Tiến sĩ Hoàng Thụy Anh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc “Phồn sinh”, vừa xuất bản cuối năm 2018, tôi không khỏi giật mình trước khả năng viết trường ca hết sức biệt lạ, mới mẻ của ông. So với các trường ca như “Ban mai Diêm Điền” (2000), “Lá non mùa Hà Nội” (2018) của ông, “Phồn sinh” hấp dẫn và nặng ký hơn rất nhiều.
Nguyễn Linh Khiếu là nhà thơ “sinh ra nơi cửa mở Sông Hồng”. Ông đã khẳng định sở trường của mình qua một số giải thưởng như: Giải thưởng thơ báo Văn nghệ năm 1995, Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2010. Thế nhưng, đọc “Phồn sinh”(1), vừa xuất bản cuối năm 2018, tôi không khỏi giật mình trước khả năng viết trường ca hết sức biệt lạ, mới mẻ của ông. So với các trường ca như “Ban mai Diêm Điền” (2000), “Lá non mùa Hà Nội” (2018) của ông, “Phồn sinh” hấp dẫn và nặng ký hơn rất nhiều. So với các trường ca đương đại Việt Nam, “Phồn sinh” có bút pháp và cấu trúc riêng khác. Đối với tôi, “Phồn sinh” lạ bởi cái tên; lạ bởi những biến ảo của bản thể “ta” – Muslim – Linh; lạ bởi chỉnh thể vẹn toàn sinh thái trong 150 lát cắt; lạ bởi sự không cùng của vũ trụ, đa thời không gian, đa linh, đa giáo, đa sắc, đa thanh, đa hương…
Cầm trên tay trường ca “Phồn sinh” dày 710 trang, khổ giấy in 16×24, hẳn nhiên, người đọc e ngại, dè chừng vì thời gian eo hẹp, vì nghi ngại tam tai “dài – dai – dại”. Tuy nhiên, người bận rộn, có thể lật giở dăm ba khúc hoặc đọc đảo chiều giữa các khúc, vẫn nắm được một phần nào đó giọng thơ, cá tính sáng tạo của Nguyễn Linh Khiếu. Vì “Phồn sinh” là một văn bản mở, không dấu phẩy, dấu chấm, câu ngắn câu dài (thơ văn xuôi) đan xen, lúc buông lơi, lúc dồn nén. Để thám mã sức sống trào sôi, vĩnh hằng cũng như giá trị tư tưởng của thế giới “Phồn sinh”, người đọc cần huy động tất thảy năng lực cảm thụ, cảm xúc, tư duy của mình. Bởi, “Phồn sinh”, như tên gọi của nó, sinh/chửa nhiều, ra đời nhiều, nảy nở nhiều, nhiều sự sống, nhiều hàm ý thâm sâu về kiếp nhân sinh, về sinh thái. Ngôn ngữ chủ yếu của “Phồn sinh” là ngôn ngữ tự sự, nhưng khi hoán chuyển, phân đôi theo kỹ thuật “tấm gương”, mỗi khúc như là một giọng, cùng soi chiếu vào nhau, đối thoại với nhau. Sự phức điệu này đã khai thác tận cùng đặc tính phồn thực của sinh thái. Chủ thể trữ tình “ta” tuy giữ vai trò chủ đạo, là người kể chuyện, nhưng biết tiến lùi hợp lý, trân quý nguyên tắc điều bình của sinh thái. Vì thế, mạch thơ cứ sinh sôi, trù phú, phá vỡ dung lượng, kết cấu truyền thống của trường ca. Nhiều tư tưởng, quan niệm, chủ đề, sự kiện, sự việc… được diễn giải, lập luận thấu đáo. Chúng như là những xương cá bám trụ chặt chẽ trên trục chính: trục phồn sinh. Cho nên, 150 khúc/ 710 trang của “Phồn sinh” không hề gây cảm giác lan man, dông dài, ngược lại, người đọc được trải nghiệm từ cảm giác này đến cảm giác khác, lúc nhẹ nhàng lúc ráo riết, lúc êm ái lúc cao trào, lúc lả lơi suồng sã lúc đứng đắn kín đáo, lúc đong đầy cảm xúc lúc trải nghiệm triết lý…
“Phồn sinh”, theo điểm nhìn của tôi, là những cuộc đối thoại lớn.
1. Sự phân rã chủ thể trữ tình
Khi đứng trước gương, chúng ta nhìn thấy và nhận diện mình trong đó. Hình ảnh trong gương chính là sự phản chiếu bản thân của tự ngã. Lúc đó, chúng ta có thêm một chủ thể khác, khác với chủ thể bên ngoài. Với “Phồn sinh”, Nguyễn Linh Khiếu phân rã chủ thể “ta” để tìm sự đồng nhất, tiếng nói chung với vạn vật. Hay nói cách khác, vạn vật như là tấm gương để chủ thể “ta” soi vào: “ta đã viết bản trường ca Phồn sinh bằng chính sinh mệnh của mình/ bản trường ca Phồn sinh đã viết ta bằng chính thiên mệnh của ta” (1; tr.708-709). Tôi đặc biệt chú ý đến sự đồng nhất và tương phản giữa “ta” với Sông Hồng, Linh, Muslim.
Nguyễn Linh Khiếu xem phụ nữ là cái nôi của sự sống, là chất liệu nảy nở muôn loài. “Phồn sinh”, theo như lời tựa, ông viết về “Khuôn mặt Muslim” (cô gái Mã Lai 27 tuổi). Sau đó, hình tượng Muslim trở thành “Khuôn mặt Linh” và là chân dung của thi sĩ. Như thế, trường ca “Phồn sinh” hoàn toàn lấy cảm hứng từ người phụ nữ: “ta phải bắt đầu từ khuôn mặt thiếu nữ/ bắt đầu từ sự trinh trắng vẹn nguyên sinh nở và nuôi nấng thế gian” (1; tr.7.). Vì lẽ đó, hình ảnh Sông Hồng, Linh, Muslim được lặp đi lặp lại nhiều lần trong “Phồn sinh”, đều là những ký hiệu nữ quyền, đều là những nhân tố góp phần tạo mối tương liên giữa các cá thể.
“Phồn sinh” sử dụng 287 lần cấu trúc định nghĩa “ta là”. Một số lượng quá nhiều so với 150 khúc. Song đây là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Linh Khiếu. Ông muốn hòa nhập tuyệt đối vào thế giới. Khi soi ngắm “ta” qua Sông Hồng, Linh, Muslim, Nguyễn Linh Khiếu lúc thì đồng nhất, hoà nhập làm một, lúc thì tách rời. Với Sông Hồng, là nơi nhà thơ sinh ra, nên việc kiếm tìm “chủ thể tính” không thể không xuất phát từ dòng sông này. Ông xem Sông Hồng là hiện thân cả về thể xác lẫn tinh thần của mình: “châu thổ Sông Hồng đó là hồn cốt linh thiêng của ta/ châu thổ Sông Hồng đó là trường ca đó là giao hưởng đó là âm thanh đó là nhịp điệu đó là tiết tấu đó là sắc màu đó là hình hài đó là ngôn ngữ đó là sinh mệnh rực hồng vang lừng bài ca sự sống”(1; tr.49). “Ta” và Sông Hồng thâm nhập vào nhau, cùng nhau làm nên dòng chảy hài hoà cho muôn loài. Nhà thơ nhìn thấy hình hài và tâm hồn của mình qua Sông Hồng cũng chính là nhìn thấy mình trong quê hương xứ sở. Khi nhà thơ tách mình ra khỏi Sông Hồng, ông như đang cách biệt, tạo khoảng cách với bản thân, để mong muốn tìm lại chính mình, xác lập “cái tôi lý tưởng”. “Ra đi từ châu thổ Sông Hồng”, Nguyễn Linh Khiếu lang thang khắp mọi miền xứ sở, để tiếp tục kiếm tìm bản ngã, kiếm tìm câu trả lời về sự tồn tại của chính mình: “vì sao ta sinh ra ở một làng chài nơi cửa Sông Hồng hùng vĩ/ vì sao ta sinh ra ở châu thổ mỡ màu đất đai đang khai khẩn đất đai đang mở mang đất đai đang sinh nở đất đai đang khẩn trương tiến về Biển Đông tiến về đại dương tiến về vô cùng/ vì sao ta sinh ra ở bán đảo Đông Dương một bên rừng núi đại ngàn một bên đại dương thăm thẳm/ vì sao ta sinh ra ở vùng Đông Nam Á nắng lắm nhiều mưa ẩm ướt gió mùa/ vì sao ta sinh ra ở châu Á nhiệt đới nóng bỏng da vàng mắt đen máu đỏ/ vì sao ta sinh ra bên bờ Thái Bình Dương sục sôi sóng thần rực trời núi lửa”(1; tr.134). Những chuyến rời xa Sông Hồng của Nguyễn Linh Khiếu là điểm nối kết tương đồng và dị biệt giữa các nền văn hoá, là nhu cầu bình đẳng môi sinh. Thực ra, nhu cầu này đã tồn tại khi ông thấy mình ở trong Sông Hồng. Vậy, nhà thơ rời khỏi Sông Hồng, cũng chính là hành trình hồi tưởng về mình, quay lại với bản thân mình. Khoảng cách giữa “ta” với Sông Hồng được tạo ra chỉ để bày tỏ tình yêu sinh thái vĩnh hằng của chủ thể. Đi đâu, về đâu, nhà thơ vẫn tồn tại và hiện diện trong sinh thái.
Với những tên gọi như: Linh hoặc khiếu linh/ linh khiếu, hẳn nhiên, thi sĩ đã phóng chiếu cái tôi – Nguyễn Linh Khiếu lên thơ rồi. Linh hoặc khiếu linh/ linh khiếu chính là sự hữu hình hóa cái tôi cá nhân của nhà thơ. Nhưng điểm khác nhau trong tần suất xuất hiện cũng làm nên dấu ấn thú vị của Nguyễn Linh Khiếu. Hai chữ “linh khiếu” xuất hiện 3 lần, trong đó, chỉ có một lần viết hoa. Một lần viết hoa đó tuy là xưng danh của thi sĩ, nhưng được gián tiếp qua lời hát của trẻ thơ, chứ không phải là lời trực tiếp của ông. Chỉ ra như thế để thấy linh khiếu/ khiếu linh thực ra đã được mã hoá trong thơ rồi. Linh khiếu/ khiếu linh sản sinh những điều tốt đẹp, mỡ màu cho xứ sở Sông Hồng. Nó không chỉ tồn tại với tư cách là linh hồn của vũ trụ, là bản thể của thi sĩ mà còn là linh hồn của thơ. Linh/ khiếu linh hay linh khiếu, cũng là một cái tôi Khác của “Phồn sinh”. Đồng nhất với Linh, “ta” là Linh, nhà thơ ý thức trách nhiệm về sự tồn tại của mình: “ta sinh ra với một khuôn mặt Linh ta phải xứng đáng với thiên mệnh thiêng liêng vĩ đại của mình”(1; tr.243). Nhà thơ còn nâng hình tượng Linh lên thành đức Linh. Những gì có trong cuộc sống này đều có mặt trong đức Linh: “Đó là tôn giáo được đức Linh cao cả sáng tạo đầu tiên trước khi sáng tạo vũ trụ/ ta truyền giảng những lời kinh khởi thủy/ ta truyền giảng những lời kinh sáng thế/ ta truyền giảng lời kinh của những lời kinh/ ta truyền giảng mọi sinh linh đức tin duy nhất/ ta truyền giảng vạn vật trong vũ trụ này là Một/ ta truyền giảng chân lý ta là tất cả tất cả là ta/ những gì không có trong bản kinh này của ta sẽ không có ở bất cứ nơi nào/ những gì không có trong thánh thư này sẽ vĩnh viễn không có ở đâu/ những gì không có trong lời ca của ta chỉ là hư vô ảo ảnh/ những gì không có trong Phồn sinh sẽ không bao giờ được sinh thành hiện hữu/ những gì không có trong Phồn sinh nghĩa là đức Linh không sáng tạo” (1; tr.321). Đức Linh cuối cùng cũng hướng đến gần gũi với môi sinh. Ở đây, chúng ta lại thấy điểm trùng nhau giữa “ta” – Sông Hồng – Linh, đều chứa đựng tình yêu, đạo đức, văn hoá sinh thái. Nghĩa là, cái gì có trong ta cũng có trong Sông Hồng và Linh. Nếu “miền châu thổ Sông Hồng như lửa cháy bừng bừng khắp miền nhiệt đới như lửa cháy ngút ngàn khắp xứ sở phồn sinh như lửa cháy ngút ngàn khắp mọi miền châu thổ muôn vàn thế giới” (1; tr.299) thì “thế giới này đang cần một khuôn mặt Linh để trở nên hoàn mỹ/ chưa có khuôn mặt Linh xuất hiện thế giới này sẽ mãi mãi vô cùng ly tán vô cùng dở dang vô cùng vần vũ” (1; tr.339).
Theo những lời mách nước của Nguyễn Linh Khiếu, Muslim chính là nàng thơ của ông. Trong “Phồn sinh”, Muslim giữ vai trò hết sức quan trọng. Qua hiệu ứng của tấm gương, Muslim là đòn bẩy tạo ra hình ảnh song trùng cho ta/ Sông Hồng/ Linh/ linh khiếu/ khiếu linh. Muslim là hình ảnh thấu suốt bản thể của thi sĩ. Ban đầu, khi gặp Muslim, Muslim là nguồn thi liệu cho một bài thơ “Khuôn mặt Muslim”. Sau đó, khuôn mặt Muslim ám ảnh và nhập vào nhà thơ, thành “Khuôn mặt Linh”. Quá trình này thể hiện rõ bản thể của một cái tôi Khác, cái tôi chứa đựng những ham muốn bên trong, mà cái tôi bên ngoài gương không biểu lộ. Sự chuyển dịch từ cái tôi bên ngoài vào cái tôi bên trong, cho thấy, Muslim chính là hình ảnh phân tách của cái “ta” bản năng. Cái “ta” thèm khát nhập thể vào Muslim: “những thiếu nữ Muslim và tấm khăn choàng là nỗi ám ảnh ta không sao dứt được chẳng hiểu sao ta lúc nào cũng mơ biến thành một tấm lụa vàng ngân nga hoa văn khiếu linh tinh tế quấn quanh cơ thể nàng quấn quanh linh phẩm thiên nhiên quyền năng đài các” (1; tr.400-401). Sự thèm khát này ngày một thôi thúc cái tôi Khác. Cái tôi Khác dù bị kiềm chế bởi vô thức, nhưng vẫn tìm cách giải thoát, thực hiện cuộc viễn du bản năng: “soi vào khuôn mặt người ta đối diện với cả loài người/ ta với muôn người là Một/ với muôn người đã cực lạc thiên thu vĩnh hằng/ với muôn người đang đau đớn cùng ta ngụp lặn tranh giành đua chen tung tăng bể khổ/ với muôn người sẽ chào đời sung sướng hưởng thụ hạnh phúc trần gian/ tất cả chúng ta là Một/ chúng ta nhất thể trong nhân gian cuồn cuộn đắm say/ đó là vô tận con người trong hữu hạn cát bụi/ đó là hữu hạn thiên hà trong mênh mông con người” (1; tr.130). Nhưng có khi Nguyễn Linh Khiếu không chỉ trực tiếp biểu lộ cái “ta” bản năng với Muslim mà ông còn gián tiếp xác tín sự đồng nhất với Muslim qua Linh. Linh là cầu nối, là hiện thực hoá cho cái tôi phân đôi, “ta” và Muslim: “khuôn mặt Muslim với khuôn mặt ta đã tạo dựng sự hài hòa diệu kỳ thế giới/ đó là khuôn mặt Linh chất chứa vô tận năng lượng phồn sinh/ khuôn mặt Linh vô biên/ khuôn mặt Linh vĩnh hằng/ khuôn mặt Linh bất tử/ khuôn mặt Linh là hằng số xứ sở sa hồng non tươi mơn mởn” (1; tr.618).
Thông qua những phân tách, gặp gỡ giữa “ta” – Sông Hồng – Linh/ linh khiếu/ khiếu linh – Muslim của Nguyễn Linh Khiếu, chúng ta thấy “ta” và cái Khác (do “ta” sắm vai) đều trở thành chủ thể. Khi tôi phân rã mình, tôi ý thức tôi cũng là một tha nhân khác, chứ tôi không tồn tại với tư cách là một chủ thể đơn độc. Định nghĩa về “giáo chủ” của Nguyễn Linh Khiếu trong “Phồn sinh” đã thể hiện rõ sự tồn tại của chủ thể liên đối: “mỗi sinh linh là một giáo chủ của mình và của tất cả không thể thay thế/ mỗi sinh linh nếu không là giáo chủ nghĩa là nó không còn là một sinh linh/ biện chứng tự nhiên nói với ta rằng tất cả chúng ta đều là giáo chủ/ biện chứng tinh thần nói với ta rằng tất cả chúng ta đều là giáo chủ của mọi giáo chủ” (1; tr.707-708). “Ta”, Linh, Muslim, Sông Hồng, hay linh thảo, ngọn gió, con kiến,… đều là chủ thể/giáo chủ. Cái nhìn ấy minh chứng tinh thần điều bình sinh thái đầy nhiệt thành của Nguyễn Linh Khiếu.
Hành trình nhà thơ soi mình vào mọi khuôn mặt, soi mình vào muôn loài, soi mình vảo cả vũ trụ, đã làm nên cuộc kết nối vĩ đại, nhân văn và thiêng liêng. Nguyên lý của tấm gương kéo theo nguyên lý điều bình sinh thái, giúp nhà thơ đối diện với chính mình để truy tìm bản nguyên của cái tôi đã từng sống trong nội sinh, và học cách yêu quý, trân trọng bản thân. Như vậy, sự phân tách chủ thể “ta” trong “Phồn sinh” qua nhiều tiêu cự, là một sáng tạo hết sức độc đáo, thể hiện điểm mới về tư duy trường ca của Nguyễn Linh Khiếu.
2. Tình yêu sinh thái vĩnh hằng
Vạn vật trong vũ trụ đều tồn sinh trong không gian và thời gian. Nếu trượt ra khỏi đường ray ấy, tất cả đều tuyệt diệt. Ý thức mình là một sinh mệnh cùng phồn sinh với muôn loài, Nguyễn Linh Khiếu đã chứng tỏ tình yêu và trách nhiệm với cuộc sống. Ông hòa nhập vào thiên nhiên với một tinh thần sinh thái. Ông không xưng hô “tôi” mà xưng hô “ta”, vì trong “ta” bao hàm cả tôi và thế giới. Nói với ta tức là nói với chính cái tôi của mình. Cái “ta” của ông hoá thân trong nhiều đối tượng, từ nhà thơ, triết gia, ký giả, người đàn ông, du khách, Linh, Sông Hồng, Muslim, chú khỉ, con lợn cho đến linh thảo, ngọn gió, dòng nước, hạt phù sa… nhờ vậy, ông nhận biết đầy đủ hơn ý nghĩa về sự tồn tại thân kiếp giữa dòng trôi chảy của thời gian và nhân thêm tình yêu cuộc sống. Để giải mã đủ đầy hai tiếng “tự do”, nhà thơ hỏi nhiều cá thể: con chó Dã, con mèo Khoang, chim khướu, bầy cá đĩa, cây tùng la hán, vị tiến sĩ, vị giáo sư, triết gia, nhà báo, chính khách, nhà thơ, người đàn ông, người đàn bà, ngọn cỏ, tia nắng, ngọn gió. Đó là cách hỏi không phân biệt, không thiên vị giữa con người với muôn loài. Nhà thơ hóa thân vào muôn loài, đặt mình vào tâm thế của chủ thể khác, từ đó điều chỉnh mối quan hệ giữa sinh thái và nhân loại một cách hợp lý nhất. Nhà thơ còn xem mình là thời đại, là thiên nhiên, là đất đai, là lịch sử, là văn hóa,… Đa dạng các tiêu cự, Nguyễn Linh Khiếu mới phóng chiếu được cái nhìn khách quan, công tâm của ông lên sinh thái. Ngay cả ngọn cỏ yếu ớt dưới đôi giày của con người cũng biết đau, biết nhìn về vũ trụ theo nhãn quan của chúng. Chẳng phải, Whitman, tác giả nổi tiếng với tập thơ “Lá cỏ”, đã từng ước nguyện được tái sinh làm ngọn cỏ đấy thôi. Nguyễn Linh Khiếu bộc bạch: “nếu ta không tôn vinh sinh mệnh của mình thì ta không bao giờ tôn vinh sinh mệnh của người khác/ nếu ta không tôn vinh sinh mệnh của tất cả thì ta không bao giờ tôn vinh sinh mệnh của ta/ nếu ta không tôn vinh sinh mệnh một con kiến thì ta cũng không tôn vinh sinh mệnh một con người/ trái với những điều này đó đều là ma quỷ” (1; tr.326). Việc phóng chiếu “ta” lên đối tượng khác, ở bên ngoài bản thể “ta’, lúc này, các đối tượng mà Nguyễn Linh Khiếu phóng chiếu chính là tấm gương phản chiếu chủ thể “ta”. “Ta” tồn tại trong vũ trụ. Vũ trụ tồn tại trong “ta”. Và, cùng nhau tồn tại trong sự năng sản mỡ màu, sinh sôi, nảy nở.
Sinh thái là ngôi nhà của tất thảy các sinh thể. Vậy mà sống trong ngôi nhà sinh thái, con người chưa khi nào ngừng là tội đồ của sinh thái. Xem sinh thái là kẻ thù, con người trở thành con vật đặc biệt mang gương mặt “huỷ diệt”. Cuộc sống càng phát triển, hành vi gây hấn, giết hại với sinh thái của con người càng tinh vi, chiêu trò hơn. Xét theo quy luật cân bằng của sinh thái, loài vật này giết một loài vật khác để đảm bảo sinh tồn, thì sự huỷ diệt này là lẽ tự nhiên. Nhưng chúng không bao giờ giết một con vật nào đó vì tư thù. Con người thì ngược lại, sẵn sàng giết chóc bất cứ sinh vật nào, kể cả chính đồng loại của mình: “trên thế gian này mỗi loài động vật để duy trì sự tồn tại của mình hầu như chỉ chọn một vài loài sinh vật làm thực phẩm làm con mồi làm nguồn sống cho mình/ đó là biện chứng của tự nhiên triệu triệu năm chọn lọc để cân bằng sinh thái/ đó là luật trời bảo vệ muôn loài bảo vệ sự bình đẳng bảo vệ sự hoàn hảo bảo vệ cái thiện bảo vệ sự sống thiêng liêng trên mặt đất// đó là luật trời để lưu giữ mầm sống cho trái đất phong phú đa dạng trường sinh bất tử// riêng con người để duy trì sự tồn tại loài giống của mình để loài giống của mình sinh sôi vô tận để loài người thực sự trở thành kẻ thống trị thế giới con người ăn bất cứ loài nào ăn bất cứ con nào mà con người bắt gặp” (1; tr.271). Sự vô cảm và tàn bạo của con người chứng minh thành trì vững chãi của nhân loại trung tâm luận. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ, còn sinh thái là đối tượng ngoại biên. Nguyễn Linh Khiếu chỉ ra hai thái cực trái chiều giữa con người với thiên nhiên trong “Phồn sinh” nhằm đề cao tinh thần bao dung, thiện ý, hoà hợp sinh thái, phá vỡ độc quyền trung tâm của con người.
“Phồn sinh” được viết bằng chính sinh mệnh của nhà thơ nên các cung bậc cảm xúc luôn lôi cuốn, quyến dụ người đọc. Bởi ông biết lồng cảm xúc ấy trong chiều sâu triết lý của một triết gia. Mỗi chủ đề trong “Phồn sinh” như chiến tranh, tự do, dân chủ, văn hóa, đạo đức, mỹ học, khoa học, triết học, văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, chính trị, tôn giáo, lịch sử, thiên nhiên, những đao phủ hiện đại, tình yêu, tình dục, nữ quyền, nam trị,… đều được thi sĩ trừu xuất theo quy luật phản chiếu của tấm gương, từ cá thể hướng đến phổ quát. Nghĩa là từ cảm xúc cá nhân hướng đến những chiêm nghiệm, suy tưởng, triết lý sâu xa về cuộc sống. Nếu xem “Phồn sinh” là một tấm gương soi, tôi tin rằng, người đọc sẽ học hỏi được nhiều thứ, ngộ ra ý thức về bản thể, cuộc sống và tình yêu sinh thái. Tôi lấy dẫn chứng về triết luận sống và chết, hữu hạn và vô hạn trong “Phồn sinh”: “cái gì sinh ra rồi sẽ chết đi/ cái gì chết đi rồi sẽ sinh ra/ sinh ra rồi chết đi chết đi rồi sinh ra/ đó là nhịp điệu đó là giai điệu đó là âm thanh đó là cung bậc đó là sắc màu đó là hình hài đó là ngôn ngữ mãi mãi ngân nga mãi mãi du dương mãi mãi rực rỡ mãi mãi hân hoan vô cùng da diết” (1; tr.327). Theo thuyết luân hồi của Phật giáo, trong sự sống luôn có cái chết, trong cái chết có sự sống. Vòng sinh – tử – tái sinh này vận hành liên tục, làm nên sự sống bất tử, vĩnh cửu trong “Phồn sinh”. Và, có lẽ từ thông điệp này mà Nguyễn Linh Khiếu kết hợp nên hai chữ: Phồn Sinh. Khi con người nhận thức được bản ngã, cái nghiệp mà mình tạo ra mới thấy giá trị của việc “trải qua vô vàn thân kiếp”, giá trị của tình yêu đồng loại và sinh thái. Việc kết hợp con người – dân tộc – lịch sử – văn hoá – tự nhiên về chung một mối, bình ổn mọi thứ trong nội môi: “mỗi con người sinh bên một dòng sông/ mỗi dòng sông nuôi nấng những đứa con trai con gái của mình/ những dòng sông đất nước/ chảy âm thầm trong tâm khảm con người/ chảy rì rầm trong hồn vía dân tộc/ chảy khoan nhặt trong lịch sử chơi vơi/ chảy đầm đìa cơ thể ta tràn trề sang cơ thể nàng ngân nga bản hoan ca sự sống” (1; tr.107) thể hiện lý trí tinh tế và hết sức sâu sắc của Nguyễn Linh Khiếu. Sống đâu chỉ riêng cho mình mà còn sống vì tha nhân, vì muôn loài.
Dưới cái nhìn sinh thái, “Phồn sinh” đúng là một thế giới song hành tuyệt bích giữa con người con người, giữa con người với môi sinh. “Phồn sinh” biểu thị sức sống bất diệt của sinh thái. Tinh thần sinh thái nhấn mạnh tính nhân văn trong “Phồn sinh”.
3. Sông Hồng – triết lý truyền sinh
Nguyên lý tính Mẫu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ) – người mang nặng đẻ đau, ôm ấp, sinh dưỡng con cái, của người Việt Nam. Trong văn học, nguyên lý tính Mẫu được mở rộng, trở thành cổ mẫu Mẹ, là “cõi ẩn náu vĩ đại của loài người”, thể hiện “tổng thể những khả năng chứa ẩn trong một trạng thái sinh tồn nhất định”(2). Trong cõi ấy, nước là biểu tượng nữ giới, bởi, nó như là “cái tử cung”, ôm chứa sự sống. Sông Hồng, với những cái tên như Sông Cái, Sông Mẹ, được xem là cổ mẫu Mẹ, trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nữ tính, biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Lê Huy Bắc trong cuốn sách “Ký hiệu và liên ký hiệu” đã cho rằng: “Cổ mẫu như liên ký hiệu”: “mỗi một cổ mẫu trong văn học đều được xem xét dưới nhiều góc nhìn: nó vừa là “nó” của thời xưa cũ, là “nó” qua thời gian, là “nó” ở thực tại, là “nó” trong tâm thức người tiếp nhận…”(3). Một nghệ sỹ tài năng, phải biết vượt qua những “lối mòn ký hiệu”, phải “thay đổi cổ mẫu”. “Phồn sinh” của Nguyễn Linh Khiếu sử dụng cổ mẫu Mẹ – Sông Hồng, nhưng ông đã biết đắp bồi và mở rộng cổ mẫu. Tín ngưỡng phồn thực bắt nguồn từ ước muốn duy trì cuộc sống, sinh sôi nảy nở của người Việt. Có hai dạng thờ: thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối.
Căn cứ vào tín ngưỡng đó, Nguyễn Linh Khiếu xem Sông Hồng là nơi giàu có những sinh thực khí, là cội nguồn, là nơi bắt đầu, là nơi tiềm năng sinh sản vô tận. Ông quy chiếu sự giàu có sinh thực khí, tràn trề khoái lạc của Sông Hồng lên những cơn động dục bản năng của vũ trụ: “những châu chấu cào cào cành cạch lanh tanh lạch xạch xanh đỏ tím vàng đen nâu hồng trắng tưng bừng mở hội đạp mái ôm ghì lấy nhau bất cứ nơi nào bất cứ nơi đâu bất cứ nắng mưa bất cứ giông bão lắp ghép các cơ quan sinh dục vào nhau như những tổ hợp vũ trụ liên hiệp truyền sang nhau những năng lượng sinh tồn truyền sang nhau cả thế giới ngày mai truyền sang nhau cả trương lai dòng giống”(1; tr.636-637). Sông Hồng của ông chính là ký hiệu về “triết lý truyền sinh”. Sông Hồng mang sự sống đến với muôn loài. Và ông gọi Sông Hồng là “mảnh đất thiên đường muôn loài quanh năm tưng bừng đạp mái nhảy đực giao hợp thụ phấn phối giống chửa đẻ” (1; tr.146). Bên cạnh Sông Hồng trù phú, nẩy căng thịt da thiếu nữ, “Sông Hồng là tượng hình dân tộc/ Sông Hồng là máu huyết dân tộc/ Sông Hồng là sức sống dân tộc/ Sông Hồng là bản sắc Việt” (1; tr.142), Nguyễn Linh Khiếu còn thiết kế thêm nhiều ký hiệu cho cổ mẫu Mẹ – Sông Hồng. Sông Hồng được ông mở rộng theo tính đa chiều của không gian, đa dạng thời gian: là ký hiệu của bản thể thi nhân (hồn cốt, máu thịt); ký hiệu của “năng lượng nhục dục vĩnh cửu” (giao hợp, đạp mái, nhảy cái, nhảy đực, phối giống…); ký hiệu của khát vọng tự do; ký hiệu của khát vọng dân chủ; ký hiệu của tinh thần giải phóng; ký hiệu của thuỷ phồn, địa phồn, nhạc phồn, thiên phồn, nhân phồn,… Những gì có mặt trên trái đất này đều có trong Sông Hồng: “Sông Hồng truyền thuyết Sông Hồng huyền thoại Sông Hồng cổ tích Sông Hồng tục ngữ Sông Hồng ca dao Sông Hồng dân ca Sông Hồng mộng mơ sông Hồng dịu dàng Sông Hồng hung dữ Sông Hồng bất thường Sông Hồng huyền bí Sông Hồng thiêng liêng” (1; tr.142).
Nguyễn Linh Khiếu dùng những cặp từ chỉ cơ quan sinh sản, hoạt động mang tính nhục dục dày đặc trong “Phồn sinh” nhằm “thiết lập trên châu thổ Sông Hồng một xứ sở chưa từng có trên trái đất đó là thiên đường của sinh sôi nảy nở vĩnh hằng” (1; tr.697). Nguyễn Linh Khiếu không tô vẽ, không cường điệu cho bất cứ hành vi tính giao nào, ngược lại, ông miêu tả, phô bày và áp sát theo đúng quy luật của tự nhiên. Sông Hồng vừa là cổ mẫu, vừa là tín ngưỡng, vừa là địa lý, vừa là văn hoá, vừa là lịch sử, vừa là tôn giáo,… nhưng cũng vừa là một người phụ nữ rạo rực xuân thì, tràn trề nhựa sống, khát khao bản năng: “mỡ màu và nở nang như thể sông Hồng quê ta/ phù sa rực hồng muôn vàn thịt da thiếu nữ” (1; tr.106). Sông Hồng ôm ấp con người. Con người ôm ấp Sông Hồng. Sông Hồng và con người nồng nàn trong nhau, hòa điệu, cùng về một hướng, là Một. Đối với nhà thơ, Sông Hồng là điểm khởi đầu cho sự kết dính cả thế giới: “chúng ta cũng chỉ là Một với những sự vật hiện tượng hiện hình và không hiện hình đang im lìm và âm thầm nhẫn nại tạo nên sự sống/ đó là sự vô hạn chúng ta trong thế giới vô cùng vô tận/ con người thảo mộc động vật côn trùng chim muông vi trùng cá tôm cát đá đất đai nắng gió mặt trăng mặt trời các vì tinh tú hạt bụi tinh vân và tất cả những gì hữu sinh tất cả những gì vô sinh tất cả những gì vừa vô sinh vừa hữu sinh tất cả những gì có linh hồn tất cả những gì chưa có linh hồn tất cả chúng ta tất cả thế giới này là Một” (1; tr.142). Giống như cấu trúc “ta là”, cấu trúc “là một” xuất hiện nhiều lần trong trường ca cũng nhằm thừa nhận tính toàn vẹn, thống nhất của thế giới.
Sông Hồng – con sông huyền hoặc ấy, trong “Phồn sinh”, như là một “mỹ nữ bất tử”, mang vẻ đẹp “nữ tính vĩnh hằng”, với “khả năng sinh sản dồi dào”: nồng nỗng, lõa lồ, tồng ngồng, lủng lẳng, thây lẩy, ngồn ngộn, hổn hển, cồn cào, đầm đìa, căng mọng, hân hoan, khoái lạc, cực lạc, phì nhiêu, chín mẩy, phởn phơ, lồm cồm, động cỡn, căng phồng, lồ lộ, chộn rộn, hiến dâng, lả lơi, rạo rực, phổng phao, cương mẩy, bụ bẫm, mũm mĩm, nây nẩy,… “Phồn sinh” thực sự là một kho từ điển giao hoan ròng ròng non tươi vĩnh hằng, là bầu sinh quyển sinh sôi vĩ đại và thiêng liêng.
4. Tình dục – một cuộc kết nối vĩ đại
Tình dục là nhu cầu bản năng tự nhiên của muôn loài. Thông qua tình dục, mọi khoảng cách giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật đều bị xóa bỏ. Tình dục trở thành địa chỉ hòa giải và điểm kết nối giữa vạn vật. “Phồn sinh” của Nguyễn Linh Khiếu đậm đặc yếu tố tình dục. Tình dục trong trường ca của Nguyễn Linh Khiếu vừa là chìa khóa hóa giải những khác biệt, vừa là giải pháp sinh thái để điều hoà muôn loài. Tình dục không phải là đặc quyền của con người mà là quy luật tự nhiên của muôn loài. Tình dục cũng là một trong những xu hướng góp phần giải nhân loại trung tâm luận, chủ nghĩa nam giới trung tâm, thiết lập sinh thái trung tâm luận.
Nói đến văn hóa người Việt là nói đến cái nôi của nền văn minh lúa nước. Đó là nơi thể hiện sự kết hợp, gắn bó mật thiết giữa người với đất. Người Việt thờ sinh thực khí bằng cách lấy các sự vật hiện tượng có trong tự nhiên làm biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Các biểu tượng âm dương, trời đất, nước non, vuông tròn… đều nảy sinh từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thể hiện khát vọng, ước muốn duy trì, phát triển giống nòi. Nguyễn Linh Khiếu không dùng tình dục để khêu gợi, hay giải toả những kìm nén, mà sử dụng tình dục như là phương tiện nối kết. Những vấn đề nghịch lý, tương phản trong trường ca như chiến tranh – hòa bình, tự do – gông cùm, xấu – tốt, thiện – ác, đen – trắng, khát vọng – dục vọng, sáng – tối,… được Nguyễn Linh Khiếu hóa giải bằng sức mạnh của tình dục. Ngay cả địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo, văn học,… cũng được Nguyễn Linh Khiếu soi chiếu và đối thoại bằng những thiên tính tự nhiên, giàu yếu tố phồn thực: “ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc thủy phồn/ mênh mông dạt dào xứ sở nước/ ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc địa phồn/ bao la xứ sở phù sa cánh đồng/ ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc nhạc phồn/ bạt ngàn xứ sở rừng xanh núi thẳm/ ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc thiên phồn/ thăm thẳm xứ sở trời xanh mây trắng/ ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc nhân phồn/ nguy nga lộng lẫy xứ sở máu đỏ da vàng mặt gẫy trán dô răng sắc lưỡi nhọn tóc đen mũi tẹt mông to đùi nở eo thon ngực mẩy thăm thẳm má lúm đồng tiền long lanh mắt môi tròng trành thịt da sóng sánh tóc tai vương vấn hây hẩy má hồng ngào ngạt linh hương bừng bừng lửa cháy” (1; tr.39-40).
Trong “Phồn sinh”, Nguyễn Linh Khiếu dành nhiều phân đoạn viết về người phụ nữ. Khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, ông bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta. Bản năng làm mẹ của họ có giá trị cứu rỗi và dung hòa. Hình ảnh họ hiện lên thật sống động, phồn thực. Họ là nguồn nước mát dịu, tinh khiết, tràn trề, tưới tắm sự sống lên muôn loài. Hình ảnh Sông Hồng trong “Phồn sinh” vừa gắn liền với cổ mẫu Mẹ, vừa gắn liền với “ta”, Linh, Muslim. Nguyễn Linh Khiếu lấy bản nhiên của một hiện tượng thiên nhiên (Sông Hồng) rồi soi rọi vào bản nhiên của con người (“ta”, Linh, Muslim) để tìm ra điểm chung. Sự chuyển hoá giữa thiên nhiên vào con người và ngược lại của “Phồn sinh”, đi theo chiều hướng đồng nhất: vẻ đẹp mang tính tự nhiên. Do đó, theo Nguyễn Linh Khiếu, tôn trọng thiên nhiên cũng chính là sự tôn trọng người phụ nữ. “Người phụ nữ mang trong mình thiên tính giữ gìn và bảo vệ sự sống nên thường có thái độ chăm sóc, nâng đỡ, chở che cho mọi sinh linh”(4).“Phồn sinh” bắt đầu từ Sông Hồng và mang tâm thức Sông Hồng ra khắp thế giới, nghĩa là Nguyễn Linh Khiếu lấy bản nguyên nữ (sinh nở, chở che) để xây dựng sinh thái, xây dựng sự thống nhất của thế giới: “sự khát khao nhục dục đó là động lực vĩ đại nhất của thế giới/ đó là sự thống nhất của thế giới này không phân biệt chủng tộc và văn hóa không phân biệt tôn giáo và lứa tuổi không phân biệt nghề nghiệp và giới tính/ đó là sự thống nhất của muôn loài sinh sống trên thế gian/ sự khát khao khác giới đó là gốc gác đó là căn nguyên sinh tồn” (1; tr.52-513).
Xuất phát từ bản thể nữ nên “Phồn sinh” giàu tính phồn thực. Tập hợp ngôn ngữ thân thể, ngôn ngữ khoái lạc, ngôn ngữ nhục cảm, ngôn ngữ đam mê, ngôn ngữ phồn thực,… cộng hưởng thành bài ca/nguyên lý/nhịp điệu/xứ sở/vương quốc/bản đồ phồn sinh. Bản thể nữ là cái đích hướng tới thế giới phồn sinh. Nhà thơ cho rằng: “dù là người đàn bà thiên đường giai nhân tuyệt thế hay người đàn bà nhà quê kệch cỡm rách rưới tật nguyền họ đều mang một cái tên là Mẹ/ Mẹ sinh ra toàn bộ thế giới/ Mẹ nuôi nấng toàn bộ thế giới/ Mẹ che chở toàn bộ vũ trụ này/ không có Mẹ vũ trụ sỏi đá cát bụi mồ côi” (1; tr.186). Nguyễn Linh Khiếu không chỉ gắn bản nguyên nữ vào các giá trị đời sống mà còn nâng tầm quan trọng, vai trò thiết yếu của người phụ nữ lên các giá trị: “một nền văn hóa không có khuôn mặt phụ nữ đó là nền văn hóa mông muội/ một nền văn hóa kỳ thị phụ nữ đó là một nền văn hóa khốn nạn tối tăm/ một nền văn hóa không mang biểu tượng gái trai đực cái trống mái đó là nền văn hóa tầm thường chắc chắn sẽ lụi tàn/ một nền văn hóa không tôn vinh các cơ quan sinh sản đó là nền văn hóa tuyệt chủng” (1; tr.476). Vì vậy, chúng ta có thể khẳng quyết, “Phồn sinh” là hệ ngôn ngữ xác lập nữ quyền và sinh thái. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, việc gắn nối các phạm trù của đời sống với người phụ nữ, với sinh thái là việc làm cấp bách. Thông qua sinh thái, phá hủy tư duy nhị nguyên, xác lập mối quan hệ tổng hòa giữa tự nhiên – xã hội – con người, xác lập thiên đường của sự dung nhập vĩnh hằng.
Diễn ngôn phồn thực của Nguyễn Linh Khiếu khi đứng cạnh những diễn ngôn khác vẫn giữ vai trò chủ đạo. Chúng đảm nhận nhiệm vụ hôn phối từ quá khứ đến hiện tại, hôn phối văn hoá, lịch sử, tôn giáo, đạo đức, pháp luật,… về chung một điểm: phồn sinh. Trong cái nhìn của Nguyễn Linh Khiếu, mọi thứ đều phồn sinh (theo thống kê của tôi, có đến 136 từ phồn sinh): xứ sở phồn sinh, tinh thần phồn sinh, thiên đường phồn sinh, giai điệu phồn sinh, tôn giáo phồn sinh, ngôn ngữ phồn sinh, bài ca phồn sinh, nguyên lý phồn sinh, nhịp điệu phồn sinh, vương quốc phồn sinh, thông điệp phồn sinh, bản đồ phồn sinh, thế giới phồn sinh, giáo lý phồn sinh, năng lượng phồn sinh, chân trời phồn sinh, cõi phồn sinh, phồn sinh bài ca, phồn sinh âm thanh, phồn sinh giai điệu, phồn sinh sắc màu, giáo chủ phồn sinh, hành vi phồn sinh,… Điều này cho thấy Nguyễn Linh Khiếu biết cách diễn giải phồn sinh và ngày một tăng thêm hiệu ứng khúc xạ của nó. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chỉ ở thời điểm cao trào thăng hoa, theo ông, con người mới đi đến kiệt cùng của phồn sinh: “chỉ khi ở trong cơ thể nàng ta mới hiểu có một tình yêu kỳ vĩ nàng đã dành cho ta/ chỉ khi ở trong cơ thể nàng ta mới hiểu vũ trụ đã dành cho ta một lộ trình vô cùng tuyệt vời/ chỉ khi ở trong cơ thể nàng ta mới hiểu vũ trụ này mới tuyệt mỹ làm sao thế giới này mới kỳ diệu làm sao/ ở trong nàng đó là hành vi thần kỳ của đức Linh sáng tạo/ đó là vô bến bờ thiên năng của đàn bà chỉ giây phút huy hoàng đàn ông mới tới được/ đó là năng lượng hùng vĩ đàn ông mới thúc đẩy đàn bà lên tột đỉnh thiên sơn/ khi đỉnh cao và vực sâu hòa làm một trong trạng thái ngất ngây cực đỉnh cả vũ trụ bùng phát những vụ nổ lớn liên hoàn tan tành giải phóng hoàn toàn mọi năng lượng phồn sinh” (1; tr.347).
Nếu nói: “Tính nhục cảm là một thi pháp thân thể và thi ca là một nhục cảm pháp ngôn từ” (Octavio Paz) thì trường ca “Phồn sinh” đúng là một bản tình ca “mỡ màng” nhục cảm, đẫm hoạt động giao hoan. Chu trình giao phối trong “Phồn sinh” chính là quy luật vĩ đại, trường cửu về thẩm mỹ và đạo đức sinh thái: “tất cả cứ hồn nhiên tươi tốt hồn nhiên giao phối hồn nhiên sung sướng hồn nhiên cực khoái hồn nhiên mang thai hồn nhiên sinh nở hồn nhiên nhịp điệu truyền giống rộn ràng từ thế hệ này sang thế hệ khác lại từ thời đại này sang thời đại khác từ nắng mưa này sang nắng mưa khác từ nóng lạnh này sang nóng lạnh khác mãi mãi hồn nhiên vô cùng vô tận hồn nhiên vô cùng vô tận tự nhiên” (1; tr.307). Sự sống này, nếu không có tình dục, ắt hẳn sẽ khô cạn, dần đi đến cái chết và hủy diệt. Yếu tố tình dục, hoạt động giao phối ăm ắp trong “Phồn sinh” như thế đã giải đáp mối liên hệ, sức sống mãnh liệt, đầy bí ẩn giữa con người với thiên nhiên.
***
Là người đầu tiên thử nghiệm mở rộng kết cấu trường ca, Nguyễn Linh Khiếu đã phần nào khẳng định được tư duy, quan điểm, cá tính sáng tạo riêng. Tuy vậy, “Phồn sinh” vẫn lộ dăm ba hạn chế. Xét về độ dài “khủng” – 710 trang, nếu Nguyễn Linh Khiếu biết tiết chế, nén cảm xúc lại, hẳn “Phồn sinh” sẽ cô đọng, hàm nghĩa hơn. Phép liệt kê tăng hiệu quả biểu cảm khi và chỉ khi được nêm nếm vừa đủ. “Phồn sinh” lại quá dư thừa phép liệt kê, ít nhiều gây cảm giác quen thuộc, sáo mòn. Một số vấn đề đưa ra bàn luận nhưng chưa nâng lên thành triết luận, còn ở dạng “triết lý vụn”. Hơn nữa, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ đều được số hóa và những tác phẩm dài hơi không phải là món khoái khẩu đối với bạn đọc. Do vậy, trong hoàn cảnh này, cần khám phá “Phồn sinh” ở một góc nhìn khác. Khám phá “Phồn sinh” theo dòng chảy tâm trạng của chủ thể trữ tình “ta” và khai thác những yếu tố triết luận cũng là một ưu thế. Vì những cảm xúc chân thành, mãnh liệt cùng với tư duy triết luận của Nguyễn Linh Khiếu trong “Phồn sinh” sẽ không bao giờ bị số hóa. Và, đó chính là chất xúc tác, “khiêu khích”, hấp dụ bạn đọc. Hoặc đón nhận “Phồn sinh” bằng cách lấy phồn sinh làm lõi/trục chính. “Phồn sinh” được kiến tạo như một khối vuông rubic, mỗi chiều xoay là một dữ kiện sống động, tự nhiên nhất. Hay nói cách khác, “Phồn sinh” là trung tâm hiện hữu của những gì bản năng, nguyên sơ, hài hòa, nhân bản. Những mặt đối lập, nhị nguyên của con người và thế giới đều tìm được điểm giao thoa, sẵn sàng đi đến tận cùng bản thể trong cái nhìn phồn thực, sinh sôi tươi tốt.
Nhật Lệ, 14/4/2019
————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Nguyễn Linh Khiếu, Phồn sinh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
(2). Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, tr.587.
(3). Lê Huy Bắc, Ký hiệu và liên ký hiệu, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.171.
(4). Nguyễn Thị Tịnh Thy, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.50.
(5). Kim Sang Bong (Đào Vũ Vũ dịch), Ý niệm về tính chủ thể liên đối, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017.
(6). PGS.TS. Trịnh Bá Đỉnh (chủ biên), Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2018.
(7). Iu.M.Lotman (nhiều tác giả dịch), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004.
(8). Hoàng Tố Mai (chủ biên), Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017.
(9). Đỗ Lai Thùy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hoá, Nxb Tri thức, Tp. Hồ Chí Minh, 2018.