Nguyễn Minh Ngọc & Những ngày mưa

1472

10.10.2017-10:10

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

 

Những ngày mưa

 

Để nhớ về một thời khốn khó chưa xa!

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MINH NGỌC

 

1

NVTPHCM- Cứ nghĩ ông trời chỉ hù dọa vài hôm rồi thôi, ai dè cơn mưa dầm dề kéo líp một mạch suốt tuần mà vẫn chưa chịu ngớt. Mưa từng cơn lúc mau lúc thưa, rỉ rả. Vòm trời ung ủng nom như tảng đất sét sắp đổ ụp xuống đầu người. Mỗi lần lên giảng đường, đám con gái tùm hum nón áo, thi thoảng lại ré lên. Bọn con trai vốn quen làm biếng cứ đầu trần men theo tường nhà mà đi, vào lớp ngồi hết tiết mà tóc tai như gà nhúng nước. Không khí ẩm lạnh và nhầu nhĩ. Mặt đất phù thũng, nước đọng thành vũng khắp sân trường. Từ trong phòng ở khu ký túc xá nhìn ra cây bồ đề trầm mặc đứng trước mảnh sân ướt rượt, ủ rũ trong màn mưa giăng giăng, tự nhiên Tuệ thấy nao cả người. Ai đó ở phòng bên thở hắt ra, giọng khê nồng: “Mưa gì mà dai như trâu đái không biết. Thối mẹ nó hết cả đất rồi!”.

 

Ngày chủ nhật. Sáng bét tự bao giờ nhưng cả khu ký túc xá vẫn ắng ngắt như tờ. Phòng “quậy” sáu người mới chỉ có mình Tuệ thức dậy. Năm chàng “ngự lâm” kia vẫn co quắp trong mền như những con sâu kèn. Quần áo ướt cái nọ móc chồng lên cái kia càng khiến cho căn phòng ẩm sực, nhớt nhát. Rời quân ngũ về trường đại học, Tuệ vẫn quen với nếp dậy đúng giờ và tập thể dục. Sáng nay, trời vẫn mưa nên sau khi đánh răng rửa mặt xong không biết làm gì nên Tuệ đành quay về giường  nằm khểnh đọc sách. Ấy là chuyện thường gặp mỗi khi mắc chứng “viêm màng túi”, một cách hòng bỏ lơ cái “ông anh ruột” đang réo cồn cào đòi nạp thêm năng lượng. Nhưng sự đời một khi bụng đói meo thì càng cảm thấy lạnh và càng lạnh càng thêm đói, nên đầu óc quay cuồng chỉ nghĩ đến chuyện ăn.

 

Cả tuần nay, Tuệ đã vét nhẵn hết đồng bạc cuối cùng. May mà đã kịp mua vé cơm tháng. Com nhà bếp nấu bằng thứ gạo hẩm bở bùng bục, ăn nhạt bép. Đã vậy nhai miếng nào cũng phải cảnh giác nếu không muốn có vài chiếc răng đi “sơ tán”, thi thoảng đang ăn lại phải nhè ra hột sạn to đùng. Đến bữa thì ào xuống nhà ăn xếp hàng nộp phiếu và thò tay qua ô cửa hẹp để nhận cơm, hệt như cảnh vào các cửa hàng ăn uống giải khát thời chiến. Đám con gái ý tứ hơn thì lấy cơm mang về phòng cắm trộm bếp điện hí húi đun nấu cải thiện thêm theo từng nhóm. Vào giờ “cao điểm” thể nào cũng có một hai đứa vờ làm gì đó ở ngay đầu hiên nhà, cặp mắt láo liên canh chừng ban quản lý ký túc xá đi kiểm tra đột xuất. Nếu bị bắt quả tang thì nguy cơ bị tịch thu mất trắng dụng cụ là cái chắc, ấy là chưa kể đến những chuyện lôi thôi rầy rà khác.

 

Đám con trai lộc ngộc sống có vẻ đơn giản hơn. Đến giờ ăn, từng chàng lặng lẽ rinh lấy chiếc tô nhôm đặt lên mặt bàn bằng đá nâu xỉn, cáu bẩn. Có chàng điệu đàng chưa ăn ngay mà vần tô cơm quay tít một vòng rồi mới bắt đầu xì xụp. Tất cả cơm canh rồi thức ăn đều được trút chung vào tô, trộn đều thành một món hổ lốn. Ngó khắp nhà ăn chẳng có tên nào có nổi lấy một đôi đũa cho tử tế. Các “kỵ sĩ không đầu” chỉ có độc chiếc muỗng cà phê, đầu chuôi dẹt được mài nhọn làm chức năng của cái dùi để chọc thức ăn. Nào có nhiều nhặn gì đâu mà phải gắp ghiếc cho phiền nhiễu nhân dân! Thường thì cứ phải soi kính lúp mới nhìn thấy hình hài miếng thịt, còn cá thì rặt một lũ cá “mẫu giáo”. Một chàng bên lớp sử năm cuối cười hơ hớ bảo đấy là “vũ khí đa dụng”, trở đầu này là đũa, quay đầu kia thành muỗng, nhất cử lưỡng tiện. Bao giờ cũng vậy, chỉ một loáng rào rào như tằm ăn rỗi là nhà ăn đã ngổn ngang như một bãi chiến trường, tô nào tô nấy sạch như chùi. Ra vòi nước rửa xong, quay vào dùng chính cái muỗng ấy hứng nước đun sôi để nguội mà húp lia lịa. Có lần Tuệ giả giọng chọc quê mấy đứa cùng phòng: “Tụi bây, đứa mô còn dư khăn mặt thì mang cho mấy mệ cấp dưỡng một chiếc!” Thằng Thọ mắt tròn, mắt dẹt: “Chi vậy?” Tuệ cười khùng khục: “Để các mệ có cái mà lau nước mắt cho đàn heo, chớ chi”.

 

Đồng tiền còm nằm trong túi sinh viên không mấy khi ấm chỗ. Bao nhiêu thứ phải chi, rồi phố phường quán xá chào mời, ấy là chưa kể cái khoản “ái tình phí” một đi không trở lại. Thế nhưng, thà nhẵn túi thì đành nhịn thèm chớ còn sót đồng nào thì cánh con trai lại rủ nhau ra quán cà phê dưới chân cầu Mới, vừa nhâm nhi vừa ngắm dòng sông Thơm chảy lặng lờ giữa lòng thành phố mà phét lác chuyện trên trời dưới bể. Bữa nào rủng rỉnh hơn một chút thì tạt vào quán “cờ tây” kiếm đĩa thịt chó nhắm với những quả vả to giòn, đưa cay vài xị cho ấm bụng…

 

Những con sâu kén lười biếng cuối cùng cũng đã rời khỏi tổ. Thằng Thọ vươn vai ngó Tuệ rồi uể oải ném ra một câu trống không: “Ui chui cha, ông anh miềng siêng thiệt. Chưa mở mắt đã ngâm cứu rồi. Chao trời, kiến bò bụng, nhột quá!”. Vừa xỏ dép, hắn vừa ngoác cái miệng cá ngão ra ngáp dài. Khăn mặt vắt vai, tay vung vẩy cái bàn chải mòn vẹt, hắn cất giọng nghêu ngao dọc hành lang: “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói. Gió trăng có sẵn làm sao ăn?”(1).

 

Sở dĩ căn phòng có biệt danh là “phòng quậy” vì các thành viên ở đây thường xuyên vi phạm các quy định của Ban quản lý ký túc xá. Trong phòng, Tuệ lớn hơn anh em đến ba bốn tuổi nên mặc nhiên được coi như một người anh cả, thường khi hay phải đứng ra giơ đầu chịu báng. Chín người mười tính. Lắm lúc bực quá không nhịn được, nóng mắt lên thì Tuệ mắng mỏ vài câu. Thằng Thọ vặc ngay, đây không phải là trại lính nhá! Cái thằng thẳng như ruột ngựa, nhưng hắn chẳng giận ai bao giờ. Thằng Hùng cháy, dân biển tướng vâm váp ồn ào vậy mà coi bộ lắm em chết mê chết mệt. Hắn đã tia em nào thì em đó coi như đứt cước. Anh chàng Thanh thì trái lại nom rủ rỉ rù rì nhưng bất cứ việc gì giao cho hắn cũng xong. Hắn đã múa mép thì đến cục đất cũng phải mở miệng. Thi thoảng ngót dạ, Thanh lân la sang bên dãy phòng mấy chị tại chức tán dóc. Lúc thì hắn đánh dậm được mấy gói mì tôm, ít cà phê bột, có khi cả bánh kẹo… mang về úy lạo cả phòng. Nhưng chả lẽ tuần nào cũng mò sang? Chỉ có Xuân Hào, người được cả phòng gọi chệch đi là ông “xu hào” lúc nào cũng dè dặt tính toán như ông cụ non, lại mắc cái tật hay chê bai người khác. Bởi thế, anh ta còn được gán thêm chữ “thầy” đạo mạo trước cái tên.

 

2

Thằng Luận nằm im nãy giờ ngóc đầu lên, mở mòi: “Chừ ri, quê đứa mô có món chi ngon thì kể ra đây, giới thiệu để cả nhà cùng thưởng thức.” Cả bọn nhao nhao hưởng ứng. Ừ phải đó, kể đi. Đúng là ở đời thiếu cái gì người ta hay nói đến cái đó nhiều nhất. Thằng Thọ hào hứng mở đầu bằng món bún bò Huế và hắn cam đoan rằng bún bò Huế phải ăn ở nơi xa Huế, nghĩa là phải do những người Huế xa quê nấu thì mới đậm đà. Hỏi tại sao, hắn bảo đơn giản vì người Huế xa xứ luôn nặng lòng với quê hương, họ gởi gắm cả lòng mình trong nghệ thuật ẩm thực. Cả bọn cứ há hốc mồm ngỡ như đang ngồi trước bàn cầm đũa lùa tô bún với đĩa rau sống thái mỏng và khoái trá gặm cục giò heo bự chảng. Có đứa nuốt nước miếng đánh ực một cái.

 

Thằng Thanh kể về tô mì Quảng. Nghe hắn tả sợi mì vàng nần nẫn, mềm mà dai với những lát chả cá, miếng thịt đùi heo béo ngập chân răng, rồi đậu phộng giã dập rắc lên, chan với thứ nước lèo ninh xương thêm ít quả su su thái mỏng, mà thấy lịm người. Ăn chưa xong tô thứ nhất đã muốn gọi tiếp tô thứ hai. Ông thầy “xu hào” dè dặt dọn ra những món bánh ướt, bánh hỏi. Thằng Hùng đem khoe những món nhậu hải sản như mực tươi nướng, sò huyết, gỏi cá mai… Hắn bảo phàm là các thứ hải sản thứ gì chén ngay trên biển cũng đậm đà và đặc biệt không tanh. Ấy là cái thú ăn tươi “giãy đành đạch”, không gì sánh nổi.

 

Bỗng nhiên thằng Luận kêu “ối” lên một tiếng rồi ngả vật xuống cái giường đánh cái rầm. Hắn xua tay bằng cái giọng cải lương: “Thôi thôi, trẫm xin các khanh. Đừng kể nữa, kẻo ta thèm… muốn chết!”. Đến lượt mình, Tuệ lắc đầu quầy quậy. “Quê tớ chó ăn đá gà ăn sỏi, chả có món gì đáng nói. Nhưng mà này, các cậu đã chén thịt cóc bao giờ chưa?” Mắt thằng Thọ sáng lên. “Anh biết mần thịt cóc? Tay nghề bậc mấy?”. Tuệ gật. “Tương đương bậc sáu trên bảy. Nhưng tớ nói thật, bất kể ai làm món này tớ cũng xin vái. Bổ thì có bổ thật nhưng lơ tơ mơ tắc đái như bỡn!”. Thằng Hùng chẹp chẹp miệng: “Cả tháng ni chưa nhậu được bữa nào. Thèm muốn đứt cái cần cổ!”

 

Thọ sốt sắng nhảy ngay xuống đất: “Có chỗ ni cóc nhiều vô thiên lủng. Hùng, mi đi với tau hí. Ở nhà, ông Thanh ráng ngoại giao ít bột mì hay bột gao chi đó, nhớ kiếm chút dầu hãy mỡ để rán. Hào với Luận, hai “thầy” lo chuẩn bị bếp phụ với anh Tuệ nghe”. Tính thằng Thọ đã nói là làm, không chút chần chừ. Thằng Thanh cười: “Cóc đang ở ngoài ruộng sao đã vội bắc nồi lên bếp?” Lập tức chàng “xu hào” thò cổ xuống: “Thôi lạy các tía. Cho tui xin kiếu, nhà tui con một!”.

 

3

Gần hai tiếng sau, Hùng và Thọ trở về. Cả hai đứa bê bết bùn đất nom như vừa móc dưới cống lên. Thằng Hùng chuồi một bao xác rắn lùng nhùng ra giữa nhà. Lập tức, Tuệ hối cả bọn kéo nhau ra bể nước. Lũ cóc vàng, cóc đen chen nhau nhộn nhạo, tiếng kêu óc óc. Tuệ cầm từng con lên phăng bỏ đầu, rạch dọc sống lưng lột bỏ da, bóc hết ruột gan rồi rửa sạch. Lưng chậu cóc được xát muối rửa đi rửa lại thật kỹ. Thịt cóc trắng ngần như thịt gà bóc. Để một lúc cho ráo nước rồi đem băm nhỏ và tẩm bột mì. Cái bếp dầu được mượn về đặt chình ình ngay giữa phòng. Chảo mỡ già lửa sôi xèo xèo. Mùi thơm dậy lên điếc mũi. Các phòng bên nháo nhác đổ ra hành lang hít hà đánh tiếng truy tìm bọn nào chơi ác, “tra tấn” nhau quá.

 

Đôi đũa trên tay Tuệ đảo qua đảo lại như múa. Đĩa chả cóc cứ đầy lên tú hụ. Thằng Hùng nhón một miếng chả nóng hôi hổi đưa lên miệng. Hắn gần như nuốt trọng rồi bỗng nhiên hai mắt trợn ngược lảo đảo lăn đùng ra giường. “Thôi rồi, Lượm ơi! Chết tui!”. Cả bọn sợ đến… vãi linh hồn, bèn xúm lại đứa nắn chân, đứa sờ đầu. Tức thì, thằng quỷ sứ lừ lừ mở mắt rồi nhe răng cười ha hả: “Cha mẹ ơi, từ thủa bé tới giờ chưa khi mô con được ăn món chi ngon như rứa!”. Thằng Thọ cau mặt: “Đồ thiên lôi! Làm tụi này hồn vía lên ngọn cây”. Những tiếng cười hỉ hả, xí xóa.

 

Thằng Luận nhanh nhảu trải tờ báo lên giường và bày chén đũa ra. Hắn quay mặt che cái miệng vừa nuốt nước bọt. “Mời quý vị đừng khách sáo, cứ dùng thật lực, các cháu trong nhà đã có roi!”. Chưa hết, hắn lại tiếp lời: “ Này anh em, tui có ý kiến thế này, không nên vì sợ chết mà hoãn cái sự sung sướng lại.” Thằng Thanh càu nhàu: “Thôi dẹp ngay chén đũa, ăn bốc mới ngon”. Tuệ lôi trong cái hòm nhôm ra một chai 65 còn phân nửa chai rượu gạo. Những tiếng ồ à khoái trá. Năm đứa ngất ngưỡng ngồi xếp bằng trên giường. “Ông thầy Hào mô rồi, lẹ lên.” Người đang quấn mền kín mít thò đầu ra lúng búng: “Các vị cứ thiên thiên. Cóc nhái tui ít dùng, lỡ chết thì lãng xẹt!”

 

Rượu đã rót ra, Tuệ cau mày: “Gượm đã! Đứa mô còn nợ nần vướng víu chi thì viết giấy dặn lại”. Thằng Thọ bảo thôi, cùng lắm rủi có chết thì tụi mình chôn chung, lập bia “Mả mấy thằng ăn thịt cóc” là xong chớ gì. Tiếng cụng ly đánh cạch. “Đồng ý!” Tiếng nhai giòn rụm, tiếng xuýt xoa. Ngon muốn quắt cả lưỡi. Thằng Thanh chống đũa nhướng lên phía trên: “Xuân Hào xuống măm thử miếng coi, làm gì ngó bộ dễ xa nhau vậy?” Im lặng. Hùng cự nự: “Ông Hào, ông một vừa hai phải thôi chớ, dám biểu tụi này là cóc nhái hử?” Tuệ gạt ngang: “Thôi, chén đi kẻo nguội, mất ngon”. Thằng Luận lầu bầu: “Đúng là cái đồ xu hào, không đáng giá một đồng trinh!”

 

Cả bọn cười nói rổn rảng. Có tí hơi men, bốc ra phết. Không hiểu sao Tuệ có cảm giác nghen nghét đắng trong miệng. “Một con ngựa đau…”. Đằng này, ngựa không đau, ngựa lành mà vẫn chê cỏ, thế mới buồn. Đúng là mất sướng!

 

Trưa ngả sang chiều. Thằng Thọ thức giấc trước tiên. Chợt nhớ ra là mình vừa chén thịt cóc, hắn ngỡ mình đang ở mãi đâu dưới chốn âm ty địa ngục. Hắn tự véo vào đùi mình và cảm thấy đau nhói. Vậy là hãy còn sống! Thế rồi, hắn rón rén đi đến từng giường khẽ cấu chân Luận, Thanh, Hùng… hóa ra cả bọn vẫn còn sống nhăn. Thằng Luận đang kéo gỗ rung nhà, cái giai điệu ngáy của hắn vẫn như mọi khi, cứ lên bổng xuống trầm. Cái anh chàng dân miệt biển nói mê ú ơ, giấu một nét cười sảng khoái. Thằng Thanh đang chóp chép cái miệng, coi bộ ngon lành. Bên ngoài, chừng mưa đã tạnh…

 

Tuệ bảo với Thọ: “Hết mưa rồi. Mở cửa cho thoáng chút. Ngộp quá!”

 

__________

(1)Thơ Hàn Mặc Tử.

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Bức tử hiện tại – Hoà Bình

>> Sương hồng – Lê Minh Khuê

>> Cuộc tìm nhau – Lê Quang Trạng

>> Táo cắn dở – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Trung thu của cu Tin – Y Nguyên

>> Bóng đổ nơi chân sóng – Hoàng Việt Hằng

>> Lặng yên ngưng đọng – Vĩnh Thông

>> Kiếp hoa – Vũ Minh Nguyệt

>> Phép mầu từ chiếc nhẫn – Trương Tri

>> Người săn côn trùng – Tống Ngọc Hân

>> Thế hệ thứ ba – Bùi Tự Lực

>> Vá đồng – Nguyễn Hồng

>> Giải cứu – Vũ Thị Huyền Trang

>> Tân Cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…