Lam Điền
Vậy là nhà văn Nguyên Hùng đã ra đi ở độ tuổi 78 sau một tai nạn giao thông phải nằm viện mấy ngày. Bạn bè khắp nơi tiếc nuối một nhà văn nổi tiếng với những trang viết về các nhân vật giang hồ đặc biệt ở Nam bộ.
Nhà văn Nguyên Hùng
Lịch sử thời kháng Pháp ghi nhận sự xuất hiện của những Bảy Viễn, Ba Cụt, Mười Trí, Năm Lửa, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Bình, những chi đội Bình Xuyên, tôn giáo Hòa Hảo… từng làm nên một mảng lớn trong lịch sử phong trào nổi dậy của nhân dân miền Nam. Và lịch sử cũng xuất hiện nhà văn Nguyên Hùng, ghi nhận, tìm tòi, viết lại những trang sách, có khi là tiểu thuyết, cũng có những trang tiểu thuyết chứa đầy thông tin như một tập ký, về các nhân vật đặc biệt kia.
Tình người Nam bộ chứa đựng nhiều lắm trong từng trang viết của nhà văn Nguyên Hùng. Ông viết về các nhân vật giang hồ đặc biệt của miền Nam. Trong một góc độ nhìn nhận, đây có thể là những nhân vật có cuộc đời, hành trang khá “tế nhị” trong một giai đoạn lịch sử rất phức tạp của đất nước, nhưng ông không lập ngôn lập thuyết, mà ngòi bút của ông đi sâu vào tâm lý tình cảm, khía vào đúng khí chất hào sảng đặc biệt của người Nam bộ, lại là giang hồ Nam bộ.
Bạn đọc hẳn còn nhớ nhân vật Năm Lửa với khẩu khí giang hồ bến xe, nhân vật Mười Trí với hành động của người muốn “đội đá vá trời”, và Bảy Viễn – tay thủ lĩnh với rất nhiều cá tính… Đến những nhân vật cách mạng như Nguyễn Bình, Huỳnh Văn Nghệ thì cũng một tay Nguyên Hùng tìm tư liệu và khắc họa thành công. Do vậy các tác phẩm của nhà văn Nguyên Hùng được rất nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận trong sự thích thú, trân trọng và ngưỡng mộ.
Người Bình Xuyên – NXB CAND in năm 1988, một tác phẩm rất thành công của Nguyên Hùng
Cuộc đời ông là một kho tư liệu, tích lũy được rất nhiều qua quá trình sưu tập tư liệu để sáng tác. Thế mà, ông chỉ kịp viết có hai tập tạm coi là hồi ký: Chiến khu Đ của tôi và Chém vè giữa làng báo Sài Gòn.
Dịp 30-4 năm nay, NXB Công An Nhân Dân đang tái bản một loạt tác phẩm của ông với tủ sách “Tuyển tập Nguyên Hùng” gồm các tựa: Tà Lài tụ nghĩa, Người Bình Xuyên, Bảy Viễn – thủ lĩnh Bình Xuyên, Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, Dương Quang Đông xuyên Tây, Thi tướng chiến khu xanh, Ung Văn Khiêm – anh Ba nội vụ, Công tử Bạc Liêu, Chiến khu Đ của tôi, Chém vè giữa làng báo Sài Gòn.
Thế nhưng nhà văn đã không kịp nhìn thấy sách mình ra mắt nhân dịp 30 năm thống nhất nước nhà. Bạn bè tiếc cho ông, người thân tiếc cho ông, NXB Công An Nhân Dân cũng lấy làm tiếc khi bộ sách Nam bộ kháng chiến ông định viết ba tập nhưng mới xong tập đầu (Tà Lài tụ nghĩa). Một bộ sách dự định sẽ rất thú vị nữa là Năm Lửa – lãnh chúa miền Tây cũng được ông “hứa” với NXB Công An Nhân Dân sẽ hoàn tất trong năm nay nhưng cuối cùng bị bỏ dở lúc sắp hoàn thành.
Dẫu biết rằng sống chết vô thường, nhưng sự nghiệp của một nhà văn chưa khai thác hết kho tư liệu của mình mà đã phải ra đi vẫn là điều tiếc nuối cho biết bao người trong giới đọc sách.
L.Đ
* Bài viết trên Báo Tuổi trẻ ngày 29/03/2005
Tiểu sử Nguyên Hùng
(19 tháng 4 năm 1927 – 28 tháng 3 năm 2005)
Tên khai sinh là Mạc Đăng Thân,quê gốc Cao lãnh, Đồng Tháp. Sinh thời ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Câu lạc bộ Những nhà báo cựu kháng chiến.
Năm 1945 ông tham gia viết báo Chống xâm lăng, sau đó về công tác tại Sở Thông tin Nam Bộ. Sau năm 1954 ông hoạt động báo chí công khai trong Sài Gòn, sống bằng nghề viết báo, viết văn và dịch thuật. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, là phóng viên của các báo Lẽ Sống, Dân Ta, Dân Tiến, Thời sự Miền Nam, Tuần báo Nhân Loại… Cùng với 10 nhà báo và 3 trí thức khác ông đã từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm đem ra “đấu lý công khai” với Tỉnh trưởng Định Tường vào năm 1958.
Ông thường hay viết về các nhân vật giang hồ đặc biệt của miền Nam Việt Nam, đi sâu vào tâm lý tình cảm, khí chất hào sảng đặc biệt của người Nam Bộ.
Tác phẩm:
Người Bình Xuyên (tiểu thuyết tư liệu in, 1985, tái bản 1988) được chuyển thể thành phim Dưới cờ đại nghĩa (do hai đạo diễn Tường Phương và Phương Nam viết kịch bản); Sư thúc Hòa Hảo (tiểu thuyết tư liệu, 1990); Đường xuyên Tây (tiểu thuyết tư liệu, 1989); Nữ kiệt miền Tây (truyện tư liệu về tình báo, 1992); Đệ nhất cù lao (tiểu thuyết tư – liệu, 1995); Qua bến (tiểu thuyết tư liệu về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, 1995); Nguyễn Bình – Huyền thoại và sự thật (tiểu thuyết tư liệu, 1995); Dương Quang Đông xuyên Tây; Thi tướng chiến khu xanh (tiểu thuyết về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ) được chuyển thể thành phim Vó ngựa trời Nam (do Lê Cung Bắc đạo diễn); Ung Văn Khiêm – Anh Ba nội vụ; Công tử Bạc Liêu được chuyển thể thành phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu; Chiến khu Đ của tôi; Chém vè giữa làng báo Sài Gòn; Bảy Viễn – Thủ lĩnh Bình Xuyên; Nam Bộ – Những nhân vật một thời vang bóng (2003).
Giải thưởng:
– Bót cầu sắt (kịch ngắn) giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt nam năm 1977
– Chuyện tình Bảy Núi (kịch nói do Đinh Bằng Phi chuyển hát tuồng), Giải thưởng Hội sân khấu thành phố, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 1995
– Món quà vô giá (truyện ngắn) giải thưởng Hội Nhà văn thành phố (1980)
– Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, giải thưởng về cuộc thi tiểu thuyết hay do Báo Công an thành phố và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.