27.3.2018-11:10
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Chó chúa Trường Sa
NGUYỄN LINH KHIẾU
NVTPHCM- Ngày 10-01-2018, trên Fb, Quang Phan đã gửi cho tôi: “Từ Trường Sa, em chào anh Khieu Linh”. Quang Phan đó chính là đại tá Phan Ngọc Quang trưởng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân dẫn chúng tôi ra Trường Sa chúc tết đồng bào và chiến sỹ nhân dịp tết Ất Mùi 2015. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp trở lại Trường Sa nhưng năm nào vào dịp tết các chiến sỹ Trường Sa thân yêu đều hỏi tôi xem năm nay có ra Trường Sa không. Dù chỉ có 30 ngày đêm ở Trường Sa nhưng có biết bao chuyện nơi sóng gió muốn kể. Nhân năm mới Mậu Tuất, xin kể câu chuyện về chú chó chúa đảo Trường Sa.
Gần một tuần nay biển động dữ dội. Chắc hẳn là có một trận bão lớn ngoài đại dương. Sóng cao dựng đứng thường xuyên hắt nước biển ào ào vào cửa sổ tầng 3 con tàu. Dù đã thả vây cân bằng sóng nhưng con tàu luôn ở tình trạng chao đảo ngả nghiêng đến gần 35 độ. Từ chiến sỹ, sỹ quan đến các nhà báo trên tàu ai cũng mệt lử và suốt ruột.
Cuối bữa cơm trưa, Đại tá Phan Ngọc Quang, Đoàn trưởng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ghé qua mâm tôi nhắc nhỏ. Cơm xong mời anh lên Câu lạc bộ sỹ quan uống nước.
Khi tôi lên, ở đó đã có đủ thuyền trưởng Trung tá Phạm Xuân Hải và chính trị viên Trung Tá Trần Văn Huy tàu Trường Sa 571 và các đồng chí trợ lý. Sau khi mời nước, anh Quang tự tin nói rằng, theo kinh nghiệm, đợt biển động này sớm muộn cũng sẽ tạm lắng xuống vào chiều nay, vì vậy, anh quyết định một bộ phận Đoàn công tác sẽ lên đảo Tiên Nữ. Anh hẹn giờ, số lượng nhà báo sẽ cùng anh em hải quân lên đảo. Cuộc hội ý chớp nhoáng.
Khi về trao đổi với các nhà báo, mọi người tỏ vẻ bức xúc không chịu. Cả tuần nay năm nghe sóng ngày đêm ầm ĩ quá cuồng chân rồi. Ra Trường Sa mà cứ nằm ườn ở trên giường đưa võng trên tàu sao. Ai cũng muốn xuống đảo tác nghiệp, tết nhất đến nơi rồi. Mãi rồi cũng dàn xếp được 10 nhà báo tiên phong xuống đảo. Thực tình giá đi được tất cả mấy chục nhà báo thì tuyệt vời nhất, nhưng khốn nỗi chỉ có hai cái xuống composite mỗi chiếc chỉ mang được 10 người. Các nhà báo đã được ưu tiên dành riêng một chiếc rồi.
Đúng 13h 30’, 10 nhà báo nai nịt gọn gàng, trang bị đầy đủ cùng Đoàn công tác xuống hai xuồng nhỏ để vào đảo. Sau nửa tháng lênh đênh biển cả Trường Sa, cái đoạn rời tàu xuống xuồng vô cùng nguy hiểm đã trở lên “dễ ợt” với cánh nhà báo. Thực ra biển vẫn động dữ dội và sóng trắng xóa khắp nơi. Hai chiếc xuồng nhỏ bé tách tàu lớn chới với lọt thỏm giữa các ngọn sóng thét gào.
Biển cả Trường Sa với các thủy thủ tàu Trường Sa 571 họ thuộc như ao nhà mình. Biển Đông là một vùng biển dữ. Biển động, không ai dại gì lại nghênh chiến với sóng gió Biển Đông. Họ nương theo chiều sóng để tiến về phía đảo. Họ cho xuồng lượn vòng để tiếp cận đảo Tiên Nữ ở mặt sau đảo ngược hướng gió vì vậy đã tránh được những ngọn sóng trực diện. Càng đến gần đảo một cảm giác bình yên càng dâng trào. Lạ lùng vô cùng, giữa biển khơi chỉ cần một nhúm đất trồi lên mong manh thế là đã mang đến cho ta một cảm giác yên tâm, một niềm hy vọng vô bờ bến. Cái cảm giác vô thức ấy hình như ẩn náu ở thật sâu xa trong mỗi con người gắn bó với biển khơi. Rằng với con người giữa trùng khơi biển cả đất đai bao giờ cũng là nơi neo giữ và chở che. Nhất là đối với người Việt, một cộng đồng từ khởi thủy đã mang tâm thức sông nước biển cả.
Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một dãy các chiến sỹ hải quân sắc phục trắng xanh in vào nền trời Trường Sa xanh thẳm. Một cảm xúc thật khó tả mỗi lần chúng tôi vượt sóng gió để tiếp cận vào đảo. Thực lòng trên hải trình Trường Sa của chúng tôi chuyến này chỉ có 2 đảo Trường Sa Đông và Phan Vinh là đảo khá lớn có sân vườn cảnh quan cây xanh và nhà cửa còn đa số các đảo chúng tôi tới đều là đảo chìm khi thủy triều dâng đảo chỉ còn chon von mấy nóc nhà kiêu hãnh cùng sóng nước. Khi ấy từ tàu nhìn xuống đảo xa lòng dạ ai cũng không khỏi ngổn ngang cảm xúc.
Khi còn cách đảo khoảng 500m chúng tôi phát hiện ra những cái đầu nhỏ nhấp nhô trên mặt biển xuôi sóng bơi về phía xuồng. Bất ngờ quá, các nhà báo ai cũng nghển cổ nhìn. Thấy chúng tôi ngạc nhìn, một sỹ quan cười xòa nói lớn: Chó Trường sa đấy. Chó ư, đến đảo Tiên Nữ này chúng tôi đã lên 6 đảo rồi. Đảo nào cũng rất nhiều chó. Chó ở đảo nào cùng vô cùng thân thiện với khách. Nhiều con cứ lẵng nhằng đi theo chỉ đến khi nào nó dí mũi vào được áo quần của khách rồi mới chịu. Nhưng thực sự chưa thấy đảo nào chó bơi ra biển trong sóng gió đón khách như thế này.
Cả một đàn chó bơi ra đón xuồng, khi xuồng tới gần nhiều con còn vươn cổ lên mặt biển sủa vang. Rõ ràng là tiếng hân hoan vui thú. Chiến sỹ lái xuồng giảm tốc độ khéo léo đưa xuồng lượn vòng tròn tránh bầy chó. Chưa kịp hết ngạc nhiên, xuồng đã cập bến. Khi mọi người nghiêm trang đi theo hàng dọc bắt tay các chiến sỹ trên đảo xếp hàng đón chào thì những chú chó cũng vội vã từ biển lên, giũ sạch nước và nghiêm trang xếp hàng đi theo hàng người. Hình như, những chú chó Trường Sa nghiễm nhiên coi mình là những chiến sỹ nơi tiền tiêu của Tổ quốc cùng hoan hỉ tay bắt mặt mừng đón chào các vị khách thân yêu từ mọi miền Tổ quốc đến với đảo xa.
Thời gian trên đảo có hạn, các nhà báo có biết bao mối quan tâm. Ai cũng muốn khám phá thật nhiều. Ai cũng muốn đã đến đảo rồi phải biết từng ngóc ngách, từng gốc cây ngọn cỏ trên đảo. Ai cũng muốn tìm hiểu thật cặn kẽ xem anh em chiến sĩ thân yêu mình ăn ở, sinh hoạt như thế nào giữa biển khơi bão tố. Khi mặt trời chập chờn ngọn sóng sắp lặn xuống biển, chúng tôi gọi nhau xuống xuồng trở về tàu. Lại người ở người đi, lại bịn rịn chia tay, lại tần ngần lưu luyến, lại hẹn ngày gặp lại.
Chỉ khi từ xuồng lên tàu, tôi mới thấy trong một chiếc lồng vốn được nhốt lợn mang lên đảo có một chú cho lớn. Đến gần tôi nhận ra đó chính là chú chó đầu đàn đã dẫn cả đàn chó bơi ra khơi để đón khách. Đó chính là chú chó dẫn cả đàn chó quây quần đón khách ở cầu tàu. Tôi không hiểu tại sao lại đưa chú chó đầu đàn lên tàu. Phải chẳng các chiến sỹ đảo Tiên Nữ đã tặng Đoàn công tác một chú chó để cải thiện bữa ăn trên tàu. Lúc ấy mọi người đều bận mải nên tôi không tiện hỏi ai.
Sau bữa cơm chiều, tất cả kéo nhau lên phòng Trung tá Trần Văn Huy, Chính trị viên tàu Trường Sa 571. Khi có mặt đông đủ, tôi nói đùa: Cứ tưởng tối nay có món mộc tồn?. Nghe tôi nói vậy, một nhà báo thêm vào: Cái vụ cầy tơ bảy món giữa đại dương là vui đáo để đấy. Một nhà báo nữa thêm: Thịt có rồi, lá mơ, riềng, sả có rồi những cái món cay cay Trường Sa lại cấm ngắt quá, hu hu.
Nghe các nhà báo bình luận xôm quá các thủy thủ ai nấy đề ngơ ngác nhìn nhau. Rồi một chiến sỹ trong nhóm xuống đảo nhanh nhảu giải thích: Không có thịt chó đâu nhà báo ơi, con Chúa đảo ấy đưa lên tàu để mang về đất liền đấy. Nó nhiều công trạng nhất Trường Sa nên đưa về đất liền để vinh danh và ăn dưỡng đấy ạ. Mọi người đều à lên hiểu ra. Tôi diễn giải: Lúc chiều thấy chú chó trong lồng cứ tưởng đảo tặng chó cho tàu mình cải thiện làm tí ti. Nói đùa thế, nhưng tôi tự thấy ngượng với ý nghĩ thô thiển của mình. Thế là chó Trường Sa trở thành chủ đề râm ran của cả buổi tối giữa trùng dương sóng gió.
Chuyện rằng, thời kỳ đầu lính mình ra đảo ai cũng nhớ nhà nên đã mang ra Trường Sa nhiều con vật nuôi thân quen ở các gia đình từ chó, mèo, lợn, gà, ngan, vịt,… đến các loài chim sáo, chào mào, chích chòe, vành khuyên, họa mi, vàng anh… Nhưng điều kiện sinh thái Trường Sa quá khắc nghiệt đến nỗi đa số vật nuôi không trụ được. Cuối cùng trên các đảo chìm chỉ còn lại chó. Lúc đầu lính ta mang ra đủ loại chó. Chó Ta, chó Phú Quốc, chó Tây, chó Nhật, chó Bắc Kinh, chó thảo nguyên… nhưng rồi qua “chọn lọc tự nhiên”, phong thổ Trường Sa chỉ chấp nhận một loại cho lai giữa chó bản địa và chó ngoại nhập đã lựa lọc qua nhiều thế hệ. Đó là loài vừa có gen trội của chó Ta là thích nghi tốt, nhanh nhẹn, tinh quái và trung thành tuyệt đối, vừa có gen trội của cho Tây là to lớn, hung dữ, khôn ngoan và kỷ luật.
Ngày tháng qua đi điều kiện tự nhiên tạo tác thích nghi và bản sắc, Trường Sa đã tạo nên một giống chó đặc sắc của riêng mình. Một giống chó cao lớn, thon gọn, ức nở, đùi săn, mắt hung, lông ngắn óng mượt màu vàng khói hoặc đen tuyền, tai dựng, đuôi dài, khôn ngoan, khéo léo, trung thành và kỷ luật. Từ một điểm đảo, giống cho này được nhân giống và đưa đến tất cả mọi đảo ở Trường Sa. Chọn lọc tự nhiên bao giờ cũng tuân thủ những qui luật khách quan của nó. Nghĩa là, dù trên các đảo khác nhau bao giờ chúng cũng chỉ sản sinh ra một chú chó đầu đàn mà lính nhà mình vẫn gọi là chó chúa đảo. Chó chúa không chấp nhận sự phối giống của các con đực khác không phải là chúa. Một cách đương nhiên, nó được lựa chọn cùng với bầy cái sinh ra thế hệ tương lại trên khắp Trường sa. Tự nhiên không bao giờ cho phép những con giống nhỏ bé, kém cỏi, yếu đuối, xoàng xĩnh, tầng thường, bất trung, phản trắc được truyền giống sang thế hệ sau.
Không hiểu từ đâu và di truyền bằng cách nào, bầy chó dù phân tán trên khắp các đảo khác nhau và hầu như chúng không có liên hệ gì với nhau nhưng tất cả mọi chú chó bao giờ cũng tuân thủ nghiêm ngặt những quy định bất thành văn đặc biệt quyền uy của chó chúa. Nhận ra điều đó, lính ta cứ khi nào có điều kiện bao giờ cũng đưa chó chúa đi chu du khắp các đảo để chó chúa thực thi nhiệm vụ bất khả xâm phạm của mình là phối giống. Chó chúa mỗi khi được đưa đến các đảo khác nhau nó bao giờ cũng đi đứng oai phong lẫm liệt, dáng vẻ kiêu hùng đúng phong thái của một bậc quân vương. Những chú chó đực trên đảo khi nhìn thấy chó chúa bao giờ cũng cúi rạp, quỳ mọp qui thuận vô điều kiện. Trong khi đó những bầy chó cái con nào con nấy đều không giấu được vẻ bồn chồn, hân hoan, phấn khích bất thường.
Đàn chó Trường Sa phát triển ngày càng đông đúc và hùng mạnh. Đặc trưng thích nghi, bản chất can trường, bản năng hung dữ, phẩm chất trung thành đã giúp đàn chó trở thành một cộng đồng hết sức mạnh mẽ. Người xưa nói khuyển mã chi tình quả là như thế. Muôn loài vật trên thế gian không có loài nào gắn bó và thủy chung với con người bằng loài chó. Có biết bao câu chuyện xúc động về chó và chủ. Có biết bao áng văn chương mỹ lệ ngợi ca tình cảm của loài chó đối với con người. Chó Trường Sa và lính Trường Sa cũng có biết bao câu chuyện xúc động.
Ở giữa trùng khơi sóng gió, quanh năm bốn bề mù mịt biển khơi chỉ có bầy chó làm bạn với người lính và chỉ có người lính làm bạn với bầy chó thì tình cảm giữa lính và những chú cẩu Trường Sa sẽ thân thiết và sâu sắc biết bao. Chó không chỉ thuộc chi li từng bờ kè, hốc đá, bậc thềm, ngọn cỏ mà nó con thuộc lòng từng hành vi, tâm tính, cư chỉ tâm trạng của từng người lính biển. Bầy chó nằm, ngồi đó đây ngả ngớn trên đảo nhưng mắt không bao giờ rời dõi theo bước chân, ánh mắt từng người lính. Hình như chúng luôn luôn trực chiến sẵn sàng nhận mệnh lệnh đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì khi được giao nhiệm vụ.
Đêm đêm, khi biển cả chìm sâu trong bóng đen, khi cả đảo chìm vào giấc ngủ thì mọi chú chó đều thức cùng những người lính gác. Ở Trường Sa, các chú chó có thể ngủ ban ngày nhưng đến đêm không một chú nào chợp mắt. Chúng không nằm im một chỗ mà luôn di chuyển, đi “tuần” lặng lẽ khắp đảo. Không một tiếng động nào, không một chớp sáng nào qua mắt được bầy chó. Không một chú chim đêm nào hạ cánh xuống đảo, không một chú cua nào bò lên đảo không bị bầy chó nhắc nhở. Và, trong những đêm khuya vắng ấy không người lính gác nào bị cô đơn bởi bên họ luôn có bầy chó quây quần.
Chuyện về lính Trường Sa với bầy chó Trường Sa là một câu chuyện nghìn lẻ một đêm bất tận không biết đến bao giờ mới dừng. Nhưng ai đến Trường Sa chắc chắn không bao giờ quên được những chú chó thân thiện, cao lớn, hung dữ, tai dựng, ngực thon, bụng tóp, lông mượt bao giờ cũng lặng lẽ tìm cách chạm mũi vào người khách. Hình dung chúng thế nhưng chúng hiền lành và kín tiếng vô cùng. Trên các đảo, bạn đi đến bất cứ nơi nào bao giờ bên cạnh bạn cũng có những chú chó theo bạn một cách mẫn cán.
Sau khi nghe những câu chuyện về bầy chó Trường Sa chúng tôi ai lấy đều có cái nhìn hoàn toàn khác về chú chó chúa đảo. Ai cũng để tâm ân cần chăm sóc chú. Một chú chó to lớn, vóc dáng mạnh mẽ, hùng cường, phong thái quân vương lại bị nhốt trong lồng đựng lợn xem chừng không phải cho lắm. Ai đó thốt lên rằng khổ thân chú. Tội nghiệp chú. Nhất là từ hôm bị đưa lên tàu chú luôn luôn nằm im “chấp hành kỷ luật” nhưng lại không hề ăn một miếng nào. Ai cũng biết chú buồn. Ai cũng biết chú phản đối. Ai cũng biết chú nhớ đảo, nhớ bầy. Nhưng quyết định đưa chú về đất liền để vinh danh chú sau khi chú đã hoàn thành nhiệm vụ thì không thể thay đổi được.
Rồi chú cũng nhận ra hoàn cảnh của mình. Chú bắt đầu đi đứng, bắt đầu ăn, uống và tỏ ra thân thiện với mọi người. Và, mọi người cũng tin cậy chú, mỗi khi cho ăn thường cho chú ra khỏi lồng một lúc. Đơn giản là trên tàu xung quanh là nước, chú cũng chẳng thể đi đâu được nữa.
Một đêm tàu đang trên hành trình trở về đất liền, biển lặng sóng, trời trong, trăng sáng. Quả một cảnh đêm mùa đông hiếm hoi hữu tình trăng thanh gió mát. Lúc ấy khoảng hơn 3 giờ sáng, trên bong tàu vẫn còn mấy chiến sỹ đang say sưa câu đêm. Bỗng vang lên tiếng chó tru thảm thiết át cả tiếng tàu, át cả tiếng sóng. Chú chó chúa đảo sổ lồng chú hồng hộc chạy quanh boong tàu tầng một mấy vòng, rồi chú lao lên tầng hai chạy quanh sàn tàu. Mọi người trên tàu đều tỉnh giấc ngỡ có gì bất trắc, ai nấy đều lao ra boong tàu trèo lên tầng hai. Dưới trăng sáng, chú chó chúa đảo đứng ở sàn tàu trên tầng hai phía đuôi con tàu vươn cổ lên trời tru thảm thiết. Tiếng cho tru trong đêm trăng đại dương mùa đông thanh vắng vô cùng đớn đau thảm thiết, rùng rợn hoang dã.
Khi mọi người còn chưa kịp định thần để nghĩ xem sẽ làm gì đó thì chú chó chạy đà và lao vút xuống biển. Khi chú chạm mặt biển, nước bắn lên tung tóe lấp lóa ánh trăng bạc hoang vu. Mọi người ùa ra boong tàu nhìn xuống thì chú chó đang an nhiên bồng bềnh mặt sóng. Con tàu đang chạy về đất liền với tốc độ tối đa. Dưới biển cả chú chó chúa đảo bé nhỏ bơi ngược hướng con tàu. Bóng chú cứ bé dần bé dần rồi mất hút cùng Trường Sa yêu dấu.
(Hồ Sơ Sự kiện, Số 368, 369 – 25/2/2018)
>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…