình cho nghiệp cầm bút dù tổ tiên ông họ tộc hai bên nội ngoại đều không ai sống bằng nghề viết văn, soạn sách. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản là cuốn “Tổ chức công việc theo khoa học”. Dạy học chỉ được ba niên hóa, giáo sư Nguyễn Hiến Lê làm đơn xin thôi việc và được chấp thuận (09/1953). Thời gian sau về Sài Gòn, được một số trường uy tín mời dạy, ông cương quyết từ chối đê dành trọn thì giờ cho việc tự học và viết sách. Không làm nhà giáo cầm phấn, đứng lớp trên bục giảng dạy học trò, Nguyễn Hiến Lê cầm bút, soạn sách không chỉ để dạy cho học trò trong trường học mà còn dành cho người đọc ham hiểu biết, học hỏi ở mọi lứa tuổi, môi trường đối tác rộng lớn của ông trong thực tế xã hội. Ngay từ buổi đầu sự nghiệp sáng tác của ông, không chỉ có quyển “Kim chỉ nam của học sinh” mà còn có thêm những tác phẩm giá trị khác mang tính giáo dục như: Tổ chức công việc theo khoa học, Luyện văn I (1953) II và III (1957), Hương sắc trong vườn văn, 2 quyển (1962), Bí quyết để thi đậu các cấp bằng Trung học (1956), Muốn giỏi toán hình học phẳng (1956), Muốn giỏi toán hình học không gian (1959), Muốn giỏi Toán Đại số (1958), Tự học-một nhu cầu thời đại, Tự học để thành công, Săn sóc sự học của con em chúng ta,…

Riêng những tác phẩm: “Kim chỉ nam của học sinh” và “ Tổ chức công việc theo khoa học” của Nguyễn Hiến Lê, là hai cuốn sách gối đầu giường của tôi bắt đầu từ lớp Đệ Ngũ. Chính nhờ trước hết là hai cuốn sách đó mà từ một học sinh học trung bình, tôi đã bắt đầu trở thành một học sinh có học lực khá trội, chỉ đứng đầu một số môn học quan trọng trong lớp ở bậc Đệ Nhất cấp như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ (Anh và Pháp)… khi tôi áp dụng chưa chặc chẽ, sát sao những nguyên tắc mà tác giả đề ra. Nhưng sang Đệ Nhị cấp, từ lớp Đệ Tam (nay lớp 10) cho tới lớp Đệ Nhất thì tôi đã đứng Nhất lớp hơn 2/3 môn (trong số đó luôn có các môn chính như Toán, Việt văn, Anh, Pháp, Lý, Hóa, Vạn vật (Sinh), Địa chất trong số 13 môn học). Và 1/3 môn còn lại mỗi môn chỉ đứng Nhì hoặc Ba mà không môn nào rớt xuống dưới hạng 5, với nhiếu Giấy khen, Bảng Danh dự do Hiệu trưởng hay Giám học ký tên. Và tên còn được nêu lên Bảng vàng Danh dự treo tại vị trí trang trọng ở nhà trường.

Sự sung sướng từ kết quả học tập tốt ở trường cũng là niềm hạnh phúc của ba mẹ ở làng Tân Quới đang lao động vất vả hằng ngày. Ba tôi với vẻ vui sướng tự hào vì sự học của con, đã lấy Giấy khen, Bảng Danh dự mà tôi được nhà trường tặng thưởng, đem lồng vô khung kiếng treo khắp vách nhà. Cuối mỗi năm học, nhà trường Phan Thanh Giản đều tổ chức một buổi lễ Phát thưởng rất long trọng tại Chiếu bóng Huỳnh Lạc hoặc Tây Đô, luôn có mời Phụ Huynh học sinh có giải thưởng đến dự. Sau buổi lễ có sự tham dự của các quan khách gồm nhà tai mắt đại diện chính quyền, sở giáo dục, những nhân sĩ và phụ huynh học sinh, tôi nhận phần thưởng đáng giá, thường là: Từ điển Việt Nam, các loại Từ điển: Pháp-Việt hay Việt-Pháp, Anh-Việt hoặc Việt-Anh, sách truyện văn học, tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn hoặc của các nhà văn Pháp, Anh và tập vở, hộp viết, bút máy và các loại đồ chơi lành mạnh có ích cho sự phát triển trí óc của học trò.

Phần thưởng xuất sắc hạng Ưu, phát cho học sinh đứng đầu lớp rất đáng kể nên năm nào tôi cũng phải gọi chiếc xe lôi đạp của chú Hai Tố trong xóm đến chở tiếp mang về nhà ở Hẻm Vú Sữa, đường Duy Tân (nay là đường Hoàng Văn Thụ), Cần Thơ, vì phần thưởng nhiều và quá nặng, tôi đi bộ một mình mang không hết. Cụ thể, đúc kết ở cuối mỗi năm học, tôi nhận đều đặn bốn thành tựu: ngoài phần học bổng lãnh 3.600 $* (400 $ /mỗi tháng), còn có một phần thưởng bằng hiện vật rất giá trị, một vé đi nghỉ hè ở Vũng Tàu hoặc Đà Lạt và thi đậu (nếu là năm thi).

Được những niềm vui ý nghĩa lành mạnh như một bữa tiệc tinh thần lành mạnh đó, sau tấm lòng kỳ vọng, tin tưởng của ba mẹ và các thầy cô ở nhà trường, giáo sư hướng dẫn (giáo viên chủ nhiệm) trước hết là nhờ ở những quyển sách của giáo sư, nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Bởi lẽ, trong những quyển kim thư giá trị đó, thầy Nguyễn Hiến Lê đã hướng dẫn cặn kẽ cho tôi đầy đủ và khoa học cách thức làm thế nào để học giỏi thực sự: từ cách dùng thì giờ, tổ chức chỗ học hợp lý và có lợi đến việc tìm thầy học hỏi thêm (nếu cần), cách chọn bạn học, tổ chức học nhóm đến cách sắp xếp và sử dụng học liệu cùng với việc hướng dẫn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sao cho đảm bảo được sức khỏe của người học trò đang nấu sử sôi kinh nhất là trong những năm phải trải qua những cuộc thi đầy gian nan thử thách.

Thầy Nguyễn Hiến Lê cũng đã dạy tôi những kỹ năng, bí quyết học tập sao cho hiệu quả : lập ngay một thời gian biểu hợp lý theo hoàn cảnh của mình, cách tập trung tư tưởng, luyện trí nhớ. Phương pháp học rất cụ thể, từ lý thuyết đến bài tập, để học giỏi từng môn. từ các môn chính như: Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh, Pháp… đến các môn phụ như: Sử, Địa, Sinh, Công dân, Âm nhạc, Hội Họa… Về loại sách Giáo dục-Giáo khoa của Nguyễn Hiến Lê tôi và các bạn học sinh lúc bấy giờ còn được đọc và học thêm ở các quyển tiêu biểu: Để hiểu văn phạm (1952), Thế hệ ngày mai (1953), Săn sóc sự học của con em chúng ta (1954), Thời mới dạy con theo lối mới (1958), Thế giới bí mật của trẻ em (1972), Lời khuyên thanh niên (1967), Tôi tập viết tiếng Việt (1990), Khảo về ngữ pháp Việt Nam (viết với Trương Văn Chình- 1963), Tìm hiểu con chúng ta (1966), Thế giới bí mật của trẻ em (1972)…

Người ta còn nhớ lại, vốn nặng lòng với giáo dục và thế hệ thanh niên học sinh, năm 1962, Nguyễn Hiến Lê viết một loạt năm bài về “Cải tổ nền giáo dục Việt Nam”. Năm 1961, trên tạp chí Bách Khoa, và năm 1966 trên Tin Văn, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã kịch liệt đả kích Bộ Giáo dục và Viện Đại học Sài Gòn không cho dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở các trường Đại học. Còn có thể kể thêm hàng trăm bài viết về giáo dục khác từ năm 1950 đến 1975 đã đăng trên các báo: Bách Khoa, Đại học, Giáo dục Phổ thông, Mai, Tân Văn, Tin Văn, Văn, Văn hóa Nguyệt san…

Năm 1972, ông cũng đã viết ba bài về đề tài văn hóa: Nguy cơ xuất não- bàn biện pháp giữ nhân tài du học nước ngoài về (cả thảy đều đăng trên tạp chí Bách Khoa). Cũng năm này, sau việc hoàn tất chương trình Cử nhân Văn khoa tại Cần Thơ, khi tìm đến tận nhà ông ở Sài Gòn để tham vấn, chuẩn bị cho đề tài Cao học Văn chương Việt Hán: “Thiên nhiên trong thi ca Mạc Thiên Tích” (1972-1975) do giáo sư Bửu Cầm bảo trợ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi được Nguyễn Hiến Lê vui vẻ tiếp chuyện, không ngại mất thì giờ, đã chân tình góp ý và giúp đỡ trong việc biên soạn tiểu luận tốt nghiệp

* $ ký hiệu của đồng (chỉ đơn vị tiền bạc lúc bấy giờ)

Nguyễn Thanh