Nguyễn Minh Châu – Người mở đường rực rỡ

619

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

Nguyễn Minh Châu, nhà văn có nhiều thành tựu quan trọng trong văn học viết về đề tài chiến tranh, đồng thời được coi là một trong những người tiên phong của văn học thời kỳ đầu đổi mới. 


Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989)

Nhà văn Từ Bích Hoàng (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm sáu mươi của thế kỷ trước) vốn là người nho nhã, học rộng, thường dạy thêm tiếng Pháp cho anh em trong tạp chí. Có lần đi ngang qua phòng đọc sách, thấy một người úp cuốn sách lên mặt nằm ngủ, ông khẽ khàng đỡ lấy xem, thì ra cuốn “Bão táp” bản tiếng Pháp của nhà văn Nga nổi tiếng I-li-a Ê-ren-bua. Người nằm ngủ giật mình tỉnh dậy, đó là Nguyễn Minh Châu, mới về công tác tại tòa soạn chưa lâu. Ông Hoàng ân cần: “Châu cứ nằm ngủ tiếp đi. Học tiếng Pháp từ bao giờ, học đến đâu mà đọc được cuốn này?”. Ngày ấy người biết ngoại ngữ để đọc được sách văn học không nhiều nên sức học của anh lính mới Nguyễn Minh Châu khiến một người từng sắp tốt nghiệp cử nhân trường y thời Pháp như ông Từ Bích Hoàng cũng phải lấy làm lạ.

Năm 1962, từ trường Văn hóa quân đội Lạng Sơn chuyển về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Minh Châu được giao trực tại tòa soạn, phụ trách vài chuyên mục ngắn và đọc bản thảo từ các nơi gửi về. Cha tôi kể lại rằng, ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội phòng của Nguyễn Minh Châu luôn có trà ngon, vốn là của hiếm thời chiến tranh. Tối nào ông Châu cũng pha trà mời các đàn anh sang uống. Lính tráng lúc trà lá ắt phải chuyện trò rôm rả, ông Châu chỉ tủm tỉm cười ngồi nghe và lặng lẽ chiêu nước. Khi mọi người giải tán đi ngủ cũng là ông Châu ngồi vào bàn viết. Có nhiều chuyện dưới đơn vị, chính chủ chưa kịp viết thì ông Châu đã viết xong rồi! Nghề văn cũng lạ, nói xong có khi không viết được nữa, nhưng nghe người khác nói mà viết thành những áng văn hay thì phải là người tài năng và tích lũy vốn sống sâu sắc mới làm nổi! Còn phải thấy ở Nguyễn Minh Châu tinh thần ham học, khiêm nhường, cầu tiến.

Nhà văn Đỗ Chu nhớ lại, năm 18 tuổi, ông viết một đoạn văn ngắn về cái ao nhà, gửi hú họa lên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một thời gian sau ông nhận được thư hồi âm, hỏi: “Nếu anh còn cái nào ngăn ngắn như thế thì gửi thêm vài cái nữa”. Người ký tên bên dưới là Nguyễn Minh Châu. Đọc những dòng trao đổi tử tế và trọng thị với người viết còn vô danh, ông Chu hăng hái gửi liền một lúc bốn truyện ngắn. Ông lại nhận được thư, lần này dài hơn cũng của Nguyễn Minh Châu: “chỉ mong anh đóng góp cho vài trang chuyên mục đã quý, không ngờ anh gửi bốn truyện liền, mong được anh giữ liên lạc thường xuyên”. Cả bốn truyện ngắn lần lượt được ông Châu đưa in trong năm 1963 và đoạt giải Nhất cuộc thi năm đó. Chỉ những người thẩm định tinh tường với sự liên tài, ái tài mới hành xử như thế. Nguyễn Minh Châu đã đem lại sự khởi đầu không thể hoàn hảo hơn cho cây bút trẻ Đỗ Chu – nhà văn Đỗ Chu bây giờ. Ông Chu thường tấm tắc mình gặp may vì chặng đầu đời văn đã gặp được người phát hiện và dìu dắt là Nguyễn Minh Châu. Còn theo nhà văn Nguyễn Khải thì: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”. Chẳng biết ông Khải có ý nhắc đến trường hợp của Đỗ Chu hay không, nhưng thật may mắn cho những người cầm bút trẻ có những người mở đường như thế!

Nguyễn Minh Châu, nhà văn có nhiều thành tựu quan trọng trong văn học viết về đề tài chiến tranh, đồng thời được coi là một trong những người tiên phong của văn học thời kỳ đầu đổi mới. Nói đến đội ngũ sáng tác thời kỳ này, đôi khi người ta lầm lẫn đó là những người thành danh sau năm 1986. Thật ra, đổi mới không phải một vụt hiện mà gồm cả quá trình có sự chuẩn bị, tích tụ, kế thừa và phát sáng theo những cách khác nhau. Có những người gánh trên mình cả bề dày sáng tác nhiều thành tựu như nhà văn Nguyễn Minh Châu, tưởng như chẳng việc gì phải thay đổi cũng đủ cho một đời cầm bút, nhưng khi làn gió đổi mới ào đến, họ hiện ra là người tiên phong, giữ một vị trí không nhỏ trong tiến trình văn học đi lên của đất nước. Bởi văn chương vốn là việc của tài năng, nó luôn thúc giục, đau đáu nghĩ ngợi mà thành chứ không phải khôn lỏi, chụp giật mà vượt lên được. Nguyễn Minh Châu đã để lại bài học cho thế hệ đi sau về sự đọc nhiều, nghĩ nhiều. Một người không “biết đọc” chắc chắn không thể trở thành người “biết viết” được. Văn chương vốn thong thả nhưng cũng rất quyết liệt. Mỗi một năm qua, mùa đến rồi đi, tưởng chừng vẫn thế nhưng cuộc sống vận động không ngừng. Người viết không thể lập trình như mùa mà phải thường trực nghĩ ngợi, như thể thiếu mình thì văn học sẽ thiếu đi tiếng nói về một vấn đề gì đó. Chỉ có vậy mới mong chạm tới những suy nghĩ lớn, những cách nhìn mạnh mẽ, sâu sắc về cái đẹp, về sức tràn trề sinh sôi của cuộc sống. Có thể thấy bài học đó ở Nguyễn Minh Châu, người mở đường rực rỡ không chỉ cho những cây bút có tài mà còn cho cả một giai đoạn văn học đang được chờ đợi và nhiều hứa hẹn.

Theo Hữu Việt/Vanvn