Nguyễn Khắc Trường, nhà văn mang lửa

33

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã khá lâu tôi mới gặp lại nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tại nhà ông nơi con phố nhỏ đường Khuất Duy Tiến buổi đầu xuân chim hót. Nguyễn Khắc Trường vẫn cười khà khà dù ông ít khi rời được giường bệnh và chiếc xe lăn.

Nhà văn Phùng Văn khai và Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Nhà văn đã vào tuổi tám mươi rồi còn gì. Những gì cần viết ra, cần nói với bạn đọc đều đã có ở trong trang sách. Nhân vật của ông trong Mảnh đất lắm người nhiều ma đã có mặt và cứ thế sống trong đời sống xung quanh chúng ta, lên ông lên bà, lên quan chức hoặc như tù tội đều có trong đời sống cả. Nhà văn thần tình và hơn thiên hạ ở chỗ có nhân vật bước từ trang sách ra đời sống. Chu Văn Quềnh là như vậy. Cô Son, ông Thủ, ông Hàm, Tùng, Đào đều có đời sống riêng. Đến như Tám Lé nhởn nhơ góc phố, chợ quê, đầu làng, cuối xóm nhan nhản chính là lộc văn của Nguyễn Khắc Trường. Ông là một trong những nhà văn viết không nhiều nhưng tác phẩm tồn tại lâu bền trong lòng bạn đọc.

Nguyễn Khắc Trường vẫn còn rất tinh anh. Ông trò chuyện với tôi thoải mái và rất dí dỏm. Ông bảo Lê Lựu chết mà cứ như còn đang sống, đang hiện hữu với chúng ta. Ngày còn sức vóc, Nguyễn Khắc Trường với Lê Lựu mỗi cuộc Tết nhất liên hoan cơ quan chúng tôi thường bố trí các ông ngồi với nhau chuyện văn chuyện đời cười vang thiên địa. Lê Lựu cũng có nhiều nhân vật bước thẳng từ trang sách vào đời sống như Giang Minh Sài trong Thời xa vắng; Núi trong Sóng ở đáy sông… và ngày còn ở Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Khắc Trường và Lê Lựu là những đa đề văn xuôi chúng tôi nhìn vào là thấy kinh hãi cho đời văn lèo tèo của mình. Cũng chả việc gì phải ganh đua với các cụ.

Nguyễn Khắc Trường và Lê Lựu đều rất mê Nguyễn Minh Châu và luôn coi cụ Châu là một bậc thầy. Nghề văn nào ai dạy được cho ai nhưng việc bái thầy học đạo luôn vô cùng cần thiết. Văn chất và khí chất càng khác thầy càng tốt, càng độc lập riêng ra được thầy càng mừng chứ đời nào nước sông phạm vào nước giếng để làm gì. Nguyễn Minh Châu xem ra có hai học trò cũng vào dạng đầu bò đầu bướu nhất nhì trong nền văn học. Ngày trước đói nghèo khổ sở chẳng hiểu hai ông bò bướu có biếu thầy được miếng chín miếng sống nào không chứ đến khi thầy mất rồi có tiền ngàn bạc bể cũng chỉ biết đến thắp nén hương thơm thảo rồi giở sách của thầy ra mà đọc lúc thanh nhàn cũng là một cách phân ưu.

Những tháng ngày công tác ở Văn nghệ Quân đội sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1 có lẽ là những tháng ngày đáng nhớ của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông và nhà thơ Hữu Thỉnh một văn xuôi một thơ là những cá tính rất khác nhau nhưng luôn bổ sung cho nhau góp phần làm nên sắc màu Nhà số 4. Nguyễn Khắc Trường đọc văn rất tinh. Những truyện ngắn qua tay ông đưa lên trên bao giờ cũng rất vạm vỡ, có phần gai góc nhưng đều là cái tâm trong sáng và chất lượng văn chương cường tráng như chính con người ông. Ban Văn Văn nghệ Quân đội thời đó đều là những tên tuổi lẫy lừng: Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… Nguyễn Khắc Trường cũng là một đại ca trong số các đại ca ấy. Ông viết lách gớm ghê mà đàm đạo văn chương càng kinh hồn bạt vía. Đại ca của các đại ca lứa trên các ông mới khiếp. Đó là những Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung… khiến các ông cũng rất biết mình đang ở đâu và phải làm gì. Nhưng lứa nhà văn đồng thời với Nguyễn Khắc Trường ở Nhà số 4 ai nấy đều ý thức văn chương là văn chương và chẳng ai thay thế mình được. Bởi vậy mới ra chất Chu Lai, đai đẳng Lê Lựu, khác biệt Trung Trung Đỉnh, cục gạch Khuất Quang Thụy, tinh tế Nguyễn Trí Huân và khốc liệt Nguyễn Khắc Trường. Tôi đã đọc rất nhiều lần Mảnh đất lắm người nhiều ma và thấy được cái sôi sùng sục, không khí truyện lúc nào cũng khốc liệt như liền kề thùng thuốc súng mà đám người nóng đầu lúc nào cũng cầm đuốc cháy sẵn sàng nhảy bổ vào châm. Tiểu thuyết đưa ra rất nhiều thông điệp vừa mang tính thời sự vừa là sự dẫn dắt, hiện hình, ân oán từ nhiều đời trước, thù hằn nhau, hãm hại nhau, thậm chí đến đào mồ cuốc mả của nhau khiến người ta kinh sợ. Nguyễn Khắc Trường với giọng văn chắc nịch và sự am hiểu căn tính người nông dân đến chân tơ kẽ tóc đã thể hiện hết sở trường, sở đoản của mình để có được Mảnh đất lắm người nhiều ma đằm đẵm chất người, khẩn thiết đưa ra những cảnh báo trong bước đường phát triển của chúng ta khi phải đương đầu với vô vàn thói tật.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường từng một thời ký bút danh Thao Trường với những bút ký, truyện ngắn, truyện vừa đặc sắc về bộ đội. Đó là những: Cửa khẩu (truyện vừa, 1972); Thác rừng (tập truyện, 1976); Miền đất mặt trời (truyện, 1982). Ông sinh năm 1946 tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, vào Hội Nhà văn năm 1982, tính đến nay đã trên nửa thế kỷ vừa cầm súng và cầm bút. Ông nhập ngũ năm 1965 biên chế trong đội hình Quân chủng Phòng không Không quân cùng lứa với các nhân tài: Lưu Quang Vũ, Dương Duy Ngữ… Tiếp đó, ông học Trường Viết văn Nguyễn Du và trở về Văn nghệ Quân đội công tác đến năm 1993 chuyển sang tuần báo Văn nghệ giữ cương vị Phó Tổng Biên tập tới lúc nghỉ hưu.

Nguyễn Khắc Trường có giọng văn già dặn ngay từ những ngày đầu cầm bút ở độ tuổi hai mươi. Bút ký Gặp lại anh hùng Núp đoạt giải nhất cuộc thi bút ký do tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1968 thấy rõ khí chất văn chương già dặn và khác biệt của Nguyễn Khắc Trường. Ông tổ chức câu văn như tổ chức các đơn vị quân đội hết sức chặt chẽ và liên thông với nhau. Ông không chịu được những câu văn lùa thùa, luôn thừa chữ như kiểu Lê Lựu mặc dù ông rất phục Lê Lựu. Mỗi câu văn của Nguyễn Khắc Trường đều mạnh mẽ như dao rạch đá: “Vừa nói, anh hùng Núp vừa cười ha hả. Tiếng cười của ông già ngoài bảy mươi vẫn ồm ồm mạnh mẽ như nước phóng xuống thác, và đặc biệt là hồn nhiên cởi mở đến mức cuốn tất cả những người xung quanh cùng phá ra cười theo”; “Giữa lúc khắp buôn làng vang động tiếng chinh chiêng mừng Tây Nguyên hết giặc, thì Liêu – vợ Núp chết. Một cái bướu cũng nổi lên ở cổ chỉ có bốn ngày mà bắt được Liêu chết. Núp về lo đám tang cho vợ xong, thì được lệnh đi tập kết. Cả gia đình Núp được đi. Nhưng bà mẹ lúc ấy đã gần bảy mươi, Núp xin cấp trên cho mẹ ở lại, sống với vợ chồng Sít là em gái Núp. Núp địu Hờ Rúc, đứa con trai mới hơn hai tuổi, nhỏ thó như một quả bí đao trên lưng, xuống Quy Nhơn để theo đoàn ra Bắc” – Gặp lại anh hùng Núp.

Khó có thể hình dung tác giả của những dòng văn chắc nịch như trên khi đó mới hai mươi hai tuổi lại đang là một cậu lính trẻ măng.

Cái tạng văn của Nguyễn Khắc Trường là văn mang theo lửa, lúc nào cũng cháy rừng rực, lúc nào cũng như xông vào trận tiền cởi khố giặc ra khiến bạn đọc không thể dứt ra được. Đọc văn Nguyễn Khắc Trường cứ như xem trận chung kết bóng đá cúp C1, tất thảy mảng miếng, chiêu trò, từ chiến lược dài rộng, chiến thuật linh hoạt, cá tính từng cầu thủ đảm đương mỗi khu vực đều hiển hiện hết sức căng thẳng và kết quả thường bất ngờ đến giây phút cuối. Điển hình nhất chính là Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nếu ai đang bị ốm hoặc thể chất yếu đuối mà cứ liều đọc sẽ hết sức gay go, có thể hiểu là sách không dành cho người yếu bóng vía.

Văn thì như vậy, song trong cuộc sống đời thường ông lại hết sức xuề xòa, dễ tính. Cánh nhà văn trẻ chúng tôi gồm từ Sương Nguyệt Minh trở xuống đến lứa Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng… ngày ông còn khỏe luôn được ngài chiêu đãi món RTC với những thổ hàng ngóc ngách phố phường thơm inh củ tỏi đậm đà mắm tôm riềng sả. Bên mẹt RTC và chai quốc lủi ướp lá chuối, Nguyễn Khắc Trường cười khà khà khà vô cùng khoái chá như nhân vật Trịnh Bá Thủ đã bày xong gian kế đẩy bọn khác phe cánh vào chỗ chết. Bên cạnh, Sương Nguyệt Minh vốn là một tay táo tợn cũng đột nhiên trở nên e dè sợ hãi gượng cười mà lưỡi cứ lè ra không dám bình luận gì với ông anh. Còn cái đám rau thơm Tiến Thụy, Thế Hùng, Phùng Văn Khai biết thân biết phận cứ thế lặng lẽ gói miếng gan chó nướng vào chiếc lá mơ tươi mởn chêm thêm nhát riềng, củ sả vùi bọt mắm tôm rồi đưa vào miệng nhai như trâu bò hợp tác ăn rơm.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường ngồi sát bên tôi, ông nheo mắt cười tay đón Tổng tập nhà văn quân đội rồi lại cười khà khà đôi mắt vị lão trượng tuổi tám mươi đột nhiên ngân ngấn nước.

P.V.K