Tiễn biệt Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên viết bài thơ, mượn tên các tác phẩm của cố nhà văn như “Sang sông”, “Lòng mẹ”.
Tới viếng nhà văn sáng 24/3 ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đề trong sổ tang: “Anh đã ‘sang sông’ trở về ‘lòng mẹ’/ Sông nghe anh gọi ‘chảy đi sông ơi’/ ‘Con gái thủy thần’ chờ nơi cửa bể/ Hỏi anh vì sao ‘đời thế mà vui'”.
Quen biết hơn 30 năm, thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện về văn chương, Phạm Xuân Nguyên nhớ Nguyễn Huy Thiệp hiền lành, tướng mạo lù khù như một lão nông. Trò chuyện lâu mới thấy ông có tư tưởng thâm trầm, sâu sắc của một nhà văn hóa lớn. Ông chu đáo với bạn bè. Mùng bốn Tết năm ngoái, khi Phạm Xuân Nguyên sang thăm, ông vẽ chân dung bạn trên đĩa gốm, vẽ hai lần mới ưng ý. Vài tháng sau, khi nằm ở viện Bạch Mai, ông dặn con mang đĩa sang Bát Tràng nung rồi trao cho ông Nguyên.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, mất ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi.
Phạm Xuân Nguyên đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn, tạo “cú hích” trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ 20. “Nói không quá, sau Nguyễn Huy Thiệp, người ta không thể viết văn như trước. Văn chương của ông độc đáo, thách thức sự đọc của công chúng, văn giới. Dù số lượng không nhiều, chỉ hơn 50 truyện, ông được tôn là vua truyện ngắn nhờ giá trị tác phẩm. Dù viết về cái ác với giọng văn lạnh lùng tàn nhẫn, văn chương của ông vẫn đậm chất thơ. Ông là người thường đưa thơ vào truyện, điển hình như trong Thương nhớ đồng quê”, ông Phạm Xuân Nguyên nói. Nguyễn Huy Thiệp mới chỉ nhận một giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho tuyển tập phê bình Giăng lưới bắt chim năm 2006. Ông Phạm Xuân Nguyên hy vọng cố nhà văn được xét giải thưởng Nhà nước trong thời gian tới.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nghẹn ngào viếng tang bạn. Ông nói: “Thiệp đi rồi, lại thêm một người của thời kỳ vừa cầm súng, vừa cầm bút ra đi. Chúng tôi đã trải qua một thời không sợ nghèo đói, không sợ gian khổ, sẵn sàng đồng hành cùng các tầng lớp khốn cùng nhất. Thiệp mất để lại mất mát rất lớn trong lòng độc giả, bè bạn. Những nhà văn ở lại, nếu còn chút bút lực nào, hãy gom góp cho mảnh đất này”.
Cả hai là bạn vong niên, chia sẻ với nhau vui buồn của nghiệp viết từ buổi đầu. Khi truyện ngắn Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên báo Văn Nghệ năm 1987 với nhuận bút 200 đồng, ông rủ Nguyễn Văn Thọ đi ăn mừng. Nguyễn Văn Thọ cũng ở bên bạn những ngày cuối đời, chứng kiến ông run rẩy viết những câu thơ cuối khi tai biến.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2018.
Trong dòng người tới viếng, Đại sứ Pháp ở Việt Nam – ông Nicolas Warnery – cho biết từng đọc Tướng về hưu, Chuyện tình kể trong đêm mưa của cố nhà văn. Hai tác phẩm này từng được dịch, xuất bản ở Pháp lần lượt trong các năm 1990, 1999. Ông Nicolas Warnery nói: “Ở Pháp, độc giả tìm đọc Tướng về hưu rất nhiều. Khi nói đến văn học Việt Nam, người Pháp nghĩ ngay đến tác phẩm này”.
Anh Tú – cựu học sinh trường Mai Sơn (Sơn La) – nơi Nguyễn Huy Thiệp từng dạy sử 10 năm – đại diện trường đến viếng ông. Anh không được học ông nhưng từng gặp gỡ vài lần. Trong ấn tượng của anh, ông hiền lành, hòa đồng. Dù nhà văn đã nghỉ dạy ở trường Mai Sơn nhiều năm, các thế hệ thầy cô, học trò vẫn kính trọng ông.
Trong điếu văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều một lần nữa khẳng định giá trị văn chương Nguyễn Huy Thiệp: “Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại”. Ông đánh giá bút pháp của cố nhà văn “trần trụi đến nghiệt ngã”, “đau đớn đến kinh hoàng”, “mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ chói sáng, chính xác và đau đớn”. Nguyễn Huy Thiệp từng tuyên ngôn về sứ mệnh người cầm bút: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo đức cho dân chúng”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cúi đầu trước linh cữu cố nhà văn.
Nguyễn Quang Thiều nói trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ, khiêm nhường, im lặng trước mọi khen chê, đố kỵ, khiêu khích. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để không ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông có một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu, giải phẫu nó. “Với những gì ông đã viết cho cuộc đời, ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình”, ông Nguyễn Quang Thiều kết thúc điếu văn.
Tang lễ nhà văn diễn ra ngắn gọn giữa thời dịch. Bạn bè ông đều đã lớn tuổi, tụ tập bàn chuyện văn chương theo thói quen. Nhiều người không khóc nhưng đến phút cuối, khi vĩnh biệt ông lần cuối, họ lặng lẽ lau nước mắt. Giây phút mặc niệm ông, giai điệu ca khúc Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh.
Hai con trai ông – Phan Bách và Phan Khoa – vững vàng lo liệu đám tang cho bố. Trong vòng bốn tháng, mất cả cha lẫn mẹ, Phan Khoa và Phan Bách nói họ chẳng còn khóc được. Vốn là người ăn to nói lớn nhưng khi lên cảm ơn những người đến viếng, Phan Bách nói đứt quãng từng câu. Anh tin bố còn sống trong tác phẩm, ký ức của các bạn văn. Từ ngày Nguyễn Huy Thiệp đổ bệnh, hai con chăm sóc ông chu đáo. Con út Phan Khoa thậm chí nghỉ việc để lo cho bố. Thế nhưng sau khi vợ mất cuối năm ngoái, ông sa sút cả sức khỏe và tinh thần, dần muốn buông xuôi. “Gần 50 năm làm vợ chồng, mẹ tôi luôn kiên trinh chờ đợi bố. Chờ ông đi dạy học ở Tây Bắc 10 năm, chờ ông rong ruổi văn chương, đến chết cũng chờ ông. Giờ đây, họ đã được bên nhau”, Phan Khoa nói.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời hôm 20/3 ở Hà Nội, sau thời gian mắc tai biến. Sinh thời, ông được xem là hiện tượng độc đáo của văn đàn với những tác phẩm gây chấn động, nhờ bút pháp và chất liệu hiện thực. Hôm 17/3, Nguyễn Huy Thiệp là một trong 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật với hai truyện ngắn Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1986, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Ngoài truyện ngắn, ông viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý. Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)… Nhiều tác phẩm của ông được xuất bản tại Pháp, Italy, Mỹ, Đức như Tướng về hưu, Trái tim hổ, Sói trả thù, Chuyện tình kể trong đêm mưa…
Theo Hà Thu/VnEpress