Nguyễn Nhật Ánh viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó

816

12.01.2018-11:45

 Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

Viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó

 

MAI QUỲNH NGA thực hiện

 

NVTPHCM- Mỗi lần nhìn Nguyễn Nhật Ánh, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng ông không phải là nhà văn 62 tuổi. Ẩn trong hình hài đó là một… cậu bé. Năm nào “cậu bé” cũng mang đến cho tuổi thơ món quà mới, kể nhau nghe câu chuyện nghịch ngợm, những rung động đầu đời đầy mắc cười, hồn nhiên. Năm nay, câu chuyện dễ thương ấy gửi trong “Cây chuối non đi giày xanh”.

 

* Người ta cứ ngỡ sau “Ngày xưa có một chuyện tình”, nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh thời gian tới sẽ lớn lên thêm, sẽ có những lắt léo, hỗn độn của đời sống người lớn. Thế nhưng, với tác phẩm mới toanh “Cây chuối non đi giày xanh”, ông trở lại câu chuyện quen thuộc: tình yêu ẩm ương tuổi mới lớn.

 

Tôi nghĩ rằng mỗi nhà văn đều có cảm hứng về một đề tài nhất định. Nhà văn viết hay nhất, xúc động nhất khi viết về những gì mình đau đáu. Nếu đọc kỹ nhiều tác phẩm, độc giả sẽ thấy nhà văn này bị ám ảnh bởi cái gì. Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ. Tôi sống xa quê hương, xa đất đai quê xứ, xa tuổi thơ rất sớm nên tâm hồn tôi luôn neo vào bến tuổi thơ.

 

Mỗi lần chạm vào bờ bến đó, trong tôi tràn ngập kỷ niệm êm đềm. Đầu óc tôi hiện ra bao nhiêu là ý tưởng, bao nhiêu là cảm xúc. Nhiều người hỏi sao anh không viết về hiện thực xã hội bây giờ. Hiện thực mà họ nói là những chuyện tối tăm, xấu xa mà chúng ta thấy báo chí phản ánh hằng ngày. Tôi trả lời rằng mỗi xã hội, mỗi con người đều song song tồn tại phần tăm tối và tươi sáng.

 

Viết về tuổi thơ là cách tôi đánh thức phần tươi sáng có sẵn trong mỗi con người, có sẵn trong cuộc đời. Tôi không phải mất công thêm thắt, bịa đặt hay tô hồng nó. Tuổi thơ là vùng quê hương để tôi trở về khi ngồi trước trang giấy. Lúc ấy, tôi cảm thấy lòng mình quá đỗi bình yên và yêu đời.

 

Với tôi, văn chương giống như khu vườn. Có người bắt sâu, người trồng hoa, người xới đất… Mỗi người một nhiệm vụ thì khu vườn mới xanh tốt. Tâm tính của tôi phù hợp với tuổi thơ nên có thể tôi sẽ viết mãi về tuổi thơ. Những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm.

 

* Nghĩa là ông sẽ chẳng bao giờ thử làm mới mình một lần nữa?

 

– Nói như vậy không có nghĩa là tôi không nghĩ đến chuyện viết khác đi. Nhà văn nào cũng có nhu cầu làm mới mình. Có những lúc tôi tìm cách chống lại chính mình. Tôi muốn viết một cái gì đó khác trước đây. Mà có lẽ đã đến lúc tôi phải viết cái gì đó khác vì ở đề tài tuổi thơ, tôi đã viết đủ để thỏa mãn tâm hồn, tình cảm của mình rồi. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu nhân vật đã được tái hiện lại trong sách. Coi như là khá đủ đầy. Đến lúc tôi không còn thao thức về tuổi thơ của mình nữa thì lúc đó tôi sẽ viết một cuốn sách khác. Nhưng chừng nào tôi viết thì đó là bí mật ngay cả chính tôi cũng không biết.

 

* Cũng viết về tuổi thơ nhưng “Ngày xưa có một chuyện tình” là tác phẩm có nhiều cái mới của ông. Ngoài câu chuyện thì kỹ thuật viết cũng có nhiều thay đổi. Thay bằng giọng tự sự một chiều của nhân vật tôi ở hầu hết tác phẩm trước đây, giọng văn “Ngày xưa có một chuyện tình” chia đều cho bốn nhân vật để mỗi người chia sẻ cách nhìn của mình. Đột phá là vậy nên khá nhạc nhiên khi mọi thứ ở “Cây chuối non đi giày xanh” khá giống những cuốn sách trước đây.

 

Thật ra mỗi cuốn sách đều khác nhau. Tôi đổi mới một cách thận trọng từng chút trong tác phẩm. Cũng không hẳn mình phải viết cuốn sách hoàn toàn mới so với cuốn trước đó. Mỗi cuốn sách đều có một nhiệm vụ, sứ mệnh riêng.

 

Chẳng hạn khi viết “Tôi là Bê tô”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, tôi muốn đưa vào sách tất cả những chiêm nghiệm, triết lý cuộc sống. Lúc đó tôi nghĩ rằng sống đến tuổi này, mình đã có bao chiêm nghiệm và bài học quý báu từ cuộc sống. Mình có lượng độc giả rất đông, tại sao không nhân cơ hội để đưa những chiêm nghiệm, bài học ý nghĩa đó vào sách để truyền cho bạn đọc trẻ.

 

Còn khi viết “Cây chuối non đi giày xanh” hay “Bảy bước đến mùa hè”, tôi không thể đưa toàn triết lý vào sách được. Thể loại đó, cách kể chuyện đó, không khí đó hoàn toàn không phù hợp cho những chiêm nghiệm từng trải.

 

Tôi viết cuốn nào cũng ý thức rất rõ rằng cuốn đó sẽ đem lại điều gì. Trước đây, sách của tôi chứa nhiều đối thoại mà ít tả cảnh, đặc biệt là cảnh thiên nhiên. Thành ra viết cuốn “Ngồi khóc trên cây”, tôi hạn chế đối thoại để nhường đất miêu tả cảnh thiên nhiên thật nhiều. Đây có thể coi là cuốn sách ít đối thoại nhất của tôi. Khi cầm bút, cái quan trọng nhất với tôi không phải là đổi mới thế nào, cách viết thay đổi ra sao, nó giống hay khác tác phẩm trước mà phải xem tác phẩm ấy đem lại điều gì cho người đọc. Trên hết là đem lại điều gì cho người viết.

 

* Vậy “Cây chuối non đi giày xanh” đem lại gì cho ông?

 

– “Cây chuối non đi giày xanh” ra đời vì tôi muốn viết một cuốn sách mà tâm hồn cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng. Nếu như “Hạ đỏ”, “Bảy bước tới mùa hè”… chỉ gói ghém câu chuyện trong vòng một mùa hè thì “Cây chuối non đi giày xanh” trải dài câu chuyện từ tiểu học đến cấp hai. Tôi nghĩ câu chuyện xảy ra trong một mùa hè thì nó ngắn qua, không diễn tả hết được thay đổi về tình cảm, tâm hồn nhân vật. Ở truyện này tôi để khoảng thời gian dài hơn để tình cảm phát triển logic.

 

* Điểm lại các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sẽ dễ dàng nhận thấy ông viết nhiều cho tuổi mới lớn chứ ít tác phẩm dành cho trẻ con. “Cây chuối non đi giày xanh” cũng vậy. Thời tiểu học xuất hiện không nhiều so với tuổi cấp hai. Trong khi đó làng văn không ngừng la ó vì tình trạng thiếu hụt trầm trọng các tác phẩm viết cho độc giả nhỏ tuổi. Vì sao ông không khai thác thêm lứa tuổi này?

 

– Thật ra, một trong những mơ ước của tôi là viết cho lứa tuổi nhỏ hơn nữa chứ không chỉ tập trung vào lứa tuổi 13, 14.  Những câu chuyện không chỉ trong trẻo mà phải trong suốt kia. “Đảo mộng mơ” là một trong những cuốn mà tôi tự thử thách mình khi khai thác lứa tuổi rất nhỏ. Nhân vật trong “Đảo mộng mơ” chỉ mới 10 tuổi và câu chuyện chỉ xoay quanh đống cát.

 

Về mặt lao động chữ nghĩa, tôi thấy viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó. Lứa tuổi càng nhỏ thì cuộc đời chúng càng đơn giản. Cuộc đời của một nhân vật 18 tuổi thì ít phức tạp hơn cuộc đời nhân vật 28 tuổi. Cuộc đời của nhân vật 16 tuổi ít phức tạp hơn tuổi 18. Và 10 tuổi thì càng ít phức tạp hơn nữa. Nhân vật trong truyện càng nhỏ tuổi thì gần như không có gì để viết. Nó chưa có khổ đau, thất tình, chưa có hận thù, chưa có tình tiền tù tội, chưa có va chạm xã hội nhiều… Nên viết cho tuổi nhỏ thì nhà văn phải cực kỳ giỏi.

 

“Đảo mộng mơ” là thử thách gian nan nhất. Đến khi nộp bản thảo, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng. Tuy nhiên, đây là cuốn sách mà tôi rất thích vì nó là cuốn sách trong trẻo nhất của tôi. Không biết đến bao giờ mình mới có thể viết được một cuốn thứ hai như vậy.

 

* “Cây chuối non đi giày xanh” mới ra mắt nhưng đã có người mong nó được chuyển thể thành phim. Đến thời điểm này, Nguyễn Nhật Ánh có thể xem là nhà văn có số lượng tác phẩm được dựng thành phim truyền hình, điện ảnh và kịch nói khá nhiều. Ở lĩnh vực phim điện ảnh, sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, dự kiến sắp tới sẽ có thêm một số bộ phim mới như “Út Quyên và tôi”, “Mắt biếc”… Nhưng dường như chẳng bao giờ người ta thấy Nguyễn Nhật Ánh góp ý hay bất bình nếu phim không bám theo đúng nguyên tác?

 

– Thật ra, mỗi khi chuẩn bị bấm máy, các đạo diễn, nhà biên kịch đều mang kịch bản đến và đề nghị tôi góp ý chỗ nào nên thêm, chỗ nào nên bớt. Tôi hoàn toàn không đọc kịch bản nào hết. Mà chuyện làm phim, nhà văn không thể góp ý được. Bởi bộ phim chính là góc nhìn chủ quan của đạo diễn, nhà biên kịch đối với tác phẩm của nhà văn.

 

NSƯT Việt Linh chuyển “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sang kịch bản thì kịch bản là cái nhìn cá nhân của chị với tác phẩm văn học. Đạo diễn Victor Vũ biến kịch bản thành phim thì nó lại tiếp nhận góc nhìn cá nhân của Victor Vũ. Họ nhìn câu chuyện của tôi bằng con mắt như vậy mà giờ tôi góp ý sẽ khiến câu chuyện trái với hình dung của họ.

 

Giả sử tôi muốn bộ phim đúng ý mình thì tôi không chỉ góp ý ở khâu kịch bản mà còn phải góp ý ở khâu tuyển diễn viên, ra hiện trường để kiểm soát góc quay, đạo cụ, trang phục… Và khi góp ý như vậy tôi không còn là nhà văn nữa mà là phó đạo diễn mất rồi. Tôi tâm niệm rằng nhà văn hãy làm tốt việc viết văn. Còn làm phim hãy để cho đạo diễn. Tác phẩm của mình chỉ là chất liệu để đạo diễn nhào nặn nên đứa con tinh thần của anh ta. Phim hay hoặc dở là nằm ở đạo diễn.

 

Khi phim ra rạp tôi cũng xếp hàng mua vé để xem với tư cách khán giả chứ không phải với tư cách tác giả văn học. Nhờ vậy mình mới có cái nhìn khách quan. Tôi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tổng cộng 3 lần. Lần đầu mình thấy không hay. Ai đã đọc truyện rồi thì trong đầu luôn nảy ra ý so sánh huống gì tôi là tác giả truyện đó. Nhưng tác phẩm văn học và phim điện ảnh là hai ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Khi gạt bỏ được sự so sánh, đến lần xem thứ hai, thứ ba, tôi nhận thấy phim hay. Với “Cô gái đến từ hôm qua” cũng vậy. Nhiều chỗ đạo diễn xử lý rất thông minh. 

 

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

VNCA

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…