Nguyễn Hữu Hồng Minh nói gì khi có nhiều ý kiến phản ứng bài thơ “Lỗ Thủng Lịch Sử”

5587

Phùng Hiệu thực hiện

(Vanchuongphuongnam.vn) Ngay sau khi trang Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh sách kết nạp hội viên mới năm 2021 có tên nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì lập tức có một số nhà văn đăng bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của anh viết gần 20 năm trước lên mạng phản ứng dữ dội. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng đó là một thứ thơ tởm lợm, quái đản, rác rưởi, cuồng dục…

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ngay sau khi trang Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh sách kết nạp hội viên mới năm 2021 có tên nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì lập tức có một số nhà văn đăng bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của anh viết gần 20 năm trước lên mạng phản ứng dữ dội. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng đó là một thứ thơ tởm lợm, quái đản, rác rưởi, cuồng dục… Bên cạnh đó, còn có một hai nhân vật trong bài thơ viết thư gửi nhiều nơi, trong đó có gửi đến một vài thành viên trong Hội đồng thơ để phản ứng về việc Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ngoài ra, dư luận cũng không đồng tình về việc kết nạp khi đọc bài Lỗ thủng lịch sử.

Về việc này, sáng nay, qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Hữu Hồng Minh anh cho tôi biết anh đang lên núi du xuân ở Đà Nẵng và cũng không quan tâm lắm đến việc này. Khi tôi hỏi anh có công nhận bài “Lỗ thủng lịch sử” là bài thơ của anh thì anh công nhận và cho biết thêm:

“Cách đây 20 năm khi đang làm việc ở tờ VnExpress, một trong 3 người (hai người kia là Dịch giả, Nhà nghiên cứu Đinh Bá Anh, Nhà văn Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng) khởi động trang văn học điện tử đầu tiên ở VN, tôi đã chứng kiến dòng văn học bùng nổ mạnh mẽ qua internet, Hậu Hiện Đại. Tôi viết bài “Lỗ thủng lịch sử” bằng sự sáng tạo và có một góc nhìn trực diện vào đời sống văn học lúc đó, bối cảnh hậu hiện đại manh nha nhìn qua lăng kính Việt Nam đang lẻ loi, ngơ ngác trước dòng chảy cuồn cuộn phức tạp trên thế giới. Những nhân vật có thật, tôi có chọn lọc kỹ càng được đưa vào thơ theo quan điểm quy chiếu Văn học và Lịch sử. Có nghĩa tách từ đời sống thật đưa vào văn chương đã thành một nhân vật sáng tạo dù dấu vết đây đó vẫn còn. Và theo thời gian nếu tác phẩm sống được thì sẽ đi cùng Lịch sử. Tôi nói rõ đó là tham vọng có thật của tôi lúc đó. Ngày 29, 30 tuổi tôi tràn trề khát vọng khai phóng, phá đổ mọi biên giới thành trì trong sáng tạo. Quan điểm này sau này viết trong “Vỉa từ” (đã xuất bản trong nước) tôi đã cô đặc thành như sau: “Thượng đế đã chết? Vâng, thì Thượng đế đã chết nhưng Nguyễn Hữu Hồng Minh vẫn chưa chết! Hắn vẫn có quyền sáng tạo những bài thơ ngang với quyền hạn của Thượng đế!”.

Nếu bạn đọc lĩnh hội được ký thuyết  tinh thần cấp tiến không thành trì cản trở, không giới biên ngôn ngữ đó thì sẽ hiểu phần nào bài thơ “Lỗ thủng lịch sử”. Rất tiếc chúng ta quá mô phạm nên nhìn bài thơ chạm giới, vi phạm thuần phong mỹ tục!”.

Nhiều ý kiến cho rằng “Lỗ thủng lịch sử” không phải là thơ vì thơ thì ngôn ngữ phải đẹp đẽ bay bổng, văn vẻ sang trọng, nghệ thuật và nền tảng đạo đức được trưng dụng vào thơ. Không thể đưa những câu chữ tục tĩu, dục vọng và sự xúc phạm vào thơ. Anh nghĩ sao về những ý kiến này?

NHHM: Câu hỏi của anh trực diện, sắc bén. Nhưng tôi xin trả lời cũng bằng câu hỏi: Tại sao thơ thì cứ phải đẹp đẽ sang trọng, là nền tảng đạo đức? Ở đâu ra một quan niệm cứng nhắc như vậy!? Ngôn ngữ có bề mặt, lộn trái. Chữ có thanh tao, có tục tĩu! Nếu tôi muốn thể nghiệm một bài thơ “Hố đen” được không? Một bài thơ “Khinh bỉ”, “Kinh dị” được không? Đọc giả có thể chọn đọc hay không đọc! Đâu thể đã vào nhà thổ mà còn rao giảng đạo đức! Thơ hậu hiện đại công phá và đòi hỏi sự rõ ràng như vậy đó!

Khi viết “Lỗ thủng lịch sử” anh nêu tên thật của những nữ nhà văn thành danh như Nguyễn Thị Thu Huệ, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Lê Thị Mỹ Ý vào trong thơ bằng những câu từ được cho là nhạy cảm, trần tục, dục vọng, thậm chí là sỉ nhục nhân vật, anh có thấy đấy là điều xúc phạm đến họ?

NHHM: Tôi cho rằng làm thơ là loại hình nghệ thuật sáng tạo. Việc đưa các nhân vật vào thơ không có hàm ý ác hại. Nhân vật trong thơ có tính cách khác ở ngoài hiện thực. Nhân vật hiện diện trong tác phẩm sẽ đi vào lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật sáng tạo thì không phải đấy là sự sỉ nhục. Và khi làm thơ đôi khi phải cần đến những ngôn từ trần tục hơn nữa. Nhà văn có quyền sáng tạo và thơ ca không phải là những văn bản tố cáo! Nếu tâm hồn anh độc ác ở đâu anh cũng sẽ thấy câu thơ man rợ. Nếu tâm hồn anh giễu nhại, thánh thiện anh thấy tất cả hóm hỉnh và mọi thứ là trò đùa, trò chơi! Đó cũng chính thông điệp của câu ngạn ngữ mà tôi rất thích “Loài người thì khóc, Thượng đế thì cười”.

Nếu vì sự phản ứng của dư luận và những nhân vật trong thơ mà Hội Nhà văn Việt Nam thu hồi quyết định kết nạp hội viên đối với anh thì anh nghĩ gì?

NHHM: Tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Cái quan trọng lớn là liệu Hội Nhà văn Việt Nam có chấp nhận hay tiếp nhận cái mới, cái sáng tạo và những tác phẩm hiện đại là giá trị lao động của tôi hay không, đó là điều đáng nói. Còn có kết nạp hay không thì tôi vẫn là tôi. Tôi vẫn sống, vẫn viết như bấy lâu nay. Trong sáng tác cái quan trọng là giá trị tác phẩm để lại có được đồng nghiệp, bạn đọc, văn đàn ghi nhận, nhớ đến hay không? Còn anh có là hội viên làm đến chức vụ gì đi nữa mà không có tác phẩm có giá trị lưu lại thì không ai nhớ đến anh cả, như vậy thì xem như vô nghĩa đối với một người làm công việc sáng tác.

Do có một vài thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam gọi điện gợi ý tôi nộp đơn vào Hội cho vui, cho có tính tổ chức nên tôi mới nộp, chứ mấy mươi năm qua tôi không nghĩ đến điều này.

– Dư luận cho rằng anh nên xin lỗi các nhà văn là những nhân vật được anh đưa vào trong “Lỗ thủng lịch sử” và cả bạn đọc?

NHHM: Có nhiều tác phẩm ra đời từ mấy trăm năm qua đã đi vào lịch sử khi tác giả nhận định sai lệch, hoặc bôi nhọ về một nhân vật hay nhiều nhân vật lớn như Quang Trung Nguyễn Huệ, Gia Long Nguyễn Ánh thì ai xin lỗi? Xin lỗi như thế nào?

Còn riêng “Lỗ thủng lịch sử” nếu như các nhân vật trong tác phẩm có yêu cầu xin lỗi thì tôi mới xin lỗi. Và tôi còn phải xem ai yêu cầu, có đúng là người tôi chọn lựa để xây dựng, hóa thân thành nhân vật vĩnh cửu trong tác phẩm của mình hay không? Chứ ai đó ngộ nhận, cho rằng đó là mình thì không thể được! Còn việc trùng tên trong cuộc sống này là bình thường. Nếu không nói là vô lý hay phi lý.  Một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đã viết “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” huống hồ dòng sông đó đã chảy qua 19, 20 năm! Tôi xin lỗi cái gì đây!? Bóng của nước hay dòng nước? “Cô gái đến từ hôm qua” như nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh viết đã không còn là cô gái đó!

Tại sao các bạn chỉ trích điên cuồng làm một bài thơ bị tổn thương thì không để ý đến tội ác trong hành vi của mình? Lại bắt ra vài nhân vật trong bài thơ bắt cha đẻ sáng tạo xin lỗi!? Đấy, cuộc đời nó phi lý thế đấy! Phi lý đến tận cùng!

Mà còn phải nói đến nhân vật trong thơ bị tổn thương thì phải trách những người khơi lại bài thơ để suy diễn sau 19 năm! Ai là người bắt đầu câu chuyện này máu còn ở trên tay kẻ đó!

P.H